Hội Chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud là tình trạng rối loạn co thắt ảnh hưởng đến các mạch máu ở ngón tay, ngón chân. Bệnh nhân Raynaud thường trải qua các giai đoạn thay đổi màu da tay, chân liên tục từ trắng sang xanh và đỏ kèm theo cảm giác ngứa ran, đau nhói. Điều trị hội chứng Raynaud chủ yếu nhằm kiểm soát các đợt bùng phát và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Tổng quan

Hội chứng Raynaud (Raynaud Syndrome/ Raynaud's phenomenon/ Raynaud's Disease) là phản ứng quá mức của mạch máu đối với cảm xúc căng thẳng hoặc nhiệt độ lạnh. Phản ứng này gây hạn chế lưu lượng máu, dẫn đến co thắt các mạch máu nhỏ ở ngón tay và ngón chân.

Hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt các mạch máu ở ngón tay, ngón chân

Hội chứng này được phát hiện bởi bác sĩ người Pháp Auguste Gabriel Raunaud năm 1862. Đặc trưng của bệnh với các triệu chứng như thay đổi máu da, lạnh da và ngứa ngáy, tê bì như kim châm, tiến triển thành từng đợt kéo dài 15 phút. Ngoài ra, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở môi, mũi, dái dai...

Phụ nữ có khả năng mắc hội chứng Raynaud cao gấp 9 lần so với nam giới. Đặc biệt là nữ giới < 30 tuổi, thanh thiếu niên hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh Raynaud/ Ước tính có khoảng 1/20 người mắc phải căn bệnh này.

Phân loại

Hội chứng Raynaud được chia làm 2 dạng chính gồm nguyên phát và thứ cấp. Trong đó:

  • Hội chứng Raynaud nguyên phát: Còn được gọi là bệnh Raynaud xảy ra không xác định được nguyên nhân. Đây là dạng bệnh có tỷ lệ mắc phổ biến nhất. Khoảng 75% phụ nữ mắc hội chứng Raynaud nguyên phát, độ tuổi từ 15 - 40.
  • Hội chứng Raynaud thứ phát: Còn được gọi là hiện tượng Raynaud. Xảy ra do liên quan đến các bệnh lý, vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, tác dụng phụ của thuốc hoặc các yếu tố về lối sống. Dạng bệnh này ít phổ biến hơn thể nguyên phát nhưng nó có xu hướng nghiêm trọng hơn khi mắc phải.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân khởi phát các đợt bùng phát hội chứng Raynaud vẫn chưa được làm rõ. Cơ chế khởi phát xảy ra khi các động mạch ở ngón tay, ngón chân bị thu hẹp lại khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng. Dẫn đến hạn chế lưu lượng máu đến các động mạch này.

Đối với hội chứng Raynaud nguyên phát, gần như là do tự phát vì không có bất kỳ nguyên nhân hay bệnh lý nào được xác định liên quan. Bệnh chỉ khởi phát khi có các điều kiện kích hoạt thuận lợi như:

Nhiệt độ lạnh và stress là 2 yếu tố khởi phát hội chứng Raynaud

  • Thời tiết ngoài trời lạnh;
  • Ở trong phòng máy lạnh;
  • Cho tay vào tủ đông;
  • Cầm một cục đá trên tay;
  • Cảm xúc bất ổn, lo lắng, căng thẳng hoặc phấn khích quá mức;

Nhưng với hội chứng Raynaud thứ phát, có nhiều bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe tìm ẩn khác gây ra bệnh lý này. Có thể kể đến gồm:

  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Các bệnh lý/ hội chứng liên quan như:
    • Ung thư;
    • Bệnh Buerger;
    • Hội chứng ống cổ tay;
    • Viêm da cơ;
    • Viêm đa cơ;
    • Bệnh lupus ban đỏ;
    • Bệnh suy giáp;
    • Bệnh động mạch ngoại biên;
    • Bệnh mô liên kết hỗn hợp;
    • Viêm khớp dạng thấp;
    • Tăng huyết áp phổi;
    • Xơ cứng bì & hội chứng CREST;
    • Viêm mạch máu;
    • Hội chứng lối thoát ngực (TOS);
  • Ảnh hưởng bởi thuốc và hóa chất:
    • Thuốc chẹn beta;
    • Thuốc trị đau nửa đầu chứa hoạt chất ergotamine hoặc sumatriptan;
    • Thuốc thông mũi chứa hoạt chất phenylephrine hoặc pseudoephedrine;
    • Thuốc trị rối loạn tăng động giảm chú ý methylphenidate;
    • Hoạt chất caffein, cocain, nicotin, nhựa epoxy;
    • Hóa trị liệu bằng hóa chất vinblastine, bleomycin;
  • Các tác nhân khác:
    • Tê cóng dưới nhiệt độ quá lạnh, đóng băng;
    • Chấn thương do tác động đập hoặc rung liên tục ở lòng bàn tay, chẳng hạn như khi chơi đàn, dùng búa, cưa, máy cắt...;

Triệu chứng 

Bản chất của hội chứng Raynaud là sự co thắt của các mạch máu, gây cản trở lưu thông máu đến các động mạch nằm xa tim, thường là ngón tay, ngón chân. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những thay đổi trên làn da của bạn. Bao gồm:

Các đầu ngón tay thay đổi màu sắc từ trắng sang xanh và đỏ là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng Raynaud

  • Thay đổi màu sắc da: Hội chứng Raynaud có thể khiến bạn bị đổi màu da trong thời gian ngắn, trải qua 3 giai đoạn thay đổi màu sắc da từ trắng sang xanh đỏ đỏ. Cụ thể do các nguyên nhân sau:
    • Da chuyển màu trắng: Do các động mạch ở ngón tay, ngón chân bị ảnh hưởng và không hoạt động bình thường;
    • Da chuyển màu xanh: Khi các động mạch không nhận đủ máu gây thiếu oxy khiến da có màu xanh, tím tái;
    • Da chuyển màu đỏ: Là khi máu đang dần quay trở về các động mạch nên da dần trở lại màu đỏ hồng hào;
  • Cảm giác lạnh, tê liệt: Xảy ra khi các ngón tay, ngón chân hoặc bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt máu chứa oxy.
  • Ngứa ran, đau nhói: Khi dòng máu quay trở về các động mạch ở khu vực bị ảnh hưởng. Khoảng vài giờ sau đó, các bộ phận này sẽ có cảm giác đau nhói và ngứa ran.
  • Viêm loét, hoại tử: Tần suất bùng phát các đợt triệu chứng của hội chứng Raynaud thường quá thường xuyên có thể hình thành các vết loét, sưng đau trên đầu ngón tay. Một số trường hợp hiếm có thể gây chết mô, dẫn đến hoại tử do thiếu oxy kéo dài.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng Raynaud và xác định thể nguyên phát hay thứ phát, bệnh nhân sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra sau:

Soi mao mạch nền móng dưới kính hiển vi giúp phân loại hội chứng Raynaud nguyên phát hoặc thứ phát

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp. Sau đó, soi mao mạch móng tay để phát hiện các khu vực mao mạch mở rộng bất thường.
  • Xét nghiệm công thức máu: Các chỉ số công thức máu cho phép phát hiện các vấn đề sức khỏe và bệnh lý bất thường.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Nhằm đánh giá và kiểm tra các bệnh lý tự miễn dịch.
  • Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Phát hiện tình trạng viêm nhiễm, phát hiện các vấn đề rối loạn thấp khớp hoặc tự miễn dịch liên quan đến hội chứng Raynaud thứ phát;
  • Các xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm nước tiểu;
    • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF);
    • Ghi thể tích xung;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm loét da và hoại tử mô là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng Raynaud. Biến chứng này xảy ra do việc giảm đột ngột lưu lượng máu đến các mạch máu ở ngón tay hoặc ngón chân. Bệnh nhân có thể sẽ phải cắt bỏ chi để ngăn ngừa hoại tử lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Raynaud đều không quá nghiêm trọng, có thể dễ dàng cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà hoặc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị

Mục tiêu điều trị hội chứng Raynaud chủ yếu nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát, cải thiện mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng loét da. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh, dạng bệnh nguyên phát hoặc thứ phát, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc thường được chỉ định điều trị hội chứng Raynaud thứ phát. Bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc có tác dụng kiểm soát huyết áp và giãn mạch máu, cải thiện triệu chứng.

Điều trị hội chứng Raynaud bằng các loại thuốc làm giãn mạch máu và tăng lưu lượng máu ở bàn tay, bàn chân

Trường hợp tổn thương da nặng, có vết loét có thể dùng các loại kem bôi chứa các hoạt chất dưới đây:

  • Thuốc chẹn kênh canxi:
    • Amlodipine (Norvasc);
    • Nifedipine (Procardia, Afeditab CR);
    • Isradipine;
    • Felodipine;
  • Thuốc chẹn alpha: Đây là loại hormone làm co mạch máu giúp chống lại norepinephrine.
  • Thuốc mỡ bôi da Nitroglycerin: Kem bôi giúp cải thiện các vết loét trên da.
  • Thuốc giãn mạch:
    • Thuốc huyết áp Losartan (Cozaar);
    • Thuốc chống trầm cảm Fluoxetine (Sarafem, Prozac);
    • Thuốc trị rối loạn cương dương Sildenafil (Viagra, Revatio);
    • Thuốc Prostaglandin;

Phẫu thuật

Những trường hợp mắc hội chứng Raynaud nghiêm trọng, tần suất bùng phát ngày càng thường xuyên, mất cảm giác hoàn toàn ngón tay, ngón chân và không đáp ứng với các biện pháp điều trị trên sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật liên quan đến việc cắt bỏ các dây thần kinh liên kết với các mạch máu trên da, hay còn gọi là thủ thuật cắt bỏ giao cảm. Nhằm ngăn chặn các dây thần kinh gửi tín hiệu khiến mạch máu bị thu hẹp. Kết quả thường chỉ kéo dài trong vòng 1 - 2 năm và phải tái phẫu thuật trong tương lai.

Ngoài ra, một số trường hợp hội chứng Raynaud nặng có thể được chỉ định tiêm botox A nhằm ức chế quá trình giải phóng acetylcholins, ngăn chặn ức chế dẫn truyền thần kinh, cải thiện cơn đau và thúc đẩy lưu lượng máu đến các đầu ngón tay, ngón chân.

Chăm sóc tại nhà 

Bên cạnh các biện pháp trên, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để cải thiện triệu chứng:

Giữ ấm tay chân và kiểm soát căng thẳng giúp giảm tần suất bùng phát các đợt triệu chứng Raynaud

  • Làm ấm tay và chân hoặc xả nước ấm để làm giãn các mạch máu;
  • Giữ ấm kỹ lưỡng khi trời lạnh bằng găng tay, tất, mũ, giày...;
  • Không nên ở trong phòng máy lạnh hoặc các kho đông lạnh;
  • Chăm sóc da kỹ lưỡng, bôi dưỡng ẩm để tránh gây khô, nứt nẻ da tay;
  • Tập hít thở sâu hoặc thiền định để kiểm soát các kích thích thần kinh;

Phòng ngừa

Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với hội chứng Raynaud, tuy nhiên bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ tái phát:

  • Giữ ấm cơ thể, che chắn kỹ lưỡng bàn tay, bàn chân.
  • Tránh chạm tay vào kim loại lạnh;
  • Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ lạnh;
  • Học cách kiểm soát căng thẳng hoặc kích động quá mức;
  • Tập thể dục điều độ hàng ngày nâng cao sức khỏe tổng thể, kiểm soát cân nặng và cải thiện giấc ngủ;
  • Cai thuốc lá;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị thay đổi màu da ngón tay, ngón chân là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tại sao tôi mắc hội chứng Raynaud?

3. Tôi mắc hội chứng Raynaud dạng nào?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng Raynaud?

5. Hội chứng Raynaud có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?

6. Điều trị hội chứng Raynaud bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Tôi cần làm gì để tránh bùng phát đợt co thắt mạch máu trong hội chứng Raynaud?

8. Tôi có nên phẫu thuật cắt giao cảm điều trị hội chứng Raynaud không?

Hội chứng Raynaud thường không nguy hiểm, nhưng lại gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Ngày đăng 16:11 - 11/05/2023 - Cập nhật lúc: 16:12 - 11/05/2023
Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua