Các giai đoạn của bệnh giời leo thường kéo dài trong khoảng 5 – 7 ngày. Việc xác định giai đoạn của bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng khi áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.

Các giai đoạn phát triển của bệnh giời leo
Giời leo là một dạng viêm da tiếp xúc, xảy ra khi làn da tiếp xúc với hóa chất axit phosphoric có trong vết cắn của các loài côn trùng.
Tổn thương da do giời leo thường phát triển theo từng giai đoạn với những đặc điểm riêng biệt. Việc xác định được giai đoạn cụ thể của bệnh sẽ giúp bạn có các biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.
1. Da ngứa và đỏ nhẹ
Giai đoạn đầu của bệnh giời leo xảy ra khi da vừa tiếp xúc với côn trùng. Sau khoảng vài phút, da sẽ có dấu hiệu ngứa nhẹ và đỏ hơn bình thường.

Khác với zona thần kinh, tổn thương da do giời leo thường chỉ khu trú tại vị trí tiếp xúc với côn trùng.
2. Xuất hiện hồng ban, sưng và đau rát
Sau khoảng vài giờ, vùng da này sẽ xuất hiện vết hồng ban đi kèm với triệu chứng sưng nhẹ và đau rát.

Phạm vi của vết hồng ban phụ thuộc vào hàm lượng axit phosphoric từ côn trùng. Một số trường hợp có thể xuất hiện một vết hồng ban lớn, tuy nhiên một số người có thể xuất hiện nhiều vết hồng ban nằm sát nhau.
3. Nổi các mụn nước và ngứa ngáy dữ dội
Sau khoảng 12 giờ, các mụn nước bắt đầu hình thành tại vùng da tổn thương. Mụn nước do giời leo có hình tròn với số lượng và kích thước đa dạng.

Mụn có thể xuất hiện nhiều với kích thước nhỏ, nằm khu trú trên vết hồng ban. Hoặc có thể hình thành 1 – 3 mụn nước phồng rộp to và gây đau. Nếu giời leo xảy ra ở trẻ em, cơ thể trẻ có thể phản ứng bằng cách sốt nhẹ và sưng hạch bạch huyết.
Lúc này, triệu chứng ngứa sẽ biểu hiện rõ hơn trong 2 giai đoạn đầu. Tuy nhiên bạn cần tránh gãi và cào lên mụn nước vì tác động này có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
4. Mụn nước vỡ và hình thành các vết loét
Sau khoảng 3 ngày, các mụn nước bắt đầu vỡ, sau đó da sẽ bớt bỏng rát và bắt đầu đóng mài. Mài do mụn nước vỡ sẽ bong sau khoảng 1 – 2 ngày.

Lúc này triệu chứng ngứa ngáy và nóng rát thường có xu hướng thuyên giảm, bạn có thể nhận thấy da hơi đau rát và ngứa râm ran.
5. Da liền và phục hồi
Sau khi vảy bong hoàn toàn, vùng da tổn thương sẽ liền lại và dần phục hồi. Tuy nhiên ở vùng da này thường sẽ xuất hiện vết thâm hoặc đỏ do giời leo để lại. Bên cạnh đó, vết thâm này vẫn có thể gây ngứa và rát nhưng mức độ thường nhẹ hơn trong giai đoạn đầu và giữa.
Tất cả giai đoạn của bệnh giời leo thường tiến triển và kéo dài trong khoảng 7 ngày. Ở một số trường hợp có da nhạy cảm, tổn thương có thể kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày.
Điều trị bệnh giời leo theo từng giai đoạn cụ thể
Hầu hết các trường hợp giời leo đều được điều trị bằng cách chăm sóc và dùng thuốc bôi ngoài. Tuy nhiên các loại thuốc này phải được sử dụng vào từng giai đoạn thích hợp. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể làm nghiêm trọng các tổn thương da và triệu chứng do giời leo gây ra.
1. Giai đoạn chưa hình thành mụn nước
Sau khi tiếp xúc với côn trùng, bạn nên rửa vùng da bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bớt hàm lượng axit phosphoric. Sau đó có thể bôi các loại thuốc sát trùng như hồ nước, kẽm oxit,…
2. Giai đoạn hình thành mụn nước và vỡ mủ
Ở giai đoạn này, nên sử dụng các dung dịch có khả năng sát trùng và kháng virus như xanh methylene, thuốc tím hoặc chế phẩm có chứa steroid như Gentrison, Fobancort, Flucinar,…

Trong giai đoạn mụn nước xuất hiện, bạn có thể bị ngứa ngáy dữ dội và bứt rứt. Để làm giảm triệu chứng này, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng histamine H1 như Phenergan, Loratadin và Cetitrizin.
3. Giai đoạn liền sẹo
Khi da bắt đầu liền sẹo, bạn có thể sử dụng các loại thuốc gây tê tại chỗ như lidocaine gel/ miếng dán để làm giảm triệu chứng đau rát và ngứa ngáy.
Bên cạnh đó bạn cũng có thể dùng các loại kem dưỡng ẩm để thúc đẩy collagen hình thành và làm mờ các sắc tố đậm màu trên vùng da tổn thương. Ngoài ra trong giai đoạn này, bạn nên hạn chế để vùng da non tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và ánh nắng trực tiếp.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân bị giời leo
Tổn thương da do giời leo gây ra có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại các vết thâm sẹo lớn nếu không được chăm sóc đúng cách.
Ngược lại nếu kết hợp đồng thời giữa việc dùng thuốc và chăm sóc hợp lý, da sẽ nhanh chóng liền sẹo và hạn chế tối đa tình trạng hình thành vết thâm.

Các biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân bị giời leo, bao gồm:
- Vệ sinh da với nước muối sinh lý hằng ngày và tránh cào, gãi nhằm hạn chế tình trạng bội nhiễm.
- Hạn chế ăn các thực phẩm có khả năng gây ngứa như thịt bò, trứng, rau muống, hải sản,…
- Nên bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và nước nhằm giảm khô da và hạn chế ngứa ngáy.
- Tập trung vào các thực phẩm có khả năng thúc đẩy sản sinh collagen như bơ, cá hồi, đậu nành,… nhằm giúp da nhanh liền sẹo và hạn chế thâm sạm.
- Nếu dùng thuốc bôi chứa steroid, chỉ nên dùng dưới 10 ngày và tránh thoa quá trên phạm vi rộng.
- Khi có các dấu hiệu như sốt cao, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, buồn nôn,… bạn nên liên hệ với bác sĩ để được điều trị và xử lý kịp thời.
Bài viết đã tổng hợp các giai đoạn của bệnh giời leo và các phương pháp điều trị theo từng giai đoạn cụ thể. Nếu áp dụng loại thuốc phù hợp và chăm sóc đúng cách, triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng 7 – 10 ngày.
Tham khảo thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!