Viêm tai giữa ở trẻ em – Biểu hiện nhận biết và cách điều trị

Viêm tai giữa ở trẻ em là tình trạng viêm lớp niêm mạc lót trong tai giữa. Bệnh thường xuất phát sau khi trẻ mắc phải các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong một số trường hợp bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng đôi khi chúng chuyển biến nặng và gây biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thính giác. Do đó, cha mẹ không nên lơ là mà cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để khám và chữa trị.

I. Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là do vi khuẩn từ vòm họng chạy ngược lên vòi nhĩ rồi lên tai giữa gây nên. Bên cạnh đó, bệnh hình thành cũng có thể là do các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp gây nên như bệnh dị ứng, cảm cúm, cảm lạnh hoặc viêm amidan,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Tỷ lệ bệnh viêm tai giữa ở trẻ em tăng nhanh có thể là do các yếu tố nguy cơ sau:
- Tuổi tác: Trẻ từ độ tuổi 6 tháng tuổi đến 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa khá cao. Nguyên nhân là do hình dạng và kích thước của ống eustachian chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng chúng sưng và gây tắc nghẽn khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa, gây viêm
- Thời tiết: Thông thường, trẻ bị viêm tai giữa thường phổ biến vào mùa thu và mùa đông. Đây chính là thời điểm thời tiết thay đổi, không khí lạnh và ẩm thấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Từ đó gây nên các bệnh về đường hô hấp dẫn đến viêm tai. Chưa kể đến, ở thời điểm này, nhiều trẻ bị dị ứng theo mùa thường có khả năng mắc bệnh viêm tai giữa khá cao, nhất là khi lượng phấn hoa trong gió cao
- Hở vòm miệng: Tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa ở những đứa trẻ bị hở hàm ếch thường khá cao. Lý do là vì cấu trúc xương và cơ ở những đứa trẻ này thường có sự khác biệt có thể khiến ống eustachian khó thoát nước, làm tăng khả năng viêm tai
- Yếu tố khác: Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, trẻ bú bình sai cách, môi trường và nguồn nước nơi trẻ sống bị ô nhiễm,… có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ
II. Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa ở trẻ em thường xuất hiện với các biểu hiện đặc trưng như chảy dịch mủ ở tai, trẻ quấy khóc và khó ngủ. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và độ tuổi mà triệu chứng nhận biết bệnh cũng trở nên khác nhau. Cụ thể như:
- Trẻ nhũ nhi: Chảy nước mũi ở tai, đau tai nên trẻ thường hay quấy khóc. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên dùng tay dụi hoặc cấu vào tai, Ngoài ra, cha mẹ có thể thấy nhận biết bệnh qua các dấu hiệu như trẻ chán ăn, tiêu chảy, sốt cao hoặc nôn. Nếu kéo vành tai hoặc ấn vào vùng tai sẽ khiến trẻ khóc thét vì đau
- Viêm tai giữa ở trẻ lớn: Chảy nước mủ và trẻ thường kêu đau nhức ở tai. Bên cạnh đó, bệnh còn gây đau nhức, mất thăng bằng, ăn không ngon hoặc nghe kém. Mặt khác, trẻ có thể bị sốt trên 38 độ C

Khi nào cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra?
Phụ huynh nên đưa con đến ngay bệnh viện để bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh khi thấy các triệu chứng viêm tai giữa sau đây:
- Các biểu hiện bệnh kéo dài hơn một ngày
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường xuyên khóc và có triệu chứng chảy dịch mủ ở trai
- Trẻ lớn bị đau nhức ở tai hoặc có biểu hiện chóng mặt
- Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị mất ngủ sau khi bị viêm đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh
III. Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em
Theo các chuyên gia Tai – Mũi – Họng, hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em đều không gây các biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, nếu bệnh thường xuyên tái phát và điều trị không kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng sau:
- Mất thính lực: Là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Nguyên nhân là do nhiễm trùng tai khiến chất lỏng trong tai làm màng nhĩ bị tổn thương. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng này kéo dài dẫn đến thính lực suy giảm hoặc mất thính lực tạm thời. Tuy nhiên, ở một số trường hợp mất thính lực hoàn toàn
- Trẻ chậm phát triển về kỹ năng nói: Ở trẻ mới biết đi hoặc trẻ sơ sinh, nếu thính lực bị suy giảm, cho dù là tạm thời hoặc vĩnh viễn, trẻ có thể gặp phải hiện tượng chậm nói
- Viêm tai xương chũm: Là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Bệnh này xuất hiện với triệu chứng sốt cao hoặc trẻ bị đau tai với cơn đau lan lên nửa đầu. Bên cạnh đó, bệnh còn kèm theo biểu hiện chảy mủ tai tăng hoặc ngừng chảy mủ đột ngột. Trong trường hợp này nếu không điều trị sớm, viêm tai xương chũm có thể chuyển sang mạn tính, đôi khi đe dọa đến tính mạng trẻ.
Ngoài các biến chứng nêu trên, viêm tai giữa ở trẻ em còn có thể gây rách màng nhĩ sau 72 giờ. Do đó, để tránh để lại tai biến nguy hiểm, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện khám, chẩn đoán và chữa bệnh theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
IV. Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh viêm tai giữa ở trẻ em dựa vào các triệu chứng mô tả từ phía cha mẹ. Bên cạnh đó, để xác định chính xác tình trạng viêm ở trẻ, họ sẽ dùng máy soi tai khí nén để soi và kiểm tra màng nhĩ trẻ. Dụng cụ này sẽ cho phép bác sĩ nhìn vào tai và đánh giá xem chất lỏng có tồn tai ở sau màng nhĩ hay không. Nếu trẻ bị viêm, tai giữa chứa đầy chất lỏng và màng nhĩ sẽ không có sự chuyển động.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm sau đây để chẩn đoán bệnh:
- Đo nhĩ lượng: Giúp đo và kiểm tra tính toàn vẹn của chức năng màng nhĩ bằng cách bịt kín ống tai và điều chỉnh áp suất không khí trong tai khiến màng nhĩ di chuyển. Phép đo này sẽ giúp phát hiện những rối loạn ở tai giữa ngay ở những người không hoặc có bị giảm thính lực
- Phản xạ âm học: Giúp đo lượng âm thanh phản xạ lại từ màng nhĩ. Nếu màng nhĩ hấp thụ hầu hết âm thanh, chứng tỏ trẻ không có vấn đề về tai giữa nhưng nếu có nhiều chất lỏng trong tai giữa, màng nhĩ sẽ phản xạ càng nhiều
- Một số phương pháp chẩn đoán khác: Chọc màng nhĩ và hút dịch kiểm tra hoặc các biện pháp kiểm tra thính lực khác
V. Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị bệnh phù hợp. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng thuốc
Ở một số trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em không cần điều trị, triệu chứng bệnh sẽ tự khỏi ngay sau đó vài ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em do vi khuẩn Hemophilus Influenza, liên cầu hoặc phế cầu gây nên, bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh nhóm B lactam để điều trị bệnh. Đồng thời, để kiểm soát cơn đau nhức do bệnh gây nên, cha mẹ có thể cho còn dùng các loại thuốc sau đây:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen và ibuprofen (Advil, Motrin IB) không kê đơn có thể được xem là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện triệu chứng đau nhức ở trẻ. Nhưng, trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh cho con, cha mẹ nên chú ý về liều lượng và thời gian dùng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh trường hợp dùng quá liều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ
- Thuốc gây tê: Một số loại thuốc thuộc nhóm này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đau nhức do viêm tai giữa gây nên. Thế nhưng, thuốc chỉ được dùng trong trường hợp viêm tai giữa không gây rách ở màng nhĩ. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng
Ngoài các thuốc này ra, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, bác sĩ có thể cho con trẻ sử dụng các loại thuốc thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ tai để cải thiện triệu chứng bệnh ở con như otipax, ciplox,.. Lưu ý, thuốc nhỏ cần được thực hiện bởi thầy thuốc có trình độ chuyên môn.

Đọc thêm: Thuốc nhỏ tai điều trị viêm tai giữa và những lưu ý khi sử dụng
2. Phẫu thuật
Trong trường hợp viêm tai giữa chuyển từ giai đoạn sung huyết sang giai đoạn ứ mủ, lúc này bác sĩ sẽ tiến hành biện pháp phẫu thuật trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu dịch mủ từ ống tai giữa ra ngoài. Một ống nhỏ sẽ được đặt ở lỗ mở nhằm giúp thông khí ở tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng trong tai. Các ống nhỏ này có thể tự rơi ra sau đó sáu tháng đến một năm hoặc cũng có thể lâu hơn. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cần phẫu thuật để cắt bỏ.
→ Lưu ý: Trong quá trình phẫu thuật dẫn lưu chất lỏng, bác sĩ sẽ cân nhắc cho con trẻ sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc điều trị toàn thân khác để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và viêm tái phát.
Phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Cha mẹ có thể áp dụng các mẹo dưới đây để làm giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa ở trẻ em:
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn giàu dinh dưỡng và rất tốt với sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chứng minh, sữa mẹ có chứa các kháng thể có thể bảo vệ con khỏi vi khuẩn, vi rút gây nhiễm trùng tai. Vì vậy, để tăng cường sức đề kháng cơ thể và chống lại tác nhân gây bệnh, mẹ nên cho bú sữa mẹ ít nhất là 6 tháng sau sinh
- Tắm và cho con bú bình đúng cách: Cha mẹ nên vệ tắm rửa cho con mỗi ngày để giúp loại bỏ bụi bẩn và vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình tắm cho con trẻ không nên để nước vào tai nhằm ngừa ngừa viêm nhiễm tai giữa. Bên cạnh đó, khi cho con bú sữa bình nên bế bé ở tư thế thẳng đứng. Tuyệt đối không cho con nằm bú để tránh tình trạng sữa chảy ngược lên ống tai gây viêm. Đồng thời, bình bú của con cần được vệ sinh sạch bằng xà phòng và khử trùng qua nước nóng
- Giữ ấm trẻ và bảo vệ con khỏi bệnh cảm lạnh, cảm cúm: Vi khuẩn, vi rút gây cảm cúm, cảm lạnh hoặc viêm hô hấp trên như viêm amidan, VA chính là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Nguyên nhân là do giữ tai và mũi họng có ống thông nối với nhau. Vì vậy, vi khuẩn có thể xâm nhập từ mũi họng vào tai và gây viêm. Do đó, cha mẹ nên vệ sinh mũi họng con sạch sẽ, đồng thời nên giữ ấm cơ thể trẻ mỗi khi thời tiết chuyển mùa
- Tiêm phòng vắc xin cho trẻ: Để ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em hình thành và hạn chế bệnh tái phát, phụ huynh nên tiêm phòng vắc xin cúm theo mùa, phế cầu khuẩn và một số loại vắc xin khác cho con
Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, khi thấy con trẻ xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đi khám và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!