Viêm ống dẫn trứng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ở vòi trứng. Bệnh thường xuất hiện ở người mắc các bệnh phụ khoa, nữ giới nạo phá thai không an toàn hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Hiện tượng viêm ở ống dẫn trứng có thể làm tăng nguy cơ áp xe phần phụ và vô sinh – hiếm muộn nếu không được điều trị đúng cách.

Viêm ống dẫn trứng là gì?
Ống dẫn trứng (vòi trứng) là bộ phận thuộc cơ quan sinh sản ở nữ giới. Nữ giới có 2 vòi trứng, nối giữa 2 buồng trứng với tử cung. Vòi trứng đảm nhiệm vai trò vận chuyển trứng và tinh trùng, đồng thời cơ quan này cũng là nơi tiếp xúc giữa tinh trùng và trứng.
Viêm ống dẫn trứng đề cập đến hiện tượng viêm nhiễm tại vòi trứng. Bệnh lý thường khởi phát do nhiễm trùng từ âm đạo, sau lan xuống cổ tử cung và xâm nhập vào vòi trứng.
Tương tự như các bệnh viêm nhiễm khác, viêm ống dẫn trứng được chia thành 2 giai đoạn:
- Viêm ống dẫn trứng cấp tính: Đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng đột ngột, gây ra các triệu chứng nặng nề nhưng mức độ bệnh thường nhẹ và có thể điều trị dứt điểm bằng nội khoa.
- Viêm ống dẫn trứng mãn tính: Xảy ra khi hiện tượng viêm ở vòi trứng kéo dài, gây hư hại mô nghiêm trọng, đi kèm với hiện tượng tụ mủ và dịch.
Biểu hiện nhận biết bệnh viêm ống dẫn trứng
Viêm ống dẫn trứng thường gây ra triệu chứng nặng nề ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn mãn tính, triệu chứng thường diễn ra âm thầm, khó nhận biết và kéo dài.
1. Biểu hiện của viêm ống dẫn trứng cấp tính
Viêm vòi trứng cấp tính gây ra các triệu chứng như sau:
- Vòng kinh thường không đều (thường có dấu hiệu chậm kinh) do vòi trứng bị tắc, khiến trứng không rụng đúng chu kỳ.
- Đau bụng kinh có mức độ nặng nề hơn trước. Nguyên nhân là do trong chu kỳ kinh nguyệt, tử cung co bóp mạnh gây kích thích vòi trứng bị viêm và làm phát sinh cơn đau.
- Ngứa ngáy vùng kín
- Khí hư có màu vàng và mùi hôi
- Người chóng mặt, mệt mỏi
- Tiểu buốt, mót tiểu, sốt
- Buồn nôn và nôn mửa
- Máu kinh có thể chuyển thành màu đen, nâu đen và có mùi rất hôi
- Đau khi quan hệ
2. Dấu hiệu viêm ống dẫn trứng mãn tính
Như đã đề cập, hiện tượng viêm vòi trứng mãn tính có triệu chứng âm thầm và khó nhận biết. Vì vậy nếu không chú ý, bạn có thể bỏ qua các dấu hiệu của bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết viêm ống dẫn trứng mãn tính, bao gồm:
- Đau mỏi vùng lưng
- Vùng bụng dưới và vùng chậu đau âm ỉ, kéo dài
- Kinh nguyệt không đều
- Mất kinh
Nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng
Hiện tượng viêm ở vòi trứng thường do vi khuẩn Streptococcus, Staphylococcus hoặc Chlamydia gây ra. Các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào ống dẫn trứng do các điều kiện sau:

- Vệ sinh vùng kín kém: Vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong âm đạo. Theo thời gian vi khuẩn có thể đi qua cổ tử cung và di chuyển đến vòi trứng.
- Tác dụng phụ khi đặt vòng tránh thai: Vòng tránh thai thường được đặt vào bên trong vòi trứng nhằm ngăn chặn tình trạng thụ tinh. Tuy nhiên nếu thực hiện thủ thuật này ở những cơ sở y tế không uy tín, bạn có thể bị viêm nhiễm vòi trứng do dụng cụ y tế không được vô trùng hoàn toàn.
- Phá thai nhiều lần: Thường xuyên phá thai làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín và vô sinh.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su, quan hệ khi đang hành kinh, quan hệ với đối tượng mắc bệnh viêm nhiễm,… là những nguyên nhân khiến vòi trứng, âm đạo và cổ tử cung dễ bị viêm nhiễm.
- Hệ lụy do các bệnh lý khác: Trong trường hợp bị viêm nhiễm âm đạo và cổ tử cung kéo dài, vi khuẩn có thể đi sâu vào vòi trứng và gây tổn thương cơ quan này.
Bị viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không?
Viêm ống dẫn trứng là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến chức năng sinh lý và sinh sản ở nữ giới. Tuy nhiên nếu bệnh mới khởi phát, bạn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm bằng phương pháp bảo tồn.

Trong khi đó, tình trạng chậm trễ khi phát hiện có thể dẫn đến những biện chứng như sau:
- Viêm nhiễm lan rộng: Hiện tượng viêm ở vòi trứng có thể lan rộng ra khắp tử cung và buồng trứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Nếu gặp phải biến chứng này, bạn có thể bị đau bụng dữ dội, ói mửa và giảm khả năng sinh sản.
- Thai ngoài tử cung: Vòi trứng bị viêm có thể cản trở trứng đã được thụ tinh di chuyển xuống tử cung. Lúc này, trứng có thể phát triển ngay trong vòi trứng và gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung. Phần lớn các trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật để loại bỏ.
- Áp xe phần phụ: Có khoảng 10 – 20% nữ giới bị nhiễm trùng vòi trứng mắc phải biến chứng áp xe phần phụ. Áp xe là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể gây nhiễm trùng máu và gây tử vong.
- Vô sinh: Trong trường hợp vòi trứng bị tắc nghẽn hoàn toàn, nữ giới sẽ không còn khả năng sinh sản. Tuy nhiên biến chứng này chỉ xảy ra khi viêm vòi trứng tái phát nhiều lần.
Ngoài những biến chứng nói trên, bệnh viêm ống dẫn trứng còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng đời sống tình dục.
Các phương pháp điều trị viêm ống dẫn trứng
Dựa vào mức độ nhiễm trùng và giai đoạn của bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa chủ yếu là sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau. Trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chỉ định loại kháng sinh tương ứng.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng kèm theo thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng do viêm ống dẫn trứng gây ra. Trong thời gian này, bác sĩ có kê thêm các viên uống bổ sung nhằm phục hồi niêm mạc ở vòi trứng và tăng cường sức khỏe. Với các trường hợp viêm vòi trứng cấp tính, bệnh thường có dấu hiệu thuyên giảm sau 7 – 10 ngày điều trị.

Tuy nhiên với những trường hợp bị đau nhiều, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số phương pháp khác như chiếu nhiệt, sử dụng sóng viba,… để giảm đau, rút ngắn thời gian hồi phục và tăng cường tuần hoàn máu.
2. Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp viêm kéo dài và gây tắc nghẽn vòi trứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để thông vòi trứng hoặc tái tạo vòi trứng. Tuy nhiên phẫu thuật thường gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, chảy máu kéo dài, tổn thương buồng trứng,…
Với một số trường hợp không thể phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ vòi trứng và tiến hành thụ tinh ống nghiệm nếu người bệnh mong muốn có con.
Bị viêm ống dẫn trứng nên ăn và kiêng gì?
Trong thời gian điều trị, bạn có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để làm giảm hiện tượng viêm và nhiễm trùng ở ống dẫn trứng.
1. Bị viêm ống dẫn trứng nên ăn gì?
Để giảm hiện tượng viêm và cơn đau ở cơ quan này, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin, Omega 3 và thực phẩm chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như:

- Rau xanh: Với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, rau xanh có thể hỗ trợ đào thải chất độc và vi khuẩn trong cơ thể.
- Quả bơ: Nguồn Omega 3 dồi dào trong quả bơ có khả năng chống viêm ở vòi trứng và hạn chế cơn đau phát sinh. Bên cạnh đó, bơ còn chứa hơn 14 loại acid amin, có tác dụng phục hồi niêm mạc bị hư hại và tổn thương.
- Lựu: Các nghiên cứu cho thấy, lựu chứa hàm lượng vitamin C cao hơn nhóm trái cây thuộc họ cam chanh. Bên cạnh đó lựu còn chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Bổ sung lựu thường xuyên có thể hỗ trợ quá trình điều trị viêm ống dẫn trứng.
Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung thêm tinh bột và đạm để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch.
2. Người bị viêm ống dẫn trứng cần kiêng gì?
Ngoài ra trong thời gian điều trị, bạn cần hạn chế một số loại thực phẩm, thức uống và các thói quen sau:

- Không nên ăn thực phẩm chứa nhiều đường, tiêu, ớt và chất béo.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, cà phê, chất kích thích, nước ngọt có gas,…
- Không quan hệ tình dục trong suốt thời gian điều trị.
- Hạn chế thức khuya, căng thẳng và mệt mỏi. Những thói quen này có thể khiến sức khỏe của cơ thể suy giảm và tạo điều kiện cho nhiễm trùng lây lan nhanh.
Phòng ngừa bệnh viêm ống dẫn trứng
Viêm ống dẫn trứng có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và chức năng sinh lý nữ. Vì vậy bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Phòng ngừa bệnh viêm ống dẫn trứng với các biện pháp sau:
- Nên thực hiện đặt vòng tránh thai ở những bệnh viện và cơ sở y tế lớn. Hoặc bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai và bao cao su để giảm nguy cơ thụ thai.
- Nếu có thai ngoài ý muốn, nên tìm gặp bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp xử lý. Tuyệt đối không nạo hút thai ở những cơ sở y tế nhỏ và thiếu thiết bị chuyên môn.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ – đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt. Nên thay băng vệ sinh 4 giờ/ lần để hạn chế vi khuẩn sinh sôi và xâm nhập vào bên trong âm đạo.
- Mặc quần hoặc váy có chất liệu thoáng và thấm hút. Đồng thời nên mặc quần lót có kích cỡ phù hợp với vòng 3, tránh mặc quần quá chật, gây bí và tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.
- Quan hệ tình dục an toàn, đồng thời nên vệ sinh trước và sau khi quan hệ.
- Tìm hiểu tình trạng bệnh lý của bạn tình trước khi quyết định tiến xa hơn. Đây là một trong những biện pháp giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và bệnh xã hội.
- Xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần.
Viêm ống dẫn trứng là bệnh phụ khoa có mức độ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến chức năng sinh sản của nữ giới. Vì vậy bạn nên chủ động thăm khám nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện khác thường.
NHIỀU NGƯỜI CÙNG QUAN TÂM ĐẾN
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!