Không chỉ gây đau nhức, khô rát cổ họng, mệt mỏi, nóng sốt,… bệnh viêm amidan còn gây ra triệu chứng hôi miệng. Triệu chứng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể gây trở ngại khi giao tiếp và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Vì sao viêm amidan gây hôi miệng?
Viêm amidan là tình trạng vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập vào hạch lympho ở hai bên cổ họng và gây ra tình trạng nhiễm trùng.
Nhiễm trùng amidan gây sưng viêm, đau rát, khô, khát nước, sốt và mệt mỏi. Tuy nhiên bệnh lý này còn có thể gây hôi miệng.
Nguyên nhân khiến viêm amidan sinh ra triệu chứng hôi miệng là do vi khuẩn tích tụ trong hạch lympho, ứ mủ và tiết ra mùi hôi khó chịu. Mùi hôi này có xu hướng nghiêm trọng hơn khi mức độ nhiễm trùng diễn tiến nặng nề. Ngoài ra, tình trạng mất nước ở bệnh nhân viêm amidan cũng là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi khó chịu.
Triệu chứng hôi miệng ở người bị viêm amidan không tác động xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Xử lý tình trạng hôi miệng do viêm amidan
So với các triệu chứng khác, hôi miệng là triệu chứng có mức độ nhẹ và dễ cải thiện. Dưới đây là những biện pháp giúp làm giảm tình trạng hôi miệng ở bệnh nhân bị viêm amidan.
1. Uống nhiều nước
Nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi là do cơ thể thiếu nước. Do đó để cải thiện tình trạng này, bạn nên bổ sung đầy đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày.

Uống nhiều nước còn làm loãng và cuốn trôi dịch mủ ứ đọng ở amidan. Ngoài ra, bổ sung đủ nước còn giúp bạn khắc phục tình trạng khô rát, sưng nóng và khó chịu ở cổ họng.
2. Súc miệng bằng nước muối ấm
Nước muối ấm có khả năng làm dịu niêm mạc amidan và cổ họng. Từ đó làm giảm triệu chứng sưng nóng và khó chịu cơ quan này. Bên cạnh đó, súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên còn có khả năng giảm viêm, ức chế vi khuẩn và hạn chế tình trạng tiết mùi hôi.
Biện pháp này còn có khả năng giữ vệ sinh răng miệng, đánh bay các mảng bám thức ăn ở chân răng. Các mảng bám này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi.
3. Uống trà gừng ấm
Gừng có mùi thơm nồng đặc trưng. Mùi thơm từ gừng có thể đẩy lùi mùi hôi khó chịu do vi khuẩn gây nhiễm trùng tiết ra.

Ngoài ra, gừng còn có khả năng kháng khuẩn và giảm viêm hiệu quả. Uống trà gừng ấm vào mỗi buổi sáng sẽ giúp bạn xoa dịu cổ họng đau nhức và cải thiện tình trạng nhiễm trùng ở hạch lympho.
4. Nước chanh tươi
Chanh là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Sử dụng nước chanh tươi không chỉ tăng cường hệ miễn dịch, góp phần ức chế khuẩn gây bệnh mà còn hỗ trợ làm giảm tình trạng hôi miệng.
Khi dùng nước chanh tươi, bạn có thể thêm 1 muỗng đường để giảm bớt độ chua. Đồng thời cho vài viên đá lạnh vào để làm giảm tình trạng sưng đỏ ở amidan.
5. Nước mật ong ấm
Mật ong là nguyên liệu có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm và chống oxy hóa mạnh. Sử dụng mật ong không chỉ có khả năng khắc phục hiện tượng viêm mà còn tiêu diệt và kìm hãm các khuẩn gây nhiễm trùng amidan.

Khi số lượng vi khuẩn suy giảm, mức độ tiết mùi hôi miệng cũng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nước mật ong ấm còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm mức độ nhiễm trùng và phục hồi các tế bào lympho bị tổn thương.
6. Dùng đinh hương
Đinh hương (đinh tử hương) là dược liệu có mùi thơm đặc trưng. Mùi thơm của đinh hương có khả năng làm giảm triệu chứng hôi miệng ở bệnh nhân viêm amidan.
Ngoài ra dược liệu này còn có khả năng giảm đau và kháng khuẩn mạnh. Đinh dương tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao, virus cúm, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lao,… Do đó việc sử dụng đinh hương còn hỗ trợ giảm đau ở amidan và làm giảm tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan này.
7. Uống trà xanh
Thành phần fluor và kali trong trà xanh có công dụng giảm mùi hôi và chống sâu răng. Bạn có thể dùng 1 – 2 tách trà xanh ấm để làm dịu cổ họng và cải thiện hôi miệng.

Ngoài ra trong trà xanh còn chứa nhiều polyphenol có khả năng đối kháng với các khuẩn gây bệnh, từ đó làm giảm triệu chứng nhiễm trùng ở amidan.
8. Trà bạc hà
Tinh dầu trong lá bạc hà chứa mùi thơm đặc trưng, có tác dụng đánh bay hơi thở có mùi. Ngoài ra thành phần trong thảo dược này còn có khả năng thanh nhiệt và sát trùng nhẹ.
Bạn có thể dùng trà bạc hà vào mỗi buổi sáng để làm giảm triệu chứng hôi miệng và đau rát cổ họng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung nhai trực tiếp 2 – 3 lá bạc hà tươi để làm giảm mùi hôi do vi khuẩn tiết ra.
9. Cắt amidan
Cắt amidan là cách điều trị dứt điểm tình trạng hôi miệng, nhất là đối với trường hợp bị viêm amidan mãn tính. Phẫu thuật cắt amidan được thực hiện khá đơn giản và ít để lại biến chứng.
Tuy nhiên việc phẫu thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này.
Nếu bị amidan cấp tính, triệu chứng hôi miệng sẽ nhanh chóng biến mất sau khi nhiễm trùng ở hạch lympho được kiểm soát. Ở các trường hợp hôi miệng kéo dài ngay cả khi đã điều trị dứt điểm bệnh, bạn cần xem xét lại nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp.
Bài viết chỉ cung cấp thông tin mang tính chất tham khảo. Vui lòng trao đổi với nhân viên y tế nếu có bất cứ thắc mắc gì!
Xin chào bác sĩ… con đã cắt Amidan nhưng tại sao van con. Xuất hiện bã đậu amidan..