Bị đau dạ dày khi uống kháng sinh là tác dụng phụ khá phổ biến. Nguyên nhân là do thuốc kích thích lên niêm mạc tiêu hóa và gây loạn khuẩn hệ vi sinh đường ruột. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng và có thể khắc phục bằng một số biện pháp tại nhà.
Bị đau dạ dày có nên uống kháng sinh không?
Kháng sinh là nhóm thuốc có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Có thể nói, sự ra đời của kháng sinh có đóng góp rất to lớn đối với nền y học và sức khỏe của con người. Hiện nay, có khoảng 9 nhóm kháng sinh được sử dụng. Bác sĩ sẽ dựa vào chủng vi khuẩn, vị trí nhiễm trùng và tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng để chỉ định kháng sinh phù hợp.
Kháng sinh thường được dùng trong ít nhất 5 ngày. Dùng kháng sinh không đều và không đủ liều chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng kháng thuốc. Nếu dùng đúng liều lượng được chỉ định, tình trạng nhiễm trùng sẽ được kiểm soát hoàn toàn.

Kháng sinh và một số nhóm thuốc giảm đau, chống viêm có thể kích thích lên cơ quan tiêu hóa. Do đó, không ít người băn khoăn bị đau dạ dày có nên uống kháng sinh hay không. Trên thực tế, kháng sinh chỉ được sử dụng khi cần thiết. Vì vậy, bạn vẫn phải uống kháng sinh nếu đang bị đau dạ dày.
Trong trường hợp có vấn đề về tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại kháng sinh phù hợp. Ngoài ra, những trường hợp bị đau bao tử nặng có thể được chỉ định dùng kháng sinh đường tiêm để giảm thiểu tác động lên dạ dày và một số cơ quan tiêu hóa khác.
Vì sao uống kháng sinh bị đau dạ dày?
Kháng sinh là một trong những loại thuốc có thể gây đau dạ dày. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn “vô tình” tiêu diệt những lợi khuẩn có trong đường ruột.
Trong thời gian sử dụng kháng sinh, hệ vi khuẩn ở đường ruột có thể bị rối loạn dẫn đến tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và đau dạ dày. Mức độ đau dạ dày tùy thuộc vào liều lượng kháng sinh, loại thuốc dùng kèm, tình trạng sức khỏe sẵn có và chế độ ăn uống, sinh hoạt của từng người.
Đối với người có sẵn các vấn đề ở dạ dày, sử dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng mức độ cơn đau và gây ra nhiều vấn đề như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn mửa,… Trong khi đó, những người không có các vấn đề tiêu hóa thường chỉ bị đau dạ dày nhẹ.
Nhìn chung, đau dạ dày khi sử dụng thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng là tình trạng khá phổ biến. Do đó, bạn không nên lo lắng quá mức khi gặp phải hiện tượng này. Tuy nhiên, cần có biện pháp giảm cơn đau để thoải mái hơn trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
Cách xử lý đau dạ dày do uống kháng sinh
Uống kháng sinh bị đau dạ dày là tình trạng khá phổ biến. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách xử lý an toàn và hiệu quả sau:
1. Sử dụng thuốc theo chỉ định
Khi được chỉ định dùng kháng sinh, bạn cần phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, đau dạ dày xảy ra do bệnh nhân tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc không đều. Do đó, để hạn chế tối đa tác dụng phụ, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định còn có thể hạn chế tối đa nguy cơ kháng thuốc. Hiện nay, tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, cần cẩn trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.
2. Dùng kháng sinh sau khi ăn no
Dùng thuốc sau khi ăn là một trong những cách giảm đau dạ dày an toàn, hiệu quả. Khi ăn no, lượng dịch vị trong dạ dày giảm đi đáng kể nên mức độ kích thích lên dạ dày và niêm mạc đường ruột sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Lúc này, thức ăn sẽ tạo thành lớp đệm để tránh kháng sinh kích thích trực tiếp lên các cơ quan tiêu hóa. Nhờ đó có thể giảm mức độ đau dạ dày và cải thiện các triệu chứng đi kèm như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng,… Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết chính xác thời gian dùng thuốc. Bởi một số loại thuốc có thể giảm khả năng hấp thu nếu uống sau khi ăn.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, uống kháng sinh sau khi dùng các món ăn chứa nhiều tinh bột như cơm, bánh mì, cháo, súp,… sẽ hạn chế được cơn đau dạ dày rõ rệt. Ngoài ra, ăn no trước khi uống thuốc cũng giảm hạn chế tình trạng cồn cào và khó chịu ở vùng thượng vị.
3. Uống nhiều nước
Khi dùng kháng sinh, bạn nên uống cùng với nhiều nước lọc để giảm kích thích lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa. Hơn nữa, trong thời gian điều trị bằng kháng sinh, một số người gặp phải tình trạng tiêu chảy. Vì vậy, việc bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày là vô cùng cần thiết.
Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung các loại nước khoáng, nước ép từ rau củ, trái cây tươi, nước dừa hoặc nước hạt chia để trung hòa dịch vị dạ dày. Các loại nước này có tác dụng tăng độ pH trong dạ dày, từ đó làm giảm cảm giác đau và nóng rát vùng thượng vị.
4. Tăng cường rau xanh
Trong thời gian uống kháng sinh, nên tăng lượng rau xanh trong chế độ ăn hằng ngày. Rau xanh có độ pH kiềm và chứa nhiều nước giúp trung hòa dịch vị, giảm cảm giác nóng rát và khó chịu ở dạ dày khi sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, chất xơ trong rau xanh còn có vai trò là chất đệm giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và đường ruột trước sự kích thích của thuốc.

Tăng cường rau xanh trong chế độ ăn còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Chất xơ trong rau củ là “thức ăn” của lợi khuẩn. Vì vậy, việc tăng cường rau xanh sẽ giúp tăng lợi khuẩn đường ruột và cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trong thời gian sử dụng kháng sinh.
5. Bổ sung lợi khuẩn
Các vấn đề tiêu hóa phát sinh trong thời gian uống kháng sinh đều có liên quan đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Bởi ngoài tác dụng tiêu diệt hại khuẩn, kháng sinh còn vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở ruột non và ruột già.
Ngoài việc tăng cường rau xanh trong chế độ ăn, bạn nên bổ sung lợi khuẩn để giảm đau dạ dày, táo bón, đầy hơi và chướng bụng do uống kháng sinh. Lợi khuẩn có trong nhiều loại thực phẩm như trà kombucha, sữa chua ăn, sữa chua uống, kim chi,…
Khi bổ sung các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn, bạn nên sử dụng sau khi dùng kháng sinh khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ. Như vậy, lợi khuẩn có thể di chuyển từ dạ dày xuống đường ruột một cách thuận lợi. Nếu sử dụng cùng thời điểm với kháng sinh, lợi khuẩn trong thức ăn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
6. Áp dụng mẹo giảm đau dạ dày tại nhà
Những mẹo kể trên có thể giảm đáng kể cơn đau dạ dày và một số triệu chứng khó chịu trong thời gian uống kháng sinh. Tuy nhiên, cơn đau vẫn có thể tái phát nhiều lần trong suốt quá trình điều trị. Nếu đau dạ dày không dứt hoàn toàn, bạn có thể áp dụng một số cách chữa đau dạ dày tại nhà như:

- Uống trà hoa cúc: Khi cơn đau bùng phát, bạn có thể uống một tách trà hoa cúc ấm. Trà hoa cúc có đặc tính làm dịu, tiêu viêm và trung hòa dịch vị dạ dày nhờ chứa hàm lượng apigenin dồi dào. Sau khi uống trà khoảng 10 – 15 phút, bạn sẽ cảm nhận rõ cơn đau ở vùng thượng vị giảm đi đáng kể.
- Nước nha đam: Nước nha đam có độ pH kiềm có khả năng trung hòa dịch vị và làm dịu niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin trong nha đam còn giúp bù nước, muối khoáng thất thoát do tiêu chảy. Khi đau dạ dày bùng phát, bạn nên uống 1 ly nước nha đam. Sau đó khoảng vài phút, cảm giác đau và nóng rát sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Chườm ấm: Một cách giảm đau dạ dày đơn giản khác mà bạn có thể áp dụng là chườm ấm. Chườm ấm lên vùng thượng vị sẽ giúp giảm cơn đau và cảm giác khó chịu. Nhiệt độ ấm từ túi chườm sẽ giúp thư giãn cơ trơn của dạ dày và đường ruột, từ giảm nhanh cơn đau dạ dày, đau bụng và đầy hơi.
Những mẹo giảm đau dạ dày tại nhà có thể cải thiện cơn đau cùng với một số triệu chứng kèm theo. Trong thời gian uống kháng sinh, bạn nên thực hiện các mẹo này và một số biện pháp kể trên để hạn chế cơn đau dạ dày ở mức tối đa.
7. Tìm gặp bác sĩ
Trong trường hợp đau dạ dày dữ dội và cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng những mẹo trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để giảm đau dạ dày, thay đổi kháng sinh hoặc các loại thuốc đi kèm.
Trên thực tế, kháng sinh thường được dùng đồng thời với các loại thuốc giảm đau, chống viêm và hạ sốt – phổ biến nhất là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Nhóm thuốc này có nguy cơ cao gây loét và xuất huyết dạ dày. Do đó, nếu nhận thấy đau dạ dày dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn mửa, đau quặn bụng, phân đen,.. nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Chảy máu dạ dày là tình trạng cần được xử trí sớm nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Uống kháng sinh bị đau dạ dày là tình trạng khá phổ biến. Để xử lý tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà và lựa chọn thời điểm uống kháng sinh phù hợp. Nếu cơn đau có mức độ nghiêm trọng hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường, bạn nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
Thông tin hữu ích
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!