Ung thư dạ dày là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh ung thư dạ dày là một căn bệnh chỉ sự xuất hiện của khối u ác tính trong dạ dày. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống hàng ngày của bệnh nhân. Tùy theo giai đoạn ung thư dạ dày mà người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày hoặc hóa trị, xạ trị.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là căn bệnh được xác định khi có sự hình thành của các tế bào ác tính ở lớp lót trong dạ dày. Nhiều tế bào có thể kết hợp lại và phát triển thành một khối u xâm lấn vào trong các lớp của dạ dày. 

Ung thư dạ dày là gì
Ung thư dạ dày là bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trung niên

Bệnh ung thư dạ dày có tiến triển khá chậm và không có triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn đầu nên khó phát triển khi còn sớm. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là những người có thói quen ăn mặn, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá hoặc bị viêm loét dạ dày lâu năm do vi khuẩn Hp. 

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn so với nữ giới. Nếu được phát hiện và điều trị trong giai đoạn đầu, khả năng chữa khỏi bệnh và sống trên 5 năm sẽ rất cao. 

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra. Sự khởi phát của căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố như chế độ ăn uống hàng ngày, thói quen sử dụng chất kích thích, môi trường sống… Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến nhiều người bị ung thư dạ dày:

– Ăn nhiều muối:

Nghiên cứu cho thấy, những người có thói quen ăn mặn, thường xuyên sử dụng các món ăn chứa nhiều muối như cá muối, dưa muối… thì có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn so với người khác. Việc dung nạp quá nhiều muối khiến cho đường tiêu hóa bị quá tải, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Hp phát triển gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

– Lạm dụng rượu bia:

Uống nhiều bia rượu không chỉ gây kích ứng niêm mạc dạ dày mà còn làm tổn thương các gen.  Tình trạng này kéo dài tất yếu sẽ dẫn đến ung thư dạ dày.

– Nhiễm vi khuẩn Hp:

Vi khuẩn Hp là thủ phạm chính gây ra hàng loạt các bệnh lý ở dạ dày, bao gồm cả ung thư dạ dày. Loại vi khuẩn này có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc thân mật như hôn hoặc sử dụng chung bát đũa, ly uống nước.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Hp có thể tồn tại trong dạ dày mà không bị ảnh hưởng bởi axit. Chúng có khả năng sinh sôi phát triển mạnh khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu và tấn công trực tiếp vào trong niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày mãn tính. Nhiễm trùng Hp kéo dài trong nhiều năm cũng có thể khiến các tế bào trong dạ dày bị biến đổi và trở thành ác tính.

– Viêm dạ dày mãn tính:

Bệnh ung thư dạ dày có thể phát triển ở những người bị viêm dạ dày mãn tính lâu năm, nhất là khi có sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày.

– Bị thiếu máu ác tính:

Bệnh thiếu máu ác tính khiến cho dạ dày thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt oxy và máu để hoạt động. Đây là nguyên nhân được tìm thấy ở nhiều ca mắc bệnh ung thư dạ dày.

– Hút thuốc lá: 

Hút thuốc lá không chỉ là thủ phạm gây ung thư dạ dày mà còn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các căn bệnh ung thư khác. Trong khói thuốc lá chứa hàm lượng nicotin cao. Chất này gây phá hủy hệ hô hấp, tiêu hóa và kích thích sản sinh cortisol khiến cho niêm mạc dạ dày bị viêm loét và biến đổi ADN. 

Ngoài ra, các chất độc trong khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và làm giảm lượng chất nhầy được sản xuất trong dạ dày, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

– Di truyền:

Sự khởi phát của bệnh ung thư dạ dày cũng có liên quan đến yếu tố di truyền. Thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân từng có người thân bị ung thư dạ dày trước đó chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này có liên quan đến sự di truyền của các gen bất thường. Những người mang gen này có thể tiến triển thành ung thư dạ dày ngay khi còn trẻ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày:

  • Từng làm phẫu thuật ở dạ dày: Những bệnh nhân có tiền sử làm phẫu thuật ở dạ dày, chẳng hạn như cắt bỏ một phần dạ dày, cắt polyp dạ dày sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn hẳn so với người khỏe mạnh.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp
  • Mang nhóm máu O: Những đối tượng sở hữu nhóm máu O có nguy cơ bị ung thư dạ dày và các vấn đề khác ở đường tiêu hóa cao hơn 30% so với các đối tượng khác. Lý do bởi vi khuẩn Hp dễ dàng bị hấp dẫn bởi màng tế bào nhóm máu O.
  • Tuổi tác: Bệnh ung thư dạ dày chủ yếu ảnh hưởng đến lứa tuổi trung niên, ít gặp hơn ở người trẻ tuổi:
  • Giới tính: Tỷ lệ nam giới mắc ung thư ở dạ dày cao gấp hai lần so với phụ nữ.
  • Béo phì: Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư dạ dày. Người đang bị thừa cân, béo phì nên thận trọng với căn bệnh này.
  • Tiếp xúc thường xuyên với amiăng hoặc làm việc trong môi trường có than, cao su, kim loại hay gỗ.
  • Có tiền sử bị polyp dạ dày, ung thư hạch hay khối u nằm trong các bộ phận khác của ống tiêu hóa.
  • Nhiễm vi rút Epstein-Barr

Triệu chứng bệnh ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày tiến triển một cách âm thầm và thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Người bệnh có thể cảm thấy một số dấu hiệu khó chịu ở bụng nhưng lại nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường ở đường tiêu hóa. Chính vì vậy mà số lượng bệnh nhân phát hiện ra ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không nhiều. 

Bạn không nên chủ quan với căn bệnh này nếu gặp các dấu hiệu dưới đây:

  • Đau bụng: Ở những giai đoạn đầu, người bệnh thường bị đau ở vùng thượng vị. Cơn đau có khuynh hướng tăng nặng hơn sau khi ăn no.
  • Ăn nhanh no: Khi khối u phát triển, nó xâm lấn vào trong lòng dạ dày làm thu hẹp không gian của bộ phận này. Điều này khiến cho bệnh nhân có cảm giác nhanh no, đầy bụng.
  • Ăn lâu tiêu, chán ăn: Khi bị ung thư dạ dày, chức năng tiêu hóa bị suy giảm đáng kể khiến cho người bệnh ăn uống kém tiêu hóa và mất cảm giác ngon miệng, từ đó dẫn đến chán ăn, biếng ăn.
  • Giảm cân không chủ đích: Nếu căn nặng bị sụt giảm nhiều mà không rõ nguyên nhân thì bạn cũng nên thận trọng với căn bệnh ung thư dạ dày.
  • Nôn ra máu: Đây có thể là triệu chứng của bệnh xuất huyết dạ dày hay ung thư dạ dày. Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm cần được thăm khám để chẩn đoán xác định và điều trị từ sớm.
  • Ợ chua, buồn nôn: Cảm giác buồn nôn, ợ chua cũng thường xuyên xuất hiện ở bệnh nhân bị ung thư dạ dày, nhất là sau khi ăn. Triệu chứng này có thể khiến bạn bị nhầm lẫn với bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay viêm loét dạ dày. Do đó, cần chú ý quan sát cơ thể xem có dấu hiệu nào khác liên quan đến ung thư dạ dày không nhằm kịp thời phát hiện ra bệnh.
  • Phân đen hoặc có lẫn máu: Bệnh ung thư dạ dày có thể gây đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu. Nếu gặp triệu chứng này, bạn nên đi khám ngay.
  • Các triệu chứng khác: Tiêu chảy, táo bón kéo dài, khó nuốt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, mắt hoặc da hơi vàng.
triệu chứng ung thư dạ dày
Đau bụng là triệu chứng cánh bảo bệnh ung thư dạ dày

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày được phân loại dựa trên 3 tiêu chí chính là: Kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận và phạm vi di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan ở xa. Theo đó, căn bệnh này được chia thành 5 giai đoạn phát triển chính được đánh số thứ tự từ 0 – IV.

– Giai đoạn 0:

  • Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn O còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ hay loạn sản bậc cao
  • Các tế bào bất thường mới hình thành trong lớp niêm mạc dạ dày hoặc nằm tập trung ở lớp trên cùng của niêm mạc. 
  • Kích thước khối u khá nhỏ
  • Chưa thấy rõ được sự thay đổi trong cấu trúc của dạ dày
  • Bệnh chưa có triệu chứng

– Giai đoạn I: 

  • Bao gồm các giai đoạn nhỏ là IA và IB
  • Tế bào ung thư đã lan rộng đến lớp dạ dày thứ 2 và thứ 3
  • Cấu trúc dạ dày bị thay đổi
  • Ung thư có thể chưa di căn hoặc đã ảnh hưởng đến 1 hoặc hai hạch bạch huyết lân cận
  • Người bệnh có thể nhận thấy một số dấu hiệu như: Ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, ăn uống lâu tiêu.

– Giai đoạn II:

  • Ở mức độ này bệnh được chia thành các giai đoạn nhỏ gồm IIA, IIB
  • Khối u ác tính xâm lấn vào sâu bên trong thành dạ dày và ăn qua lớp niêm mạc cơ
  • Có trên 6 hạch bạch huyết lân cận bị ảnh hưởng
  • Các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng và dễ nhận biết hơn

– Giai đoạn III: 

  • Bao gồm các giai đoạn nhỏ IIIA, IIIB, IIIC
  • Tế bào ung thư có mặt ở tất cả các lớp của dạ dày
  • Ung thư di căn đến các hạch bạch huyết và một số cơ quan ở gần dạ dày, chẳng hạn như ruột kết hay lá lách.

Giai đoạn IV:

  • Khối u ác tính di căn đến các cơ quan ở xa hơn như gan, phổi hay thậm chí là não
  • Bệnh nhân không chỉ gặp triệu chứng ở đường tiêu hóa mà còn gặp phải nhiều dấu hiệu của các căn bệnh ung thư khác.

Bệnh ung thư dạ dày sống được bao lâu?

Thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư dạ dày tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu điều trị, thể trạng và khả năng đáp ứng của cơ thể với phương pháp điều trị. Xét trên tổng thể, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những bệnh nhân mắc căn bệnh này là 31,5%. 

Tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân bị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn bệnh như sau:

  • Giai đoạn IA: 71%
  • Giai đoạn IB: 57%
  • Giai đoạn IIA: 46%
  • Giai đoạn IIB: 33%
  • Giai đoạn IIIA: 20%
  • Giai đoạn IIIB: 14%
  • Giai đoạn IIIC: 9%
  • Giai đoạn IV: 4%

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi sẽ cao hơn. Để xác định bệnh, trước tiên bác sĩ thường đưa ra một số câu hỏi liên quan đến các triệu chứng đang gặp phải, tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình. Thông qua những vấn đề được trao đổi, bác sĩ cũng xác định  xem liệu bệnh nhân có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào liên quan đến bệnh ung thư dạ dày không.

Chẩn đoán ung thư dạ dày
Bác sĩ khám chẩn đoán ung thư dạ dày

Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng sẽ được chỉ định để chẩn đoán ung thư dạ dày. Bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu: Giúp tìm kiếm dấu hiệu của ung thư thông qua các chỉ số 
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Bác sĩ sẽ luồn một ống nội soi mềm được gắn camera đi từ miệng qua cổ họng và xuống dạ dày. Hình ảnh camera ghi nhận được sẽ giúp bác sĩ quan sát được mọi ngóc ngách bên trong dạ dày và phát hiện ra khối u nếu có.
  • Kiểm tra chuỗi GI trên: Liên quan đến kỹ thuật này, bác sĩ sẽ cho bạn uống một chất lỏng được gọi là bari. Khi vào trong dạ dày, chất này sẽ bao phủ toàn bộ niêm mạc và làm cho cấu trúc của dạ dày được hiển thị rõ ràng hơn trên phim chụp X-quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính dạ dày: Máy chụp CT scan sẽ sử dụng một tia X-quang cực mạnh để ghi lại hình ảnh chi tiết bên trong dạ dày.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ trong dạ dày được lấy ra ngoài khi làm nội soi sẽ được đem vào phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của tế bào ung thư.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về bệnh ung thư dạ dày, giai đoạn của ung thư, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về phác đồ điều trị, chi phí, lợi ích và nguy cơ có thể gặp phải để người bệnh chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt.

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày

Kế hoạch điều trị bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư, tuổi tác, sức khỏe tổng thể cũng như nguyện vọng của người bệnh. Phương pháp chữa bệnh được lựa chọn nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ác tính trong dạ dày và các cơ quan bị di căn, đồng thời ngăn chặn không cho khối u tiếp tục lan rộng. 

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày đang được áp dụng bao gồm:

1. Phẫu thuật chữa ung thư dạ dày

Đây là phương pháp điều trị chính có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh ung thư dạ dày. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. 

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành đặt một ống nhỏ vào trong ruột của người bệnh. Dụng cụ này được sử dụng để bơm trực tiếp các chất dinh dưỡng lỏng vào trong ruột, giúp cơ thể được nuôi dưỡng và nhanh phục hồi sức khỏe hơn.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân . Có hai kỹ thuật mổ được thực hiện là phẫu thuật nội soi và mổ hở. Trong đó, phương pháp mổ nội soi được áp dụng phổ biến hơn cả nhờ có nhiều ưu điểm như vết mổ ngắn, ít gây đau, thời gian phục hồi nhanh và hạn chế được nguy cơ gặp biến chứng sau mổ. Mặc dù vậy, trong giai đoạn ung thư tiến triển, phương pháp mổ hở cắt dạ dày sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Có nhiều dạng phẫu thuật trị ung thư dạ dày. Phương pháp được chỉ định còn tùy thuộc vào kích thước khối u, giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn của khối u và tình hình sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bao gồm:

– Nội soi cắt bỏ niêm mạc dạ dày

Khi các tế bào ung thư mới xuất hiện, vùng niêm mạc chứa khối u sẽ được cắt bỏ thông qua nội soi. Khi điều trị, một ống nội soi sẽ được luồn vào trong dạ dày thông qua cổ họng của bệnh nhân và tiếp xúc với khu vực bị bệnh để bác sĩ đưa dụng cụ vào cắt bỏ vùng niêm mạc bị ảnh hưởng. Phương pháp này hiện đang được chỉ định rộng rãi cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu.

– Phẫu thuật cắt một phần dạ dày

Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ một phần dạ dày bị bệnh nếu khối u còn nhỏ, chưa di căn ra khỏi dạ dày. Đôi khi, các hạch bạch huyết lân cận, một phần thực quản hay phần đầu ruột non cũng có thể được cắt bỏ ngay trong ca phẫu thuật nhằm đảm bảo không còn tế bào ung thư nào sót lại. Sau khi phẫu thuật, các phần còn lại của dạ dày sẽ được nối lại với nhau. 

Các trường hợp được chỉ định phẫu thuật cắt một phần dạ dày cần đảm bảo đáp ứng được những điều kiện sau:

  • Khối u ác tính nằm trong vùng môn vị hang vị và có thể cắt bỏ đi 4/5 dạ dày kết hợp nạo vét loại bỏ một số hạch bạch huyết lân cận. 
  • Phạm vi tổn thương có thể cho phép cắt 3/4 dạ dày nhưng vẫn đảm bảo duy trì được khoảng cách xa bờ khối u từ 5 đến 6 cm.

Sau phẫu thuật, chức năng tiêu hóa của dạ dày vẫn được duy trì bình thường. Người bệnh cần được chăm sóc bằng một chế độ ăn đặc biệt trong giai đoạn đầu để dạ dày nhanh hồi phục.

– Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày

Bệnh nhân được chỉ định cắt toàn bộ dạ dày khi:

  • Tế bào ung thư đã lây lan ra khắp dạ dày
  • Khối u xuất hiện ở đầu trên của dạ dày, gần với thực quản
  • Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn, các tế bào ung thư đã di căn đến cơ quan ở xa.

2. Hóa trị ung thư dạ dày

Chữa ung thư dạ dày bằng hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất chống ung thư được tiêm vào trong tĩnh mạch của bệnh nhân thông qua đường truyền IV hay ống thông tĩnh mạch trung tâm. Một số loại thuốc hóa trị có dạng viên được sử dụng theo đường uống. Khi sử dụng, thuốc sẽ đi vào máu và có tác dụng toàn thân, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư ở dạ dày và các cơ quan bị di căn.

Cách điều trị ung thư dạ dày bằng hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư dạ dày

Hóa trị có thể được áp dụng như một phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đã di căn đến các bộ phận khác ở xa. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng được hóa trị khi khối u không thể loại bỏ được bằng phương pháp khác. Thuốc có tác dụng thu nhỏ khối u, làm chậm quá trình phát triển của ung thư và giảm nhẹ các triệu chứng, giúp bệnh nhân có thể sống lâu hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân còn được chỉ định hóa trị vào các thời điểm sau:

  • Trước phẫu thuật: Hóa trị được thực hiện trước khi làm phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ khối u, giúp ca mổ được dễ dàng hơn.
  • Sau phẫu thuật: Một số trường hợp được tiêm thuốc hóa trị sau mổ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Bệnh nhân sẽ được hóa trị theo từng chu kỳ. Mỗi chu kỳ điều trị sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần. Khoảng giữa các chu kỳ sẽ là thời gian để bệnh nhân nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.

Có nhiều loại thuốc hóa trị được lựa chọn để điều trị ung thư dạ dày. Chẳng hạn như 5-FU (fluorouracil), Capecitabine, Docetaxel, Oxaliplatin, Paclitaxel,… Thông thường, bác sĩ sẽ  kết  hợp 2 hoặc 3 loại thuốc với nhau để chữa trị cho người bệnh. Điều này có thể mang đến hiệu quả tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn. 

Do có thể ảnh hưởng đến cả tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, thuốc hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Ăn uống không ngon miệng
  • Tóc rụng nhiều
  • Táo bón hoặc tiêu lỏng nhiều lần trong ngày
  • Lở miệng
  • Giảm số lượng tế bào hồng cầu khiến cơ thể dễ nhiễm trùng
  • Bầm tím da, dễ chảy máu
  • Mệt mỏi
  • Khó thở

Số lượng và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ còn tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng sử dụng và thời gian điều trị. Chúng có thể biến mất sau khi ngưng tiêm thuốc.

3. Điều trị ung thư dạ dày bằng thuốc nhắm mục tiêu

Các thuốc nhắm mục tiêu có thể được chỉ định đơn độc hoặc kết hợp cùng với thuốc hóa trị. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân.

Những loại thuộc hiện đang được sử dụng để chữa ung thư dạ dày bao gồm:

  • Thuốc nhắm vào HER2: Bao gồm Trastuzumab, Fam-trastuzumab deruxtecan (Enhertu). Người bị ung thư dạ dày thường có lượng protein tăng trưởng (HER2) khá cao. Các thuốc được sử dụng s4 giúp làm giảm nồng độ HER2, qua đó kiểm soát sự tiến triển của ung thư.
  • Thuốc nhắm vào VEGF: Trong cơ thể, Protein VEGF có chức năng thông báo cho các tế bào trong cơ thể tạo ra nhiều mạch máu mới khiến cho khối u phát triển mạnh hơn. Thuốc nhắm mục tiêu Ramucirumab sẽ giúp ngăn VEGF liên kết với các tế bào để mạch máu nuôi dưỡng khối u không được hình thành
  • Thuốc ức chế TRK: Sự thay đổi trong các gen NTRK có thể tạo ra protein TRK bất thường, từ đó khiến cho bệnh ung thư dạ dày phát triển. Các thuốc Larotrectinib (Vitrakvi) và entrectinib (Rozlytrek) sẽ tác động vào các protein TRK để ức chế sự tiến triển của ung thư. Thuốc được bào chế dưới dạng viên uống, sử dụng 1 – 2 lần mỗi ngày.

4. Cách trị ung thư dạ dày bằng liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch sử dụng các thuốc giúp cho hệ miễn dịch của người bệnh có thể tự tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả hơn, qua đó thu nhỏ khối u và làm chậm sự phát triển của bệnh. Trong đó, loại thuốc được chỉ định phổ biến nhất là Pembrolizumab. 

Thuốc Pembrolizumab. thường được sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối khi không đáp ứng được với hóa trị. Bệnh nhân sẽ được truyền thuốc theo đường tĩnh mạch (IV) 3 – 6 tuần một lần. Loại thuốc này có thể đem đến một số tác dụng phụ như sốt, mệt mỏi, ho, buồn nôn, phát ban, hụt hơi, ngứa ngáy, đau cơ, táo bón, tiêu chảy…

5. Xạ trị ung thư dạ dày

Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ hay hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư trong dạ dày. 

cách chữa ung thư dạ dày bằng xạ trị
Xạ trị có thể được kết hợp với các phương pháp khác để điều trị ung thư dạ dày hiệu quả hơn

Ở những giai đoạn đầu của ung thư dạ dày, xạ trị có thể được kết hợp cùng với hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi làm phẫu thuật và tạo điều kiện cho bác sĩ cắt bỏ khối u dễ dàng hơn.

Sau phẫu thuật, xạ trị cũng có thể được tiến hành để tiêu diệt các tế bào ung thư chưa được loại bỏ hết trong ca mổ. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh ung thư dạ dày tái phát trong tương lai.

Ngoài ra, xạ trị cũng được chỉ định như một phương pháp điều trị chính cho những bệnh nhân không thể làm phẫu thuật. Nó giúp làm chậm sự phát triển của ung thư, cải thiện triệu chứng đau, chảy máu hay các vấn đề khó chịu ở đường tiêu hóa cho người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày

Không có cách nào giúp ngăn ngừa được bệnh ung thư dạ dày một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh. Cụ thể như sau:

  • Hạn chế ăn các món mặn hoặc sử dụng nhiều muối trong chế biến món ăn. Hàm lượng nitrit và amin thứ cấp có trong các món mặn khi vào trong dạ dày sẽ tạo thành các chất độc hại gây ung thư.
  • Tránh ăn nhiều đồ xông khói hay các món được chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng
  • Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào. Các trường hợp không hút thuốc cũng nên tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
  • Hạn chế sử dụng bia rượu và các thức uống có cồn khác
  • Tăng cường các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E vào thực đơn.
  • Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc 
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày để tăng lượng máu lưu thông đến dạ dày và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
  • Các trường hợp có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao, chẳng hạn như trong gia đình có người mắc bệnh, người thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá, bị nhiễm vi khuẩn Hp hoặc mắc bệnh viêm loét dạ dày mãn tính nên tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 07:50 - 14/01/2023 - Cập nhật lúc: 15:01 - 06/02/2023
Chia sẻ:
5 cách chữa ung thư dạ dày bằng thuốc Nam dễ kiếm
Chữa ung thư dạ dày bằng thuốc Nam là phương pháp đang được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Được bào chế từ các loại thảo dược dễ kiếm, các bài…
ung thư dạ dày giai đoạn cuối Ung thư dạ dày giai đoạn cuối: Dấu hiệu, cách điều trị

Ung thư dạ dày là loại ung thư ác tính phổ biến trong hơn 200 loại ung thư hiện nay.…

Hóa trị ung thư dạ dày: Liệu trình và thông tin cần biết

Hóa trị ung thư dạ dày là phương pháp thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ…

Phẫu thuật ung thư dạ dày khi nào? Điều cần biết

Phẫu thuật ung thư dạ dày là phương pháp điều trị chính được áp dụng cho hầu hết các giai…

Chữa ung thư dạ dày bằng lá đu đủ Chữa Ung Thư Dạ Dày Bằng Lá Đu Đủ Được Không?

Lá đu đủ là một trong những loại dược liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc nam…

Xạ trị ung thư dạ dày Xạ trị ung thư dạ dày và thông tin cần biết

Xạ trị ung thư dạ dày là một trong những phương pháp điều trị ung thư dạ dày và thường…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua