Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối – Điều cần biết

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối ( giai đoạn IV) thường gây ra các dấu hiệu như đau dữ dội ở vùng chậu hoặc thắt lưng, đi tiểu ra máu, tức ngực, khó thở, sụt giảm cân nặng. Các phương pháp điều trị được áp dụng trong giai đoạn này chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là gì?

Giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh ung thư cổ tử cung hay còn được gọi là giai đoạn IV. Lúc này, các tế bào ung thư trong cổ tử cung đã di căn đến hạch bạch huyết và xâm lấn sang các bộ phận khác như tử cung, buồng trứng, bàng quang, xương, tủy, dạ dày, phổi hay các cơ quan xa hơn. 

ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là mức độ nặng nhất của bệnh

Ở giai đoạn cuối, bệnh ung thư cổ tử cung được chia làm 2 mức độ phát triển là:

  • Giai đoạn IVA: các tế bào ác tính bắt đầu di căn sang lớp lót bên trong trực tràng, bàng quang, hạch bạch huyết. Các bộ phận khác vẫn chưa bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn IVB: Tế bào ung thư đã xâm lấn đến hạch bạch huyết và các cơ quan nội tạng nằm trong vùng bụng trên. Ung thư có thể tiếp tục phát triển đến phổi, xương hay toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường có các triệu chứng sau:

  • Đau ngực, khó thở: Ung thư di căn đến phổi và gây tắc nghẽn khí quản khiến bệnh nhân bị suy hô hấp, từ đó dẫn đến hiện tượng đau tức ngực, khó thở. Khoảng 70% các trường hợp bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có dấu hiệu này.
  • Đau ở khu vực xương chậu, dưới thắt lưng hoặc các vị trị khác trên cơ thể: Triệu chứng này có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối, cơn đau có tính chất nghiêm trọng, kéo dài và diễn ra thường xuyên hơn khiến bệnh nhân vô cùng khổ sở.
  • Tiểu tiện ra máu: Bên cạnh triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt, đau khi đi tiểu, người bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối còn bị tiểu tiện ra máu. 
  • Bất thường ở đường tiêu hóa: Ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung, khối u phát triển lớn chèn ép vào ruột già hoặc tế bào ác tính di căn đến dạ dày, ruột. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người bệnh gặp phải nhiều vấn đề bất thường ở đường tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi, ăn lâu tiêu, ói mửa…
  • Chảy máu hoặc tăng tiết dịch âm đạo: Nếu âm đạo thường xuyên bị tiết dịch màu xanh, màu vàng với số lượng lớn hoặc ra máu không trong kỳ kinh, chị em nên thận trọng với bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IV có thể bị rong kinh, trễ kinh, cường kinh hay chu kỳ kinh nguyệt đến sớm do ung thư di căn đến buồng trứng.
  • Mệt mỏi, giảm cân nhanh: Khối u lan rộng ở giai đoạn cuối khiến cho người bệnh thường xuyên phải gánh chịu những cơn đau đớn dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe. Ung thư di căn đến đường ruột cũng khiến cho người bệnh chán ăn, kém hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó gây sụt giảm nhiều cân nặng.

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung, khối u ác tính đã bắt đầu di căn sang các bộ phận khác nên cơ hội được điều trị khỏi bệnh khá thấp. Tiên lượng sống sau 5 năm của các trường hợp bị ung thư giai đoạn IVA là 20% và tỷ lệ này giảm xuống còn 15% khi bệnh bước qua giai đoạn IVB.

Cách điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Những sự lựa chọn trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bao gồm:

1. Chữa ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA khu trú

Ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA thường được điều trị bằng hóa trị kết hợp với xạ trị. Những phương pháp này có thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bằng xạ trị
Phương pháp xạ trị thường được chỉ định cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Phương pháp xạ trị được sử dụng nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng tia X có năng lượng cao. Bác sĩ sẽ sử dụng một máy nhắm tia X vào khu vực bị ung thư từ bên ngoài cơ thể ( xạ trị chùm tia ngoài) hoặc đặt các viên nang nhỏ chứa chất phóng xạ gần cổ tử cung để loại bỏ khối u ác tính. Hầu hết bệnh nhân đều được xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA bằng cả hai loại trên. Trong đó, phương pháp xạ trị chùm tia ngoài được thực hiện trên bệnh nhân điều trị ngoại trú trong thời gian từ 6 – 7 tuần, mỗi tuần khoảng 5 buổi. Mỗi đợt xạ trị chỉ kéo dài vài phút.

Trong hoặc sau quá trình điều trị bằng xạ trị chùm tia ngoài, bệnh nhân có thể được xạ trị trong. Việc đặt chùm bức xạ áp sát tử cung cho phép một lượng lớn bức xạ có thể tiếp cận trực tiếp với khối u và giảm thiểu những ảnh hưởng của tia xạ tới các mô và cơ quan khỏe mạnh xung quanh. Với phương pháp xạ trị trong, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện để được gắn một thiết bị nhỏ chứa chất phóng xạ vào cổ tử cung hoặc âm đạo trong thời gian từ 1 – 3 ngày. Quy trình này có thể được thực hiện 1 – 2 lần trong suốt quá trình điều trị.

Trong những năm gần đây, việc kết hợp hóa trị liệu vào trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khu trú đã mang lại những kết quả đáng khích lệ cho người bệnh. Các loại thuốc hóa trị liệu như Platinol ® hay 5-fluorouracil có khả năng tiêu diệt được các tế bào ác tính, đồng thời nâng cao hiệu quả của phương pháp xạ trị khi kết hợp cả hai với nhau. Chiến lược hóa trị và xạ trị áp dụng đồng thời có thể giúp làm tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị cũng có thể phá hủy các tế bào độc lập với xạ trị.

 Một số nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung tiến triển cục bộ sử dụng đồng thời hóa trị và xạ trị cho thấy, phương pháp này có thể cải thiện tỷ lệ thuyên giảm và kéo dài thời gian thêm thời gian sống cho người bệnh. 

Gần đây, nhóm các nhà nghiên cứu ung thư ở Hoa Kỳ cũng tiến hành thử nghiệm kết hợp xạ trị với hóa trị cho bệnh ung thư cổ tử cung tiến triển tại chỗ cho thấy kết quả khả quan hơn hơn so với điều trị đơn thuần bằng xạ trị. Trong nghiên cứu này, 403 bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị đơn thuần hoặc xạ trị kết hợp đồng thời với 5-fluorouracil và Platinol ®hóa trị liệu. Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn III hoặc IVA có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 63% so với 57% ở bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị đơn thuần. Khả năng tái phát ung thư là 42% đối với những bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị và xạ trị so với 62% ở những người được điều trị bằng xạ trị đơn thuần. Hóa trị và xạ trị đồng thời được dung nạp tốt ngoại trừ các tác dụng phụ nhỏ về tiêu hóa và huyết học, có thể hồi phục.

Tóm lại, kết hợp hóa trị Platinol ® được dùng đồng thời với xạ trị mang lại khả năng sống sót cao hơn toàn bộ bệnh nhân và giảm nguy cơ tái phát ung thư so với điều trị bằng xạ trị đơn thuần. 

Ngay cả khi kết hợp hóa trị và xạ trị, khoảng 20-40% bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bị tái phát ung thư. Ở một số bệnh nhân, các tế bào ung thư có thể vẫn sống sót mặc dù đã được xạ trị. Những bệnh nhân khác mắc bệnh ở giai đoạn IV đã có một lượng nhỏ ung thư di căn ra ngoài cổ tử cung và không được điều trị bằng hóa trị. Các tế bào ung thư này không thể được phát hiện bằng bất kỳ xét nghiệm nào hiện có. Các khu vực không thể phát hiện của ung thư bên ngoài tuyến cổ tử cung được gọi là vi mô. Sự hiện diện của các khu vực ung thư cực nhỏ này hoặc các tế bào ung thư còn sống sót có thể gây ra các đợt tái phát sau khi điều trị.

2. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB di căn

Khi các tế bào ác tính trong cổ tử cung đã di căn đến xương hay các cơ quan ở xa thì rất khó điều trị. Hầu hết bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối di căn đều không thể chữa khỏi và hiếm khi sống sót quá một hoặc hai năm.

Một số bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị liệu với mục đích kéo dài thời gian sống và giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư tiến triển. Trong khi đó, những bệnh nhân khác cũng được xạ trị tại chỗ cho các bộ phận bị ảnh hưởng trong cơ thể hoặc áp dụng các biện pháp khác nhằm giảm đau đớn cho người bệnh.

chữa ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bằng hóa trị
Phương pháp hóa trị thường được áp dụng để giảm nhẹ triệu chứng cho người bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Không có phương pháp hóa trị đơn lẻ nào có thể cải thiện thời gian sống sót ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã kết hợp Platinol ® với các loại thuốc hóa trị khác với hy vọng cải thiện khả năng thu nhỏ khối u và nâng cao khả năng sống sót cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.Tuy nhiên, những liệu pháp hóa học này thường chỉ hoạt động trong vài tháng trước khi ung thư cổ tử cung bắt đầu phát triển trở lại.

3. Các phương pháp điều trị ung thư giai đoạn cuối khác

Bên cạnh những phương pháp điều trị chính cho từng giai đoạn, bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối còn được điều trị bằng các phương pháp khác như:

– Liệu pháp sinh học:

Liệu pháp sinh học sử dụng các chất tổng hợp hoặc tự nhiên nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng vệ miễn dịch bình thường của cơ thể. Nó giúp cho hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể hoạt động hiệu quả hơn trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với phương pháp điều trị này, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng Interferon, Interleukin, kháng thể đơn dòng hay vắc xin. Chúng được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị liệu trong các thử nghiệm lâm sàng.

– Thuốc điều trị nhắm trúng đích:

Các loại thuốc này thường được dùng phối hợp với thuốc hóa trị. Sự kết hợp này có thể giúp tác động đến đường phát triển của các tế bào ác tính, qua đó kìm hãm được sự phát triển của ung thư cổ tử cung.

– Sử dụng thuốc giảm đau:

Một số loại thuốc giảm đau có thể được chỉ định nhằm giúp bệnh nhân bớt đau đớn, khó chịu khi phải chống chọi với bệnh. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không có opioid:

Chẳng hạn như Ibuprofen, Motrin hay Tylenol… Nhóm thuốc này có thể giúp kiểm soát các cơn đau ở mức độ nhẹ. Đôi khi một số loại thuốc giảm đau khác cũng có thể được chỉ định kết hợp với thuốc giảm đau không chứa opioid nếu cơn đau có tính chất nghiêm trọng hơn.

thuốc trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Một số loại thuốc có thể được chỉ định để kiểm soát triệu chứng đau cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
  • Thuốc giảm đau dây thần kinh:

Bao gồm một số loại thông dụng như Cymbalta, Gralise, Neurontin hay Lyrica.

  • Thuốc giảm đau chứa opioid:

Nhóm thuốc này chính là thuốc phiện dùng trong y tế chỉ được bác sĩ kê đơn cho các đối tượng bị đau nghiêm trọng mà không đáp ứng được với các thuốc giảm đau khác.

Thuốc giảm đau opioid có nhiều loại như Hydromorphone, Oxymorphone hay Hydrocodone,… Mặc dù chúng có tác dụng giảm đau tốt nhưng lại có nguy cơ gây nghiện rất cao. Bệnh nhân cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, bảo quản cẩn thận, có ghi chú rõ ràng không để nhầm lẫn với các thuốc khác.

Nếu các loại thuốc giảm đau đường uống không có kết quả, bác sĩ có thể lựa chọn một số liệu pháp giảm đau mạnh cho người bệnh. Chẳng hạn như tiêm thuốc trực tiếp vào trong tủy sống, tiêm vào dây thần kinh hay các mô nằm xung quanh dây thần kinh nhằm mục đích ngăn chặn quá trình dẫn truyền tín hiệu đau về thần kinh trung ương.

Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khi nào không còn khả năng chữa trị?

Một số bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị nhằm giảm thiểu triệu chứng bệnh và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Cụ thể là các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB có khối u quá lớn, tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan ở xa.
  • Người cao tuổi có sức khỏe suy yếu không thể chịu đựng được khi tiến hành các phương pháp điều trị thông thường như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.
  • Bệnh nhân đã được tiến hành các phương pháp điều trị cơ bản nhưng không đáp ứng được và tế bào ung thư vẫn tiếp tục lan rộng.

Đối với những trường hợp này, các phương pháp chữa trị ung thư sẽ được ngưng lại. Người bệnh có thể được tư vấn gói chăm sóc giảm nhẹ tại các cơ sở y tế hoặc tự chăm sóc, điều trị triệu chứng tại nhà tùy theo tình trạng sức khỏe, nơi ở hoặc điều kiện kinh tế.

Cách chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, bệnh nhân có thể lựa chọn hình thức chăm sóc tại bệnh viện – nơi có đầy đủ các trang thiết bị y tế hỗ trợ. Một số bệnh nhân lựa chọn chăm sóc tại gia để tiết kiệm chi phí và có không gian nghỉ ngơi thoải mái hơn.

1. Chăm sóc cho bệnh nhân tại bệnh viện

Một số bệnh viện, trung tâm y tế có cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân. Khi lựa chọn hình thức này, bệnh nhân sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các nhân viên y tế cũng như các thiết bị hiện đại để giảm đau đớn, đồng thời kiểm soát tốt các triệu chứng ung thư, nâng cao chất lượng sống.

cách chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Nhiều biện pháp chăm sóc được áp dụng để giảm nhẹ triệu chứng cho phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ có thể được tiến hành song song với quá trình điều trị bệnh hoặc sau khi thực hiện các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị để có thể giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải sau điều trị.

2. Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối tại nhà

Khi lựa chọn hình thức tự chăm sóc tại nhà, thân nhân của người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ để biết cách theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc, xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh, đồng thời nắm rõ cách thức liên hệ với bệnh viện khi cần thiết.

Dưới đây là một số việc người nhà có thể làm để giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân:

  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, không khí thoáng đãng, thoải mái
  • Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì người nhà có thể sử dụng gối nâng cao đầu bệnh nhân khi nằm hoặc điều chỉnh cho phần đầu giường cao hơn. Lắp đặt các thiết bị hỗ trợ thở tại nhà và sử dụng bình oxy cho người bệnh khi cần thiết. Trường hợp bị khó thở nghiêm trọng thì nên nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
  • Thường xuyên mát xa, xoa bóp kết hợp sử dụng thuốc giảm đau có thể giúp người bệnh giảm bớt được các cơn đau và tình trạng nhức mỏi ở khu vực xương chậu, vùng bụng hay các vị trí ung thư di căn.
  • Tắm rửa, vệ sinh vùng kín cho người bệnh thường xuyên để tránh bị nhiễm trùng âm đạo hay đường tiết niệu khi dịch tiết âm đạo ra nhiều. Nếu bệnh nhân bị chảy máu âm đạo ồ ạt, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý.
  • Khuyến khích bệnh nhân ngồi thiền, tập thể dục nhẹ nhàng hay áp dụng liệu pháp châm cứu, vật lý trị liệu để giảm căng thẳng, nâng cao sức khỏe và kiểm soát được cơn đau.
  • Thường xuyên ở bên cạnh chia sẻ, lắng nghe tâm sự và nguyện vọng của người bệnh, đồng thời động viên họ giữ vững tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Ở giai đoạn cuối, ung thư cổ tử cung di căn đến đường ruột có thể gây ra nhiều triệu chứng bất thường như táo bón kéo dài, chướng hơi, đầy bụng, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn ói. Điều này có thể khiến người bệnh bị sút cân nghiêm trọng và luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống. 

Để cải thiện sức khỏe, bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cần được cung cấp một chế độ ăn uống đặc biệt. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người bệnh:

– Lựa chọn thực phẩm:

Tăng cường các thực phẩm giàu chất đạm trong thực đơn của người bệnh. Chúng cung cấp nhiều năng lượng giúp bệnh nhân bớt mệt mỏi.

Ngoài nguồn chất đạm từ động vật ( thịt bò, cá, tôm, thịt nạc lợn) thì có thể bổ sung thêm protein cho người bệnh từ nguồn thực vật như các loại hạt, rau lá xanh, đậu nành…

Nếu bệnh nhân ăn uống kém thì nên bổ sung thêm sữa vào thực đơn. Kết hợp cho người bệnh uống đủ nước mỗi ngày để hạn chế các bất thường trong hoạt động tiểu tiện và duy trì hoạt động bình thường cho các cơ quan trong cơ thể.

– Cách chế biến món ăn:

Các món ăn cho người bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối nên được chế biến dưới dạng lỏng, hầm nhừ hay nghiền nát để dễ nuốt và giảm thiểu gánh nặng cho đường tiêu hóa.

Ngoài ra, người nhà cũng cần lưu ý đến khẩu vị, sở thích của người bệnh khi chế biến món ăn. Thường xuyên đổi món và bài trí thức ăn đẹp mắt hơn để kích thích vị giác của người bệnh.

– Khẩu phần ăn trong ngày:

Các bữa ăn của người bệnh nên được chia nhỏ với lượng thức ăn sử dụng trong mỗi bữa ít hơn. Điều này có thể giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong ngày và giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa cho người bệnh.

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối đều không được chữa khỏi bệnh. Các phương pháp điều trị được áp dụng trong giai đoạn này tập trung vào mục đích giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Điều quan trọng là bệnh nhân cần giữ vững tinh thần lạc quan và tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ để có thể kiểm soát được bệnh và có chất lượng sống tốt hơn.

Bạn nên tham khảo thêm

Ngày đăng 07:00 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 14:37 - 07/06/2023
Chia sẻ:
Bài thuốc Diệp Phụ Khang thực hiện bởi Ths.Bs Đỗ Thanh Hà đang là giải pháp điều trị bệnh Phụ khoa an toàn, ngừa tái phát, được hơn 10.000 phụ nữ tin dùng
ung thư cổ tử cung khi mang thai Bị ung thư cổ tử cung khi mang thai phải làm sao?

Bà bầu cần đặc biệt cẩn trọng nếu bị ung thư cổ tử cung khi mang thai. Đây là tình…

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung và thông tin cần biết

Xác định được giai đoạn ung thư cổ tử cung chính là bước quan trọng của quá trình chẩn đoán…

Bị ung thư cổ tử cung có quan hệ được không? Bị ung thư cổ tử cung có quan hệ được không?

Đời sống tình dục có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tuy nhiên ung thư cổ tử cung…

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều cần biết

Bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra. Căn bệnh này thường tiến triển âm thầm trong…

Ung thư cổ tử cung có sinh con được không? Ung thư cổ tử cung có mang thai, sinh con được không?

Hiện nay ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm, đứng thứ 2 sau ung thư vú ở…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua