Trẻ bị phát ban nhưng không sốt có thể là dấu hiệu của các tình trạng da liễu như chàm sữa, rôm sảy, hăm tã, viêm da dị ứng,…Để có hướng khắc phục phù hợp, bạn cần xác định đúng vấn đề sức khỏe mà trẻ gặp phải.

Trẻ bị phát ban nhưng không sốt là biểu hiện của bệnh gì?
Phát ban da là một trong những triệu chứng khá phổ biến. Triệu chứng này có hình thái và màu sắc tương đối đa dạng.
Dưới đây là những bệnh lý có khả năng khiến trẻ bị phát ban nhưng không kèm theo sốt.
1. Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là một dạng viêm da tiến triển mãn tính và có xu hướng bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Triệu chứng xuất hiện đầu tiên do viêm da dị ứng là phát ban có màu đỏ hoặc hồng. Sau đó da có thể ngứa ngáy, khô và bong vảy.
Bệnh lý này chỉ gây phát ban da nhưng không gây sốt hay mệt mỏi. Viêm da dị ứng thường gặp ở trẻ nhỏ và có xu hướng thuyên giảm khi trưởng thành.
2. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là dạng tổn thương da xảy ra sau khi tiếp xúc với chất dị ứng (hóa chất, côn trùng, mủ thực vật,…). Tổn thương do viêm da tiếp xúc gây ra có màu hồng, đỏ, xuất hiện các nốt sẩn hoặc mụn nước kèm theo, thường gây ngứa ngáy và khó chịu.

Viêm da tiếp xúc là một trong những bệnh lý có liên quan đến triệu chứng trẻ bị phát ban nhưng không sốt. Tuy nhiên tổn thương da do bệnh lý này có thể gây đau rát, ngứa ngáy và khiến trẻ quấy khóc.
3. Chàm sữa
Chàm sữa là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ từ 5 – 11 tháng tuổi. Các tổn thương da do chàm sữa thường khu trú ở mặt (má, trán và vùng má). Tuy nhiên với những trẻ có mức độ nặng, chàm sữa có thể lan xuống cổ và thân.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh là tình trạng phát ban có màu hồng. Sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ, li ti khu trú trên ban hồng. Các mụn nước này duy trì trong một thời gian và bắt đầu vỡ, rỉ, cuối cùng da bắt đầu đóng mài và bong vảy. Các triệu chứng do chàm sữa gây ra có thể biến mất sau khi trẻ lớn lên.
Phát ban do chàm sữa thường không gây sốt nhưng có thể gây ngứa và đau. Trong trường hợp không điều trị và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị bội nhiễm ở vùng da tổn thương.
4. Rôm sảy
Rôm sảy là một dạng tổn thương da cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra khi tuyến mồ hôi bị bít tắc do bã nhờn và bụi bẩn ứ đọng.
Rôm sảy thường xảy ra ở trẻ nhỏ vì cấu trúc tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, làn da mỏng và nhạy cảm của trẻ cũng là môi trường thuận lợi khiến rôm sảy xuất hiện.
Tình trạng này thường xảy ra trong thời gian nắng nóng và độ ẩm cao. Rôm sảy gây phát ban da ở trẻ, đi kèm với các nốt mụn nước nhỏ và ngứa ngáy nhưng thường không gây sốt.
5. Hăm tã
Hăm tã còn được gọi là viêm da tã lót, hình thành khi da ma sát với tã và quần. Tình trạng này thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 3 – 15 tháng. Hăm tã đặc trưng bởi tình trạng phát ban ở mông, bẹn và những vùng da tiếp xúc với tã lót.

Trong các trường hợp hăm tã nặng, da có thể nổi các sẩn nước nhỏ trên bề mặt ban đỏ. Triệu chứng do hăm tã chỉ gây ngứa, khó chịu và đau rát nhưng không làm tăng thân nhiệt ở trẻ nhỏ.
Tuy nhiên nếu trẻ bị nhiễm trùng ở vùng da hăm tã, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, lười ăn, quấy khóc và ói mửa.
6. Kích ứng da do tiếp xúc với mặt trời
Làn da của trẻ nhỏ thường mỏng và nhạy cảm hơn da của người trưởng thành. Vì vậy khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, da trẻ có thể bị đỏ và bỏng rát.
Bị phát ban da do ánh nắng thường không gây sốt hay ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên ở vùng da bị kích ứng, da có thể đỏ, rát và bong thành từng mảng. Sau khoảng 3 – 7 ngày, vùng da tổn thương sẽ có xu hướng phục hồi và lành hoàn toàn.
Không giống như viêm da tiếp xúc hoặc dị ứng, kích ứng da do ánh nắng thường không gây ngứa ngáy và khó chịu.
7. Dị ứng thực phẩm
Cơ quan tiêu hóa của trẻ nhỏ có thể chưa được phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy, trẻ dễ gặp phải các tình trạng tiêu chảy, táo bón, đau bụng,… sau khi dung nạp các thực phẩm lạ.
Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ dị ứng thực phẩm cao hơn người trưởng thành. Sau khi ăn những thực phẩm có khả năng dị ứng (đậu phộng, đậu nành, hải sản,…), cơ thể trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như phát ban da, đau bụng, buồn nôn, sưng lưỡi,…

Phần lớn các triệu chứng do dị ứng thực phẩm thường không gây sốt và có xu hướng thuyên giảm sau khoảng 3 – 5 giờ. Tuy nhiên nếu trẻ có các dấu hiệu như khó thở, sưng mắt, nghẹn cổ họng, mất kiểm soát,… bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Ở một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong.
8. Sốt phát ban
Sốt phát ban là bệnh lý nhiễm trùng virus thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường gây sốt kèm theo phát ban da có màu đỏ hoặc hồng. Tuy nhiên ở một số trẻ, phát ban có thể phát sinh sau khi triệu chứng sốt đã thuyên giảm.

Phát ban do bệnh lý này hiếm khi gây ngứa ngáy và có thể thuyên giảm sau khoảng 3 ngày mà không cần phải điều trị.
Trẻ bị phát ban nhưng không sốt có cần đến bệnh viện?
Hầu hết các trẻ bị phát ban nhưng không gây sốt đều được điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt, bạn cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cần đưa trẻ đến bệnh viện trong những trường hợp sau:
- Trẻ bị phát ban kèm theo triệu chứng khó thở, sưng cổ họng,…
- Phát ban toàn thân và gây ngứa dữ dội.
- Các vết ban da có xuất hiện mụn mủ khiến vùng da ấm hơn bình thường.
- Trẻ bị phát ban không sốt kéo dài hơn 7 ngày.
Khi trẻ bị phát ban nhưng không sốt, bạn cần chú ý những biểu hiện đi kèm để nhận biết sớm bệnh lý ở con trẻ. Trong trường hợp cần thiết, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!