Các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em & lưu ý khi dùng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh táo bón ở trẻ em thường xảy ra đột ngột nhưng đôi khi từ từ. Và hầu hết các bậc cha mẹ đều chữa bệnh cho con ngay tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu các biện pháp điều trị này không mang lại kết quả, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em để cải thiện triệu chứng bệnh cho con.

thuốc trị táo bón cho trẻ em
Thuốc trị táo bón cho trẻ em bao gồm những loại nào?

Táo bón ở trẻ em là bệnh lý dễ phát hiện dựa trên dấu hiệu đi cầu của con trẻ. Nếu trẻ còn đang bú mẹ đi tiêu duới 3 lần trong tuần và trẻ lớn dưới 2 lần kèm theo triệu chứng phân rắn, vón cục hoặc cứng, rặn khi đi cầu,… khả năng trẻ mắc bệnh táo bón là khá cao. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ có thể là do nhịn tiêu hoặc chế độ dinh dưỡng không đầy đủ. Ngoài ra, bệnh hình thành cũng có thể do trẻ lười vận động hay do tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh táo bón ở trẻ tuy không gây bất kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị sớm, về lâu dài có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng
  • Biếng ăn
  • Chậm lớn
  • Thường xuyên đầy hơi, trướng bụng hoặc ăn khó tiêu,…

Táo bón khiến chất độc trong phân không được đào thải ra ngoài, tích tụ trong cơ thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì vậy, để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh gây biến chứng, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám, chẩn đoán và điều trị.

Những loại thuốc trị táo bón cho trẻ em

Biện pháp điều trị táo bón cho trẻ em thường được các bậc phụ huynh áp dụng đó là thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày của con trẻ. Một chế độ ăn nhiều chất xơ là cần thiết đối với trẻ. Bởi việc bổ sung chất xơ nhiều sẽ giúp tăng khối lượng phân, giúp phân mềm và dễ tống ra ngoài hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cho con uống nhiều nước và tăng cường vận động. Bởi bổ sung đủ nước và vận động thường xuyên sẽ giúp thức ăn di chuyển dọc theo đường ruột và tăng cường chức năng hoạt động của ruột, hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp áp dụng các biện pháp này nhưng triệu chứng táo bón của trẻ không thuyên giảm, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em. Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng và đúng cách giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát ở trẻ.

Dưới đây là danh sách các loại thuốc trị táo bón cho trẻ thường được bác sĩ kê đơn:

1. Thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu

Thuốc trị táo bón tăng tính thẩm thấu là một trong những loại thuốc trị táo bón có thể dùng ở trẻ nhằm cải thiện triệu chứng đầy hơi và khó chịu ở bụng. Thuốc có tác dụng giảm khả năng hấp thụ nước ở thành ruột nhưng giúp làm tăng lượng nước trong lòng ruột. Chính vì vậy mà thuốc giúp làm mềm phân, dễ dàng tống ra ngoài. Một số loại thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu ở trẻ như Sorbitol (Sorbitol), Lactulose (Duphalac) và Polyethylene Glycol (Forlax),…

– Sorbitol

Sorbitol nằm trong nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Thuốc được bào chế dưới dạng uống hoặc dạng đặt trực tràng, có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. 

Khi được hấp thu, hoạt chất trong thuốc có tác dụng đẩy nhanh quá trình hydrat hóa các chất có trong đường tiêu hóa, qua đó giúp thức ăn nạp vào dễ dàng được chuyển hóa. Thuốc cũng giúp làm tăng thể tích nước trong ruột để làm mềm phân bằng cách làm tăng áp suất thẩm thấu ngoài thành ruột.

Bên cạnh đó, thuốc Sorbitol còn kích thích nhu động ruột sản xuất nhiều peptide Cholecystokinin-Pancreazymi. Đây là một loại hormone giúp làm tăng khả năng tiêu hóa protein và chất béo có trong thức ăn, qua đó cải thiện tình trạng táo bón và các triệu chứng khó chịu khác ở đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng.

Thuốc Sorbitol cho hiệu quả trị táo bón nhanh nhưng cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy, đầy bụng, đau bụng. Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ dạng dạng viên đặt hay gel thụt trực tràng còn có thể gây kích ứng, nóng rát niêm mạc hậu môn, trực tràng. Thuốc hiếm khi gây viêm đại tràng xuất huyết.

Cách sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ:

  • Thuốc đặt trực tràng: Trẻ nhỏ từ 2 – 11 tuổi: Dùng thuốc 20-30% 30 – 60ml, trẻ từ 12 tuổi trở lên dùng 120ml.
  • Thuốc uống: Mỗi ngày uống 1/4 gói thuốc bột 5g/ngày, chia đều làm 2 lần dùng.
  • Thời gian điều trị bằng thuốc kéo dài từ 3 – 5 ngày tùy theo tình trạng táo bón của trẻ.

– Thuốc Duphalac:

Thuốc Duphalac có dạng bột hoặc dung dịch uống nên tiện lợi khi sử dụng cho trẻ nhỏ. Với thành phần chính là lactulose, thuốc có khả năng làm mềm phân, giúp đi cầu dễ dàng, cải thiện tình trạng táo bón cấp và mãn tính ở trẻ em. Đôi khi, loại thuốc này còn được chỉ định cho các trường hợp mắc bệnh trĩ hoặc trẻ mới được làm phẫu thuật ở kết tràng hay hậu môn để đại tiện được thông suốt.

Thuốc trị táo bón tăng tính thẩm thấu
Lactulose (Duphalac) có tác dụng là mềm phân, chữa táo bón ở trẻ

Thận trọng khi sử dụng thuốc Duphalac chữa táo bón cho trẻ đang gặp phải các vấn đề sau:

  • Bị dị ứng với lactose hay các thành phần khác có trong thuốc
  • Táo bón kèm theo đau bụng không rõ nguyên nhân
  • Bất dung nạp lactose
  • Trẻ bị tắc nghẽn ở dạ dày, ruột
  • Trẻ đang bị thủng ở đường tiêu hóa hoặc có nguy cơ gặp phải vấn đề này.

Trong quá trình sử dụng loại thuốc này trị táo bón cho trẻ, cha mẹ cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe của bé. Nếu thấy trẻ gặp bất kỳ tác dụng phụ nào dưới đây, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ biết ngay: Tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, sôi bụng, chuột rút cơ bắp, rối loạn nhịp tim, động kinh, đau dạ dày, đau bụng kéo dài, đi ngoài ra máu, nổi phát ban hay mẩn ngứa ngoài da, choáng váng, khó thở.

Cách dùng thuốc:

  • Trẻ sơ sinh: Dùng liều tối đa 5ml/ngày
  • Trẻ 1 – 6 tuổi: Uống 5 – 10ml/ngày
  • Trẻ 7 – 14 tuổi: Liều dùng khởi đầu 15ml/ngày. Liều duy trì 10- 15ml/ngày.

– Thuốc Forlax

Folax là thuốc nhuận tràng thường được chỉ định để điều trị táo bón cho trẻ em trên 8 tuổi và người trưởng thành. Thuốc được bào chế từ hoạt chất macrogol dạng cao phân tử. Khi được sử dụng, chất này có tác dụng chống táo bón, giúp đi cầu đều đặn bằng cách làm mềm và làm tăng khối lượng phân.

Thuốc Folax có thể cho hiệu quả rõ rệt sau khoảng 24 – 48 tiếng sử dụng. Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận ở trẻ điều trị táo bón bằng loại thuốc này như nổi phát ban, mề đay, nôn ói, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn ói, đau bụng. Tránh lạm dụng thuốc quá mức hoặc cho trẻ sử dụng Folax với liều cao khiến bé có nguy cơ gặp tác dụng phụ nhiều hơn.

Cách dùng thuốc:

  • Mỗi ngày uống 1 – 2 gói
  • Sử dụng một liều duy nhất mỗi ngày vào buổi sáng
  • Thời gian điều trị táo bón cho trẻ bằng thuốc Folax không nên kéo dài quá 3 tháng.
  • Khi sử dụng, xé góc gói thuốc, đổ bột bên trong vào trong ly có khoảng 125ml nước, hòa tan rồi cho bé uống hết 1 lần ngay sau đó.

2. Thuốc trị táo bón tạo khối

Thuốc trị táo bón tạo khối bao gồm các hợp chất thiên nhiên như cám lúa mì, agar – agar, thạch, gôm Sterculia hay bán tổng hợp (methyl cellulose). Các loại thuốc này khi vào cơ thể không bị hấp thu nhưng nhờ tính hút nước và trương nở, chúng giúp làm tăng khối lượng phân. Đồng thời giúp kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, làm mềm phân và giúp đẩy phân ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, vì thuốc có tính hút nhiều nước, do đó, cha mẹ nên cho con uống đúng liều lượng.

Dưới đây là thông tin chi tiết về một số loại thuốc trị táo bón cho trẻ em thuộc nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối thường được sử dụng:

– Thuốc Polycarbophil:

Thuốc nhuận tràng tạo khối Polycarbophil được biết đến với tác dụng làm tăng lượng nước trong phần, giúp phân trở nên mềm hơn và có thể đi qua ống hậu môn một cách dễ dàng. Sử dụng Polycarbophil cũng giúp ổn định hoạt động của nhu động ruột, tạo điều kiện cho hoạt động đi ngoài của trẻ luôn được diễn ra thông suốt, đều đặn.

Tương tự như các loại thuốc trị táo bón ở trẻ em khác, Polycarbophil cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định như nổi mề đay, co thắt dạ dày, sưng môi, lưỡi, đầy hơi, đau dạ dày nhẹ, đầy hơi. Chống chỉ định dùng thuốc Polycarbophil cho trẻ bị dị ứng với polycarbophil, dầu khoáng hay các chất khác như sodium laurel sulfate, povidone. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nếu trẻ có tiền sử bị hội chứng ruột kích thích, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn ói, khó nuốt, tắc nghẽn ruột, chảy máu trực tràng.

Cách sử dụng thuốc:

  • Cho trẻ uống thuốc mỗi ngày 1 – 4 lần với liều lượng được bác sĩ hướng dẫn trong đơn thuốc
  • Uống thuốc với một ly nước đầy
  • Đối với thuốc dạng viên nhai, hướng dẫn trẻ nhai nát thuốc trước khi nuốt. Sau đó cho bé uống thêm 1 ly nước đầy
  • Thuốc có thể kích thích đi tiêu trong vòng 12 giờ – 72 tiếng
  • Thông báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng táo bón của bé không cải thiện sau 3 ngày dùng thuốc.
thuốc chữa táo bón cho trẻ em
Polycarbophil là thuốc nhuận tràng tạo khối được chỉ định rộng rãi trong điều trị táo bón ở trẻ em

– Thuốc Methylcellulose:

Loại thuốc trị táo bón cho trẻ em này giúp bổ sung chất xơ làm tăng khối lượng phân, đồng thời tăng lượng nước trong phân, giúp phân trở nên mềm hơn và dễ dàng được đào thải ra ngoài.

Methylcellulose có thể tương tác, làm thay đổi hoạt động của một số loại tân dược khác. Vì vậy, hãy thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng loại thuốc này kết hợp cùng với các loại thuốc tây khác để điều trị bệnh cho bé.

Cách dùng thuốc:

  • Thuốc được sử dụng theo đường uống
  • Cho trẻ dùng thuốc theo đúng liều lượng được bác sĩ khuyến cáo

– Thuốc Psyllium:

Thuốc Psyllium cung cấp thành phần chính là chất xơ có tác dụng hấp thu dịch, giúp khối phân trở lên to và mềm hơn. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón thường xuyên hoặc chứng đi ngoài bất thường ở trẻ em. 

Psyllium có các dạng viên nang, thuốc bột hay thuốc gói. Loại thuốc này có thể khiến trẻ bị lệ thuộc nếu lạm dụng quá mức. Vì vậy, tránh sử dụng thuốc Psyllium trị táo bón cho trẻ em trong thời gian dài mà không được sự đồng ý của bác sĩ.

Khi sử dụng thuốc Psyllium cho trẻ cần thần trọng với các tác dụng phụ như: Nổi mẩn ngứa, chảy máu trực tràng, thay đổi thói quen đi ngoài, nghẹn, khó nuốt, buồn nôn, đau bụng dữ dội.

Cách dùng thuốc:

  • Trẻ từ 6 – 11 tuổi: Dùng 1,25-15 g/ngày chia làm nhiều lần uống
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng 2,5-30 g/ngày, chia uống nhiều lần
  • Uống thuốc với nhiều nước, ít nhất là 240 ml nước lọc hoặc các chất lỏng khác
  • Khi dùng thuốc dạng viên nang, cho trẻ nuốt cả viên với nhiều nước
  • Trường hợp được chỉ định thuốc bột, hãy pha thuốc với 240ml nước, khuấy đều lên và cho bé uống ngay sau đó. 
  • Đối với thuốc dạng viên nén nhai, cho bé nhai trước khi nuốt, sau đó uống thêm nước
  • Thuốc Psyllium có thể phát huy hiệu lực sau khoảng 12 – 72 tiếng sử dụng. Tránh dùng thuốc điều trị cho trẻ trong thời gian quá 7 ngày mà không thông qua ý kiến bác sĩ.

3. Thuốc làm mềm phân

Thuốc làm mềm phân bao gồm glycerol (Rectiofar), parafin lỏng và docusate. Thuốc thường dùng dưới dạng bơm trực tiếp vào hậu môn của trẻ nhằm giúp làm mềm phân và kích thích trẻ đi đại tiện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên sử dụng thuốc ở trẻ quá thường xuyên. Lý do là vì thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc trực tràng gây tổn thương.

– Thuốc Rectiofar:

Rectiofar chứa thành phần chính là glycerin được bào chế dưới dạng bơm trực tràng. Đây là loại thuốc trị táo bón cho trẻ em và cả người lớn đang được sử dụng khá rộng rãi.

Thuốc Rectiofar được đánh giá cao về tính an toàn. Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp nào gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh sử dụng Rectiofar cho trẻ quá mẫn với thành phần thuốc, trẻ bị trĩ cấp tính, đang bị tiêu chảy hoặc mắc bệnh rò hậu môn. Trường hợp trẻ có vấn đề về tim mạch, gan thận, mất nước nặng hoặc bị suy tim sung huyết cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết.

Thuốc trị táo bón cho trẻ em Rectiofar
Rectiofar là thuốc thụt trực tràng có tác dụng làm mềm phân, trị táo bón cho trẻ em

Cách sử dụng thuốc:

  • Ngày dùng 1 ống 3ml
  • Khi sử dụng, mở nắp ở đầu ống rồi nhẹ nhàng đưa sâu vào trong hậu môn để bơm thuốc vào trực tràng.
  • Không sử dụng thuốc theo đường uống
  • Tránh dùng thuốc cho trẻ kéo dài và liên tục trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

– Thuốc Parafin:

Parafin chứa hỗn hợp hydrocarbon no ở dạng lỏng, có nguồn gốc từ dầu lửa. Thuốc hoạt động như một chất bôi trơn đường ruột, giúp làm mềm phân nên có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón ở trẻ em.

Thuốc được bào chế dưới dạng uống hoặc thụt trực tràng. Trong đó thuốc thụt chỉ nên sử dụng cho trẻ khi thật sự cần thiết. Chống chỉ định thuốc Parafin cho trẻ có biểu hiện nhạy cảm, quá mẫn với thành phần thuốc. Trẻ dưới 6 tuổi, có biểu hiện nuốt khó, bị đau bụng, buồn nôn, nằm liệt giường hoặc mắc chứng thoát vị khe thực quản cũng không nên sử dụng loại thuốc này. 

Cách sử dụng thuốc:

+ Thuốc tháo thụt phân:

  • Trẻ từ 2 – 11 tuổi: Dùng 30 – 60ml/ngày
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng 120 ml/ngày khi thật cần thiết

+ Thuốc uống:

  • Trẻ 6 – 11 tuổi: Dùng 5 – 15 ml/lần/ngày hoặc chia thành nhiều lần uống với liều tối thiểu là 5ml/lần.
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Uống 15 – 30 ml/lần/ngày trước khi đi ngủ vào buổi tối. Tránh dùng thuốc kéo dài quá 7 ngày.

Lưu ý khi sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ em

Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh cho con trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

  • Thuốc điều trị táo bón cho con trẻ cần dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của nhân viên y tế
  • Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng theo yêu cầu in trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Tốt nhất nên cho trẻ uống thuốc cùng một giờ vào mỗi ngày
  • Để bé uống thuốc dễ dàng hơn, cha mẹ có thể trộn thuốc với nước hoa quả hoặc nước lọc cho trẻ uống
  • Không nên lạm dụng thuốc trị táo bón ở trẻ vì thuốc có thể gây các tác dụng phụ như co thắt cơ bụng, tiêu chảy, nôn hoặc trướng bụng,… Trong trường hợp sử dụng thuốc nếu trẻ bị tiêu chảy do viêm ruột, cha mẹ nên giảm liều hoặc ngừng sử dụng tạm thời
  • Bổ sung men vi sinh hoặc thực phẩm chứa prebiotic cho trẻ. Đây đều là những thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ, giúp cung cấp hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột và giúp tăng cường chức năng hoạt động, giúp giảm chứng táo bón
  • Nên tập luyện cho trẻ thói quen đi đại tiện mỗi ngày. Cha mẹ nên tập cho con đi tiêu sau bữa ăn tối 20 – 30 phút. Đồng thời nên tập cho con tư thế ngồi đại tiện đúng với lưng thẳng hoặc hơi nghiêng về phía trước, 2 chân chạm mặt sàn.
  • Chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh táo bón. Do đó, cha mẹ nên cho con ăn nhiều loại thực phẩm có chứa chất xơ và tính nhớt như mồng tơi, rau đay, đu đủ và thanh long, chuối,… 
  • Nên cho trẻ uống nhiều nước. Đối với trẻ còn bú, cha mẹ nên cho bú ít nhất 500 – 600 ml/ngày

Trên đây là các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em thường được bác sĩ kê đơn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cũng nên thực hiện các biện pháp khắc phục khác như massage bụng cho trẻ, thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt để tăng tính hiệu quả, giúp quyết nhanh chứng táo bón ở con trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên đưa trẻ thăm khám nếu triệu chứng táo bón kéo dài trên một tuần và kèm theo các biểu hiện như chán ăn, đi tiêu ra máu.

Có thể bạn quan tâm

THÔNG TIN HỮU ÍCH

Ngày đăng 11:30 - 13/06/2022 - Cập nhật lúc: 11:41 - 07/02/2023
Chia sẻ:
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên, ba mẹ cần đặc biệt cẩn trọng khi tình trạng này kéo dài nhiều ngày Trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày – Ba mẹ cần cảnh giác

Táo bón khá thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nhiều ngày sẽ tiềm…

trái cây trị táo bón 10 loại trái cây trị táo bón cực đỉnh có đầy ngoài chợ

Trái cây là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng do thơm ngon, dễ tiêu hóa lại giàu dưỡng chất…

Thuốc trị táo bón của Nhật loại nào tốt, giá bao nhiêu, mua ở đâu?

Nếu bạn cần tìm thuốc trị táo bón của Nhật có thể tham khảo một số thông tin trong bài…

Kinh nghiệm dùng hạt chia trị táo bón cực hay

Với hàm lượng chất xơ, Omega 3 và vitamin dồi dào, hạt chia có tác dụng thúc đẩy và duy…

Có nhiều cách sử dụng rau mồng tơi để chữa táo bón cho trẻ Cách chữa táo bón cho trẻ bằng rau mồng tơi hiệu quả trong ngày

Chữa táo bón cho trẻ bằng rau mồng tơi là một trong những phương pháp điều trị an toàn mà…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua