9 Loại Thuốc Chống Đột Quỵ Thường Được Bác Sĩ Chỉ Định

Thuốc chống đột quỵ là những loại thuốc tập trung vào việc điều trị cải thiện các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não cho người có nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa đáng kể sự xuất hiện của cơn đột quỵ nguy hiểm. Việc dùng thuốc chống đột quỵ chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, phù hợp với từng đối tượng người bệnh và tình trạng sức khỏe nhất định. 

Thuốc chống đột quỵ được chỉ định khi nào?

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, xảy ra khi các tế bào não bị tổn thương, hoại tử do quá trình lưu thông máu đến não bị gián đoạn đột ngột, trong thời gian dài. Nếu không sớm phát hiện, can thiệp y tế kịp thời sẽ rất nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong, tàn tật cao cho người bệnh. Đột quỵ não có thể được phòng ngừa bằng các thuốc chống đột quỵ nếu người bệnh kịp thời thăm khám, phát hiện các vấn đề bất thường, các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ cao cho mình.

Thuốc chống đột quỵ chỉ được sử dụng khi có chỉ định
Thuốc chống đột quỵ chỉ được sử dụng khi có chỉ định

Không phải ai, người nào cũng có thể sử dụng các thuốc phòng ngừa đột quỵ. Những loại thuốc này chỉ được chỉ định cho một số đối tượng, trong một số trường hợp nhất định. Thông thường, thuốc chống đột quỵ sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao như người cao tuổi, người bị tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, mắc bệnh lý tim mạch mãn tính, bị xơ vữa động mạch. Thuốc sẽ được kê đơn sau khi kiểm tra, thăm khám, xác định nguy cơ đột quỵ ở người bệnh. 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, những người có bệnh lý nền nên thăm khám sức khỏe thường xuyên, cần tầm soát đột quỵ để sớm phát hiện nguy cơ. Sau khi được chỉ định các thuốc điều trị phù hợp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc đều đặn, đúng liều, đúng thời gian, không tự ý tăng giảm, thay đổi liều lượng hay ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đối với người cao tuổi, trí nhớ suy giảm, nên theo dõi và nhắc nhớ người bệnh uống thuốc thường xuyên để tránh quên lịch sử dụng thuốc.

Top 9 loại thuốc chống đột quỵ tốt nhất hiện nay

Thuốc chống đột quỵ có nhiều loại khác nhau, tùy vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền, các yếu tố nguy cơ cao ở người bệnh mà sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc phù hợp để phòng ngừa căn bệnh này. Thuốc chống đột quỵ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc dùng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc để dùng. 

Hiện nay, các loại thuốc được sử dụng để phòng chống đột quỵ não có thể kể đến như:

1. Nhóm thuốc chống đông máu phòng ngừa đột quỵ

Tai biến mạch máu não có thể xảy ra do vỡ mạch máu gây xuất huyết não hoặc do tắc mạch máu (liên quan đến mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch hoặc cục máu đông) gây nhồi máu não. Đố với những trường hợp người bệnh bị rối loạn đông máu tự nhiên, dễ bị đông máu, mắc bệnh tăng đông máu di truyền, có các mảng xơ vữa lớn, có nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu sẽ được chỉ định sử dụng dùng thuốc chống đông máu để phòng ngừa đột quỵ.

Một số thuốc chống đông máu thường được sử dụng là:

  • Thuốc chống đông máu Heparin: Thuốc có tác dụng chống đông máu, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị các cục máu đông trong động mạch, tĩnh mạch và phổi. Thuốc được chỉ định để phòng, điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, điều trị huyết khối nghẽn động mạch… Chống chỉ định cho người bị dọa sảy thai, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, có vết loét dễ chảy máu, loét dạ dày, có tổn thương chấn thương ở thần kinh. 
  • Thuốc kháng vitamin K: Có tác dụng cản trở quá trình khử vitamin K-epoxide thành vitamin K trong tế bào gan, tác động đến quá trình đông máu, thường được sử dụng để dự phòng sự xuất hiện của cục máu đông ở người đã thay van tim cơ học, mắc bệnh van tim có nguy cơ đột quỵ. Một số thuốc của nhóm này hay được sử dụng là Acenocoumarol, Warfarin… 
  • Thuốc Enoxaparin: Là thuốc chống đông máu heparin nhưng trọng lượng phân tử thấp, chỉ 5.000 phân tử trong khi heparin có trọng lượng từ 12.000 – 15.000. Có tác dụng nhanh hơn heparin nhưng thời gian bán thải cao, gấp 2 – 3 lần, chỉ được dùng 1 lần/ngày, liều dùng thuốc được cố định theo cân nặng. 

2. Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Sự tích tụ của cholesterol trên thành động mạch cùng sự kết dính của các tiểu cầu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự hình thành của các cục máu đông trong lòng mạch, khiến động mạch bị tắc nghẽn, gây ra tai biến mạch máu não. Đối với những người mắc bệnh tim mạch, người có nguy cơ hình thành cục máu đông, có các mảng xơ vữa lớn… thường sẽ được chỉ định sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Các thuốc này có thể được dùng ở dạng uống hoặc dạng tiêm tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Aspirin là thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất
Aspirin là thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất

Thuốc có tác dụng kháng tiểu cầu, ức chế sự hình thành của cục máu đông từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nhóm thuốc này ngăn cản không cho các tiểu cầu kết tập lại với nhau tạo nên cục máu đông, từ đó ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Trong các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, hiện nay chỉ có aspirin và clopidogrel là được sử dụng phổ biến:

  • Aspirin: Có tác dụng dự phòng huyết khối, làm cản trở sự tổng hợp prostaglandin endoperoxyd trong cơ thể, làm bạch cầu đa nhân tăng tiết oxyt nitơ, đây là chất có tác dụng tốt trong việc ức chế kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông. Được chỉ định trong dự phòng và điều trị tai biến thiếu máu não, tai biến huyết khối – nghẽn mạch, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định… Thường được kết hợp với các thuốc điều trị khác. 
  • Clopidogrel: Có tác dụng ức chế chọn lọc, không hồi phục quá trình gắn phân tử adenosin diphosphate vào các thụ cảm thể trên bề mặt tiểu cầu, giúp các tiểu cầu không kết dính với nhau, từ đó ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông. Tuy nhiên, thuốc này có các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, nổi mẩn trên da, viêm dạ dày. Thuốc cần được sử dụng theo các chỉ định và chống chỉ định chặt chẽ, như vậy thì tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ sẽ rất thấp, chỉ khoảng 0.49%. 

3. Thuốc làm tan cục máu đông

Sự hình thành của cục máu đông gây tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là do các mảng xơ vữa động mạch dày lên, đột nhiên bị vỡ/bong ra. Các mảnh vỡ này di chuyển trong lòng mạch, tạo điều kiện cho các tế bào tiểu cầu, hồng cầu bám dính lên. Khi chúng không ngừng gia tăng về kích thước hoặc gặp các vị trí động mạch hẹp do mảng xơ vữa sẽ làm tắc nghẽn động mạch, cắt đứt dòng chảy của máu đến não, gây nên cơn đột quỵ não. 

Đối với những trường hợp bệnh nhân có cục máu đông trong lòng mạch, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc làm tan cục máu đông. Các thuốc thường được sử dụng là alteplase, desmoteplase, streptokinase, urokinase… Trong đó, streptokinase và urokinase có tác dụng làm tiêu cục máu đông rất nhanh, tuy nhiên, lại dễ gây ra chảy máu thứ phát. Do đó, 2 loại thuốc này không được sử dụng trong điều trị. Chỉ có một loại thuốc được đánh giá cao về hiệu quả và được lựa chọn để làm tan cục máu đông là alteplase. 

4. Thuốc hạ Cholesterol máu ngừa đột quỵ

Một trong những loại thuốc chống đột quỵ hay được chỉ định là thuốc hạ cholesterol máu. Thuốc hạ cholesterol thường được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường trên 40 tuổi, bệnh nhân có chỉ số LDL > 5 mmol/L; bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, đau thắt ngực không ổn định do xơ vữa, bệnh nhân từng bị nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, thuốc đôi khi cũng được chỉ định cho người trên 40 tuổi có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim cao như hút thuốc thường xuyên, béo phì, cao huyết áp…

Statin có tác dụng trong việc hỗ trợ hạ cholesterol máu ngừa đột quỵ
Statin có tác dụng trong việc hỗ trợ hạ cholesterol máu ngừa đột quỵ

Các thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol được lưu hành và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam bao gồm: 

  • Statin: Nhóm thuốc có tác dụng hạ cholesterol xấu LDL xuống 18 – 55%, ức chế men khử HMG-CoA để ngăn cản gan tạo cholesterol từ đó giúp giảm cholesterol trong máu. Thuốc này cũng có thể làm tăng tỷ lệ cholesterol có lợi (HDL) trong cơ thể. Có nhiều loại thuốc thuộc nhóm này như fluvastatin, simvastatin, lovastatin, atorvastatin… Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như đau cơ, rối loạn nhận thức, đau bụng, táo bón, tăng men gan… 
  • Nhựa mật: Có tác dụng bám vào acid mật, giúp hấp thụ cholesterol từ đó làm giảm cholesterol xấu LDL trong máu xuống khoảng 15 – 35%. Thuốc được đánh giá cao về mức độ an toàn, có thể hấp thu vitamin hòa tan trong chất béo, chỉ có tác dụng khu trú trên hệ tiêu hóa, không ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, thuốc không áp dụng cho bệnh nhân có TG > 3.39

5. Thuốc lợi tiểu hạ huyết áp

Tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Sự gia tăng thường xuyên của huyết áp gây tổn thương lớp nội mạc trong lòng động mạch, tạo điều kiện tích tụ các cholesterol, canxi, tế bào viêm, tế bào dạng hạt, khiến thành mạch xơ cứng, dày lên làm hẹp lòng mạch, cản trở quá trình lưu thông máu. Hơn nữa, huyết áp cao còn gây áp lực lên thành động mạch, khiến vị trí thành mạch bị xơ cứng dễ bị vỡ, dẫn đến đột quỵ do xuất huyết.

 Thuốc lợi tiểu được chỉ định với trường hợp lượng nước, muối trong cơ thể dư thừa nhiều, gây áp lực cho động mạch. Đối với trường hợp này, người bệnh cần được sử dụng thuốc lợi tiểu để thải nước, muối ra ngoài cơ thể thông qua đường tiểu. Không chỉ vậy, thuốc còn có tác dụng hỗ trợ thư giãn, giúp động mạch co giãn tốt hơn, thúc đẩy quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru, thuận lợi hơn. 

Có nhiều loại thuốc lợi tiểu như thuốc lợi tiểu nhóm thiazide, thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc lợi tiểu quai… Trong đó, các thuốc lợi tiểu thường được chỉ định để ổn định huyết áp là chlorothiazide, chlorthalidone, furosemide, acid ethacrynic, hydrochlorothiazide, indapamide… thuộc nhóm thuốc lợi tiểu thiazide. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách như mất nước, mất kali, đi tiểu nhiều lần, đau đầu, chóng mặt, chuột rút.

6. Thuốc ức chế hấp thu Cholesterol Ezetimibe

Ezetimibe là thuốc hạ lipid được chấp thuận lưu hành bởi cơ quan quản lý dược phẩm FDA Hoa Kỳ. Thuốc có tác dụng hạ cholesterol toàn phần và làm giảm nồng độ cholesterol LDL trong máu thông qua cơ chế ức chế quá trình hấp thu cholesterol ở ruột. Ezetimibe là một dẫn chất của 2-agetidinone, chỉ có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol ở ruột, không cản trở sự hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ.

Ezetimibe có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol
Ezetimibe có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol ở đường ruột

Loại thuốc này thường được dùng cùng statin trong trường hợp không đáp ứng tối đa khả năng dung nạp statin. Có thể làm giảm khoảng 13 – 20% hàm lượng cholesterol xấu trong máu. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau cơ, tăng men gan…  

7. Thuốc chẹn Canxi hạ huyết áp

Thuốc chẹn kênh canxi còn gọi là thuốc đối kháng canxi, có tác động trên động mạch và cơ tim. Thuốc có khả năng hỗ trợ giãn mạch nhanh và mạnh, tác dụng hạ huyết áp của thuốc này khá giống với thuốc ức chế men chuyển ACEI. Được biết, hiện nay, thuốc chẹn kênh canxi được chia làm 3 nhóm là Dihydropyridine (tác dụng chủ yếu ở động mạch), Phenylalkylamine (tác dụng lên cơ tim), Benzothiazepine (tác dụng lên cả cơ tim lẫn động mạch. 

Các thuốc chẹn canxi thường được sử dụng để phòng chống đột quỵ do cao huyết áp thường là Diltiazem, Amlodipine, Verapamil, Felodipine… Các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như ợ nóng, mệt mỏi, uể oải, choáng váng… Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời điểm sử dụng, không được tự ý tăng giảm liều lượng hay tự ý mua thuốc để dùng mà chưa có chỉ định của bác sĩ. 

8. Thuốc ức chế thụ thể ARB

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hay thuốc chẹn thụ thể ARB, thường được chỉ định để điều trị cao huyết áp và phòng chống đột quỵ. Đây là một trong những loại thuốc chống đột quỵ thường được bác sĩ chỉ định. Thuốc được kê dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh tình của từng đối tượng bệnh nhân. 

Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm huyết áp bằng cách ức chế thận sản sinh angiotensin II, ngăn ngừa hormone này gắn vào các thụ thể trong mạch máu. Từ đó giúp mạch máu được thư giãn và làm giảm chỉ số huyết áp xuống mức nhất định. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II cho trường hợp không đáp ứng với thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE).

Một số thuốc ức chế thụ thể ARB thường được sử dụng là Azilsartan, Eprosartan, Valsartan, Candesartan, Irbesartan, Olmesartan, Losartan… Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc như ho, tiêu chảy, ngạt mũi, thờ thẫn, chóng mặt, choáng váng, đau lưng, yếu cơ, đau chân, khó ngủ, nhịp tim thất thường… Nếu trong quá trình dùng thuốc gặp phải tác dụng phụ, bạn cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

9. Một số loại thuốc khác

Tùy vào tình trạng sức khỏe, các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng những loại thuốc chống đột quỵ phù hợp. Bên cạnh các thuốc kể trên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc khác như: 

  • Thuốc ức chế men chuyển ACE: Là một trong những loại thuốc thường được dùng trong điều trị cao huyết áp. Tác dụng của nhóm thuốc này là hạ huyết áp, giãn mạch và làm giảm sức cản ngoại vi. Một số thuốc có tác dụng phòng ngừa đột quỵ cho trường hợp cao huyết áp của nhóm này gồm Fosinopril, Benazepril, Cilazapril, Captopril… 
Thuốc ức chế men chuyển ACE giúp ổn định huyết áp ngừa đột quỵ
Thuốc ức chế men chuyển ACE giúp ổn định huyết áp ngừa đột quỵ
  • Một số thuốc khác: Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng một số thuốc khác như thuốc trị tiểu đường, thuốc giảm co thắt cơ bắp, thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm… 

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống đột quỵ

Có thể thấy, có rất nhiều thuốc chống đột quỵ có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp, nguy cơ hình thành cục máu đông gây đột quỵ não. Việc dùng loại thuốc nào, sử dụng như thế nào cần được xác định dựa trên kết quả thăm khám và chẩn đoán. Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc chống đột quỵ để sử dụng. Không mua thuốc dựa trên đơn thuốc của người khác, phải thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa, nếu được chỉ định dùng thuốc thì mới sử dụng. 
  • Thuốc phòng chống đột quỵ có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong quá trình sử dụng, nếu có xuất hiện tác dụng phụ, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
  • Dù là thuốc phòng ngừa hay điều trị cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm. Nên tham khảo hướng xử trí khi quên liều, dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều lượng hay ngưng thuốc.
  • Tuyệt đối không lạm dụng thuốc, thận trọng khi mua các loại thuốc được quảng cáo là có tác dụng phòng chống đột quỵ, an toàn, không gây tác dụng phụ. Đột quỵ là căn bệnh do nhiều yếu tố gây ra, chỉ khi loại bỏ, ngăn ngừa được các yếu tố nguy cơ thì mới có thể phòng ngừa được căn bệnh này. 
  • Nếu nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này, bạn nên chủ động thăm khám, tầm soát đột quỵ từ sớm để có biện pháp phòng ngừa tốt nhất. 
  • Bên cạnh việc sử dụng thuốc, để phòng ngừa, chúng ta cũng cần điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống. Nên rèn luyện thể dục thể thao, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, hạn chế ăn mặn, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, nội tạng động vật… 

Trên đây là một số thuốc chống đột quỵ thường được bác sĩ chỉ định để phòng ngừa sự xuất hiện của căn bệnh nguy hiểm này. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về đột quỵ, cách phòng chống căn bệnh này hiệu quả. Để phòng ngừa, bạn nên thăm khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ 1 – 2 lần/năm, tuyệt đối không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày đăng 15:34 - 19/10/2022 - Cập nhật lúc: 15:34 - 19/10/2022
Chia sẻ:
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, xảy ra hết sức đột ngột Đột Quỵ: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Các Cách Phòng Chống

Đột quỵ là một trong những bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, hay xảy ra đột ngột, thường gây ra…

Lá ớt chỉ thiên được nhiều người cho rằng có tác dụng điều trị đột quỵ Lá Ớt Chữa Đột Quỵ Có Hay Đúng Như Những Lời Đồn?

Dùng lá ớt chữa đột quỵ là mẹo dân gian được nhiều người chia sẻ và áp dụng. Nhiều người…

Đột quỵ khi ngủ rất nguy hiểm, hay xảy ra ở người lớn tuổi Dấu Hiệu Đột Quỵ Khi Ngủ: Nguy Hiểm Cần Biết Chớ Bỏ Qua

Đột quỵ khi ngủ không hiếm gặp, chiếm tỷ lệ từ 8 - 28% tổng số ca đột quỵ. Những…

Vận động sớm rất cần thiết trong quá trình hồi phục của người sau đột quỵ 6 Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà phục hồi nhanh

Chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ tại nhà đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức…

Các triệu chứng của đột quỵ thoáng qua khá giống với đột quỵ nhưng diễn ra trong thời gian ngắn hơn Đột Quỵ Thoáng Qua Là Gì? Biểu hiện và Cách xử lý

Đột quỵ nhẹ hay còn gọi là đột quỵ thoáng qua, cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua