Tăng tiết mồ hôi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Tăng tiết mồ hôi là chứng bệnh có liên quan đến hoạt động bài tiết mồ hôi quá mức. Bệnh lý này có xu hướng phát sinh ở người mắc bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, viêm khớp, nhiễm trùng hoặc người có thần kinh căng thẳng kéo dài.

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Chứng tăng tiết mồ hôi là gì?

Tăng tiết mồ hôi là gì? Có mấy dạng?

Mồ hôi là kết quả của quá trình bài tiết, có vai trò điều hòa thân nhiệt và giữ ẩm cho làn da. Mồ hôi được tiết ra bởi các hệ thống tuyến nằm ở lớp hạ bì. Tuyến mồ hôi phân bố khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều ở vùng dưới cánh tay, trán, cổ, lòng bàn tay và bàn chân.

Mồ hôi được sản sinh khi cơ thể vận động mạnh, nhiệt độ môi trường cao, căng thẳng hoặc lo lắng quá mức,… Tuy nhiên ở một số người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi có thể được bài tiết liên tục ngay cả khi không tác động (vận động mạnh, yếu tố môi trường,…).

Tăng tiết mồ hôi không chỉ làm tăng số lượng mồ hôi được bài tiết mà còn gây ra mùi cơ thể. Lượng mồ hôi được sản sinh quá mức có thể khiến vùng da ẩm ướt, gây ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp và làm việc.

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi được chia thành 2 dạng: Nguyên phát (tiên phát) và thứ phát

Tăng tiết mồ hôi được chia thành 2 dạng:

  • Tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Chứng mồ hôi này khởi phát không do nguyên nhân bệnh lý hay bất cứ yếu tố nào tác động. Với những trường hợp này, nguyên nhân được xác định có thể do di truyền từ người thân cận huyết.
  • Tăng tiết mồ hôi thứ phát: Là tình trạng đổ mồ hôi bất thường do bệnh lý (thường là do bệnh cường giáp). Bệnh lý này làm tăng nồng độ hormone trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng nhịp tim và kích thích hoạt động của hệ thần kinh giao cảm – cơ quan chi phối hoạt động của tuyến mồ hôi.

Nguyên nhân gây ra chứng tăng tiết mồ hôi

Bài tiết mồ hôi là hoạt động sinh lý thông thường của cơ thể. Tuy nhiên khi hoạt động này có thể diễn ra quá mức do những nguyên nhân sau:

  • Di truyền: Di truyền là nguyên nhân gây ra chứng tăng tiết mồ hôi tiên phát (nguyên phát). Đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định mã gen di truyền và căn nguyên khởi phát bệnh.
  • Do bệnh lý: Đây là nguyên nhân dẫn đến chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát. Các bệnh lý có thể liên quan đến chứng bệnh này, bao gồm: Bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, ung thư, nhiễm trùng, rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, hạ đường huyết, đau tim, rối loạn hệ máu, căng thẳng thần kinh,…
  • Tác dụng phụ của thuốc: Ngoài ra tuyến mồ hôi có thể hoạt động quá mức do sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị tiểu đường, thuốc giảm đau gây nghiện (opioids).

Trên thực tế có nhiều trường hợp tăng tiết mồ hôi không thể xác định nguyên nhân cụ thể.

Dấu hiệu nhận biết chứng tăng tiết mồ hôi

Mồ hôi thường được tiết ra nhiều khi nhiệt độ môi trường tăng cao, vận động mạnh, lo âu quá độ, ăn thực phẩm cay nóng hoặc uống ít nước. Lượng mồ hôi thường tập trung ở mặt, cổ, nách và lòng bàn tay/ bàn chân.

Tuy nhiên nếu mắc chứng tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi có thể tiết ra nhiều hơn bình thường ngay cả khi không có tác động nội sinh (vận động mạnh, căng thẳng,…) hay tác động bên ngoài (nhiệt độ môi trường).

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi đặc trưng bởi tình trạng mồ hôi được bài tiết quá nhiều

Chứng tăng tiết mồ hôi có thể phân cấp theo từng mức độ. Với những trường hợp nặng, bạn cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.

Chủ động gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:

  • Ra mồ hôi bất kể ngày đêm
  • Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sinh hoạt và làm việc
  • Đổ mồ hôi ban đêm gây rối loạn giấc ngủ và suy nhược

Tăng tiết mồ hôi có nguy hiểm không?

Tăng tiết mồ hôi thường không nguy hiểm hay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên chứng bệnh này có thể làm gián đoạn hoạt động sinh hoạt, làm việc và giảm mức độ tự tin trong quá trình giao tiếp.

Ngoài ra ở một số trường hợp, mồ hôi tăng tiết có thể gây tự ti, mặc cảm và dẫn đến hiện tượng ngại giao tiếp. Tình trạng này kéo dài có thể tác động đến tâm lý, gây căng thẳng và suy nhược thần kinh.

Chẩn đoán chứng tăng tiết mồ hôi bằng cách nào?

Để chẩn đoán phân biệt chứng tăng tiết mồ hôi với đổ mồ hôi sinh lý, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng.

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm độ dẫn điện của da,… được thực hiện để chẩn đoán tăng tiết mồ hôi

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu và máu: Xét nghiệm này có thể cho phép bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây đổ mồ hôi bất thường, chẳng hạn như hạ đường huyết hoặc cường giáp.
  • Xét nghiệm mồ hôi (xét nghiệm độ dẫn điện của da và xét nghiệm iot): Những xét nghiệm này được thực hiện nhằm ước tính mức độ nghiêm trọng và vị trí mồ hôi tăng tiết nhiều.

Các phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi

Sau quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cụ thể để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Nếu mắc chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát, bạn cần tiến hành điều trị bệnh lý nguyên nhân để hạn chế lượng mồ hôi được bài tiết.

Trong trường hợp không thể xác định nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp nhằm kiểm soát lượng mồ hôi và mùi cơ thể.

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là lựa chọn ưu tiên khi chữa trị chứng tăng tiết mồ hôi. Hầu hết các phương pháp bảo tồn đều có đáp ứng tốt với những trường hợp tăng tiết nhẹ đến trung bình.

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Các phương pháp bảo tồn là lựa chọn ưu tiên trong quá trình điều trị

Các biện pháp có thể được áp dụng, bao gồm:

  • Kem bôi chứa Glycopyrrolate (Robinul): Loại thuốc này được sử dụng trực tiếp lên vùng da tăng tiết nhằm giảm lượng mồ hôi của cơ thể.
  • Thuốc chống tiết mồ hôi (Drysol, Xerac AC): Những loại thuốc này được sử dụng trực tiếp lên vùng da cần điều trị vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau đó rửa sạch vào buổi sáng ngày hôm sau. Thuốc có thể gây kích ứng da và mắt nên cần thận trọng khi sử dụng.
  • Kem chứa hydrocortisone: Loại thuốc bôi này được sử dụng phối hợp trong trường hợp bị kích ứng với thuốc chống tiết mồ hôi.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng cho trường hợp tăng tiết mồ hôi do lo âu quá mức, căng thẳng và stress kéo dài.
  • Thuốc ức chế thần kinh (chẹn beta hoặc canxi): Nhóm thuốc này ức chế hoạt động dẫn truyền của các dây thần kinh, từ đó làm giảm hoạt động bài tiết mồ hôi. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này cho người có vấn đề về huyết áp và tim mạch.
  • Tiêm Botulinum: Trước khi tiêm thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê và tiêm trực tiếp vào da. Loại thuốc này có khả năng giảm tiết mồ hôi trong 12 tháng. Do đó khi điều trị, bạn cần lặp lại liều sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên tiêm Botulinum có thể gây yếu cơ , đau đớn và chi phí cao nên hiện nay ít được áp dụng.

Điều trị nội khoa chỉ đạt kết quả tốt khi phối hợp với chế độ chăm sóc, vệ sinh và dinh dưỡng hợp lý.

2. Thủ thuật ngoại khoa

Với những trường hợp tăng tiết mồ hôi nguyên phát hoặc không có đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cân nhắc một số thủ thuật sau:

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Thủ thuật ngoại khoa được chỉ định nếu điều trị bảo tồn thất bại
  • Liệu pháp vi ba: Liệu pháp này sử dụng vi sóng để phá vỡ tuyến mồ hôi, từ đó làm giảm hoạt động của cơ quan này. Liệu pháp vi ba được thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Với ưu điểm ít tốn kém, hiện nay liệu pháp này được áp dụng khá phổ biến. Tuy nhiên khi thực hiện bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như khó chịu và thay đổi cảm giác ở vùng da điều trị.
  • Nội soi cắt bỏ tuyến mồ hôi nách: Với những trường hợp chỉ đổ mồ hôi nhiều ở nách, bạn có thể tiến hành nội soi để loại bỏ tuyến mồ hôi.
  • Phẫu thuật cắt hạch giao cảm: Phẫu thuật này được thực hiện với những người đổ mồ hôi toàn thân và không có đáp ứng khi dùng thuốc. Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt hoặc đốt các dây thần kinh chi phối hoạt động bài tiết mồ hôi của cơ thể.

Phẫu thuật thường không được khuyến khích vì phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro như tổn thương dây thần kinh lân cận, nhiễm trùng, rối loạn hệ thần kinh,… Vì vậy bạn cần cân nhắc trước khi quyết định can thiệp các thủ thuật ngoại khoa.

Phòng ngừa bệnh tăng tiết mồ hôi

Chứng tăng tiết mồ hôi không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên bệnh lý này có thể tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, khả năng giao tiếp và hiệu suất làm việc. Chính vì vậy bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh.

nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Vệ sinh cơ thể hằng ngày có thể hạn chế mùi khó chịu và giảm số lượng mồ hôi được bài tiết

Giảm nguy cơ tăng tiết mồ hôi với các biện pháp sau:

  • Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý như viêm khớp, nhiễm trùng, tiểu đường, tuyến giáp,…
  • Hoạt động thể chất thường xuyên để ổn định nồng độ hormone và điều hòa quá trình trao đổi chất.
  • Giảm căng thẳng và stress bằng cách nghỉ ngơi, đọc sách và thư giãn.
  • Mặc quần áo rộng và có chất liệu thoáng mát. Hạn chế mặc trang phục chật, dày và bí khiến tuyến mồ hôi bị kích thích và hoạt động quá mức.
  • Vệ sinh cơ thể mỗi ngày để loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và hạn chế vi khuẩn sinh sôi.
  • Lựa chọn các kiểu giày thoáng nhằm tránh hạn chế tình trạng bí, khiến mồ hôi đổ nhiều và gây mùi khó chịu.
  • Giặt vớ thường xuyên và thay vớ mỗi ngày để tránh mùi hôi khó chịu.
  • Sử dụng xịt khử mùi hoặc bột talc lên vùng da dưới cánh tay để hạn chế hôi nách.
  • Kiêng các thực phẩm cay nóng, thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột. Ngoài ra cần hạn chế hút thuốc lá, sử dụng cà phê và đố uống chứa cồn.
  • Giữ không gian nhà sạch sẽ và thoáng mát bằng cách mở quạt hoặc điều hòa.
  • Uống đủ 2.5 lít nước/ ngày để điều hòa thân nhiệt và hạn chế tối đa hoạt động của tuyến mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, giấc ngủ và quá trình giao tiếp. Vì vậy nếu nhận thấy dấu hiệu của bệnh, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Ngày đăng 09:40 - 25/06/2022 - Cập nhật lúc: 10:43 - 10/02/2023
Chia sẻ:
Trị đổ mồ hôi nách tại nhà bằng 7 bí kíp đơn giản

Đổ mồ hôi nách là tình trạng rất nhiều người mắc phải, khiến bạn cảm thấy mất tự tin và…

Trị hôi nách với củ tỏi 7 cách trị hôi nách dân gian xua tan nỗi lo dưới cánh tay

Hôi nách là tình trạng tuyến mồ hôi dưới cánh tay hoạt động quá mức khiến vùng da này ẩm…

Khi bị hôi nách, bạn có thể dùng lá ổi để chữa tại nhà. Dùng lá ổi trị hôi nách đúng cách hiệu quả không ngờ

Dùng lá ổi trị hôi nách là một phương pháp chữa chứng hôi nách hiệu quả. Người dùng có thể…

Hôi nách không khó để chữa trị. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm, kiên trì. Hôi nách có chữa khỏi được không – Chuyên gia nói gì?

Bệnh hôi nách có thể chữa khỏi được dễ dàng nếu người bệnh điều trị sớm. Một số phương pháp…

10+ lăn khử mùi hôi nách tốt nhất 2023 (loại có mùi và không)

Lăn khử mùi hôi nách là một trong những giải pháp giúp loại bỏ mùi hôi và ngăn ngừa tiết…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua