Rụng tóc không chỉ xảy ra do chăm sóc không đúng cách, giảm hormone, tác dụng phụ của thuốc điều trị,… mà còn có thể là hệ quả do một số bệnh lý tiềm ẩn. Rụng tóc nhiều do bệnh thường tiến triển kéo dài và tăng nguy cơ mất tóc, hói đầu.

Tóc rụng nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? Các dấu hiệu nhận biết
Rụng tóc là biểu hiện sinh lý thông thường của cơ thể. Tóc sẽ phát triển qua 3 giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng, giai đoạn ngừng tăng trưởng và giai đoạn thoái hóa. Khi bước sang giai đoạn 3, tóc sẽ có xu hướng rụng dần. Vì vậy ở người khỏe mạnh, trung bình sẽ rụng khoảng 30 – 100 sợi/ ngày.
Tuy nhiên khi tóc rụng nhiều hơn số lượng này, bạn cần cân nhắc vì đây là dấu hiệu của rụng tóc bệnh lý. Khác với rụng tóc sinh lý, rụng tóc bệnh lý có thể làm mỏng tóc và tăng nguy cơ hói đầu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, trong đó có thể do một số bệnh lý bên trong cơ thể. Nếu nhận thấy số lượng tóc rụng nhiều và đi kèm với các biểu hiện bất thường, bạn có thể đã mắc một trong những vấn đề sức khỏe sau:
1. Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra khi nồng độ hormone nam trong cơ thể nữ cao hơn mức bình thường. Hội chứng này khiến buồng trứng sản xuất trứng có kích thước lớn nhưng rụng thưa hoặc không thể rụng, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản.
Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang còn gây ra nhiều triệu chứng khác như rụng tóc, thừa cân, xuất hiện mụn, không có kinh hoặc kinh nguyệt không đều.

Vì vậy nếu nhận thấy tóc rụng nhiều đi kèm với các biểu hiện nêu trên, bạn cần tìm gặp bác sĩ sản phụ khoa để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây hiếm muộn – vô sinh nếu không được điều trị từ sớm.
2. Viêm nhiễm da đầu
Viêm nhiễm da đầu là một trong những bệnh lý có liên quan đến triệu chứng rụng tóc nhiều. So với những bệnh lý khác, viêm nhiễm da đầu thường có mức độ nhẹ và hầu hết đều không gây nguy hiểm.
Các bệnh lý da đầu thường gặp như nấm da đầu, viêm da dầu,… Những bệnh lý này khiến lượng dầu trên tóc tiết ra nhiều hơn bình thường, từ đó làm tăng sinh tế bào chết và gây ứ đọng tại nang tóc. Điều này khiến nang tóc bị hư tổn, suy yếu và dễ gãy rụng.

Ngoài ra tình trạng nấm da đầu có thể gây ngứa ngáy biểu bì và gây ra cảm giác khó chịu. Sự xuất hiện của vi nấm có thể làm mất cân bằng độ pH, kích thích tuyến dầu thừa và khiến chân tóc suy yếu. Tình trạng rụng tóc do viêm nhiễm da đầu thường đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy, xuất hiện vảy trắng (gàu), da đầu có nhiều dầu thừa,…
3. Bệnh lý về tuyến giáp
Tuyến giáp là cơ quan điều hòa nội tiết trong cơ thể. Khi mắc các bệnh lý về tuyến giáp (suy giáp/ cường giáp), bạn có thể gặp phải triệu chứng rụng tóc.
Ngoài tình trạng này, các bệnh về tuyến giáp có thể làm phát sinh một số vấn đề khác như giảm chức năng sinh lý, giảm cân bất thường, giảm canxi huyết, mất tập trung, mệt mỏi,…
4. Thiếu máu
Thiếu máu là bệnh lý xảy ra khi số lượng hồng cầu trong cơ thể giảm hơn mức bình thường. Hồng cầu là cơ quan dự trữ oxy và dưỡng chất để nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.

Vì vậy khi thiếu máu, các cơ quan đều có xu hướng chậm phát triển và giảm khả năng hoạt động. Nếu rụng tóc do thiếu máu, bạn có thể một số triệu chứng đi kèm như dễ mệt mỏi, thiếu tập trung, thường xuyên chóng mặt, tóc bạc và trắng, ngủ không sâu giấc, kinh nguyệt không đều,…
5. Trầm cảm
Trầm cảm là một dạng bệnh tâm lý, xảy ra khi não bộ bị rối loạn suy nghĩ và dẫn đến tác phong, hành vi bất thường. Trầm cảm không chỉ tác động đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
Khi mắc bệnh lý này, quá trình tuần hoàn trong cơ thể thường kém, vì vậy dễ xảy ra tình trạng rụng tóc, da nhợt nhạt, sạm nám, người không có sức sống,…
Ngoài ra khi bị trầm cảm, bạn có thể gặp phải một số biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú khi làm việc, sụt cân, mất cảm giác ngon miệng, giảm mức độ tập trung, dễ mệt mỏi, lo lắng vô cớ hoặc thậm chí phát sinh ý định tự sát.
6. Mắc các bệnh do rối loạn miễn dịch
Các bệnh lý do rối loạn miễn dịch như xơ cứng bì, vảy nến, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp,… có thể gây rụng tóc từng mảng.
Nguyên nhân là do các tế bào lympho trong hệ miễn dịch nhầm lẫn nang tóc là tác nhân xấu và có xu hướng giải phóng kháng thể để tiêu diệt. Vì vậy ở những trường hợp này, nang tóc thường có xu hướng giảm kích thước, teo nhỏ và suy yếu dần.
Rụng tóc do rối loạn miễn dịch thường khó nhận biết hơn những bệnh lý khác. Tuy nhiên nếu số lượng tóc rụng tăng lên nhưng bạn không mắc phải các thói quen xấu như cột tóc quá chặt, tác động nhiệt và hóa chất lên da đầu,… bạn nên chủ động thăm khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể.
7. Các bệnh lý khác
Ngoài những bệnh lý nêu trên, rụng tóc nhiều cũng có thể do một số bệnh hiếm gặp hơn như ung thư, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận, bệnh Celiac,…
Rụng tóc nhiều do bệnh có nguy hiểm không?
So với những nguyên nhân thông thường, rụng tóc do bệnh lý là một trong những tình trạng cần chú ý. Nếu do các bệnh về da đầu, tình trạng rụng tóc sẽ nhanh chóng được khắc phục sau khi bạn thực hiện các biện pháp điều trị.
Tuy nhiên nếu khởi phát do các bệnh lý nguy hiểm như rối loạn miễn dịch, hội chứng buồng trứng đa nang, trầm cảm, bệnh về tuyến giáp,… rụng tóc có thể kéo dài trong nhiều năm và gây mất tóc trên phạm vi rộng.
Ngoài ảnh hưởng lên da dầu, các bệnh lý này còn gây ra các biến chứng nguy hiểm đến thể trạng và chức năng sinh lý. Vì vậy ngay khi nhận thấy những biểu hiện bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cụ thể.
Cách xử lý tình trạng rụng tóc nhiều do bệnh
Hầu hết các trường hợp rụng tóc do bệnh lý đều phải tiến hành điều trị y tế. Vì ở những trường hợp này, số lượng tóc rụng quá nhiều và không có đáp ứng tốt khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Một số phương pháp được áp dụng để điều trị rụng tóc do bệnh, bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Phần lớn các trường hợp bị rụng tóc do bệnh lý đều được chỉ định thuốc để cải thiện. Những loại thuốc này có tác dụng thúc đẩy tế bào tóc phát triển, tăng cường dưỡng chất nuôi nang tóc và khắc phục một số yếu tố khiến tóc suy yếu như mất cân bằng nội tiết, thiếu máu,…

Các loại thuốc có thể được sử dụng:
- Anthralin
- Thuốc sắt
- Tretinoin
- Corticosteroid
- Spironolactone
- Minoxidil
Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ rụng tóc và khả năng đáp ứng để chỉ định loại thuốc phù hợp. Phần lớn những loại thuốc được dùng để điều trị rụng tóc thường phải sử dụng trong thời gian dài, vì vậy bác sĩ sẽ cân nhắc về tương tác, lợi ích và rủi ro trước khi chỉ định.
2. Cấy tóc
Trong trường hợp rụng tóc không phục hồi (chủ yếu do bệnh ung thư), bác sĩ có thể đề nghị cấy tóc. Cấy tóc được thực hiện bằng cách chuyển nang tóc khỏe mạnh ở những vùng có mật độ tóc dày đến những mảng tóc bị hói, nhằm cân bằng số lượng tóc trên da đầu.
Tuy nhiên cấy tóc có chi phí thực hiện cao và có thể xảy ra nhiễm trùng sau khi thực hiện. Ở một số trường hợp, nang tóc sau khi được chuyển sang vị trí mới có xu hướng teo nhỏ và không thể mọc tóc trở lại. Vì vậy trước khi can thiệp phương pháp này, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Làm sao để giảm số lượng tóc rụng do bệnh?
Tóc rụng là hệ quả của một số bệnh lý trong cơ thể. Vì vậy nếu không khắc phục từ nguyên nhân, tình trạng rụng tóc sẽ có xu hướng kéo dài trong nhiều năm.
Tuy nhiên với những bệnh mãn tính, bạn buộc phải thực hiện một số biện pháp nhằm giới hạn số lượng tóc rụng để hạn chế nguy cơ mất tóc và hói đầu.

Các biện pháp làm giảm số lượng tóc rụng do bệnh lý, bao gồm:
- Bổ sung các thực phẩm có lợi cho tóc như thịt bò, chuối, bơ, cá hồi, trái cây, các loại rau xanh, trứng và sữa.
- Không nên cột hay tạo kiểu tóc. Trong thời gian điều trị, bạn nên xõa tóc tự nhiên hoặc sử dụng kẹp để cố định tóc. Tránh búi hoặc cột tóc chặt khiến số lượng tóc rụng tăng lên.
- Tuyệt đối không sử dụng hóa chất duỗi, nhuộm, uốn,… trong thời gian điều trị.
- Uống đủ 2 lít/ ngày và hạn chế đồ uống chứa caffeine, cồn,…
- Tránh tình trạng căng thẳng và lo âu quá mức. Thay vào đó bạn nên thực hiện một số hoạt động giúp não bộ thư giãn như ngồi thiền, đọc sách, bơi lội, trò chuyện với người thân,…
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh thức khuya và ngủ không đủ giấc.
Rụng tóc nhiều do bệnh lý là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng và khó điều trị. Vì vậy bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình chữa bệnh đạt được kết quả khả quan nhất.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!