Psoriasis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ngứa. Ngoài ra, đây còn là tên khoa học của một bệnh lý ngoài da mãn tính, khiến da bị khô, bong tróc hoặc thậm chí là nứt nẻ và chảy máu.


Psoriasis là gì?
Bệnh vẩy nến hay còn gọi là Psoriasis, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ngứa. Điều này có thể cho thấy vẩy nến là một bệnh ngoài da có triệu chứng cơ bản là ngứa.
Theo khoa học, bệnh vẩy nến là một tình trạng ngoài da có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thông thường các tế bào bạch cầu trong cơ thể bảo vệ cơ thể, chống lại nhiễm trùng và tăng khả năng chữa lành các tổn thương. Tuy nhiên, nếu một người mắc bệnh vẩy nến, các tế bào bạch cầu sẽ tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Điều này dẫn đến các tế bào da mới được tái tạo nhanh hơn bình thường, tạo ra những mảng da đỏ, bạc và các triệu chứng của vẩy nến.
Một số thông tin cần biết về bệnh vẩy nến (Psoriasis)
Vẩy nến tiếng Anh là Psoriasis. Đây là một bệnh gây ngứa, kích ứng và đau. Bệnh vẩy nến là bệnh mãn tính cần được điều trị và cải thiện lâu dài. Người bệnh và bạn đọc có nhu cầu tìm hiệu thêm thông tin, có thể tham khảo một số thông tin cơ bản như sau:
1. Tỷ lệ mắc bệnh vảy nến
Bệnh vẩy nến có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, bất kể giới tính, tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh thường phổ biến trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là bằng nhau.
Theo Liên đoàn quốc tế về bệnh vẩy nến (IFPA) thì có khoảng 3% dân số thế giới (khoảng 125 triệu người) bị bệnh vẩy nến hoặc có các triệu chứng tương tự như vẩy nến.
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) vào năm 2016 thì có khoảng 0,09 – 11,43% (khoảng 100 triệu người) các trường hợp vẩy nến trở nên nghiêm trọng và có khả năng biến chứng nguy hiểm.
Hiện tại các nhà khoa học cho rằng di truyền và rối loạn hệ thống miễn dịch đóng vai trò chính trong sự phát triển và hình thành vẩy nến.
2. Triệu chứng phổ biến
Triệu chứng phổ biến của vẩy nến (Psoriasis) là tạo ra các mảng da dày, đỏ, có vẩy bạc bao phủ ở trên gây ngứa hoặc cảm giác đau đớn. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị đỏ da, sần sùi, khô, nứt nẻ hoặc bị chảy máu. Móng tay có thể trở nên dày và loãng lỗ. Bệnh vẩy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm mí mắt, tai, miệng, môi, nếp gấp da, tay và cả móng tay.

Trong các trường hợp ít nghiêm trọng, vảy nến có thể gây ra các mảng da khô, ngứa trên da đầu. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể phát triển và gây ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn trên cơ thể. Điều này gây mất thẩm mỹ trên diện rộng và làm mất tính thẩm mỹ của người bệnh.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng bệnh có thể bùng phát theo thời gian. Điều này có nghĩa là các triệu chứng vẩy nến có thể tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Các loại bệnh vảy nến
Về cơ bản có 5 loại vẩy nến phổ biến, thường gặp như sau:
- Vẩy nến mảng bám hay vẩy nến thể mảng (Plaque Psoriasis):
Là loại bệnh vẩy nến phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp vẩy nến. Triệu chứng phổ biến là gây ngứa và đau. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể gặp các tổn thương khác bao gồm đỏ da và xuất hiện các vảy bạc ở bất cứ nơi nào trên cơ thể.
Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng vẩy nến mảng bám có thể xuất hiện bên trọng miệng hoặc bộ phận sinh dục của người bệnh.
- Vẩy nến thể giọt (Guttate Psoriasis):
Đây là bệnh vẩy nến phổ biến thứ hai, chiếm khoảng 10 % các trường hợp. Bệnh thường có liên quan với một số vấn đề nhiễm trùng do vi khuẩn và thường ảnh hưởng đến trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
Các triệu chứng phổ biến thường là xuất hiện các vết loét da nhỏ, màu đỏ trên da đầu, cánh tay, chân hoặc cơ thể. Các vảy này thường rất nhỏ và khó nhận biết so với các loại bệnh vẩy nến khác. Thông thường vẩy nến thể giọt chỉ có một ổ dịch và không điều trị. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể tái phát theo thời gian.
- Vẩy nến đảo ngược (Inverse Psoriasis):
Bệnh gây ra các mảng đa đỏ ở các nếp gấp da như nách, dưới ngực, xung quanh bộ phận sinh dục và vùng háng bẹn.
Bệnh vẩy nến đảo ngược thường có liên quan đến việc nhiễm nấm. Bệnh có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh đổ mồ hôi và ma sát.
- Vẩy nến thể mủ (Pustular Psoriasis):
Đây là một dạng vẩy nến hiếm khi xuất hiện. Tuy nhiên bệnh thường phát triển nhanh chóng khiến da trở nên đỏ, rát sau đó xuất hiện các nốt mụn mủ.
Vẩy nến thể mủ được gây ra bởi nhiễm trùng, kích ứng da hoặc một số loại thuốc. Bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và cần chăm sóc y tế ngay lập tức để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
- Vẩy nến Erythrodermic:
Đây là bệnh vẩy nến hiếm gặp nhưng nghiêm trọng nhất. Bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây ngứa, đau dữ dội hoặc khiến da bị bong tróc.
Theo ước tính, có khoảng dưới 3% người nhiễm bệnh vẩy nến Erythrodermic. Đây là một bệnh lý có thể ảnh hưởng đến tính mạng do đó, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài 5 loại chính trên đây, một số trường hợp bệnh vẩy nến có thể lan rộng và gây ra một số biến thể như:
- Vẩy nến da đầu: Ước tính có đến 80% các trường hợp vẩy nến sẽ bùng phát lên da đầu. Điều này khiến các mảng bám có thể xuất hiện ở tóc, tai, trán của người bệnh.
- Vẩy nến móng tay: Bệnh vẩy nến ở móng tay có thể khiến móng tay dày và đổi màu. Đôi khi móng tay có thể bị suy yếu, võ vụn hoặc rơi khỏi phần đệm của móng tay.
- Viêm khớp vẩy nến: Thường ảnh hưởng đến khoảng 30% người bệnh. Các triệu chứng thường là đau khớp, cứng khớp và sưng khớp. Bất cứ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, bao gồm khớp ngón tay và cột sống.
4. Nguyên nhân và yếu tố rủi ro
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến:
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho biết vẩy nến là một bệnh tự miễn.
Ở người bệnh vẩy nến, các tế bào T tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Điều này dẫn đến việc sản xuất tế bào da mới một cách nhanh chóng, bất hợp lý. Sự tích tụ da chết chưa bị đào thải và da mới tái tạo khiến da dày lên, tạo ra các mảng bám và hình thành các triệu chứng vẩy nến.
Vẩy nến không phải bệnh là bệnh truyền nhiễm. Do đó, người thân và bạn bè của người bệnh không cần lo lắng khi tiếp xúc hoặc chạm vào người bệnh vẩy nến.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến:
- Có tiền sử gia đình bệnh vẩy nến.
- Sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chẹn Beta, thuốc chống viêm không Steroid, thuốc điều trị sốt rét,…
- Nhiễm HIV.
- Bệnh nhân chấn thương da đôi khi có thể bị vẩy nến tại khu vực chấn thương.
- Béo phì.
- Lối sống thiếu lành mạnh bao gồm hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Một số bệnh lý như: Tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch,…
- Thời tiết, rượu, bia, căng thẳng, stress,… đôi khi cũng được xem là có thể kích hoạt vẩy nến.
5. Xét nghiệm và chẩn đoán vẩy nến
Nếu một người nghi ngờ hoặc nhận thấy các triệu chứng vẩy nến, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng da, móng tay, da đầu để tìm kiếm các dấu hiệu vẩy nến.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lịch sử y tế của người bệnh và gia đình. Nếu có bất cứ nghi ngờ nào khác, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết da hoặc thực hiện các xét nghiệm vẩy nến bổ sung.
6. Biện pháp điều trị
Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh vẩy nến. Các biện pháp điều trị chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh phát triển, giảm đau, ngứa và hạn chế khả năng tái phát trong tương lai.
Một số phương pháp điều trị bệnh vẩy nến phổ biến bao gồm:
- Điều trị tại chỗ bằng thuốc.
- Thuốc thoa toàn thân.
- Liệu pháp ánh sáng.
- Liệu pháp sinh học.

Phương pháp điều trị thường được dựa theo các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân. Đối với các trường hợp ít nghiêm trọng, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc như:
- Calcipotriene (Dovonex), Calcitriol (Rocaltrol), vitamin D tổng hợp để làm chậm sự phát triển của tế bào da.
- Anthralin (Dritho-Scalp) có thể điều trị các hoạt động của DNA trong tế bào da và loại bỏ mảng bám.
- Tazarotene (Tazorac) có tác dụng chống viêm và bình thường hóa hoạt động của DNA.
- Tacrolimus (Prograf) và Pimecrolimus (Elidel) có tác dụng chống viêm, loét da.
- Axit Salicylic được sử dụng để loại bỏ các tế bào da chết.
- Kem dưỡng ẩm dùng để làm dịu, ẩm và hạn chế tình trạng da thô ráp.
Liệu pháp ánh sáng được đề nghị khi các loại thuốc điều trị tại chỗ không mang lại hiệu quả. Thuốc sinh học học liệu pháp sinh học thường nhằm vào một bộ phận cụ thể của hệ thống miễn dịch. Thông thường được áp dụng cho các trường hợp vẩy nến trung bình hoặc nặng.
7. Biến chứng
Bệnh vẩy nến làm tăng nguy cơ viêm khớp (viêm khớp vẩy nến). Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10 – 30% các trường hợp. Ngoài ra, bệnh vẩy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như:
- Huyết áp cao
- Bệnh tim mạch
- Tiểu đường loại 2
- Sỏi thận
- Bệnh Parkinson
- Các rối loạn tự miễn dịch khác như bệnh Crohn và bệnh Celiac
- Các vấn đề về rối loạn mắt như viêm kết mạc, viêm màng bồ đào hoặc viêm bờ mi
Mặc dù sử dụng thuốc có thể cải thiện và ngăn ngừa vẩy nến. Tuy nhiên, bất cứ một yếu tố kích ứng da nào cũng có thể dẫn đến bệnh vẩy nến (ngay cả khi người bệnh đang sử dụng thuốc). Do đó, người bệnh vẩy nến cần thường xuyên tái khám, theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!