Nạo VA là thủ thuật ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp viêm VA tái phát nhiều lần hoặc VA phì đại gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương các mô ở vòm mũi họng,… Do đó cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Nạo VA là gì?
Nạo VA là thủ thuật ngoại khoa được chỉ định trong điều trị viêm VA quá phát và phì đại VA. Thủ thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ VA – tổ chức lympho nằm ở nơi tiếp giáp giữa đường mũi và phía sau vòm họng.
Phương pháp này chỉ được thực hiện với trẻ trên 6 tháng tuổi. Trong một số trường hợp nạo VA có thể được thực hiện cùng với phẫu thuật cắt amidan.
Chỉ định và Chống chỉ định nạo VA
Thông thường, viêm VA được điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị triệu chứng và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị nạo VA để điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.
1. Chỉ định nạo VA
Nạo VA được chỉ định trong những trường hợp sau:

- Viêm VA cấp tính tái phát nhiều (dao động từ 5 – 7 lần/ năm)
- Viêm VA gây ra các biến chứng như viêm tai giữa cấp – mãn tính, viêm mũi, viêm cầu thận, viêm thanh khí phế quản mãn tính, viêm hạch cổ, rối loạn tiêu hóa, viêm xoang,…
- VA tăng kích thước (phì đại VA) gây nghẹt mũi kéo dài, khó thở, khó khăn khi nghe, nói chuyện bằng giọng mũi, ngưng thở khi ngủ,… Bác sĩ thường chỉ định nạo khi VA phì đại ở cấp độ III và IV.
- Viêm VA cấp không đáp ứng với điều trị nội khoa và có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp này thường được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Ở trẻ từ 7 tuổi trở lên, VA thường có xu hướng giảm kích thước và ít khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp.
2. Chống chỉ định nạo VA
Chống chỉ định nạo VA cho những đối tượng sau:
– Chống chỉ định tuyệt đối:
- Hở hàm ếch
- Lao tiến triển
- Trẻ bị tim bẩm sinh
- Mắc các bệnh về máu (ưa chảy máu)
– Chống chỉ định tương đối/ tạm thời:

- Đang bị viêm nhiễm cấp tính (kể cả bị viêm VA cấp). Trong trường hợp này, cần điều trị bệnh dứt điểm trước khi can thiệp ngoại khoa.
- Tiêu chảy
- Mụn nhọt
- Vừa mới tiêm vaccine phòng ngừa
- Trẻ sinh sống trong vùng dịch bệnh bùng phát
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh
Các phương pháp nạo VA phổ biến
1. Nạo VA bằng plasma
Nạo VA bằng plasma là phương pháp được ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng các hạt ion (hạt tích điện) để bóc tách VA ra khỏi cấu trúc vòm mũi – họng.
Nạo VA bằng plasma có mức độ xâm lấn thấp, ít gây tổn thương các mô xung quanh nên hiếm khi làm phát các biến chứng hậu phẫu. Tuy nhiên phương pháp này thường có chi phí thực hiện cao.
2. Nạo VA nội soi bằng Hummer
Nạo VA nội soi bằng Hummer có thể được thực hiện qua đường mũi (với trẻ trên 15 tuổi, người lớn) và đường miệng (cho trẻ nhỏ). Tương tự như các kỹ thuật nạo VA khác, phương pháp này cũng sử dụng thuốc làm co mạch trước khi nạo.
Phương pháp này có sự hỗ trợ của biện pháp nội soi nên việc cắt nạo được diễn ra nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra kỹ thuật nội soi còn làm giảm mức độ xâm lấn và tránh nguy cơ phát sinh biến chứng sau khi thực hiện.
3. Phẫu thuật nạo VA gây mê nội khí quản
Phẫu thuật nạo VA gây mê nội khí quản thường được áp dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Phương pháp này được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân, sau đó dùng thuốc co mạch trong 3 – 5 phút nhằm giảm nguy cơ chảy máu.
Tiếp theo bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên biệt để tỳ sát và nạo VA ra khỏi vòm mũi họng. Cuối cùng vết cắt sẽ được cầm máu bằng oxy già.
Nạo VA được thực hiện như thế nào?
1. Chuẩn bị trước khi nạo
Trước khi tiến hành nạo VA, bạn cần đưa con trẻ đến thăm khám để xác định mức độ phì đại VA và thực hiện một số xét nghiệm cơ bản.

Để giảm thiểu rủi ro khi phẫu thuật nạo VA, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nếu trẻ lo lắng quá mức, bạn nên trấn an để trẻ tránh căng thẳng.
- Thông báo với bác sĩ các loại thuốc trẻ đang sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ ngưng sử dụng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Với những trẻ có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ có thể yêu cầu dùng kháng sinh dự phòng trước thời gian phẫu thuật.
- Cho trẻ nhịn ăn trước khi phẫu thuật 8 giờ và ngưng uống nước lọc trước khi phẫu thuật 2 giờ đồng hồ.
- Xin phép cho trẻ nghỉ học vài ngày để trẻ nghỉ ngơi trước và sau khi nạo VA.
2. Giai đoạn tiến hành nạo
Trước khi nạo, bác sĩ sẽ tiến hành đo nhiệt độ, huyết áp và lấy mạch để chắc chắn trẻ có đủ sức khỏe để thực hiện. Sau đó bác sĩ tiến hành nạo VA theo các bước sau:
- Cho trẻ nằm ngửa trên bàn mổ và tiến hành gây mê
- Sử dụng dụng cụ nhằm mở rộng miệng của trẻ
- Tiến hành sử dụng thuốc co mạch trong 2 – 3 phút
- Có thể đưa ống nội soi vào vòm mũi họng
- Đưa thiết bị nạo vào vòm mũi họng và tiến hành nạo VA
- Bác sĩ có thể nạo VA vòi nhĩ đối với những trẻ lớn
- Cầm máu và chuyển trẻ đến phòng theo dõi
Thời gian nạo VA thường dao động trong khoảng 30 – 60 phút tùy theo kích thước VA và một số yếu tố đi kèm.
3. Chăm sóc sau khi nạo
Sau khi thuốc gây mê hết tác dụng, trẻ nhỏ có thể khóc, nôn mửa ra dịch màu nâu, khó chịu, mệt mỏi,… Sau đó bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra trước khi cho trẻ về nhà.
Trong thời gian sau khi nạo, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh và nhỏ mũi trong vòng 5 ngày liên tiếp để dự phòng nhiễm khuẩn và tắc nghẽn mũi.

Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc khác như:
- Trẻ có thể bị đau rát cổ họng và chán ăn sau khi nạo. Tuy nhiên bạn nên khuyến khích trẻ ăn để phục hồi sức khỏe. Nên cho trẻ bổ sung thức ăn nguội, lỏng, mềm, ít gia vị và giàu dinh dưỡng.
- Cho trẻ uống nhiều nước sau khi mổ, có thể bổ sung sữa lạnh hoặc nước trái cây cho trẻ.
- Nếu trẻ bị đau nhức, bạn có thể dùng thuốc Paracetamol để cải thiện. Tuyệt đối không tự ý sử dụng Aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác.
- Kê đầu cao khi trẻ ngủ để tránh tình trạng nghẹt mũi và dịch chảy xuống cổ họng gây buồn nôn.
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý và đánh răng 2 lần/ ngày nhằm hạn chế viêm nhiễm.
- Để trẻ nghỉ ngơi ở nhà và hạn chế vận động mạnh trong ít nhất 3 ngày sau phẫu thuật.
- Sau phẫu thuật khoảng 10 ngày, bạn nên hạn chế cho trẻ bơi lội, hoạt động ngoài trời và đi du lịch xa. Các hoạt động này có thể khiến vết mổ bị chảy máu và nhiễm trùng.
- Dặn trẻ không được la hét, bịt miệng khi hắt hơi hay xì mũi trong 7 ngày sau phẫu thuật. Có thể dùng thuốc nhỏ mũi để loại bỏ dịch nhầy và máu ứ đọng bên trong hốc mũi.
- Trong thời gian vết mổ chưa lành hẳn, bạn không nên để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
Một số hình ảnh nạo VA
Các biến chứng sau khi nạo VA
Nạo VA là thủ thuật đơn giản và khá an toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng như:
- Tổn thương miệng hoặc răng (thường là do dụng cụ mở rộng miệng)
- Ngưng thở
- Chảy máu kéo dài
- Nhiễm trùng
- Rối loạn hô hấp
- Thay đổi giọng (thông báo với bác sĩ nếu tình trạng không có cải thiện sau 4 – 6 tuần)
- Thành mũi – miệng khi thu hẹp do sẹo sau phẫu thuật
Các biến chứng sau khi nạo VA có thể được khắc phục kịp thời nếu phát hiện sớm. Vì vậy bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ nếu con trẻ có các biểu hiện sau:

- Dịch mũi có màu nâu kéo dài hơn 3 ngày
- Chảy máu mũi
- Trẻ mất giọng trong suốt 24 giờ
- Giọng nói bị thay đổi kéo dài hơn 4 tuần
- Trẻ bị đau dữ dội kèm theo sốt và ớn lạnh
- Nôn ói kéo dài
Bị viêm VA có nên nạo VA hay không?
Viêm VA là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn cấp tính và có xu hướng tái phát, dẫn đến viêm VA mãn tính. Trong trường hợp phát hiện và điều trị sớm, viêm VA thường có đáp ứng tốt và hiếm khi phải can thiệp ngoại khoa.
VA là cơ quan giữ vai trò miễn dịch và bảo vệ cơ quan hô hấp. Nạo bỏ cơ quan này đồng nghĩa với việc trẻ bị suy giảm chức năng đề kháng và dễ mắc phải các bệnh lý truyền nhiễm. Do đó phẫu thuật nạo VA chỉ được thực hiện khi bệnh gây ra biến chứng nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hô hấp.
Hơn nữa, nạo VA có thể đi kèm với một số rủi ro và biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, chảy máu kéo dài,… Ở một số ít trường hợp, VA có thể mọc lại sau 1 – 3 năm. Do đó bạn chỉ nên thực hiện phương pháp này khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Nạo VA ở đâu tốt nhất? Giá bao nhiêu?
Chi phí nạo VA thường dao động từ 8 – 12 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí thực tế còn phụ thuộc vào các xét nghiệm thực hiện, kỹ thuật nạo, loại thuốc được chỉ định và một số yếu tố khác.
Với những trường hợp có bảo hiểm y tế (BHYT), chi phí phẫu thuật có thể giảm đi đáng kể. Tuy nhiên mức chi trả của BHYT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Để được tư vấn cụ thể về vấn đề này, bạn nên liên hệ trực tiếp với nhân viên y tế.
Thực hiện nạo VA ở những cơ sở y tế không đảm bảo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu kéo dài và gây tổn thương các cơ quan xung quanh. Do đó bạn nên cân nhắc trong việc lựa chọn bệnh viện và phòng khám uy tín để thực hiện.

Nếu có nhu cầu nạo VA, bạn có thể cân nhắc một số địa chỉ sau:
- Bệnh viện Tai mũi họng Trung Ương: Địa chỉ 78 Đường Giải Phóng, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT (024) 38 686 050. Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:30 – 11:30 và 13:30 – 16:30), Thứ 7 – Chủ nhật (7:30 – 11:30 và 13:30 – 16:00)
- Bệnh viện Bạch Mai: Địa chỉ 78 Đường Giải Phóng, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT (024) 38 693 731. Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (6:30 – 12:00 và 13:30 – 18:00), Thứ 7 – Chủ nhật (6:30 – 12:00 và 13:30 – 18:00).
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Địa chỉ 1 Đường Tôn Thất Tùng, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT: (024) 35 747 788. thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (6:00 – 12:00 và 13:30 – 16:30), Thứ 7 (6:30 – 12:00) và Chủ nhật (7:30 – 12:00).
- Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM: Địa chỉ 153 – 157 Đường Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, TP HCM. SĐT (028) 39 317 381. Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:00 – 16:30), Thứ 7 – Chủ nhật (7:00 – 11:00 và 13:30 – 16:30).
- Bệnh viện Nhân dân 115: Địa chỉ 88 Đường Thành Thái, Phường 12, Quận 10, TP HCM. SĐT (028) 38 652 368. Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:30 – 11:30 và 13:00 – 16:00).
Bài viết đã cung cấp một số thông tin cần biết về phương pháp nạo VA. Nếu có thắc mắc về phương pháp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc y tá để tư vấn cụ thể.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!