Mụn cơm là bệnh lý da liễu lành tính có liên quan đến virus HPV (Human Papillomavirus). Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở mắt, chân và tay. Mụn cơm được điều trị bằng cách dùng thuốc và can thiệp một số thủ thuật ngoại khoa.

Mụn cơm là gì?
Mụn cơm là tình trạng tăng sinh các tế bào ở lớp ngoài của da, dẫn đến sự xuất hiện các nốt nhỏ, cao hơn vùng da bình thường. Bệnh gây ra bởi Human Papillomavirus (HPV).
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn cơm
Nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn cơm là do Human Papillomavirus. Tuy nhiên bạn cũng có thể gặp phải tình trạng này do những yếu tố sau:
- Thuộc lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
- Thường xuyên đi lại bằng chân trần.
- Sử dụng hồ bơi và nhà tắm công cộng.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân (khăn mặt, dao cạo, bàn chải,…)với người bị mụn cơm.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu như người có tiền sử cấy ghép nội tạng, người nhiễm HIV/AIDS,…
Biểu hiện của mụn cơm các vị trí thường gặp
Dấu hiệu chung của tình trạng này là sự xuất hiện các nốt sẩn nhỏ, màu trắng, nâu, hồng hoặc có màu da. Khi sờ vào không đau, mềm và có cảm giác sần nhẹ. Mụn cơm có thể mọc thành đám hoặc mọc riêng lẻ.
Ngoài ra, biểu hiện của mụn cơm còn có sự khác biệt giữa các vị trí.
1. Đặc điểm và hình ảnh mụn cơm ở mặt
Mụn cơm ở mặt thường tập trung ở dưới bọng mắt. Dấu hiệu đặc trưng là các nốt nhỏ li ti, có màu trắng hoặc nâu nhạt, thường mọc thành từng cụm.
Hình ảnh mụn cơm ở mặt:

2. Đặc điểm và hình ảnh mụn cơm ở tay
Mụn cơm ở tay thường mọc ở mu/ lòng bàn tay và ngón tay. So với mụn cơm ở mặt, kích thước mụn ở tay thường lớn hơn và có xu hướng mọc đơn lẻ.
Hình ảnh mụn cơm ở tay:

3. Đặc điểm và hình ảnh mụn cơm ở chân
Mụn cơm dễ xuất hiện ở chân vì cơ quan này dễ tiếp xúc với virus gây bệnh nhất. Mụn thường mọc ở lòng bàn chân – nhất là ở những vị trí tỳ đè và chịu nhiều áp lực. Với những trường hợp mụn mọc ở chân, kích thước mụn khá lớn nhưng thường chỉ xuất hiện từ 1 – 3 mụn.
Hình ảnh nhận biết mụn cơm ở chân:

Chẩn đoán mụn cơm với các tình trạng da liễu khác
HPV có đến 100 chủng loại. Tùy vào từng chủng loại cụ thể mà tổn thương da sẽ có biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Ngoài mụn cơm, virus HPV còn có thể gây ra u mềm lây, mụn cóc, mụn cóc sinh dục, sùi mào gà,…
Vì vậy trước khi điều trị, bạn cần tiến hành chẩn đoán để áp dụng biện pháp phù hợp. Phần lớn bác sĩ thường chẩn đoán bệnh thông qua biểu hiện thực thể và sinh thiết mô.
Các phương pháp điều trị mụn cơm
Mụn cơm là một trong những tình trạng da liễu lành tính do virus HPV gây ra. Ở một số trường hợp, tổn thương da có thể biến mất sau một thời gian (thường từ 1 – 2 năm).
Tuy nhiên với những người có mụn cơm lớn, phát triển và lây lan nhanh, cần tiến hành điều trị để hạn chế cảm giác khó chịu, giảm thị lực, sẹo, nhiễm trùng,… Các phương pháp điều trị mụn cơm được chỉ định thường là dùng thuốc và xâm lấn để loại bỏ sẩn mụn.
1. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị mụn cơm thường có khả năng bạt sừng, loại bỏ tế bào chết nhằm giảm kích thước và cải thiện các mụn cơm nhỏ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu dùng thuốc kháng virus trong trường hợp tổn thương da lây lan và phát triển nhanh.

Một số loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh lý này, gồm:
- Acid salicylic: Đây là loại thuốc được dùng phổ biến và rộng rãi nhất. Thuốc có khả năng giảm kích thước của các mụn cơm trung bình và loại bỏ hoàn toàn những mụn cơm nhỏ. Tuy nhiên vì có tính acid nên thuốc chỉ được sử dụng với những trường hợp tổn thương da xuất hiện ở chân và tay.
- Cantharidin: Hoạt chất này được chiết xuất từ bọ ban miêu. Khi sử dụng lên sẩn cứng, Cantharidin sẽ khiến da phồng rộp và loại bỏ sẩn cứng ra khỏi mô.
- Imiquimod/ Dibutylester acid squaric: Đây là những loại thuốc miễn dịch dạng bôi ngoài được dùng trong điều trị mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên thuốc cũng có thể chỉ định với mụn cơm và mụn cóc thông thường.
- Bleomycin: Bleomycin được sử dụng ở dạng tiêm, có tác dụng ức chế virus HPV nhằm ngăn chặn tiến triển của bệnh. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây thiệt hại cho thần kinh, móng và da, vì vậy chỉ được sử dụng trong trường tình huống cần thiết.
- Retinoids (dẫn xuất của vitamin A): Retinoids làm gián đoạn quá trình sinh trưởng bất thường của mô da, từ đó làm giảm kích thước của mụn và sẩn cứng.
Hiệu quả của các loại thuốc nói trên tùy thuộc vào phạm vi, mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng của từng cơ địa. Với những người có mụn cơm nhỏ và ít, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện sau một thời gian dùng thuốc.
Tuy nhiên ở những trường hợp không có đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn can thiệp các thủ thuật ngoại khoa.
2. Thủ thuật xâm lấn
Do tác dụng của thuốc thường chậm và không thể dùng cho mụn cơm ở mắt nên nhiều người quyết định can thiệp ngoại khoa nhằm loại bỏ các sẩn nhỏ trên da.

Hiện nay có khá nhiều thủ thuật điều trị mụn cơm, gồm có:
- Vi phẫu: Trong thủ thuật này, nốt mụn sẽ được cắt bỏ bằng dao điện. Tuy nhiên tác động từ dao điện có thể gây sẹo và làm tổn thương da nên hiện nay ít khi được áp dụng.
- Laser: Laser là thủ thuật có chi phí điều trị cao, gây đau và có thể để lại sẹo. Do đó thủ thuật chỉ được thực hiện với những sẩn cứng và nốt mụn khó điều trị.
- Áp lạnh: Áp lạnh sử dụng khí nito lỏng phun trực tiếp lên mụn cơm. Sau đó khoảng 1 tuần, mô của mụn sẽ chết và bong ra khỏi niêm mạc.
Cách chữa mụn cơm ở tay và ở chân tại nhà
Tự ý điều trị mụn cơm ở mắt có thể gây kích ứng và tổn thương thị giác. Vì vậy nếu có ý định chữa trị tại nhà, bạn chỉ nên áp dụng với trường hợp mụn xuất hiện ở tay và chân.

Các biện pháp chữa mụn cơm tại nhà bạn có thể áp dụng:
- Dùng nhựa đu đủ xanh thoa trực tiếp lên mụn, để khoảng vài giờ và rửa lại bằng nước ấm. Thực hiện liên tục cho đến khi mụn bong ra hoàn toàn.
- Tận dụng mặt trong của vỏ chuối xanh chà nhẹ lên nốt mụn cơm. Ngoài ra cách chữa này còn có tác dụng đối với mụn cóc và u mềm lây.
- Cắt lát tỏi và đắp lên nốt mụn, đợi khoảng vài giờ và rửa lại.Nên thực hiện cho đến khi mụn biến mất. Ngoài khả năng loại bỏ tế bào chết và thu nhỏ sẩn cứng, hoạt chất allicin trong tỏi còn có tác dụng kháng khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
So với những phương pháp từ y học hiện đại, cách chữa mụn cơm tại nhà có tác dụng chậm nên cần kiên trì khi thực hiện. Tuy nhiên nếu nhận thấy triệu chứng không thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 tuần áp dụng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các can thiệp chuyên sâu.
Phòng ngừa mụn cơm và các tình trạng da liễu do HPV
Phần lớn các tình trạng da liễu do virus HPV gây ra thường khá lành tính. Tuy nhiên bệnh lại rất dễ tái phát và kéo dài dai dẳng. Do đó bạn vẫn nên chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Giảm nguy cơ hình thành mụn cơm và các bệnh da liễu do HPV gây ra với các biện pháp như sau:
- Vệ sinh cơ thể – đặc biệt là tay và chân sau khi bơi lội hoặc tắm ở nơi công cộng.
- Không sử dụng chung vật dụng với người nhiễm HPV.
- Tiềm vaccine phòng ngừa HPV để ngăn chặn các bệnh lý da liễu và một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng do virus này gây ra.
- Tránh gây trầy xước chân và tay vì virus có thể xâm nhập qua vết thương hở.
- Không sờ hay chạm vào mụn cóc, sẩn ngứa và vết loét của người khác.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống điều độ, sinh hoạt khoa học và luyện tập thường xuyên.
Mụn cơm là tình trạng sức khỏe khá lành tính và có thể biến mất sau khi được điều trị. Nếu bạn có thắc mắc về bệnh lý này, vui lòng liên hệ với bác sĩ da liễu để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!