Mụn cóc là một dạng tổn thương da do virus HPV (Human papillomavirus) gây ra. Bệnh hầu như không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nhưng có tiến triển dai dẳng và cần nhiều thời gian để điều trị dứt điểm.

Mụn cóc là gì? Các đặc điểm và dấu hiệu nhận biết
Mụn cóc (hột cơm/ hạt cơm) là một dạng khối u nhỏ, có màu trắng, sần sùi, mọc chủ yếu ở bàn chân và bàn tay. Bệnh hình thành do Human papillomavirus (HPV) gây ra.
Ngoài bệnh lý này, HPV còn có thể gây ra một số tình trạng khác như sùi mào gà và hạt cơm phẳng. Mụn cóc thường gặp ở cả nam và nữ trong độ tuổi từ 20 – 45.

Đặc điểm lâm sàng và một số triệu chứng dễ nhận biết của bệnh:
- Mụn cóc là các sẩn cứng, nhỏ, có màu trắng, mọc riêng lẻ, tập trung ở lưng bàn tay, rãnh móng, ngón tay, lòng bàn tay và bàn chân.
- Nếu mụn cóc xuất hiện ở ngón tay và bàn tay, sẩn cứng thường có hình dạng như hạt cơm, dày sừng, khô và có gờ cao hơn vùng da bình thường. Có thể mọc thành từng đám và thường không gây đau. Tuy nhiên nếu mọc ở dưới móng, mụn cóc có thể đè lên móng và gây đau khi chạm vào.
- Mụn cóc ở lòng bàn chân có biểu hiện khác so với mụn cóc ở tay và lòng bàn tay. Ở lòng bàn chân, mụn thường có màu vàng đục hoặc trong, bề mặt xù xì, một số mụn còn có gai nhỏ ở chính giữa. Các sẩn này lây lan nhanh, tạo thành một lớp dày sưng và có thể gây đau nhói khi đi lại hoặc ấn vào.
- Nếu mọc ở mí mắt, hạt cơm thường có chân.
Nguyên nhân gây ra mụn cóc
Nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn cóc là do HPV ( thường là HPV type 6 và 11). Virus này có thể lây nhiễm do các yếu tố sau:

- Quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc quan hệ không an toàn (hoạt động tình dục với nhiều đối tượng, không sử dụng bao cao su,…).
- Có thể lây nhiễm từ mẹ sang con trong thời gian mang thai.
- Yếu tố khác: Ngoài ra virus có thể dễ dàng xâm nhập khi có một số yếu tố như vệ sinh vùng kín kém, viêm âm hộ/ âm đạo, mắc các bệnh hoa liễu khác, bao quy đầu dài, suy giảm miễn dịch,…
Các triệu chứng của mụn cóc thường khởi phát sau khoảng 1 – 3 tháng ủ bệnh.
Mụn cóc có lây không? Nguy hiểm không?
Bệnh do HPV gây ra nên có nguy cơ lây nhiễm và tự lây nhiễm giữa các vùng da trong cơ thể. Khi tiếp xúc trực tiếp lên hạt cơm, virus có thể lây nhiễm sang người khỏe mạnh. Ngoài ra, virus cũng có thể lây nhiễm cho nhân viên y tế khi thực hiện đốt laser, áp lạnh hoặc đốt điện.
Mụn cóc là một dạng tổn thương do HPV khá lành tính. Bệnh hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng. So với sùi mào gà, mụn cóc có mức độ nhẹ và dễ điều trị hơn.
Chẩn đoán bệnh hạt cơm/ mụn cóc
Biểu hiện thực thể của mụn cóc dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe khác. Vì vậy trước khi tiến hành điều trị, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:
- Dày sừng da dầu
- U mềm lây
- Chai chân/ tay
Các phương pháp điều trị mụn cóc phổ biến
Điều trị mụn cóc bao gồm điều trị bảo tồn và các thủ thuật ngoại khoa. Phương pháp được chỉ định thường dựa trên số lượng hạt cơm, kích thước và khả năng đáp ứng của từng người bệnh.
1. Điều trị bảo tồn
Mụn cóc chủ yếu được điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ. Hoạt chất trong những loại thuốc này có khả năng ức chế virus gây bệnh và giảm dày sừng, nhằm thu nhỏ kích thước của các sẩn cứng.

Một số loại thuốc được sử dụng, bao gồm:
- Axit salicylic: Là dẫn xuất phổ biến của BHA, có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và giảm dày sừng. Bạn có thể dùng các dung dịch hoặc kem bôi chứa axit salicylic với những hạt cơm nhỏ và có số lượng ít.
- Imiquimod: Có tác dụng chống lại virus gây bệnh bằng cách kích thích hệ miễn dịch sản xuất interferon. Ngoài bệnh hạt cơm, Imiquimod còn được dùng để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy và một số dạng khác của mụn cóc sinh dục.
- Fluorouracil: Loại thuốc này có khả năng ức chế tổng hợp DNA nhằm hạn chế hình thành các mụn cóc mới. Tuy nhiên chế phẩm chứa Fluorouracil vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh lý này.
- Axit tricloracetic 33%: Dung dịch này được chấm trực tiếp lên hạt cơm. Ngoài khả năng loại bỏ sẩn cứng do mụn cóc, axit tricloracetic còn được dùng để làm giảm vết chai sần, mụn cơm,…
Ngoài các loại thuốc nói trên, bạn có thể sử dụng thuốc bổ sung vitamin A và C nhằm giảm dày sừng và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên việc dùng thuốc uống chỉ được thực hiện với tình trạng hạt cơm mọc nhiều, tạo thành lớp dày sừng có phạm vi rộng.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dùng Interferon đường tiêm để cải thiện. Tuy nhiên cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
2. Thủ thuật ngoại khoa
Với mụn cóc có kích thước lớn và không thuyên giảm khi dùng thuốc, bạn có thể can thiệp một số thủ thuật ngoại khoa để loại bỏ.

Các thủ thuật ngoại khoa trong điều trị mụn cóc, bao gồm:
- Phẫu thuật nạo bỏ: Thủ thuật này được thực hiện với những hạt cơm mọc dưới móng hoặc mụn cơm có kích thước to. Để loại bỏ mụn cóc, bác sĩ sẽ sử dụng dao để bóc tách mụn ra khỏi mô da.
- Áp lạnh: Thủ thuật áp lạnh sử dụng nito hóa lỏng nhằm đông cứng và phá hủy tế bào da chết. Thời gian thực hiện phương pháp này chỉ kéo dài khoảng vài phút và đạt kết quả sau 2 tuần. Hạt cơm bị đông cứng sẽ nhanh chóng rời ra khỏi tổ chức da nhưng không gây chảy máu và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở mức tối thiểu.
- Laser carbon dioxide (CO2): Laser CO2 loại bỏ hạt cơm bằng cách phá hủy mô da. Tuy nhiên laser có thể gây đau, để lại sẹo và chi phí khá cao.
Phòng ngừa bệnh hạt cơm/ mụn cóc
Mặc dù bệnh hạt cơm hiếm khi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tuy nhiên bệnh có tiến triển khá dai dẳng và mất nhiều thời gian trong việc điều trị.

Vì vậy bạn nên chủ động phòng ngừa tình trạng này với những biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ với gái mại dâm hoặc những đối tượng có tiền sử tình dục không lành mạnh.
- Tuyệt đối không chạm với nốt sần, mẩn ngứa,… trên da của người khác.
- Vệ sinh vùng kín và cơ thể đều đặn mỗi ngày.
- Với những người bị suy giảm miễn dịch (HIV), cần điều trị sớm để hạn chế các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
- Tiêm vaccine phòng ngừa HPV, từ đó bạn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý do virus này gây ra.
Mụn cóc thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên vì do virus gây ra nên bệnh có xu hướng lây nhiễm và tái phát nhiều lần. Do đó khi điều trị cần thực hiện đều đặn và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!