Mụn cóc có thể xuất hiện ở rất nhiều dạng, trong đó mụn cóc phẳng là một dạng tương đối phổ biến. Tình trạng này có nguy cơ khởi phát ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn. Nắm được dấu hiệu nhận diện là cách tốt nhất giúp bạn sớm phát hiện. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chữa trị.

Mụn cóc phẳng là gì?
Mụn cóc phẳng là một dạng tổn thương da của mụn cóc do virus HPV gây ra. Chúng là một dạng mụn mịn, phẳng đầu có thể nổi ít hoặc đôi khi là không nổi trên bề mặt da.
Các nốt mụn có xu hướng xuất hiện phổ biến trên mặt, cổ hay mu bàn tay, bàn chân. Mụn thường phát triển thành các cụm lớn, có thể dao động từ 20 đến tận 200 nốt mụn.
Thống kê cho thấy rằng, dạng mụn cóc phẳng thường kích hoạt ở trẻ em và đối tượng vị thành niên nhiều hơn là người lớn. Mụn cóc phẳng là bệnh truyền nhiễm nhưng lại lành tính, thường ít gây đau hay ngứa ngáy, khó chịu.
1. Nguyên nhân
Cũng giống như các dạng mụn cóc khác, mụn cóc phẳng là do virus truyền nhiễm HPV gây ra. Loại virus này có tới hơn 100 chủng khác nhau. Các chủng số 3, 10, 28 và 49 được cho là liên quan đến sự kích hoạt của các nốt mụn.
Hầu hết các chủng virus gây ra mụn cóc phẳng đều lành tính, trong khi các chủng HPV khác có thể là ác tính. Đặc biệt là các chủng ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Một người có nhiều khả năng bị mọc mụn cóc phẳng nếu có sự hiện diện của các yếu tố sau:
- Tiếp xúc da kề da với người đang bị mụn cóc
- Chạm vào một đồ vật đã có tiếp xúc với mụn cóc
- Đang bị vết thương hở, có thể là vết cắt hay vết trầy trên da
- Thực hành vệ sinh thân thể kém
- Hệ thống miễn dịch yếu
- Đang điều trị bệnh bằng hóa trị, xạ trị hay các loại thuốc khác
- Thường xuyên cạo lông mặt hay lông chân
Mụn cóc phẳng hiện đang là dạng bệnh rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến 10% dân số thế giới. Trong đó, các trường hợp mắc bệnh phần đa nằm ở độ tuổi từ 12 đến 16. Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh tương đương nhau.
2. Đặc điểm nhận dạng
Mụn cóc phẳng có hình dạng khác hoàn toàn so với các loại mụn cóc khác. Thậm chí nhiều trường hợp người bệnh còn không thể phát hiện được mụn bằng mắt thường. Bạn cần chú ý đến một số đặc điểm nhận dạng sau đây:
- Kích thước nhỏ, không có đầu và chỉ hơi nhô lên khỏi bề mặt da.
- Mụn có hình tròn hay bầu dục với đường kính nằm trong khoảng 1 – 3mm.
- Thường có màu hồng hoặc nâu sẫm.
- Xuất hiện theo từng mảng với số lượng từ 20 – 200 nốt mụn trên một vùng da nhất định.
Ngoài ra, dạng mụn này còn có xu hướng xuất hiện xung quanh vết trầy xước hay vùng da bị tổn thương.
Cách điều trị mụn cóc phẳng triệt để
Mụn cóc phẳng thường không cần điều trị và sẽ có xu hướng tự biến mất từ từ. Thống kê minh chứng rằng, 23% mụn sẽ biến mất chỉ trong vòng 2 tháng và khoảng 77% sẽ mất dần đi trong vòng 2 năm sau đó.
Nếu muốn loại bỏ chúng sớm hơn, bạn có thể áp dụng một số cách sau để điều trị:
1. Điều trị tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể sẽ đáp ứng và giúp các nốt mụn biến mất nhanh hơn. Các biện pháp này thường đơn giản, không tốn kém và khá an toàn với sức khỏe:
- Sử dụng các loại thuốc tẩy mụn cóc không kê đơn có tỷ lệ acid salicylic cao. Thuốc hoạt động bằng cách làm tan lớp da bị nhiễm virus. Nên áp dụng hằng ngày để sớm cho kết quả. Tuy nhiên có thể gây khó chịu nếu thuốc chạm vào những vùng da không bị ảnh hưởng.
- Dùng băng keo có độ dính cao để dán trực tiếp lên nốt mụn. Tuy nhiên cần giữ trong một vài ngày thì mới cho kết quả tốt. Sau khi gỡ băng keo ra có thể ngâm nốt mụn trong nước ấm và dùng đá bọt để chà lên.
- Sử dụng tỏi: Chiết xuất Allicin từ tỏi được cho là có thể loại bỏ mụn cóc chỉ trong vòng 4 tuần. Cần nghiền nát 1 tép tỏi sau đó trộn với nước rồi thoa lên vùng da bị mụn và băng kín lại. Lặp lại cách này hằng ngày trong liên tục 3 – 4 tuần.
- Dùng giấm táo: Pha hỗn hợp giấm táo với nước theo tỷ lệ 2:1. Tiếp đến dùng bông y tế thấm vào hỗn dịch rồi đặt trực tiếp lên nốt mụn. Băng kín để giữ trong khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ rồi mới gỡ ra.

Các biện pháp tại nhà thường chỉ đáp ứng trong một số trường hợp nhẹ. Rất nhiều trường hợp, nốt mụn phải cần đến các biện pháp chuyên sâu hơn mới biến mất.
2. Điều trị y khoa
Hãy sớm đến gặp bác sĩ da liễu khi bạn gặp các tình trạng sau:
- Mụn cóc đau và có chảy máu
- Nốt mụn xuất hiện trên mặt hay bộ phận sinh dục
- Mụn cóc nhanh chóng lan trên diện rộng
- Ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày
- Các biện pháp tự chăm sóc không đáp ứng
Lúc này, mụn cóc phẳng chỉ có thể biến mất khi bác sĩ áp dụng các biện pháp chuyên sâu hơn. Có thể là:
Sử dụng thuốc:
- Fluorouracil: Loại thuốc này có tác dụng ức chế tổng hợp DNA nhằm hạn chế sự hình thành của các mụn cóc mới.
- Axit tricloracetic 33%: Dung dịch này thường sẽ được chấm trực tiếp lên nốt mụn với tác dụng loại bỏ các sần cứng.
- Imiquimod: có tác dụng kích thích hệ miễn dịch sản xuất interferon để chống lại virus gây bệnh.
- Bleomycin: Đây là một loại thuốc hóa trị được sử dụng dưới dạng tiêm trực tiếp vào nốt mụn cóc phẳng.
*Chú ý: Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.
Can thiệp ngoại khoa:
- Phẫu thuật nạo bỏ: Bao gồm cắt hoặc cạo mụn cóc ra khỏi mô da bằng dao mổ.
- Liệu pháp áp lạnh: Sử dụng nitơ hóa lỏng để đóng băng mụn cóc cho đến khi chúng rơi ra ngoài.
- Laser CO2: Hoạt động bằng cơ chế phá hủy mô da. Có thể gây đau đớn và để lại sẹo.
Ngăn ngừa mụn cóc phẳng như thế nào?
Virus gây ra các nốt mụn cóc phẳng sẽ rất dễ lây lan, bạn nên chú ý đến các vấn đề sau để ngăn ngừa sự lây lan của virus:
- Hạn chế cọ xát hay gãi hoặc bóc nốt mụn.
- Rửa tay sau khi chạm vào mụn cóc vì bất cứ mục đích nào, kể cả chỉ thoa kem.
- Giữ cho da luôn sạch sẽ và khô thoáng.
- Không dùng chung khăn hoặc vật dụng cá nhân với người bị nhiễm virus
- Tuyệt đối không chạm vào mụn cóc của người khác.
- Tiêm vaccine phòng ngừa HPV.
Mụn cóc phẳng thường ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần và rất dễ lây nhiễm. Cần chú ý điều trị một cách nghiêm túc để tránh những vấn đề không mong muốn phát sinh.
Bạn nên tìm hiểu thêm: Dùng lá tía tô trị mụn cóc như thế nào, có hết không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!