Mất kinh nguyệt – Nguyên nhân và cách khắc phục

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Không hành kinh trong giai đoạn trước khi dậy thì, mang thai và tiền mãn kinh là tình trạng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên mất kinh nguyệt xảy ra trong những thời gian khác có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe như mất cân bằng nội tiết, suy/ cường giáp, u buồng trứng đa nang, căng thẳng kéo dài, suy dinh dưỡng,…

cách chữa mất kinh nguyệt
Mất kinh là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe như mất cân bằng nội tiết, u buồng trứng đa nang,…

Mất kinh nguyệt là gì?

Phụ nữ thường không có kinh nguyệt vào thời gian trước khi dậy thì, khi mang thai và sau khi mãn kinh. Đây là hiện tượng thông thường do thay đổi nội tiết tố và sinh lý của cơ thể.

Tuy nhiên mất kinh nguyệt (mất kinh) đề cập đến tình trạng không hành kinh trong những thời gian thông thường. Mất kinh được chia thành 2 loại cụ thể, bao gồm:

  • Mất kinh nguyên phát: Đề cập đến nữ giới khoảng 16 – 18 tuổi đã đến tuổi dậy thì nhưng vẫn không có kinh.
  • Mất kinh thứ phát: Xảy ra ở phụ nữ có kinh nguyệt bình thường nhưng đột nhiên mất kinh (mất kinh trong khoảng 3 tháng).

Mất kinh nguyệt trong thời gian thông thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề của sức khỏe. Chính vì vậy khi triệu chứng này xuất hiện, bạn cần xác định nguyên nhân cụ thể để có các biện pháp khắc phục phù hợp.

Nguyên nhân gây mất kinh nguyệt

Mất kinh nguyệt có thể bắt nguồn từ những thay đổi bất thường ở các tuyến, vùng hạ đồi, nồng độ hormone, buồng trứng, tâm lý, thể trạng,…

Nguyên nhân gây mất kinh nguyên phát:

  • Buồng trứng bị tổn thương
  • Bất thường ở cơ quan sinh dục (màng trinh không thủng, không có buồng trứng hoặc tử cung,…)
  • Khu dưới đồi hoặc tuyến yên có vấn đề

Ngoài ra, một số trường hợp vô kinh nguyên phát không thể tìm được nguyên nhân.

cách chữa mất kinh nguyệt
Căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân gây mất kinh thứ phát

Nguyên nhân gây mất kinh thứ phát:

  • Suy dinh dưỡng và nhẹ cân có thể gây gián đoạn chức năng nội tiết của cơ thể. Với những trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng, quá trình rụng trứng của cơ thể có thể bị ngừng hẳn và gây ra hiện tượng mất kinh.
  • Trầm cảm và căng thẳng thần kinh kéo dài có thể thay đổi chức năng của vùng dưới đồi. Từ đó khiến hormone ở nữ giới bị thay đổi và dẫn đến hiện tượng mất kinh thứ phát.
  • Luyện tập quá mức cũng là một trong những nguyên nhân gây mất kinh. Nguyên nhân này thường gặp ở các vận động viên do quá trình luyện tập nghiêm ngặt và chế độ ăn ít chất béo.
  • Mất kinh có thể là tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chống dị ứng, thuốc tránh thai, thuốc điều trị ung thư và huyết áp cao.
  • Giảm cân quá mức khiến cơ thể suy dinh dưỡng và giảm chức năng của cơ quan sinh sản. Kết quả là quá trình rụng trứng bị gián đoạn và gây ra tình trạng mất kinh.
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) cũng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và gây ra các rối loạn trong quá trình hành kinh ở nữ giới.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) khiến nội tiết tố tăng cao và gây mất kinh.
  • Khối u lành tính ở tuyến yên có thể ảnh hưởng đến khả năng sản sinh nội tiết và gây ra các rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, mất kinh còn có thể khởi phát do những nguyên nhân hiếm gặp hơn như u buồng trứng, mãn kinh sớm, sẹo trong tử cung do phẫu thuật, đột ngột tăng cân, thường xuyên đau ốm,…

Vô kinh ở nữ giới là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau. Để được xác định nguyên nhân cụ thể, bạn nên tìm gặp bác sĩ nhằm thực hiện các chẩn đoán cần thiết.

Lưu ý:

Mất kinh nguyệt có thể là biểu hiện của chứng chán ăn tâm thần – một bệnh lý rối loạn ăn uống rất nghiêm trọng. Với những trường hợp mắc bệnh lý này, triệu chứng mất kinh thường đi kèm với tình trạng chán ăn, ăn rất ít, ám ảnh về thức ăn và cân nặng, lo âu quá độ, nhạy cảm với những lời nhận xét về trọng lượng cơ thể, cơ thể mệt mỏi, loãng xương, khô da, mắt trũng,…

cách chữa mất kinh nguyệt
Nếu mất kinh do chán ăn tâm thần, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời

Khi xuất hiện những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay bệnh viện để được điều trị. Chứng chán ăn tâm thần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và thường có các hành vi bất thường (tự tử, tự gây thương tích,…).

Các triệu chứng đi kèm hiện tượng mất kinh nguyệt

Mất kinh đặc trưng bởi tình trạng không có kinh nguyệt liên tục trong khoảng 3 tháng. Tuy nhiên ngoài tình trạng này, bạn cũng có thể nhận thấy một số triệu chứng đi kèm khác, như:

  • Mệt mỏi
  • Da khô, xuất hiện sạm, nám,…
  • Tăng cân bất thường
  • Nhịp tim chậm
  • Táo bón
  • Rụng tóc
  • Thay đổi thị lực
  • Nổi mụn
  • Núm vú có dấu hiệu tiết dịch màu trắng đục như sữa
  • Đau đầu

Các biến chứng do mất kinh nguyệt gây ra

Mất kinh nguyệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và chức năng sinh sản ở nữ giới.

Các biến chứng thường gặp:

  • Loãng xương: Loãng xương là một trong những biến chứng do nội tiết tố nữ suy giảm. Biến chứng này thường gặp ở những trường hợp vô kinh do mất cân bằng nội tiết.
  • Không có khả năng sinh sản: Mất kinh là dấu hiệu cho thấy quá trình rụng trứng bị gián đoạn. Nếu không kịp thời điều trị, chức năng sinh sản của bạn có thể bị ảnh hưởng và mất hẳn khả năng mang thai.

Chẩn đoán mất kinh nguyệt ở nữ giới

Điều trị mất kinh nguyệt được chỉ định tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Vì vậy bạn cần tiến hành chẩn đoán nguyên nhân trước khi áp dụng phương pháp khắc phục.

Các thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán mất kinh, bao gồm:

  • Xem xét tiền sử bệnh lý
  • Khám lâm sàng
  • Siêu âm hoặc chụp X-Quang cơ quan sinh dục nhằm phát hiện ra các vấn đề bất thường
  • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI trong trường hợp nghi ngờ buồng trứng, tử cung, vùng hạ đồi và tuyến yên có vấn đề.

Các phương pháp chữa trị tình trạng mất kinh nguyệt

Mất kinh nguyệt được điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể. Các biện pháp có thể được áp dụng, bao gồm:

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Thay đổi chế độ ăn được thực hiện với những trường hợp mất kinh do giảm cân quá mức hoặc do béo phì. Chế độ ăn lành mạnh bao gồm các thực phẩm giàu tinh bột, protein, vitamin, khoáng chất, Omega 3,… Đồng thời cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều gia vị, dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống chứa caffeine, cồn,…

cách chữa mất kinh nguyệt
Thay đổi chế độ dinh dưỡng giúp ổn định cân nặng và điều hòa chức năng của buồng trứng

Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể, cải thiện chức năng của buồng trứng và giúp quá trình hành kinh ổn định trở lại. Với những trường hợp mất kinh nguyệt do rối loạn ăn uống hoặc lười ăn, bạn nên tìm gặp chuyên gia dinh dưỡng để tìm hướng khắc phục phù hợp.

2. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng đến vùng hạ đồi – cơ quan kiểm soát nồng độ hormone trong cơ thể. Nếu nguyên nhân mất kinh do stress và căng thẳng thần kinh, bạn cần thực hiện các liệu pháp thư giãn và giải tỏa cảm xúc.

mất kinh nguyệt
Đọc sách và nghỉ ngơi giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và cải thiện tình trạng căng thẳng

Các biện pháp giúp bạn kiểm soát căng thẳng:

  • Tránh làm việc quá sức, chỉ nên làm việc từ 6 – 8 giờ đồng hồ/ ngày.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày, tránh tình trạng thiếu ngủ và thức khuya.
  • Tiến hành massage, bấm huyệt,… trước khi đi ngủ có thể giúp cơ thể giảm mệt mỏi và thư giãn.
  • Dành thời gian xem phim, mua sắm và đọc sách giúp giảm căng thẳng ở hệ thần kinh, cải thiện tâm trạng và đem lại cảm xúc tích cực.
  • Chia sẻ với bạn đời và người thân những khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống. Tránh tình trạng suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến lo lắng và căng thẳng.
  • Luyện tập yoga và ngồi thiền để điều hòa hệ thần kinh và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực.

3. Điều chỉnh cường độ luyện tập

Luyện tập quá mức hoặc lười luyện tập là những yếu tố khiến chức năng buồng trứng suy giảm và gây ra tình trạng mất kinh. Chính vì vậy để quá trình hành kinh ổn định trở lại, bạn nên điều chỉnh lại cường độ luyện tập cho phù hợp.

Với những vận động viên nữ, bạn có thể trao đổi tình trạng sức khỏe của mình với huấn luận viên để được thay đổi cường độ luyện tập và chế độ dinh dưỡng. Đối với nữ giới mất kinh do lười vận động, bạn nên dành từ 15 – 30 phút/ ngày để thực hiện những bộ môn có cường độ thích hợp như bơi lội, bóng chuyền, yoga, đi bộ, đạp xe,…

4. Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được áp dụng cho nữ giới mất kinh nguyệt do rối loạn nội tiết tố. Tuy nhiên liệu pháp này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của bác sĩ.

mất kinh nguyệt
Liệu pháp hormone có thể được áp dụng với những trường hợp mất kinh do rối loạn nội tiết tố

Liệu pháp hormone bao gồm:

  • Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố
  • Dùng viên uống bổ sung estrogen và progesterone

Việc bổ sung hormone phải được cân chỉnh dựa trên nồng độ hormone thiếu hụt. Vì vậy bạn cần áp dụng liệu pháp này theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tự ý áp dụng liệu pháp hormone có thể làm tăng sinh các khối u bất thường và những tác dụng không mong muốn.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện với trường hợp mất kinh nguyệt do sẹo tử cung, suy buồng trứng sớm, tuyến giáp bất thường, tăng sản tuyến thượng thận,…

Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.

Phòng ngừa mất kinh nguyệt

Những trường hợp mất kinh do lối sống, chế độ dinh dưỡng và luyện tập có thể được phòng ngừa hoàn toàn. Ngoài ra, mất kinh do các vấn đề bất thường ở tuyến yên, buồng trứng, tử cung,… có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm.

Để tránh những tình huống rủi ro, bạn cần thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Thăm khám phụ khoa định kỳ 1 lần/ năm để kịp thời phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh dục.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập hợp lý.
  • Kiểm soát cảm xúc tiêu cực, giữ thái độ lạc quan và vui vẻ.

Mất kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe bên trong cơ thể. Khi triệu chứng này xuất hiện, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và tiến hành các biện pháp can thiệp thích hợp.

Tham khảo thêm: Cường kinh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị cường kinh

Ngày đăng 09:24 - 06/06/2023 - Cập nhật lúc: 14:35 - 07/06/2023
Chia sẻ:
Bài thuốc Diệp Phụ Khang thực hiện bởi Ths.Bs Đỗ Thanh Hà đang là giải pháp điều trị bệnh Phụ khoa an toàn, ngừa tái phát, được hơn 10.000 phụ nữ tin dùng
Kinh Nguyệt Đến Sớm Bất Thường Là Bị Gì, Có Sao Không?

Chu kỳ kinh nguyệt đến sớm có thể là biểu hiện của sự thay đổi sinh lý bình thường và…

Bác sĩ Lê Phương chia sẻ cách chữa đau bụng kinh Bác sĩ Lê Phương: Đừng chủ quan với đau bụng kinh, cần điều trị dứt điểm sớm

Đau bụng kinh là một trong những tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ mọi lứa tuổi. Đối với…

Trong khoảng 1-2 năm đầu tiên, chu kỳ kinh nguyệt không ổn định. Có thể sớm hoặc trễ hơn từ 3-5 ngày Bị chậm kinh 1 tuần là dấu hiệu có thai hay bị bệnh gì?

Khi bị chậm kinh 1 tuần, rất nhiều chị em lo lắng không biết mình có bị gì không. Còn…

Tắc Kinh Nguyệt Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

Tắc kinh là hiện tượng kinh nguyệt quá ít, kinh nguyệt lặn liên tục trong nhiều tháng. Đây có thể…

Cường kinh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị cường kinh

Cường kinh là một dạng của rối loạn kinh nguyệt thường gặp, đây là tình trạng máu kinh ra nhiều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua