Tổ đỉa và hắc lào đều là những bệnh ngoài da, đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy, khó chịu và các mụn nước nhỏ li ti. Nhiều người thường nhầm lẫn hắc lào và tổ đỉa là một. Thế nhưng, đây là hai bệnh khác nhau, để phân biệt hắc lào tổ đỉa, bạn có thể tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây.
Phân biệt hắc lào tổ đỉa
Hắc lào và tổ đỉa đều là những bệnh da liễu thường gặp, có các triệu chứng tương đối giống nhau như sần đỏ, ngứa ngáy, tổn thương trên da. Vì vậy, chúng ta thường nhầm lẫn hai bệnh này là một và điều trị sai cách khiến các triệu chứng của bệnh kéo dài, không được điều trị dứt điểm. Để giúp bạn phân biệt hắc lào tổ đỉa, chúng tôi đã tham vấn các thông tin từ Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan và tổng kết được các thông tin dưới đây:
Phân biệt hắc lào tổ đỉa qua nguyên nhân gây bệnh
Để nhận biết được sự khác biệt giữa bệnh tổ đỉa và bệnh hắc lào, trước tiên bạn có thể phân biệt dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh tổ đỉa
Được biết, tổ đỉa còn gọi là chàm tổ đỉa (chàm nốt sần), một dạng của bệnh chàm, là tình trạng da viêm nhiễm đặc trưng các các mụn nước ngứa ngáy, khó chịu trên da. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, bệnh thường có các yếu tố liên quan như:
- Do di truyền: Di truyền là một trong những yếu tố thường gặp ở người mắc tổ đỉa. Nếu trong gia đình có người thân, bố mẹ mắc tổ đỉa thì nguy cơ con bị tổ đỉa thường cao hơn so với người bình thường.
- Do cơ địa: Khoảng 50% người bị tổ đỉa có tiền sử mắc các bệnh dị ứng cơ địa như viêm da, viêm mũi dị ứng, mề đay, hen suyễn…
- Do nhiễm nấm: Nhiễm nấm cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc tổ đỉa thường gặp.
- Nguyên nhân khác như thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, tác dụng phụ của thuộc hoặc do tinh thần căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, rối loạn thần kinh giao cảm…
Bệnh hắc lào
Khác với tổ đỉa, hắc lào là một loại nhiễm trùng da chủ yếu do các vi nấm thuộc nhóm dermatophytes gây ra. Các chủng nấm gây bệnh thường gặp là:
- Trichophyton: Nấm trên tóc, móng, da
- Microsporum: Nấm trên tóc và da
- Epidermophyton: Nấm ở móng và da
Các bào tử nấm thường tồn tại ở dạng bào tử trong đất. Khi da chúng ta tiếp xúc trực tiếp với đất, đồ vật, động vật hoặc một người bị nhiễm nấm thì sẽ nhiễm bệnh rất nhanh. Trong các chủng nấm trên, các vi nấm thuộc chủng Trichophyton Rubrum là loại nấm gây bệnh hắc lào thường gặp nhất. Bên cạnh đó, một số điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:
- Môi trường sống ô nhiễm, nóng ẩm, không đảm bảo vệ sinh
- Người không có điều kiện vệ sinh cá nhân hoặc tắm rửa nhưng hay mặc quần áo ẩm ướt
- Người dùng kháng sinh dài ngày, hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng yếu
- Người mắc các bệnh lý về da hoặc người sống ở nơi khí hậu nóng bức, độ ẩm cao…
Phân biệt qua triệu chứng điển hình
Bên cạnh nguyên nhân gây bệnh, bạn cũng có thể phân biệt tổ đỉa hắc lào qua các triệu chứng điển hình của từng bệnh. Mặc dù giống nhau với các triệu chứng như có các mụn nước nhỏ, bệnh gây ngứa, khó chịu nhiều. Nhưng về cơ bản, các triệu chứng của hai bệnh nên cũng vô cùng khác nhau:
Bệnh tổ đỉa
- Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ở các kẽ ngón tay, ngón chân
- Tiếp đó là sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ li ti nằm rải rác trên khắp bàn chân, bàn tay
- Các mụn nước này ẩn sâu dưới da, làm bề mặt da hơi gồ lên, rất khó vỡ
- Dần dần, chúng tụ lại với nhau thành các đốm mụn nước lớn, khi lớn hơn có thể tự vỡ hoặc vỡ do gãi nhiều. Khi dịch nước bám vào da sẽ khiến vùng da quanh đó bị khô đi và nước ra.
- Bệnh tổ đỉa thường gây ra các cơn ngứa từ âm ỉ đến dữ dội, đôi khi có thể gây ngứa đến mất ngủ cho người bệnh.
Bệnh hắc lào
- Bệnh hắc lào đặc trưng bởi các tổn thương có dạng đám tròn nhỏ giống đồng tiền hoặc hình bầu dục, có ranh giới rõ ràng, phần da bệnh hơi gồ lên
- Bên trong các vùng da tổn thương là các vùng da khỏe mạnh xen kẽ với vảy trắng và mụn nước.
- Tùy vào từng vị trí tổn thương mà bệnh hắc lào sẽ có những triệu chứng khác biệt nhất định, tuy nhiên các vùng tổn thương đều có ranh giới rõ ràng.
- Bệnh thường kèm theo tình trạng nóng rát, tróc vảy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu xuất hiện ở đầu thường có mùi hôi lạ, tóc yếu, nổi mẩn đỏ, nghiêm trọng có thể gây mưng mủ, phồng rộp…
- Hắc lào mặc dù có ngứa nhưng so với tổ đĩa thì thường ngứa ít hơn, thậm chí là không ngứa.
Các vị trí tổn thương thường gặp
Thực tế, vị trí xuất hiện của các triệu chứng bệnh hắc lào và bệnh tổ đỉa cũng hoàn toàn khác biệt. Cụ thể:
- Tổ đỉa: Chỉ thấy xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt là các kẽ ngón tay, ngón chân và trên ngón tay, ngón chân
- Hắc lào: Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp là cánh tay, da đầu, thân mình, hai chân và vùng bẹn.

Về khả năng lây nhiễm
Chúng ta còn có thể dựa vào khả năng lây nhiễm để phân biệt hắc lào tổ đỉa. Khả năng lây nhiễm của hai bệnh này như sau:
- Bệnh tổ đỉa: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, tổ đỉa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Thế nhưng, nếu không kịp thời điều trị, vùng tổn thương sẽ có khả năng lan rộng, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
- Bệnh hắc lào: Không giống như tổ đỉa, hắc lào là bệnh có khả năng lây lan nhanh. Không chỉ lây lan từ vùng da bệnh sang vùng da lành trên cơ thể, bệnh còn có thể lây từ động vật sang người, từ người này sang người khác. Các con đường lây nhiễm thường là dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh, tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị hắc lào của người bệnh…
Cách xử lý khi bị hắc lào tổ đỉa
Sau khi đã nắm được cách phân biệt hắc lào tổ đỉa, hẳn nhiều người sẽ băn khoăn về cách điều trị của hai căn bệnh này. Như đã đề cập, hắc lào và tổ đỉa là hai căn bệnh khác nhau. Do đó, cách xử lý và phương pháp điều trị của hai bệnh này cũng không giống nhau. Cụ thể:
1. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc bôi ngoài da không kê đơn, thuốc kê đơn, thuốc uống… là những phương pháp điều trị thường gặp. Một số loại thuốc điều trị các bệnh này có thể kể đến như:
Thuốc điều trị tổ đỉa
- Thuốc điều trị tổ đỉa cấp: Thích hợp với người mắc tổ đỉa ở giai đoạn đầu, thường là gentian 1%, Rivanol 1%, cestellani, Jarish, Milian…
- Thuốc mỡ corticoid: Có tác dụng giảm ngứa, chống viêm, ngăn ngừa triệu chứng bệnh lan rộng, thường là Eumovate, Flucinar, Dermovate…
- Thuốc kháng histamin: Cho những trường hợp bệnh gây ngứa nghiêm trọng, thường hay tái phát, thường dùng kết hợp thuốc uống và thuốc bôi. Các thuốc này có chứa các hoạt chất như Loratadine, Chlorpheniramine…
- Thuốc chống nấm: Nếu tình trạng tổ đỉa trên da có liên quan đến nấm, sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc như Ketoconazole, Griseofulvin, Itraconazole…
Ngoài ra, tổ đỉa còn được điều trị bằng việc sử dụng kết hợp kháng sinh và các loại thuốc bôi ngoài da. Hoặc người bệnh cũng có thể lựa chọn các loại thuốc Đông y đến từ các trung tâm, bệnh viện y học cổ truyền uy tín, nổi tiếng.
Thuốc điều trị hắc lào
- Thuốc bôi ngoài da chống nấm chứa các hoạt chất như Ketoconazole, Fluconazole, Miconazole, Clotrimazole…
- Thuốc chống nấm đường uống như Ketoconazole, Fluconazole, Itraconazole, Griseofulvin, Terbinafin…
- Thuốc chống viêm có chứa Corticoid để giảm đau, giảm ngứa do bệnh hắc lào gây ra.
2. Thăm khám bác sĩ
Hắc lào và tổ đỉa đều là những bệnh da liễu thường gặp, rất phổ biến nên có rất nhiều loại thuốc điều trị hai căn bệnh này. Thế nhưng, với trường hợp tình trạng bệnh của bạn kéo dài, hay tái phát hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng, cách tốt nhất là bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Việc thăm khám bác sĩ sẽ giúp ta xác định được tình trạng, nguyên nhân gây bệnh, từ đó có các phương pháp điều trị phù hợp.
3. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Người bị tổ đỉa và hắc lào nên thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt để hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát. Một số vấn đề mà bạn cần quan tâm trong thói quen sinh hoạt có thể kể đến như:
- Cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, dù là bị hắc lào hay tổ đỉa, bạn cũng cần giữ cho da luôn được khô thoáng, tránh ẩm ướt.
- Mặc quần áo sạch sẽ, thoáng khí, tránh chọn những bộ đồ bó sát để không tạo điều kiện cho vi nấm của bệnh hắc lào phát triển
- Người bệnh nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăn mền, khăn tắm, khăn lau mặt, ga giường để tránh lây lan bệnh hắc lào
- Xây dựng lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, duy trì thói quen rèn luyện, nâng cao sức khỏe, hạn chế thức khuya
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nhất là các loại vitamin và khoáng chất
- Người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với xà phòng, các hóa chất tẩy rửa để tránh khiến tình trạng ngứa ngáy, khó chịu trên da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Với người bệnh hắc lào, nên điều trị cho cả gia đình thì mới có thể trị dứt điểm bệnh, tránh tình trạng bệnh lây lan và thường xuyên tái phát.

Các biện pháp phòng ngừa hắc lào tổ đỉa
Để phòng ngừa hắc lào tổ đỉa, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
- Luôn giữ cho da khô sạch, tránh thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, nên vệ sinh da, vệ sinh môi trường sống, nơi ở thường xuyên
- Để không mắc hắc lào, bạn không sử dụng đồ dùng cá nhân với người bệnh, hạn chế tiếp xúc tối đa với người bị hắc lào để tránh lây nhiễm
- Cần giữ quần áo, cơ thể luôn khô ráo, thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu cơ thể thường xuyên ra mồ hôi thì nên tắm giặt đều đặn, luôn giữ khô cho vùng bẹn, nách, háng, kẽ tay kẽ chân
- Đối với người bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc, nên khử trùng vật dụng cá nhân bằng nước sôi hoặc ủi kỹ bằng bàn là
- Không cào gãi, chà xát vào những vùng da tổn thương, có thể ngâm nước muối hoặc chườm lạnh để giảm ngứa, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng.
Khi bị hắc lào tổ đỉa, theo các chuyên gia, người bệnh nên thăm khám với các bác sĩ, chuyên gia da liễu uy tín để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng cách. Không nên tự ý áp dụng các phương pháp điều trị từ những người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng, khiến vùng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!