Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những bệnh lý có nguy cơ gây vô sinh cao nhất. Tuy nhiên bệnh lại có triệu chứng rất mơ hồ và khó phát hiện. Quá trình điều trị chủ yếu là theo dõi và can thiệp phẫu thuật thắt tĩnh mạch kịp thời.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì? Dấu hiệu nhận biết
Giãn mạch tĩnh mạch thừng tinh (giãn mạch tinh hoàn) là tình trạng tĩnh mạch nằm trên tinh hoàn bị giãn và xoắn một cách bất thường. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở tĩnh mạch bên trái (hơn 80% trường hợp).
Giãn mạch tinh hoàn được xếp vào nhóm tổn thương bẩm sinh và thường khởi phát sau độ tuổi dậy thì. Nguyên nhân hình thành bệnh là do máu chảy ngược xuống các tĩnh mạch thấp, gây ứ huyết và giãn tĩnh mạch.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có nguy cơ vô sinh – hiếm muộn cao. Vì vậy cần chủ động trong việc phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh giãn mạch tinh hoàn thường không có triệu chứng rõ ràng và đặc trưng. Bệnh chỉ bắt đầu khởi phát triệu chứng khi bước vào giai đoạn muộn:
- Đau tinh hoàn, cơn đau tặng lên khi vận động mạnh và đi lại.
- Khi nằm ngửa, cơn đau thường có xu hướng thuyên giảm.
- Một số trường hợp có thể quan sát thấy hiện tượng tĩnh mạch bị giãn ở bìu.
- Tinh hoàn sưng và phù nề.
Bên cạnh đó ở một số trường hợp điển hình, bệnh có thể làm phát sinh một số biểu hiện thực thể khác như:
- Tinh hoàn có thể tích nhỏ hơn bình thường
- Hai bên tinh hoàn không đều nhau (thường là bên trái nhỏ hơn bên phải)
Các cấp độ của bệnh giãn mạch thừng tinh
Bệnh giãn mạch tinh hoàn được chia thành 5 cấp độ. Cách phân chia chủ yếu dựa trên triệu chứng cơ năng và đường kính tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 0:
- Phần lớn người bệnh ở giai đoạn này đều không có biểu hiện lâm sàng.
- Bệnh được phát hiện chủ yếu khi xét nghiệm.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 1:
- Quan sát thấy búi tĩnh mạch ở bìu.
- Chưa có triệu chứng đau hay nặng bìu.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 2:
- Búi tĩnh mạch hiện rõ khi đứng thẳng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3:
- Búi tính mạch lớn và dễ sờ thấy khi đứng
- Cấp độ 3 và 2 hầu như không có khác biệt quá lớn về triệu chứng thực thể.
Giãn mạch thừng tinh độ 4:
- Nhìn thấy tĩnh mạch bị giãn và hiện rõ dưới da bìu ở bất cứ tư thế nào.
- Trong giai đoạn này, phần lớn đều đã phát sinh các triệu chứng cơ năng.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh
Tương tự bệnh tràn dịch màng tinh hoàn, nguyên nhân gây giãn mạch tinh hoàn vẫn được xác định. Một số chuyên gia cho rằng, bệnh có thể khởi phát vô căn, suy van tĩnh mạch gây rối loạn tuần hoàn hoặc do tăng áp lực ổ bụng (u sau phúc mạc hoặc u vùng tiểu khung).
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy hiểm không?
Giãn mạch tinh hoàn là một trong những bệnh lý có nguy cơ gây vô sinh cao ở nam giới. Bệnh lý này gây vô sinh thông qua cơ chế sau:

- Tình trạng giãn tĩnh mạch làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn, từ đó làm giảm chức năng của cơ quan này.
- Hiện tượng ứ đọng máu tại tĩnh mạch khiến quá trình trao đổi chất ở tinh hoàn bị gián đoạn khiến cơ quan này dễ bị tổn thương.
- Chức năng tinh hoàn giảm kéo theo tình trạng giảm số lượng, chất lượng tinh trùng và nồng độ hormone testosterone.
- Tinh hoàn giảm sản xuất nội tiết gây ảnh hưởng đến tuyến yên và trục đồi thị. Từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn sinh lý và làm giảm chức năng sinh sản ở nam giới.
Các trường hợp mắc bệnh giãn mạch thừng tinh đều không gây hại đến tính mạng. Tuy nhiên nồng độ hormone nam suy giảm có thể gây gián đoạn quá trình phát triển của cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, tuyến giáp,… Người mắc bệnh lý này thường bước vào giai đoạn mãn dục sớm hơn những người khỏe mạnh.
Chẩn đoán giãn mạch tinh hoàn bằng cách nào?
Bệnh lý này chủ yếu được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng và siêu âm.
- Thăm khám lâm sàng: Giúp bác sĩ phát hiện khối u mềm (thường không gây đau) ở bên trên tinh hoàn.
- Siêu âm tinh hoàn: Hình ảnh từ siêu âm phản ánh toàn bộ cấu trúc bên trong tinh hoàn. Thủ thuật này có thể giúp bác sĩ phát hiện ra một số vấn đề bất thường khác (u chèn ép tĩnh mạch).
- Nghiệm pháp Valsalva: Nghiệm pháp này được thực hiện bằng cách đứng thẳng người, hít thật sâu và nín thở trong một khoảng thời gian. Bằng nghiệm pháp Valsalva, tĩnh mạch bị giãn bên trong bìu sẽ hiện lên rõ ràng.
Các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
1. Điều trị theo Tây Y
Giãn mạch tinh hoàn và tràn dịch màng tinh đều khởi phát vô căn. Tuy nhiên tràn dịch màng tinh có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Trong khi đó với bệnh giãn mạch tinh hoàn, nam giới buộc phải điều trị trong thời gian sớm nhất để ngăn ngừa biến chứng vô sinh.

Bệnh lý này chủ yếu được điều trị bằng cách phẫu thuật thắt tĩnh mạch bên trong tinh hoàn nhằm hạn chế tình trạng giãn mạch. Tuy nhiên phẫu thuật có thể gây ra một số biến chứng như tổn thương các mạch máu lân cận, tái phát bệnh, nhiễm trùng và tràn dịch màng tinh hoàn. Vì vậy với những trường hợp chưa phát sinh triệu chứng, bác sĩ có thể theo dõi trước khi quyết định phẫu thuật.
Một số biện pháp giúp trì hoãn phẫu thuật:
- Mang quần lót nhằm nâng đỡ bìu
- Sử dụng thuốc giảm đau
- Bổ sung kẽm, vitamin E, C, A nhằm cải thiện hormone và chất lượng tinh trùng
2. Điều trị bằng Đông y
Với những trường hợp chưa có chỉ định phẫu thuật, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc từ Đông y để làm giảm triệu chứng và cải thiện hiện tượng giãn ở tĩnh mạch tinh hoàn.

Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: Cam thảo 5g, xuyên khung, chỉ xác và sài hồ mỗi thứ 10g, đan sâm, quất hạch, bạch thược và xuyên luyện tử mỗi thứ 15g, thủy điệt 3g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với 600ml nước, còn lại khoảng 1/3. Đem nước sắc chia thành 2 lần uống (sáng – tối), nên uống sau khi ăn khoảng 30 phút. Duy trì bài thuốc trong 10 ngày liên tục.
Sau khi dùng bài thuốc trong 10 ngày, nên thăm khám để xem xét bệnh tình có tiến triển hay không. Trong trường hợp tiến triển tốt, nên dùng thêm 10 ngày nữa để đạt được kết quả khả quan nhất.
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: Hương phụ, thương truật, phục linh và hải tảo mỗi thứ 15, cam thảo 5g, thủy điệt 3g, chỉ thực, địa miết trùng, trần bì và đởm nam tinh mỗi thứ 10g, bán hạ 12g và 1 con ngô công.
- Thực hiện: Sắc uống tương tự bài thuốc trên.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng khoảng 10 – 15% nam giới. Bệnh lý này không thể phòng ngừa hoàn toàn và có triệu chứng rất mơ hồ. Vì vậy bạn nên chủ động thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị.
Tham khảo thêm: Ung thư tinh hoàn – Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!