Thì là

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Thì là có mùi thơm đặc trưng nên thường được dùng trong chế biến các món ăn từ hải sản. Ngoài tác dụng át mùi tanh và kích thích vị giác, loại rau này còn đem lại nhiều công dụng hữu ích như lợi sữa, tăng cường tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch và giảm hôi miệng.

thì là có tác dụng gì
Hình ảnh thì là (thìa là) – Loại rau gia vị có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe

  • Tên gọi khác: Thìa là, Dill (Tên tiếng Anh)
  • Tên khoa học: Anethum graveolens
  • Tên dược: Fructus Anethi Graveolens
  • Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)

Mô tả dược liệu thì là

1. Đặc điểm cây thì là

Thì là là một loại rau gia vị có nguồn gốc ở các nước ven biển Địa Trung Hải. Đây là loài thực vật thân thảo sống hằng năm, chiều cao trung bình từ 60 – 90cm. Thân nhẵn hoặc có khía rãnh chạy dọc, rễ trụ.

Lá xẻ lông chim 3 lần, bẹ phát triển lớn, các lá ngọn tiêu giảm có hình như lá kim, không có cuống. Hoa mọc thành tán kép, gồm có khoảng 5 – 15 tán nhỏ, thường mọc ở các cành, thân và ngọn. Hoa có màu vàng đặc trưng. Quả bế kép, hình trứng có 10 cạnh.

Một số hình ảnh của cây thì là:

hoa của cây thì là
Hoa thìa là mọc thành tán kép, gồm có khoảng 5 – 15 tán nhỏ và có màu vàng
hình ảnh cây thì là
Lá thìa là tiêu biến thành hình lá kim, nhỏ, không có cuống và có mùi thơm đặc trưng
hạt thì là
Hình ảnh hạt của cây thì là

2. Bộ phận dùng

Lá, thân, rễ củ và hạt của rau thì là đều được sử dụng để làm thuốc và dùng trong chế biến thực phẩm, trong đó hạt là bộ phận được dùng làm thuốc phổ biến nhất.

3. Phân bố

Rau thìa là mọc hoang nhiều ở niềm Nam Châu Âu. Ở nước ta, loài thực vật này được trồng ở nhiều nơi để làm gia vị.

4. Thu hái – sơ chế

Có thể thu hái quanh năm. Dược liệu thường được dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

5. Dạng bào chế

Sau thu hái thì cây thường được bào chế dưới một số dạng như: Hạt thìa là khô, tinh dầu, thuốc viên, làm rượu, thuốc sắc uống.

6. Bảo quản

Nơi thoáng mát và khô ráo.

7. Thành phần hóa học

Quả và lá của cây thì là đều có chứa tinh dầu (carvon 60% và limonene).

Vị thuốc thì là

thì là có tác dụng gì
Rau thì là có tác dụng gì?

1. Tính vị

Lá thì là có vị hơi đắng, cay, mùi thơm hắc, tính ấm.

2. Quy kinh

Thận và Tỳ.

3. Tác dụng dược lý

– Công dụng của thì là theo Đông Y:

  • Tác dụng: Tiêu trướng, bổ thận, mạnh tỳ, điều hòa khí âm dương, quân bình, chỉ thống, lợi sữa và kích thích tiêu hóa.
  • Chủ trị: Lá được dùng để trị tiêu hóa kém, đau bụng, đau răng, tiểu tiện khó, rối loạn đường tiết niệu do sỏi thận, viêm bàng quang và viêm thận. Quả của rau thìa là có tác dụng tương tự như dược liệu Tiểu hồi hương nên được dùng để chữa đau bụng kinh, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu và lợi sữa. Ngoài ra quả còn được dùng để trị bụng đầy trướng, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nôn mửa, đau răng, xơ cứng mạch não,…
  • Lá thìa là có mùi thơm đặc trưng nên thường được dùng trong các món hải sản để tăng hương vị món ăn, kích thích tiêu hóa và át mùi tanh.

– Công dụng của thì là theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Các nghiên cứu cho thấy, rau thì là chứa thành phần có tác dụng tương tự estrogen ở nữ giới. Vì vậy bổ sung loại rau này thường xuyên có thể kích thích tuyến sữa ở phụ nữ sau khi sinh.
  • Nghiên cứu tại Nga nhận thấy rằng, dầu được chiết xuất từ hạt của cây thì là có thể giảm biểu hiện của hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh.
  • Với hàm lượng vitamin C dồi dào, cây thìa là có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như ho, ho có đờm, đau họng,…
  • Hạt thì là chứa nhiều axit folic có tác dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đồng thời thành phần này cũng kích thích quá trình chuyển hóa đường và axit amin trong cơ thể.
  • Bổ sung rau thì là thường xuyên còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng canxi dồi dào, giúp tăng cường sức khỏe xương và ngăn ngừa chứng loãng xương.
  • Tinh dầu Eugnol trong dược liệu có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu.
  • Polyacetylenes trong lá thìa là có tác dụng chống viêm và ức chế vi khuẩn. Do đó có thể dùng lá thì là tươi đắp lên vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Vitamin B và các flavonoid trong rau thìa là có thể cải thiện chứng mất ngủ bằng cách làm dịu hệ thần kinh trung ương và kích thích sản sinh hormone melatonin (hormone tạo ra cảm giác buồn ngủ).

4. Cách dùng – liều lượng

Lá thìa là không có độc nên bạn có thể sử dụng với liều lượng lớn. Tuy nhiên nếu dùng hạt để chữa bệnh chỉ nên sử dụng từ 1 – 2 thìa cà phê.

9 Bài thuốc chữa bệnh từ rau thìa là

1. Bài thuốc chữa chứng đầy trướng, nôn mửa, khó tiêu và nấc

  • Chuẩn bị: 10g hạt.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.

2. Bài thuốc chữa xơ vữa động mạch, huyết áp cao dẫn đến chứng khó ngủ, đau đầu

  • Chuẩn bị: 5g hạt giã nhỏ.
  • Thực hiện: Sắc uống chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

3. Bài thuốc trị chứng ít sữa ở phụ nữ sau khi sinh

  • Chuẩn bị: 10g hạt thìa là.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

4. Bài thuốc trị chứng sỏi bàng quang, viêm thận và sỏi thận

  • Chuẩn bị: 5g hạt thì là (giã nhỏ).
  • Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành 5 – 6 lần uống trong ngày.

5. Bài thuốc trị chứng rối loạn kinh nguyệt

  • Chuẩn bị: Lá thì lá tươi và rau mùi tây.
  • Thực hiện: Ngâm rửa nguyên liệu cho sạch, để ráo, giã thìa là lấy khoảng 60ml dịch chiết. Sau đó giã và vắt rau mùi tây lấy khoảng 1 muỗng nước ép. Trộn đều và chia thành 3 lần uống trong ngày.

6. Bài thuốc trị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp (viêm phế quản, cảm lạnh và cảm cúm)

  • Chuẩn bị: 60g hạt.
  • Thực hiện: Hãm với nước sôi, lọc bã và hòa với mật ong, chia thành 3 lần uống trong ngày.

7. Bài thuốc trị hơi thở có mùi hôi

  • Chuẩn bị: Một ít hạt thì là.
  • Thực hiện: Nhai trực tiếp sẽ giúp hơi thở có mùi thơm.

8. Bài thuốc trị mụn nhọt sưng đau

  • Chuẩn bị: Lá thìa là tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch, giã nát rồi đắp trực tiếp lên mụn nhọt. Nếu nhọt đã vỡ mủ, nên kết hợp với một ít bột nghệ rồi thoa lên để làm liền sẹo và giảm đau nhức.

9. Bài thuốc giảm đau và sưng khớp

  • Chuẩn bị: Dầu vừng và một ít lá thìa là.
  • Thực hiện: Đem đun dược liệu trong dầu vừng, để nguội, lọc lấy dầu. Khi dùng, sử dụng một ít dầu thoa lên vùng khớp sưng nóng sẽ giúp giảm đau và sưng.

Lợi ích của cây thì là đối với sức khỏe

Ngoài những tác dụng trị bệnh, thì là còn cực kỳ tốt cho sức khỏe với các lợi ích như:

  •  Giàu chất chống oxy hóa: Thì là chứa nhiều chất chống oxy hóa. Việc tiêu thụ giúp cơ thể giảm viêm và ngăn ngừa một số bệnh như ung thư, alzheimer, viêm khớp,…
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Trong thì là có chứa hoạt chất flavonoid. Đây là thành phần giúp bảo vệ tim mạch nhờ vào đặc tính chống xoy hóa và chống viêm từ dược liệu.
  • Giúp giảm lượng đường trong máu: Thì là có tác dụng rất tốt trong việc hạ đường huyết. Việc sử dụng rau thì là giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu
  •  Lợi ích khác như hỗ trợ cải thiện xương khớp nhờ các thành phần canxi, magie có trong rau. Ngoài ra còn giúp giảm thiểu tình trạng chuột rút trong thời ký kinh nguyệt.

Tác dụng phụ

Thì là có thể xem là một loại dược liệu lành tính, không chứa độc tố. Nhưng đối với một số trường hợp, loại rau này lại gây ra một số triệu chứng như:

  • Tiêu chảy
  • Sưng lưỡi, sưng họng,..
  • Dị ứng
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn
  • ngứa miệng
  • Ảo giác
  • Mẫn cảm, nhạy cảm với ánh sáng

Cách chế biến món ăn với thì là

Thì là được xem như một loại rau để trang trí các món ăn. Nhờ đặc điểm bên ngoài nên loại rau này thường được dùng để:

  • Dùng trang trí các món ăn sau khi nấu xong.
  • Làm hương vị cho các món cá, trứng,…
  • Làm gia vị cho bánh mì nướng,..
  • Nấu canh thì là
  • Làm hương vị cho món chấm, sallad,..

Những lưu ý khi dùng cây thì là

thì là dùng trang trí món ăn
Có thể bổ sung rau thì là vào một số món ăn để tăng cường sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch
  • Thì là có tác dụng kích thích tử cung, vì vậy phụ nữ mang thai không nên dùng quá nhiều.
  • Tránh sử dụng đồng thời rau thì là với các loại thuốc như: Thuốc tránh thai chứa estrogen, Tamoxifen, viên uống chứa estrogen, Ciprofloxacin, thuốc chống co giật,…
  • Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thì là vào món ăn để tăng hương vị, cải thiện hệ tiêu hóa và nâng cao sức khỏe.

Để tránh tình trạng tương tác thuốc và các tác dụng phụ khi sử dụng rau thì là, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 09:08 - 07/10/2022 - Cập nhật lúc: 09:27 - 11/02/2023
Chia sẻ:

Rau má

Rau má có tác dụng tiêu nhiệt, dưỡng âm, giải độc,... thường dùng để điều trị nhiều bệnh như viêm họng, viêm amidan, ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, chúng…

Ngũ vị tử

Ngũ vị tử là quả chín đã sấy/ phơi khô của cây ngũ vị. Dược liệu này có tác dụng an thần, thu liễm phế khí, sáp trường, bổ thận,…

Tai chuột

Tai chuột là loại thực vật thân leo mọc hoang nhiều ở nước ra. Thảo dược này có vị hơi chua, tính mát, tác dụng lợi tiểu, thông sữa và…
Cóc thường sống trên cạn và ưa môi trường ẩm ướt. Đây là con vật quen thuộc ở vùng nông thôn

Cóc

Nhựa trên da và tuyến mang tai con cóc chứa chất kịch độc có thể giết người. Tuy nhiên, phân tách các thành phần trong nhựa loài động vật này…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua