Sử quân tử

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Cây sử quân tử có hoa nở đẹp, thường được trồng để làm cảnh. Tuy nhiên, quả của loài cây này còn được thu hái để làm thuốc. Sử quân tử nhân thường được sử dụng để trị giun kim, giun đũa, tăng cường tiêu hóa và giảm đau nhức răng.

Sử quân tử
Hình ảnh cây Sử quân tử – Không chỉ đẹp còn là vị thuốc trị bệnh cực hay

  • Tên gọi khác: Quả giun/ nấc, sử quân tử nhân, sách tử quả, sử quân nhục, đông quân tử, binh cam tử, lựu cầu tử, ngữ lăng tử, mác giáo giun,…
  • Tên khoa học: Quisqualis indica L
  • Họ: Bàng (danh pháp khoa học: Combretaceae)

Mô tả cây dược liệu Sử quân tử

1. Đặc điểm thực vật

Sử quân tử là loại cây leo, sống bằng cách tựa vào các cây khác. Lá mọc đối xứng, phiến lá có hình bầu dục dài, nhọn ở đầu và hơi tròn ở cuống. Lá có cuống ngắn, rộng khoảng 4 – 5cm và dài khoảng 7 – 9cm.

Hình ảnh cây Sử quân tử
Sử quân tử là loại cây leo, hoa có màu đỏ hoặc hồng và thường được trồng để làm cảnh

Hoa có hình ống, ban đầu có màu trắng sau chuyển thành màu đỏ hoặc hồng. Hoa mọc thành chùm, ở đầu cành hoặc kẽ lá, chiều dài trung bình khoảng 4 – 10cm. Quả có hình trứng nhọn, dày khoảng 20mm, dài 35mm và khô cứng.

2. Bộ phận dùng

Quả chín và khô của cây được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Cây có nguồn gốc ở Châu Phi và Châu Á. Hiện nay loại cây này mọc hoang nhiều các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta. Ngoài ra sử quân tử cũng được trồng để làm cảnh vì cây xanh tốt quanh năm và có hoa rất đẹp.

4. Thu hái – sơ chế

Quả thường được thu hái vào tháng 9 – 10 hoặc thu hái vào mùa đông. Khi thu hái, nên lựa quả đã già và phải hái khi trời khô ráo. Sau khi thu hái về, nên phơi khô và đập vỏ, lấy nhân bên trong. Tiếp tục phơi khô hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 50 – 60 độ C cho đến khi nhân khô hoàn toàn.

Ngoài ra, dược liệu sử quân tử cũng được bào chế theo những cách sau đây:

  • Lấy nhâm ngâm với nước, sau đó sao vàng và bỏ lớp màng bao bên ngoài.
  • Hoặc dùng nhân ngâm với nước, sao giòn rồi tán thành bột mịn. Sau đó dùng 1 phần bột thêm 1 chén đường và 3 phần bột nếp răng, trộn đều và làm thành bánh cho trẻ ăn.
  • Đập bỏ vỏ, lấy nhân và sao thơm, dùng dần hoặc giã nát cả vỏ.

5. Bảo quản

Dược liệu dễ ẩm mốc và mối mọt, vì vậy cần để nơi thoáng mát, kín và khô ráo. Thỉnh thoảng nên phơi khô để tránh ẩm mốc và mối mọt.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu có chứa khoảng 20 – 27% chất béo, kali sunfat, axit citric, axit quisqualic, chất đường, chất gôm và một số chất hữu cơ khác.

Vị thuốc sử quân tử

1. Tính vị

Vị ngọt, tính ấm.

2. Qui kinh

Quy vào kinh Đại trường, Tỳ, Vị.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Trừ thấp nhiệt, kiện tỳ vị, tiêu thực, sát trùng và tiêu tích.
  • Chủ trị: Ngứa do các bệnh về da, tiêu chảy, lỵ, tiểu đục, nhiễm giun đũa, bụng đau, ăn không tiêu, trùng tích, cam tích,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng diệt giun: Thực nghiệm năm 1935 cho thấy, nước sắc từ sử quân tử khiến giun giãy giụa, bong da, hôn mê và tê liệt các bộ phận.
  • Tác dụng trị nấc: Dùng sử quân tử bỏ màng và cắt bỏ đầu, sắc uống hoặc ăn sống có thể giảm nấc.

4. Cách dùng – liều lượng

Sử quân tử được dùng ở nhiều dạng khác nhau như dạng thuốc sắc, làm hoàn, làm bánh, ăn trực tiếp,… Liều dùng trung bình từ 10 – 16g/ ngày.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc sử quân tử

Sử quân tử
Sử quân tử nhân thường được dùng để kích thích tiêu hóa, trị cam tích và nhiễn giun sán

1. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị cam tích và nhiễm giun sán

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị xuyên khung, hậu phác, trần bì mỗi thứ 0.4g và sử quân tử 40g. Đem các vị tán bột làm hoàn và uống cùng với nước gạo lâu năm.
  • Bài thuốc 2: Dùng sử quân tử 10 nhân, cam thảo 0.4g, bạch vô quyển 0.4g và khổ luyện tử 5 trái. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị sử quân tử nhân 12g và một miết tử nhân 20g. Tán thành bột, sau đó cho thuốc bột vào trứng gà, chưng cho chín và ăn khi bụng đói.
  • Bài thuốc 4: Sử dụng vỏ rễ thạch lựu, sử quân tử, đại hoàng và tân lang, các vị bằng lượng nhau. Sau đó đem tán bột, làm hoàn và uống cùng với nước luộc thịt gà hoặc nước luộc thịt heo, nên dùng khi đói.
  • Bài thuốc 5: Chuẩn bị sử quân tử một lượng vừa đủ. Sau đó bỏ vỏ, tán nhân thành bột min. Khi dùng nên uống với nước cơm lúc canh năm (phải giữ cho bụng đói trước khi uống thuốc).

2. Bài thuốc trị lở ngứa ở mặt và đầu

  • Chuẩn bị: Sử quân tử nhân một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Dùng dược liệu ngâm với 1 ít dầu thơm trong 4 – 5 ngày. Uống dầu thơm này 1 lần/ ngày trước khi đi ngủ.

3. Bài thuốc trị trùng nha đông thống (đau nhức răng)

  • Chuẩn bị: Sử quân tử một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước và ngậm.

4. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị cam tích và tỳ hư

  • Chuẩn bị: Nhục đậu khấu, mạch nha và sử quân tử mỗi thứ 20g, tân lang 20 trái, thần khúc và hoàng liên mỗi thứ 400g, mộc hương 80g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, làm thành viên. Mỗi lần dùng 4g uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần. Nếu dùng cho trẻ dưới 1 tuổi nên giảm bớt liều lượng.

5. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị cam tích, tiêu chảy, ăn uống kém, bụng đầy,…

  • Chuẩn bị: Trần bì 6g, cam thảo 4g, kha tử và sử quân tử mỗi thứ 12g và hậu phác 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.

6. Bài thuốc trị chứng táo bón, nhiễm sán và giun kim

  • Chuẩn bị: Hoàng cầm, sử quân tử và đại hoàng mỗi thứ 8g, cam thảo 4g, tân lang và thạch lựu bì mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g. Nếu dùng cho trẻ nhỏ nên giảm liều lượng.

7. Bài thuốc trị giun cho người lớn và trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Sử quân tử (sao vàng)
  • Thực hiện: Người lớn dùng 10 – 20 quả/ lần, trẻ nhỏ dùng ít hơn. Nên ăn trước khi ngủ và dùng liên tục trong vòng 3 ngày.

8. Bài thuốc trị nhiễm giun khiến bụng đau do giun chui vào ống mật

  • Chuẩn bị: Khổ luyện bì, tân lang, chỉ xác và sử quân tử mỗi thứ 12g, quảng mộc hương 8g và ô mai 4g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

9. Bài thuốc chữa trẻ nhỏ nhiễm giun bị chân tay phù, hư thũng mặt

  • Chuẩn bị: Sử quân tử 40g.
  • Thực hiện: Đập bỏ vỏ, lấy nhân bên trong tẩm với mật và nướng lên. Sau đó tán thành bột, mỗi lần dùng 4g uống cùng với nước cơm.

10. Bài thuốc kích thích tiêu hóa ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Sử quân tử nhân, sao cho vàng và thơm.
  • Thực hiện: Tán bột dược liệu, sau đó dùng thóc ngâm cho nảy mầm và đem sao vàng. Cho tất cả vào tán nhỏ và sấy khô, thêm đường và đóng thành bánh.

Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu sử quân tử

Khi dùng dược liệu sử quân tử, bạn nên chú ý các thông tin sau đây:

  • Dùng chung dược liệu với nước chè xanh sẽ gây choáng đầu, buồn nôn, nấc, tiêu chảy và nôn mửa. Vì vậy trong thời gian sử dụng dược liệu này nên kiêng cử uống nước chè.
  • Khi dùng, nên cắt bỏ 2 đầu nhọn và bỏ vỏ lụa bên ngoài.
  • Sử quân tử kỵ thức ăn nóng nên cần chú ý khi sử dụng.
  • Không dùng cho người không có trùng tích và tỳ vị hư hàn.

Dược liệu sử quân tử có thể điều trị chứng nhiễm giun sán và cam tích. Tuy nhiên nếu thiếu thận trọng khi sử dụng, bạn có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa,… Do đó trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm: Thảo quyết minh – Vị thuốc với nhiều công dụng quý và cách dùng

Ngày đăng 02:14 - 01/06/2023 - Cập nhật lúc: 02:14 - 02/06/2023
Chia sẻ:

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua