Hoạt thạch

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Hoạt thạch là khoáng chất tồn tại chủ yếu ở dạng đá, chất óng ánh, thường có màu xam trắng, lam nhạt hoặc vàng. Với tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thẩm thấp và hành thủy, hoạt thạch được dùng để trị viêm đường tiết niệu, thấp chẩn (chàm), rôm sảy, sản tiết niệu, sỏi mật,…

hoạt thạch
Hoạt thạch (bột talc) là khoáng chất được cấu tạo từ magie slicat ngậm nước

  • Tên gọi khác: Phiên thạch, Nguyên hoạt thạch, Hoạt thạch phấn, Dịch thạch, Thủy thạch, Bột talc.
  • Tên dược: Pulvus Talci
  • Tên khoa học: Talcum

Mô tả đá hoạt thạch

1. Đặc điểm

Bột talc là chất khoáng được cấu tạo từ magie slicat ngậm nước với công thứ hóa học là Mg3Si4O10(OH)2. Thông thường, hoạt thạch tồn tại ở dạng đá có màu trắng, xám, lam nhạt, vàng, chất óng ánh, kích thước to nhỏ không đều. Tuy nhiên khi sử dụng, hoạt thạch thường được nghiền thành bột.

hoạt thạch
Hoạt thạch tồn tại chủ yếu ở dạng đá, kích thước to nhỏ không đều, có màu trắng, xám, lam nhạt

2. Tính chất

Hoạt thạch không tan trong nước, không hút ẩm, chất trơn mịn, không có mùi và vị.

3. Phân bố

Hoạt thạch phân bố ở nhiều quốc gia trên tế giới. Ở nước ta, trữ lượng hoạt thạch tương đối dồi dào.

4. Thu hoạch – sơ chế

Sau khi thu hoạch về, đem loại bỏ đất cát và tạp chất. Sau đó đập vỡ thành từng miếng, nghiền thành bột mịn hoặc thủy phi thêm nước theo tỷ lệ 1:1 và nghiền ướt. Cho thêm nước, khuấy đều và để lắng. Cuối cùng bỏ phần chất nổi và huyền phù, thực hiện vài lần, sau đó gạn lấy phần cặn, đem sấy/ phơi khô dùng dần.

5. Bảo quản

Để nơi khô ráo.

6. Thành phần hóa học

Hoạt thạch chứa một số thành phần hóa học sau: 3MgO, Mg(Si4O10), Fe, K, Ca, Al, Na, H2O, SiO2,…

Vị thuốc hoạt thạch

1. Tính vị

Vị ngọt nhạt, tính hàn.

2. Quy kinh

Quy kinh Bàng quang, Phế và kinh Vị.

3. Tác dụng dược lý

hoạt thạch
Hoạt thạch phấn có khả năng hút chất kích thích nên thường được dùng để trị các bệnh ngoài da

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, hành thủy, thẩm thấp.
  • Chủ trị: Thấp chẩn (chàm), lâm lậu, bứt rứt háo khát do thử thấp, thạch lâm kèm tiểu khó, tiết tả do thấp nhiệt, thấp sang (lở loét), rôm sảy ở trẻ nhỏ.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hoạt thạch có tác dụng ức chế trực khuẩn phó thương hàn A, trực khuẩn thường hàn và ức chế khuẩn ở mức độ nhẹ đối với vi khuẩn gây bệnh viêm màng não.
  • Hoạt thạch phấn có khả năng hút chất độc và chất kích thích nên có tác dụng bảo vệ da bị tổn thương và bị viêm.
  • Khi dùng uống, hoạt thạch phấn có thể bảo hộ niêm mạc bao tử và ruột, đồng thời ngăn ngừa hấp thu chất độc, cầm tiêu chảy và trấn ói.
  • Dùng hoạt thạch lâu ngày có thể gây u hạt (granuloma) ở âm đạo, trong bụng và trực tràng.

4. Cách dùng – liều lượng

Hoạt thạch thường được dùng ở dạng thuốc sắc, làm viên, thuốc bột với liều 1 – 2g/ ngày. Nếu dùng ngoài không quy định liều lượng.

Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc hoạt thạch

hoạt thạch
Hoạt thạch thường được dùng để chữa chứng tiểu tiện khó, chàm, lở loét và chứng rôm sảy ở trẻ nhỏ

1. Bài thuốc trị bệnh viêm đường tiết niệu (đái rắt, đái buốt, sốt, căng tức bụng dưới)

  • Chuẩn bị: Đại hoàng, chích cam thảo, biển súc, cù mạch, mộc thông, xa tiền tử, hoạt thạch, sơn chi tử các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Tán thuốc thành bột mịn, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước sắc đăng tâm. Hoặc có thể dùng sắc uống hằng ngày.

2. Bài thuốc chữa chứng thấp nhiệt mùa hè (buồn nôn, tiêu chảy, bứt rứt trong ngực, khát nước)

  • Chuẩn bị: Cam thảo 1 phần và hoạt thạch 6 phần.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6 – 12g dùng chung với mật ong hòa cùng nước đun sôi (ấm).

3. Bài thuốc trị các bệnh về da, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), chàm và nhọt

  • Chuẩn bị: Lô cam thảo, thạch cao và hoạt thạch.
  • Thực hiện: Trộn đều, dùng ngoài da.

4. Bài thuốc trị chứng thấp nhiệt đặc trưng bởi triệu chứng đau đầu, tiêu chảy cấp, ho đờm, khát, nôn mửa và khát

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị bán hạ (chế) 60g, trần bì 60g, cam thảo 60g, bạc hà 100g, hương nhu 200g, tô diệp 200g, bạch phàn (phi) 40g, hoạt thạch 400g, cát căn 400g. Đem các vị phơi khô, tán bột mịn. Người lớn dùng 6 – 8g/ ngày. Trẻ từ 10 – 16 tuổi dùng 6 – 8g. Trẻ 6 – 10 tuổi dùng 4 – 6g/ ngày. Trẻ từ 1 – 5 tuổi dùng 2 – 4g.
  • Bài thuốc 2: Dùng bán hạ (chế) 6g, bạc hà 12g, cát căn 20g, cam thảo 4g, hương phụ 10g, hoạt thạch 10g, tía tô 10g, trần bì 6g và phèn phi 2g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

5. Bài thuốc trị chứng sỏi mật

  • Chuẩn bị: Bột hỏa tiêu 10g, bột bạch phàn 4.5g, bột hoạt thạch 20g, bột uất kim 6g và bột bạch phàn 4.5g.
  • Thực hiện: Đem các vị trộn đều, mỗi lần dùng 4g/ 2 lần/ ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 2 tuần.

6. Bài thuốc trị chứng hơi thở ngắn, nôn mửa, ngực đầy tức, phiền khát, mình nóng, tiêu chảy

  • Chuẩn bị: Bán hạ, hoạt thạch và hạnh nhân mỗi vị 12g, uất kim, hậu phác và hoàng cầm mỗi vị 8g, hoàng liên và thông thảo mỗi vị 4g, quất hồng bì 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

7. Bài thuốc trị chứng cơ thể đau, khát

  • Chuẩn bị: Phục linh bì, hoạt thạch, trư linh và hoàng cầm mỗi vị 12g, bạch khấu nhân và thông thảo mỗi vị 4g, đại phúc bì 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

8. Bài thuốc trị bệnh bách hợp, miệng đắng, tâm phiền, tiểu ít, phát sốt, hơi khát, lo sợ, tiểu ít và mạch hơi Sác

  • Chuẩn bị: Hoạt thạch 120g và bách hợp (nướng) 40g.
  • Thực hiện: Tán bột, trộn đều. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng 4 – 6g.

9. Bài thuốc trị thử thấp nhục bên trong, khát mà không muốn uống nhiều, khí ở của tam tiêu bị trở trệ, rêu lưỡi vàng da và tiểu không thông

  • Chuẩn bị: Trư linh, hậu phác và hoắc hương (cành) mỗi vị 8g, quảng bì, bạch thông thảo và bạch khấu nhân mỗi vị 4g, phục linh bì và hoạt thạch mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

10. Bài thuốc trị bệnh bách hợp gây khí nghịch, âm hư, miệng khô, miệng đắng, nước tiểu đỏ

  • Chuẩn bị: Hoạt thạch (đập nát, bọc trong bông gòn) 120g, bách hợp (chẻ ra) 7 củ, đại giả thạch (1 cục, đập vụn).
  • Thực hiện: Dùng nước rửa bách hợp ngâm trong một đêm, sau đó cho ra hết bột trắng và nước đi. Thêm 400ml nước và sắc lấy 200ml nước. Đem đại giải thạch và hoạt thạch sắc với 400ml nước lấy 200ml. Trộn đều hai thứ nước lại và sắc còn 100ml. Đem chia thành 2 lần uống khi thuốc còn ấm.

11. Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu

  • Chuẩn bị: Đông quy tử 12g, thông thảo 10g, hoạt thạch 20g và xa tiền tử 15g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống, nếu có sạn tiết niệu gia thêm thạch vĩ, kim tiền thảo và hải kim sa.

12. Bài thuốc trị chứng tiêu chảy do thấp nhiệt

  • Chuẩn bị: Sơn dược 40g, cam thảo 10g và hoạt thạch 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

13. Bài thuốc trị chứng rôm sảy, mụn nhọt, chàm lở

  • Chuẩn bị: Bạc hà và bạch chỉ 4g, bột hoạt thạch 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, dùng vải bọc lại và xoa bên ngoài da.
  • Lưu ý: Nên phối hợp với bài thuốc uống để tăng tác dụng. Dùng bột hỏa tiêu 10g, bột bạch phàn 4.5g, bột hoạt thạch 20g, bột uất kim 6g và bột cam thảo 3g. Đem các vị thuốc trộn đều, mỗi lần dùng 4g. Ngày dùng 2 lần liên tục trong 14 ngày.

14. Bài thuốc trị chứng bí tiểu khi mang thai

  • Chuẩn bị: Một ít bột hoạt thạch và bùn.
  • Thực hiện: Dùng bột thuốc trộn với bùn và nước, sau đó dùng đắp dưới rốn 2 thốn.

15. Bài thuốc trị chứng vàng da ở phụ nữ do lao lực quá độ (biểu hiện: sợ lạnh, đại tiện lỏng đen, phát sốt về chiều, bụng dưới đau)

  • Chuẩn bị: Thạch cao và hoạt thạch bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa uống với nước đại mạch. Ngày dùng 3 lần cho đến khi tiểu thông là được.

16. Bài thuốc trị chứng lở loét ở kẽ ngón chân

  • Chuẩn bị: Khô phàn 1 ít, thạch cao (nung) và hoạt thạch 30g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột, sau đó xức vào vùng da lở loét.

17. Bài thuốc trị chứng phiền nóng ở thượng cách

  • Chuẩn bị: Hoạt thạch 60g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 3 chén còn 2 chén, lọc bỏ bã và cho gạo tấm vào nấu thành cháo ăn.

18. Bài thuốc trị chứng phiền nhiệt gây khát nước, bứt rứt, vú sưng cứng như đá

  • Chuẩn bị: Bột hoạt thạch nửa lượng.
  • Thực hiện: Khuấy nước uống.

19. Bài thuốc trị chứng nữ giới nhịn tiểu sinh ra tức bọng đái

  • Chuẩn bị: 6g bột hoạt thạch.
  • Thực hiện: Dùng uống với nước hành sắc.

20. Bài thuốc trị chứng thương hàn chảy máu cam

  • Chuẩn bị: Cơm và bột hoạt thạch.
  • Thực hiện: Trộn đều làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 10 viên.

21. Bài thuốc chữa chứng sưng đau do đánh đập

  • Chuẩn bị: Xích thạch nhi, hoạt thạch và đại hoàng các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn, rửa vùng đau nhức bằng nước trà rồi đắp thuốc bột lên.

22. Bài thuốc trị thổ nghịch không ăn uống được

  • Chuẩn bị: Sinh hoạt thạch tán bột 6g.
  • Thực hiện: Dùng uống với nước ấm, sau đó ăn miến để đè lên thuốc.

23. Bài thuốc trị bệnh nhiệt độc kỳ lạ đặc trưng bởi triệu chứng ho suyễn, mắt đỏ sưng to, nổi ban toàn thân, tóc cứng

  • Chuẩn bị: Bạch phàn và hoạt thạch mỗi thứ 30g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 3 chén nước còn lại một nửa, dùng uống trong ngày.

24. Bài thuốc trị lở da do phong nhiệt độc khiến toàn thân chảy nước vàng

  • Chuẩn bị: Quế phủ và hoạt thạch.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, sau đó xức vào vùng da cần điều trị nhiều lần trong ngày cho đến khi khỏi.

25. Bài thuốc chữa chứng cảm nắng khiến người ra mồ hôi như tắm

  • Chuẩn bị: Lưu hoàng 12g và hoạt thạch (nung lửa) 30g.
  • Thực hiện: Đem tán thành bột, sau đó trộn với miến làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng một lượng vừa đủ uống với nước gừng nhạt.

26. Bài thuốc trị cảm nắng hoặc chứng sốt rét, khát nước, tiểu đổ, nôn mửa

  • Chuẩn bị: Hoắc hương 3g, quế phủ và hoạt thạch (nung) mỗi vị 120g, đinh hương 3g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6g uống với nước gạo.

27. Bài thuốc trị chứng đau sang gây mê man, phát cuồng, khát nước nhiều

  • Chuẩn bị: Chu sa thủy phi qua 6g, hoạt thạch 30g, xạ hương 1 phần và băng phiến 3 phần.
  • Thực hiện: Mỗi lần dùng 2.9g thuốc bột uống cùng với nước sắc đăng tâm.

28. Bài thuốc trị sỏi túi mật

  • Chuẩn bị: Diêm tiêu 14g, uất kim 8g, hoạt thạch 24g, cam thảo 4g và phèn chua 7g.
  • Thực hiện: Trộn đều, mỗi lần dùng 6g, ngày dùng 2 lần liên tục trong vòng 14 ngày.

29. Bài thuốc trị chứng tiểu tiện khó, sốt nóng vào mùa hè, miệng khát

  • Chuẩn bị: Hoài sơn 40g, cam thảo 10g và hoạt thạch 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

30. Bài thuốc trị chứng chàm bị lở loét và chảy nước

  • Chuẩn bị: Hoàng bá và bạch phàn bằng lượng nhau, hoạt thạch 12g.
  • Thực hiện: Nghiền thành bột và xức lên vùng da cần điều trị.

Lưu ý và thận trọng khi dùng vị thuốc hoạt thạch

  • Không dùng cho người có chứng dương hư và phụ nữ mang thai.
  • Thận trọng khi dùng cho người có tỳ khí hư nhược, bệnh nhiệt tổn thương tân dịch và tinh hoạt.
  • Phân biệt với vị nhuyễn hoạt thạch (Kaolinum) hay còn lại là cao lãnh thạch.
  • Không nên dùng bột talc trong thời gian dài vì có thể tăng nguy cơ hình thành u hạt ở âm đạo, ổ bụng và trực tràng.

Hoạt thạch (bột talc) đem lại nhiều công dụng hữu ích đối với đời sống sinh hoạt và sức khỏe con người. Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra tác hại nếu dùng liều lượng lớn hoặc sử dụng trong điều trị dài hạn. Vì vậy bạn nên cân nhắc và tham vấn y khoa trước khi áp dụng bài thuốc từ hoạt thạch.

Ngày đăng 02:14 - 01/06/2023 - Cập nhật lúc: 02:14 - 02/06/2023
Chia sẻ:

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua