Hậu phác

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Hậu phác là dược liệu có vị đắng cay, tính ấm với tác dụng dược lý tương đối đa dạng. Thường được áp dụng trong các bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đại tiện bí… từ rất lâu đời.

vị thuốc hậu phác
Hình ảnh về cây hậu phác

  • Tên gọi khác: Quế rừng, hậu phác nam, hậu bì, xuyên hậu phác, chế xuyên phác, tử du phác…
  • Tên khoa học: Magnolia offcinalis Rehd. et Wils.
  • Họ: Mộc lan (Magnoliaceae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Hậu phác là loại cây thân gỗ lớn, cao tới khoảng 6 – 15m, phần vỏ có màu nâu tím, cành khi còn non sẽ có lông bao phủ phía ngoài. Lá mọc so le nhau có cuống to và dài khoảng 2 – 5cm, không có lông. Phiến lá có hình trứng, thuôn và dài khoảng 22 – 40cm, rộng khoảng 10 – 20cm. Phần đầu hơi nhọn và hẹp dần về phía cuống.

Hoa có màu trắng, mọc ở đầu cành, có mùi thơm dịu. Phần cuống hoa thô, đường kính hoa có thể lên đến 12cm. Quả kép, mọc tập trung với chiều dàu khoảng từ 9 – 12cm, đường kính 5 – 6,5cm và có chứa từ 1 – 2 hạt bên trong.

2. Bộ phận dùng

Vỏ thân là bộ phận của cây được sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh.

3. Phân bố

Dược liệu thường mọc ở những nơi ẩm thấp và có đất tốt, điển hình ở các sườn núi. Được tìm thấy khá nhiều ở các tỉnh Hồ Bắc, Triết Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam, An Huy của Trung Quốc.

Riêng ở nước ta, có thể phát hiện dược liệu ở một số tỉnh giáp ranh biên giới Trung Quốc. Điển hình như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang.

4. Thu hái và sơ chế

Dược liệu được thu hái vào tiết lập thu tới hạ chí, chọn những cây có tuổi thọ trên 20 năm. Lấy phần vỏ tương tự như thu hoạch bỏ quế. Sau đó đem về và tiến hành sơ chế theo 2 cách phổ biến như sau:

  • Cách 1: Để cho phần vỏ cây đã thu hoạch đổ mồ hôi rồi đem phơi trong bóng râm. Có thể cuộn thành ống hay cán cho thẳng đều được.
  • Cách 2: Sau khi bóc vỏ thì đem phơi ở nơi mát cho khô. Sau đó nhúng vào nước sôi và lấy ra chất thành đống đến khi nước chảy hết rồi phơi khô. Tiếp tục đem hấp cho vỏ mềm rồi cuộn thành ống và phơi khô ở nơi thoáng mát.

5. Bảo quản

Dược liệu khi đã được sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô thoáng. Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để tránh làm bay tinh dầu.

6. Thành phần hóa học

Các thành phần được ghi nhận có trong dược liệu hậu phác bao gồm:

  • Magnolola
  • Tetrahydromagnola
  • Isomagnolola
  • Honokiol
  • Obovatol
  • Magnaldehyde
  • Randiol
  • Bornymagnolol
  • Magnocurarine
  • Salici Foline
hậu phác dược liệu
Phần vỏ cây hậu phác với nhiều thành phần hóa học có tác dụng dược lý cao

Vị thuốc hậu phác

1. Tính vị

Đa phần các tài liệu Đông y ghi nhận hậu phác có vị cay hơi đắng, tính ấm và không độc.

2. Quy kinh

Dược liệu được quy vào các kinh Tỳ, Vị, Đại trường, Kinh túc Quyết âm Can, túc Dương minh Vị, thủ Thiếu âm Tâm.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Ích khí, tiêu đờm, chỉ thống, ôn trung, tả nhiệt.
  • Chủ trị: Chứng đau bụng, đầy bụng, ăn uống khó tiêu, nôn mửa, đại tiện bí, táo bón.

Theo y học hiện đại:

  • Tác dụng với hệ tiêu hóa: Chất Magnolol trong dược liệu có khả năng phòng ngừa viêm loét dạ dày trên thực nghiệm. Đồng thời ức chế histamine gây co thắt tá tràng và ức chế dạ dày tiết dịch. Thuốc sắc từ hậu phác còn có tác dụng kích thích ruột và gây hưng phấn cơ trơn khí quản.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Thực nghiệm cho thấy hậu phác là dược liệu có tính kháng khuẩn rộng. Có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn phổi, tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ hay liên cầu khuẩn tán huyết.
  • Các tác dụng khác: Hạ huyết áp, giảm đầy hơi lúc châm tê cắt tử cung…

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp chung với các vị thuốc khác. Cách dùng phổ biến nhất là tán thành bột hoặc sắc lấy nước uống. Liều dùng được khuyến cáo là khoảng từ 6 – 20g/ngày. Tuy nhiên có thể được điều chỉnh tùy theo từng bài thuốc nhất định.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hậu phác

Sau đây là một số bài thuốc có sử dụng dược liệu hậu phác:

1. Bài thuốc chữa đau bụng do lạnh, đầy chướng bụng

  • Chuẩn bị: 12g hậu phác, 8g trần bì, 4g gừng khô, 6g thảo đậu khấu, 12g xích phục linh, 4g mộc hương, 4g cam thảo, 12g gừng tươi, 12g đại táo.
  • Thực hiện: Dược liệu trên đem cho hết vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang thuốc/ngày.

2. Bài thuốc trị tiêu chảy do thấp trệ

  • Chuẩn bị: 6g hậu phác, 10g thương truật, 6g trần bì, 3g chích thảo.
  • Thực hiện: Đem tất cả dược liệu trên đây đi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 4 – 8g uống chung với nước sắc đại táo và gừng tươi. Dùng với tần suất 2 lần/ngày.

3. Bài thuốc trị chứng bụng kèm táo bón

  • Chuẩn bị: 12g hậu phác, 12g đại hoàng, 8g chỉ thực.
  • Thực hiện: Các dược liệu trên cho vào ấm sắc cùng với 600ml nước trên lửa nhỏ. Lượng nước rút còn phân nửa là đạt. Chia làm 3 lần uống/ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

4. Bài thuốc chữa tỳ vị hư hàn, đầy chướng bụng

  • Chuẩn bị: 8g hậu phác, 8g sinh khương, 12g bán hạ, 12g đảng sâm, 8g cam thảo.
  • Thực hiện: Tất cả dược liệu cho vào ấm sắc chung với 1 thăng nước đến khi còn phân nửa. Uống khi thuốc còn ấm nóng, sử dụng liều lượng 1 thang/ngày.

5. Bài thuốc trị đại tiện khó, ăn kém, chướng bụng

  • Chuẩn bị: 12g hậu phác, 15g chỉ thực, 15g hoàng liên, 3g gừng khô, 6g chích cam thảo, 6g mầm mạch, 6g phục linh, 6g bạch truật, 9g bán hạ khúc, 9g nhân sâm.
  • Thực hiện: Tất cả dược liệu đem nghiền thành bột mịn rồi làm hoàn. Mỗi lần sử dụng từ 8 – 12g, ngày dùng đúng 3 lần.

6. Bài thuốc trị viêm phế quản mạn tính, hen suyễn

  • Chuẩn bị: 8g hậu phác, 4g ma hoàng, 20g thạch cao sống, 12g hạnh nhân, 12g bán hạ, 4g ngũ vị tử, 2g gừng khô, 2g tế tân, 16g tiểu mạch.
  • Thực hiện: Đem tất cả các vị thuốc cho hết vào ấm sắc với 1 thăng nước đến khi còn 1 nửa. Chia làm nhiều lần uống khi thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.

7. Bài thuốc trị chứng tự toát mồ hôi, ngực đầy suyễn

  • Chuẩn bị: 12g hậu phác, 12g quế chi, 12g bạch thược, 12g gừng tươi, 12g đại táo, 12g hạnh nhân, 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng mỗi ngày 1 thang thuốc.

8. Bài thuốc trị chứng đau bụng thông thường

  • Chuẩn bị: Hậu phác với liều lượng tùy ý.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi tẩm nước gừng rồi tiến hành nướng hoặc sao vàng và tán thành bột mịn. Mỗi lần uống khoảng 4g với nước sôi ấm. Sử dụng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.

9. Bài thuốc trị viêm ruột, đau bụng

  • Chuẩn bị: 6g hậu phác, 3g chỉ thực, 3g đại hoàng.
  • Thực hiện: Tất cả các dược liệu trên đem sắc với khoảng 600ml nước trên lửa nhỏ. Ngưng sắc khi lượng nước còn khoảng 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc chữa ăn uống khó tiêu

  • Chuẩn bị: 100g hậu phác, 100g thủy xương bồ, 100g củ sả, 100g cỏ gấu sao, 50g gừng khô, 100g vỏ quýt, 50g quế khâu.
  • Thực hiện: Tất cả các dược liệu đem tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê vào sau bữa ăn và trước khi ngủ. Dùng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
tác dụng của hậu phác
Có thể kết hợp hậu phác với các vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị bệnh

11. Bài thuốc trị nôn khan, ngực đầy tức

  • Chuẩn bị: 40g hậu phác và 40g sinh khương.
  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống khoảng 8g chung với nước cơm.

12. Bài thuốc chữa kiết lỵ, đại tiện ra xác thức ăn

  • Chuẩn bị: 120g hậu phác cùng với 120g hoàng liên.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với 300ml. Đến khi lượng nước còn 100ml là đạt. Uống lúc đói khi thuốc còn ấm. Mỗi ngày dùng với liều lượng 1 thang thuốc.

13. Bài thuốc trị chứng nước tiểu đục

  • Chuẩn bị: 40g hậu phác, 4g bạch phục linh.
  • Thực hiện: Cho hết dược liệu vào ấm sắc chung với 3 chén nước đến khi còn 1 chén. Uống khi nước thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng mỗi ngày 1 thang.

14. Chữa vị hư kèm động kinh ở trẻ em

  • Chuẩn bị: 40g hậu phác, 40g bán hạ.
  • Thực hiện: Dược liệu đem sắc 7 lần với bán hạ sau đó ngâm nước gừng 7 nửa ngày rồi phơi khô. Mỗi lần dùng lấy 4g đem ngâm với 300ml nước vo gạo trong nửa ngày. Tiếp tục phơi khô, bỏ hậu phác lấy bán hạ tán thành bột mịn. Mỗi lần cho trẻ uống 2 – 4g với nước sắc bạc hà.

15. Bài thuốc chữa đại trường khô táo

  • Chuẩn bị: Hậu phác với liều lượng tùy ý.
  • Thực hiện: Dược liệu đem tán bột rồi trộn với ruột heo nấu nhừ và làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống đúng 30 viên cùng với nước sắc gừng.

16. Bài thuốc chữa đầy bụng kèm tiêu chảy

  • Chuẩn bị: Hậu phác và can khương với liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Các dược liệu đem đi tán bột rồi trộn với mật để làm thành hoàn bằng hạt ngô. Mỗi lần uống đúng 50 viên chung với nước cơm.

17. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không thông

  • Chuẩn bị: 120g hậu phác.
  • Thực hiện: Đem sao dược liệu rồi thái lát và cho vào ấm sắc chung với 300ml nước. Lượng nước còn 100ml là đạt. Chia làm 2 lần uống trong ngày khi bụng đói. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

18. Bài thuốc đau bụng, thổ tả

  • Chuẩn bị: Hậu phác với liều lượng tùy ý.
  • Thực hiện: Đem sao dược liệu với nước cốt gừng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống đúng 8g cùng với nước vừa múc ở dưới giếng lên.

19. Bài thuốc chữa trường vị thực nhiệt

  • Chuẩn bị: 12g hậu phác, 12g đại hoàng, 8g chỉ xác.
  • Thực hiện: Cho tất cả các dược liệu vào ấm sắc chung với 1 thăng nước đến khi còn nửa thăng. Uống khi thuốc còn ấm nóng, mỗi ngày dùng đúng 1 thang.

20. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa

  • Chuẩn bị: 10g hậu phác, 10g xích phục linh, 6g trần bì, 3g cam thảo, 3g mộc hương, 3g can khương, 5g thảo khấu, 10g sinh khương, 10g đại táo.
  • Thực hiện: Các dược liệu cho hết vào ấm sắc chung với 1 lít nước đến khi còn phân nửa. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

21. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng

  • Chuẩn bị: 10g hậu phác, 20g rau sam, 20g bại tương thảo, 20g khổ sâm, 20g thổ phục linh, 20g bạch thược, 20g kê nội kim, 8g hoàng liên, 12g hồng đằng, 10g tam lăng, 10g huyền hồ, 4g xạ hương, 6g cam thảo.
  • Thực hiện: Các dược liệu trên cho vào ấm sắc chung với 1 thăng nước trong khoảng 20 phút. Uống khi thuốc còn ấm nóng, sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.

Những lưu ý khi sử dụng hậu phác

Dược liệu này được khuyến cáo không nên sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ
  • Hàn thùy thạch, trạch tả, tiêu thạch
  • Chân nguyên bất túc, tỳ vị hư nhượ
  • Tránh ăn đậu khi đang dùng hậu phác

Những thông tin về dược liệu hậu phác mà bài viết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Để tránh những vấn đề không mong muốn phát sinh, cần tham vấn với thầy thuốc hay bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh có dược liệu này.

Ngày đăng 02:14 - 01/06/2023 - Cập nhật lúc: 02:14 - 02/06/2023
Chia sẻ:

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua