Cây sống đời

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Cây sống đời được dân gian gọi với cái tên quen thuộc là cây lá bỏng. Dược liệu này tính mát, vị hơi chua, quy vào kinh Can, giúp tiêu độc, cầm máu, chống viêm, chữa bỏng da, đau nhức xương khớp, bệnh trĩ lòi dom, viêm họng. Liều dùng 20 – 40g lá mỗi ngày.

Cây sống đời

Hình ảnh cây sống đời

  • Tên khác: Cây hoa sống đời, cây lá bỏng, cây trường sanh, lạc địa sinh căn, thổ tam thất, tầu púa sung ( dân tộc Dao ) cây thuốc bỏng, trường sinh, diệp căn sinh, đả bất tử, diệp sinh căn, …
  • Tên gọi khoa học: Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers
  • Họ: Lá bỏng – Crassulaceae

Mô tả về cây sống đời

Đặc điểm của cây thuốc

Cây sống đời là một loại thực vật thuộc dạng thân thảo, phân nhánh. Cây cao tối đa có thể cao đến 1 mét. Thân tròn, nhẵn, màu tím tía hoặc màu xanh.

Lá cây sống đời màu xanh, dày, mọng nước và chứa cả chất nhớt. Lá mọc đối, cuống ngắn, phát triển từ thân hoặc từ các cành. Viền lá dạng răng cưa, hơi tím. Lá có thể xẻ thùy hoặc không. Điểm đặc biệt của loại cây này là có cây con mọc ra từ lá. Trên một lá có thể phát triển thêm nhiều cây con ở các vết khía ngoài mép lá.

Hoa cây sống đời nở vào mùa xuân ( khoảng tháng 2 – tháng 5 ). Hoa mọc thành từng cụm màu đỏ, vàng, cam, trắng hoặc hồng, có nhiều cánh xếp lớp, mọc rủ xuống trên một cán dài. Cán hoa phát triển trên cành hoặc đâm ra từ kẽ lá. 

Các loại Cây sống đời

Ở Việt Nam, cây có nhiều giống khác nhau. Các loại cây sống đời bao gồm:

  • Sống đời ta: Còn được gọi là cây bỏng ta, bông lồng đèn
  • Cây sống đời Đà Lạt: Giống này được trồng tại Đà Lạt. Bông trổ lồng đèn, các lá nguyên kích thước lớn.
  • Cây sống đời đỏ: Hoa có màu đỏ thẫm, bông nhuyễn. Cây thường ra hoa vào đúng dịp tết ở nước ta. 
  • Cây sống đời 5 màu: Cây cho bông nhuyễn, có 5 màu sắc khác nhau. Hoa thường trổ đúng dịp tết cổ truyền nên được trồng vào các chậu nhỏ để chưng tết.
cây sống đời có mấy loại
Cây sống đời có nhiều loại với các màu sắc khác nhau

Phân bố

Cây sống đời được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Úc, Madagascar hay khu vực Tây Ấn… Loia2 cây này phát triển mạnh ở những nơi có nhiều ánh sáng.

 Cây có thể mọc hoang tự nhiên trên các sườn đồi đá hoặc ven suối. Ở các vùng nông thôn nước ta, cây sống đời thường được trồng trong các khoảng đất trống ngay trước nhà để chơi hoa. Trong khi đó, người dân thành phố chủ yếu chơi hoa sống đời trong chậu cảnh.

Bộ phận dùng làm thuốc

Toàn cây sống đời nhưng được dùng làm thuốc nhiều nhất là các lá già.

Thu hái – Sơ chế thuốc

Cây sống đời phát triển quanh năm nên bất kì lúc nào cũng có thể thu hái về dùng. Lá được đem về rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng và dùng ngay ở dạng tươi. Có thể phơi khô lá tích trữ dùng dần.

Thành phần hóa học của cây sống đời

Cây chứa các thành phần chính gồm:

  • Kaempferol 3-glucosid
  • Acid malic
  • Quercetin 3-diarabinosid
  • Isocitric
  • Acid citric
  •  Axit izoxitric
  • Acid p-cumaric
  • Oxalic
  • P-hydroxeybenzoic
  • Bryophilyn
  • Axit pyruvic
  • Axit cis-aconitic…

Vị thuốc cây sống đời

Tính vị

  • Tính mát
  • Vị: Hơi chua, chát và nhạt

Quy kinh

Cây sống đời có thể tác động tới kinh Can

Tác dụng của cây sống đời – Chủ trị

– Theo y học cổ truyền:

Cây sống đời có tác dụng cầm máu, chống sưng viêm, sinh cơ, giảm đau , kích thích lưu thông máu, chỉ thống, đào thải độc tố cho cơ thể. 

Chủ trị:

  • Bệnh viêm loét dạ dày
  • Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại
  • Bỏng ngoài da
  • Viêm mũi
  • Viêm xoang
  • Đau đầu
  • Say rượu
  • Sốt
  • Lòi dom ( sa trực tràng )
  • Xương khớp đau nhức
  • Lên sởi
  • Vết bấm tím trên da
  • Viêm họng
  • Nốt đốt của côn trùng
  • Phong ngứa và nhiều căn bệnh khác
tác dụng của cây sống đời
Lá cây sống đời là bổ phận được sử dụng làm dược liệu

– Theo nghiên cứu hiện đại: 

  • Đối với gan: Theo công bố trên tạp chí y học Journal of Ethnopharmacology, dùng nước ép từ lá sống đời tươi có thể giúp khắc phục tình trạng vàng da. Bài thuốc này đã được người dân Ấn Độ sử dụng từ lâu. Cho chuột thí nghiện bị nhiễm độc gan do CCl4 dùng nước ép lá dược liệu thấy tình trạng nhiễm độc được cải thiện đáng kể.
  • Đối với thận: Thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy chiết lá sống đời thể hiện đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Nó giúp giảm tác động tiêu cực của thuốc kháng sinh Gentamicin tới thận của chuột.
  • Trên hệ hô hấp: Kết quả của một cuộc nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Phytomedicine cho thấy dịch chiết lá sống đời có khả năng ổn định hệ miễn dịch, ức chế phản ứng dị ứng ở đường hô hấp.
  • Phòng chống ung thư: Theo một thông tin được đăng tải trên tạp chí Phytochemistry, dịch chiết lá sống đời có tiềm năng tốt trong việc điều trị và chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Đối với người bị bệnh Leishmanzheim: Nước ép lá cây sống đời chứa một số hoạt chất có thể giúp ức chế sự phát triển của bệnh Leishmanzheim.

Liều lượng

Bệnh nhân có thể sử dụng cây sống đời với liều lượng 20 – 40g một ngày tùy theo từng loại bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh. 

Cách sử dụng:

Dược liệu được sử dụng theo một trong 2 cách sau:

  • Dùng trong: Ăn sống, ép nước uống hoặc sắc uống
  • Dùng ngoài: Giã nát lá tươi đắp trực tiếp lên da hoặc bào chế thành thuốc mỡ bôi ngoài da.

Độc tính

Lá sống đời không có độc

Cách dùng

  • Dùng ngoài: Giã nhuyễn phần lá tươi của dược liệu. Bào chế thành thuốc mỡ bôi lên da hoặc đắp trực tiếp lên vùng da bị bệnh.
  • Dùng trong: Giã nhuyễn phần lá tươi của dược liệu, chắt lấy nước cốt để uống hoặc dùng lá tươi ăn sống hoặc sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây sống đời

Cây sống đời là thành phần không thể thiếu trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh của Y  học cổ truyền như:

1. Điều trị phù thũng

Ép lá sống đời tươi lấy 60ml nước uống. Thực hiện mỗi ngày 2 lần.

2. Trị đại tiện ra máu

Kết hợp 30g lá cây sống đời với 10g ngải diệp, 10g lá bá tử nhân (sao), 10g cỏ nhọ nồi (cỏ mực ). Sắc 1 thang chia vài lần uống trong ngày.

3. Chữa hôi nách

Hái 3 – 4 lá sống đời tươi đem rửa sạch, giã nát, chắt lấy nước và bã để riêng. Phần nước dùng uống, bã giữ lại xoa vào nách để khoảng 10 phút rồi rửa bằng nước cho sạch. Áp dụng bài thuốc chữa hôi nách này mỗi ngày 1 lần sau khi vừa tắm xong để đạt được hiệu quả tốt hơn.

4. Điều trị đau mỏi xương khớp, đau lưng

Dùng vài lá dược liệu loại to đem hơ trên bếp than cho nóng, đắp vào nơi bị đau. Sau khoảng vài phút lá sẽ hết nóng, bạn có thể nướng lại rồi tiếp tục chườm trong khoảng 15 phút. Lặp lại vài lần trong ngày có tác dụng giảm sưng, xoa dịu cơn đau. Khi thực hiện nên cẩn thận canh chỉnh nhiệt độ để không bị bỏng da.

5. Điều trị bệnh kiết lỵ, bệnh trĩ

Kết hợp 20g lá cây sống đời với 20g cây mã xỉ hiện (còn gọi là rau sam ). Cả hai đem sắc nước chia làm 3 lần uống hoặc nhai nuốt nước có tác dụng chữa bệnh trĩ, bệnh kiết lỵ

6. Điều trị bệnh nhiễm trùng đường ruột, viêm loét dạ dày, đi cầu ra máu do bệnh trĩ nội

Dùng 50g lá sống đời sắc với 3 bát nước lấy 2 bát. Chia uống vào buổi sáng và buổi chiều

7. Chữa rối loạn giấc ngủ ( mất ngủ, khó ngủ, đêm ngủ trằn trọc không yên ), phụ nữ sau sinh bị mất sữa

Dùng 8 lá sống đời nhai nuốt tươi cả bã lẫn nước. Áp dụng bài thuốc này đều đặn mỗi ngày 2 lần. Bệnh nhân bị mất ngủ nên ăn vào buổi tối trước lúc đi ngủ khoảng 1 tiếng.

8. Chữa rết cắn, bỏng bô, bỏng nước sôi, đánh tan máu bầm, làm mau lành chấn thương do tai nạn

Hái lá cây sống đời tươi lượng tùy theo diện tích khu vực cần điều trị. Rửa sạch với nước muối, giã đắp trực tiếp vào tổn thương.

9. Chữa bệnh chàm da, nổi mề đay, mụn trứng cá

Nấu lá cây sống đời tươi lấy nước, để nguội. Dùng vệ sinh bên ngoài khu vực cần điều trị. Cách khác có thể lấy lá cây giã nát đắp vào chỗ da bị tổn thương mỗi ngày 2 lần

10. Giải rượu cho các trường hợp bị say rượu

Hái 10 lá sống đời cho đối tượng cần dùng ăn sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn sau khoảng 10 phút dùng thuốc.

11. Chữa bệnh ghẻ, bệnh chốc lở, mụn nhọt ở trẻ em

Nấu 1 nắm lá sống đời lấy 40ml chia đều cho trẻ uống vào buổi sáng và buổi tối. Kết hợp uống trong với giã đắp dược liệu bên ngoài tổn thương để nhanh lành bệnh

12. Điều trị chảy máu cam, viêm mũi xoang

Hái lá sống đời giã lấy nước cốt thấm vào bông gòn và lần lượt nhét vào hai bên lỗ mũi. Áp dụng 4 – 5 lần trong ngày có tác dụng cầm máu, sát khuẩn, làm mau lành tổn thương ở niêm mạc mũi xoang.

13. Điều trị bệnh phong ngứa vô căn ( không xác định được nguyên nhân gây bệnh )

Dùng lá sống đời, lá cây răm dại, lá thương nhĩ, lá cây vô hoạn tử lượng bằng nhau. Nấu nước xông hơi và lấy tắm khi nguội.

14. Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Sắc 1 nắm lá bỏng tươi uống cho đến khi hết bệnh. Liều lượng sử dụng tùy theo từng thời điểm như sau:

  • Ngày sốt đầu tiên: Uống ngày 3 – 4 lần x 100ml/lần
  • Ngày sốt thứ 2 trở đi: Ngày uống 2 lần x 60ml/lần

15. Bài thuốc cho trẻ bị ho gà

Dùng 6 – 8 lá sống đời sắc với 200ml nước lấy 20ml. Chia thuốc làm 2 lần cho bé uống khi còn ấm

16. Hạ huyết áp, chữa đau đầu, hồi hộp, bồn chồn không yên

Lá cây sống đời tươi sắc uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần uống 60ml

17. Trị nóng sốt, táo bón, khó đi cầu cho trẻ

Dùng 15 cái lá sống đời già nấu nước uống với liều lượng như sau:

  • Trẻ bị táo bón: Uống ngày 2 lần, mỗi lần 60ml
  • Trẻ bị sốt: Mỗi ngày uống 2 – 4 lần khi bé lên cơn sốt, mỗi lần uống 30ml

18. Điều trị bệnh lỵ

Dùng bài thuốc gồm các vị: 40g lá cây sống đời, 20g cỏ luồng, 20g lá mơ tam thể, 16g cam thảo đất. Nấu chung tất cả lấy nước uống nhiều lần trong ngày thay cho trà. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 thang đến khi các triệu chứng bệnh lỵ chấm dứt hẳn.

19. Điều trị ho, viêm họng, sưng đau cổ họng

Mỗi buổi sáng và buổi chiều trong ngày hái 4 lá cây sống đời, rửa sạch, nhai kỹ nuốt nước từ từ cho trôi xuống cổ họng, nếu nuốt được cả bã càng tốt. Buổi tối cùng ngày tiếp tục hái thêm 2 lá bỏng nhai nuốt tương tự. Nếu đáp ứng tốt, sau khoảng 3 ngày tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.

20. Điều trị mụn nhọt chưa có mủ

Dùng 30g lá sống đời, 15g lá cây miến chi tử, 20g lá táo. Tất cả rửa sạch với nước muối rồi giã đắp vào nốt mụn nhọt 2 lần trong ngày để giảm đau, tiêu sưng.

21. Điều trị bệnh viêm tai giữa trong giai đoạn cấp tính

Giả 2- 3 lá dược liệu tươi lấy nước cốt nhỏ vào tai bị viêm.

22. Làm dịu vùng da bị cháy nắng

Giã nát lá sống đời đắp lên khu vực bị ảnh hưởng có tác dụng làm mát, xoa dịu tình trạng nóng rát trên da, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

23. Trẻ bị ra nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm

Giã lá sống đời lấy nước cốt cho trẻ uống 2 lần một ngày, mỗi lần 60ml.

24. Điều trị bệnh viêm đại tràng

Bệnh nhân bị viêm đại tràng mỗi ngày nên an 20 cái lá cây sống đời để cải thiện các triệu chứng bệnh, hạn chế sự lệ thuộc vào thuốc tây. Trong đó 8 lá ăn vào buổi sáng, 8 lá ăn buổi chiều và 4 lá còn lại ăn vào buổi tối. Trẻ dưới 10 tuổi dùng liều bằng 1/2 so với người lớn.

25. Trị thổ huyết ( nôn ói ra máu ) cho các trường hợp bị đánh hoặc bị tai nạn

Xay nhuyễn 7 cái lá sống đời lấy nước cốt. Quậy thêm lượng đường vừa đủ ngọt vào uống mỗi ngày 1 lần.

26. Điều trị bệnh đau mắt đỏ

Giã nát 3 lá sống đời, chắt nước uống, bã bỏ vào một cái khăn mỏng sạch đắp lên mắt. Để qua đêm, sáng hôm sau lấy nước muối sinh lý rửa lại mắt cho sạch.

27. Làm vết thương nhanh liền sẹo

Giã lá cây sống đời tươi đắp vào vết thương ngày 2 lần để chống nhiễm trùng, kích thích da non nhanh phát triển.

Nơi mua và cách trồng cây sồng đời

Cây sống đời rất dễ kiếm, bán có thể mua ở các cửa hàng cây kiểng gần nhà mà không cần đi đâu xa. Về cách trồng thì khá đơn giản, bạn có thể tham khảo cách trồng tốt nhất ngay sau đây.

  • Trồng vào liếp: Có thể trồng cây trực tiếp vào liếp. Khi trồng cần lựa chọn liếp có độ cao ít nhất 25cm, rộng 150cm để cây phát triển tốt nhất.
  • Trồng vào chậu: trước khi trồng bạn nên trộn đều hỗn hợp chứa đất, phân chuồng, tro trấu, phân lân, vôi bột. Sau đó đem trồng với cây, khi trồng nên phủ một lớp nylon lên bề mặt đất để hạn chế tình trạng cỏ dại mọc nhiều.
  • Bón phân: Thường thì cây sống đời phải được bón phân hàng tuần. Nếu trường hợp bạn thấy lá có biểu hiện đổi màu, không còn là màu xanh mướt thì nên bổ sung phân bón để cây hồi phục.
  • Tưới cây: Nên tưới cây vào sáng sớm và đầu giờ chiều là tốt nhất đối với cây. Khi tưới nhớ chú ý mực nước, tránh tưới quá nhiều gây ngập úng dễ làm chết cây.
  • Bấm ngọn: Thường cây sẽ được bấm ngọn để giúp phát triển cành nhiều hơn. Qua đó cũng cho ra được nhiều hoa và ra dáng hơn cho cây.
  • Phòng sâu bệnh: Cần theo dõi cây thường xuyên để phòng ngừa kịp thời, tránh tình trạng sâu rầy phát triển quá mạnh sẽ khiến cây khó cứu chữa.

Trên đây là những tác dụng của cây sống đời và hướng dẫn sử dụng dược liệu làm thuốc trị bệnh đúng cách. Khi sử dụng thuốc theo đường đắp ngoài, cần đảm bảo rửa lá sạch sẽ và tiệt trùng bằng nước muối loãng để không làm tổn thương bị bội nhiễm vi khuẩn.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng 13:04 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:04 - 05/06/2023
Chia sẻ:

Dế

Dế là vị thuốc Đông y có tính hàn, vị mặn thường được ứng dụng để điều trị táo bón, sỏi đường tiết niệu, bí tiểu và hỗ trợ các trường…
con cà cuống

Cà cuống

Cà cuống là một loại côn trùng có kích thước lớn, còn có tên là đà cuống hay long sắt. Loại côn trùng này đem lại nhiều tác dụng tốt…

Mướp khía

Cây mướp khía có nhiều đặc tính dược lý nên không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn được dân gian tận dụng để trị viêm xoang,…
Cây đuôi công

Cây đuôi công

Cây đuôi công từ lâu được biết đến là loại thực vật được tận dụng để làm dược liệu giúp chữa trị một số bệnh lý như đau nhức khớp,…

Bình luận (1)

  1. Phạm Thúy Liễu
    Phạm Thúy Liễu says: Trả lời

    Cây hoa Bỏng, có rất nhiều tác dụng, mà giờ tôi mới biết, toàn trồng làm cảnh, có lúc còn nhổ bỏ, cảm ơn tác giả

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua