Cây lưỡi hổ

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Ít ai ngờ rằng, cây lưỡi hổ thường được trồng làm cảnh lại có nhiều tác dụng trong chữa bệnh. Đây là dược liệu có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Thường được dùng để điều trị ho do cảm mạo, nhọt lở loét sưng độc, bỏng, vấp ngã bị tổn thương…

cây lưỡi hổ có mấy loại
Hình ảnh cây lưỡi hổ mép vàng – một loại lưỡi hổ thường được dùng làm vị thuốc

  • Tên gọi khác: Hỗ vĩ, Hỗ vĩ lan, Lưỡi cọp xanh, Hỗ vĩ mép vàng…
  • Tên khoa học: Sansevieria trifasciata Hort.
  • Họ: Bồng bồng (Dracaenaceae).

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Lưỡi hổ là một loại cây thảo có phần rễ mọc ngang, cây cao khoảng từ 30 – 50cm. Lá có hình dải, dài và cứng, phần gốc có bẹ to và mọc ốp vào nhau. Đầu lá thuôn dài thành mũi nhọn, phần mép nguyên. Đối với loại lưỡi hổ mép vàng thì mép lá đặc trưng bởi màu vàng. Cả 2 mặt lá đều có những vằn ngang sẫm màu trông giống như đuôi hổ.

Hoa có màu trắng hay lục nhạt, cụm hoa mọc thảnh thành chùm ở giữa túm lá trên 1 cán dài khoảng 30 – 60cm. Bao hoa chứa 6 phiến bằng nhau hàn liền ngay dưới thành ống. Có nhị 6 và chỉ nhị mảnh. Mùa hoa rơi vào khoảng tháng 5.

Quả mọng có hình cầu và khi chín thường có màu vàng da cam. Mùa quả rơi vào khoảng tháng 9.

2. Bộ phận dùng

Lá của cây lưỡi hổ chính là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh.

3. Phân bố

Lưỡi hổ là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển được ở rất nhiều vùng thổ nhưỡng. Cây có khả năng mọc chồi rất khỏe từ phần thân rễ. Thường được trồng khoảng 2 – 3 năm mới ra hoa.

Ở Việt Nam, cây lưỡi hổ được trồng rất phổ biến ở nhiều nơi, thường với mục đích làm cây cảnh.

4. Thu hái và sơ chế

Dược liệu cây lưỡi hổ có thể thu hái tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Lá cây thường được dùng ở dạng tươi, không cần phải qua khâu sơ chế để cất trữ.

5. Bảo quản

Để đảm bảo dược tính của lá, cần sử dụng trong ngày. Trường hợp không sử dụng hết có thể cất trong ngăn mát tử lạnh nhưng chỉ nên bảo quản qua 1 ngày.

6. Thành phần hóa học

Phân tích ghi nhận cây lưỡi hổ có chứa một số thành phần bao gồm:

  • aloe-emodin
  • aloin
  • barbaloin
  • alcaloid sansevierin
  • acid aconitic

Vị thuốc cây lưỡi hổ

1. Tính vị

Vị thuốc được các tài liệu Đông y ghi nhận là có vị chua và tính mát.

2. Quy kinh

Dược liệu được quy vào kinh phế.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Giải độc, trừ thối mục sinh cơ, thanh nhiệt.
  • Chủ trị: Dược liệu thường được dùng để chữa ho do cảm mạo, khàn tiếng, viêm họng, viêm tai có mủ, bỏng, nhọt lở loét sinh độc, vấp ngã bị tổn thương…

Theo y học hiện đại:

  • Thành phần Alcaloid có trong dược liệu được ghi nhận là có thể tác dụng lên hệ tim mạch giống với Digitalin nhưng không mạnh bằng.
  • Một số thành phần khác trong dược liệu như aloe-emodin, barbaloin và aloin có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp dạ dày co bóp đều hơn.
  • Gel từ lá dược liệu có khả năng kháng khuẩn tương đối tốt, đặc biệt có thể đáp ứng với vi khuẩn lao.

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Phổ biến và thông dụng nhất vẫn là ép lấy nước uống hay nhỏ vào tai hoặc thoa lên da. Liều lượng được khuyến cáo sử dụng trong một ngày là khoảng từ 6 – 10g, tùy theo mỗi bài thuốc mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.

hình ảnh cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ không chỉ được trồng làm cảnh mà còn có tác dụng chữa bệnh

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây luỡi hổ

Sau đây là một số bài thuốc quen thuộc có sử dụng cây lưỡi hổ làm vị thuốc:

1. Bài thuốc trị bệnh viêm tai giữa có chảy mủ

  • Chuẩn bị: 1 ít lá cây lưỡi hổ.
  • Thực hiện: Làm sạch dược liệu và cho lên ngọn lửa than hơ đến khi héo dần. Đem giã nát rồi gạn lấy phần nước. Dùng nước thuốc này nhỏ 4 – 5 giọt vào trong tai. Thực hiện với tần suất 3 – 4 lần/ngày đến khi triệu chứng thuyên giảm.

2. Bài thuốc chữa bỏng

  • Chuẩn bị: 2 – 3 lá cây lưỡi hổ ở dạng tươi.
  • Thực hiện: Đem lá đi rửa sạch rồi cắt ngang. Lấy phần dịch gel trong lá để thoa trực tiếp lên vùng da tổn thương. Thực hiện ngày 2 lần vào các buổi sáng và buổi tối. Duy trì đều đặn trong nhiều ngày.

3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

  • Chuẩn bị: Khoảng 2 lá cây lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch rồi nạo lấy phần gel bên trong. Pha với nước sôi ấm để uống mỗi ngày 1 lần. Mỗi liệu trình điều trị kéo dài liên tục trong 1 tháng.

4. Bài thuốc chữa viêm họng, khàn tiếng, ho

  • Chuẩn bị: 6 – 12g lá cây lưỡi hổ cùng 1 ít muối hạt.
  • Thực hiện: Dược liệu cần được rửa sạch và thái nhỏ. Dùng nhai trực tiếp với muối hạt cho ra nước rồi nuốt chậm. Áp dụng 2 lần/ngày đều đặn đến khi triệu chứng dần thuyên giảm.

5. Bài thuốc giúp làm dịu cơn hen suyễn

  • Chuẩn bị: 2 – 3 lá cây lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch, cắt lấy phần gel bên trong lá. Sau đó hòa trong cốc nước sôi nóng. Ghé mũi gần miệng cốc để xông hơi. Dùng mỗi ngày 1 lần sẽ giúp khai thông đường thở rất tốt.

6. Bài thuốc chữa sâu răng, hôi miệng, giảm chảy máu chân răng

  • Chuẩn bị: 2 – 3 lá cây lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Cần làm sạch dược liệu rồi đem giã nát để chắt lấy nước. Hòa thêm 1 ít nước lọc để súc miệng. Thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ.

7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh đường tiêu hóa

  • Chuẩn bị: 2 – 3 lá lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Cần rửa sạch dược liệu với nước muối pha loãng. Sau đó cho vào máy éo lấy nước. Chỉ dùng khoảng 2 – 3 lần/tuần, kiên trì đến khi bệnh có xu hướng thuyên giảm.

8. Bài thuốc chữa chứng khó tiêu, ợ hơi

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá cây lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch lá lưỡi hổ rồi giã nát. Gạn lấy phần nước, loại bỏ bã. Uống mỗi ngày chỉ 1 lần duy nhất.

9. Cây lưỡi hổ chữa bệnh viêm da

  • Chuẩn bị: Khoảng 3 lá lưỡi hổ tươi.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi thái nhỏ và cho vào cối giã nát. Chắt lọc lấy nước bỏ bã đi. Sau đó tiến hành vệ sinh vùng da tổn thương rồi thoa nước thuốc lên. Cần thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần.

Cây lưỡi hổ mặc dù được các tài liệu Đông y ghi nhận là có tác dụng trong việc điều trị bệnh nhưng bạn vẫn nên thận trọng khi dùng. Tốt nhất nếu có ý định dùng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh cần trao đổi kỹ với thầy thuốc để được hướng dẫn. Đặc biệt chú ý đến liều lượng, tuyệt đối không uống quá 400mg gel tươi trong 1 ngày.

Ngày đăng 10:00 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:05 - 05/06/2023
Chia sẻ:

Ô đầu

Ô đầu là dược liệu quý hiếm nhưng có độc tính rất mạnh. Dược liệu này thường ngâm rượu hoặc sắc uống nhằm chữa chứng đau nhức xương khớp, các…

Thổ phục linh

Thổ phục linh là thảo dược quý có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh Can, Vị, chủ trị phong thấp, vẩy nến, viêm da, đau dây thần kinh…

Nấm lim xanh

Nấm lim xanh là một loại nấm mọc ở rễ hoặc thân cây Lim. Theo một số nghiên cứu về dược tính, thảo dược này có tác dụng hỗ trợ…
cây vả

Vả

Cây vả từ rất lâu đời đã được tận dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Cả phần quả, rễ và lá đều là vị thuốc góp tên trong nhiều…

Bình luận (1)

  1. No lem
    No lem says: Trả lời

    Tôi nghe nói cây này chữa được viêm xoang mũi có phải không ạ?
    Nếu phải thì chữa thế nào?
    Xin cảm ơn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua