Cáp Giới

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Cáp giới theo y học cổ truyền là dược liệu tính ấm, vị mặn thường được sử dụng để bổ thận tráng dương. Vị thuốc thường được dùng để điều trị hen suyễn, hư lao, ho ra máu và các chứng ù tai, đau lưng mỏi gối

vị thuốc cáp giới
Cáp giới là dược liệu được sử dụng phổ biến với tác dụng bổ thận tráng dương, bình suyễn, điều hòa máu huyết

  • Tên gọi khác: Tiên thiềm, Đại bích hổ, Cáp giải
  • Tên khoa học: Gekko Gekko L
  • Họ: Tắc kè – Gekkonidae

Mô tả dược liệu Cáp giới

1. Đặc điểm

Cáp giới là vị thuốc được bào chế từ Tắc kè.

Tắc kè có hình dáng gần giống như Thạch sùng (Thằn lằn) nhưng có kích thước to hơn nhiều. Tắc kè có nhiều loại bao gồm da màu nâu đen, nâu xanh hoặc màu xám kèm theo nhiều chấm đỏ lốm đốm trên lưng.

Tắc kè đực thường có miệng rộng, đuôi nhỏ, da sần sùi. Trong khi con cái thường có da mịn màng, miệng nhỏ và đuôi lớn nhưng ngắn hơn con đực. Bụng Tắc kè thường phình to, có 4 chân ngắn, ngón chân có màng mỏng, giúp Tắc kè bám lên tường, vách đá hoặc leo trèo trên thân cây.

Tắc kè có thân dài khoảng 10 – 17 cm (không kể phần đuôi, đuôi Tắc kè có thể dài bằng thân mình), miệng có hai hàm răng sắc nhọn.

Tắc kè thường sống theo cặp (một đực và một cái) ở các vách đá, hốc cây hoặc trong nhà dân. Khi làm thuốc thường cần bắt đủ một đôi để tăng hiệu quả điều trị.

2. Phân bố

Tắc kè thường sống ở các vách đá, hốc cây thuộc các khu rừng, miền núi hoặc các hốc nhà cao. Tắc kè được tìm thấy ở hầu hết các địa phương tại Việt Nam.

tắc kè
Tắc kè được tìm thấy ở các vách đá, hốc cây trên khắp cả nước

3. Bộ phận sử dụng dược liệu

Cáp giới là dược liệu được bào chế từ toàn bộ Tắc kè còn đầy đủ đuôi, đầu và tứ chi.

3. Thu bắt – Sơ chế

Vào khoảng tháng 4 là mùa hoạt động của Tắc kè, tháng 5 – 6 là mùa hoạt động mạnh mẽ nhất. Cuối tháng 10 ít khi thất Tắc kè và sau tiết Sương giáng Tắc kè bắt đầu ngủ đông và không hoạt động. Do đó, thời gian thu bắt Tắc kè tốt nhất là từ từ 4 – 6, tuy nhiên có thể thu bắt Tắc kè quanh năm.

Khi thu bắt, người ta thường nghe Tắc kè kêu ở chỗ nào thì đến đó tìm bắt. Có 3 cách thu bắt phổ biến như sau:

  • Dùng tóc để bắt: Khi bắt thường đi vào lúc chập tối, dùng gậy tre nhỏ, đầu có buộc một nắm tóc, bó thành tụm tua rua. Luôn gậy này vào các hốc cây, vách đá, Tắc kè tưởng là con mồi (các loại sâu bọ có cánh nhỏ) nên sẽ nhảy lên vồ. Lúc này kéo nhanh gậy về sẽ thu được tắc kè.
  • Dùng ánh sáng để bắt: Khoảng 7 – 8 giờ tối, Tắc kè thường bò ra khỏi hang để tìm mồi. Lúc này dùng đèn pin soi vào, Tắc kè sẽ nằm im, chỉ cần nhanh tay nắm lấy cổ là có thể bắt được.
  • Bắt bằng móc sắt (thường phổ biến vào mùa hè): Vào mùa hè Tắc kè thường bò ra khỏi hang để tránh nóng. Tuy nhiên, ban ngày Tắc kè dễ bị lóa mắt, tầm nhìn kém và thiếu linh hoạt. Vì vậy có thể dùng móc sắt móc vào hàm trên hoặc dưới của Tắc kè, sau đó nằm chặt cổ để bắt.

4. Cách bào chế dược liệu

Tắc kè bắt về dùng búa đập chết, buộc vào giá căng từ phần bụng trở xuống. Dùng dao sắc nhọn mổ từ hậu môn lên đến hai chân trước, bỏ nội tạng, sau đó dùng khăn lau sạch máu, không được rửa bằng nước. Xung quanh mắt của Tắc kè thường có chứa độc tố, do đó cần khoét bỏ.

Căng Tắc kè đã làm sạch lên giá. Giá bao gồm một thanh dọc và 2 thanh ngang, 2 thanh ngang để căng 4 chân. Sau đó dùng than để sấy khô. Khi căng rộng từ đầu đến đuôi Cáp giới dài khoảng 21 – 23 cm, vùng đầu rõ ràng, mắt lõm sâu. Vùng lưng sau sau khi tróc các phiến vảy màu xám xanh sẽ lộ ra da màu nâu, cột sống giữa và xương hai bên lồi lên, tư chi và đuôi nhăn.

Dược liệu thịt còn trắng, thơm, còn nguyên đuôi, đầu có chất lượng tốt. Dược liệu mất đuôi hoặc đuôi chấp nối không nên dùng. Bởi vì hiệu lực của Cáp giới tập trung chủ yếu vào phần đuôi.

nhân sâm cáp giới tán
Khi bào chế dược liệu cần chú ý không làm mất hoặc gãy đuôi

5. Bảo quản dược liệu

Cáp giới dễ bị sâu mọt, nấm mốc. Chuột cùng rất thích ăn Cáp giới, nhất là phần đuôi. Do đó, sau khi bào chế cần bảo quản trong thùng kín có Xuyên tiêu, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh không khí ẩm ướt. Khi bảo quản cần cẩn thận tránh làm gãy nát hoặc mất đuôi dược liệu.

Vào mùa xuân, hè cứ 10 ngày thì mang dược liệu ra sấy 1 lần bằng than củi, nhiệt độ khoảng 60 – 70 độ C. Khi sấy cần sấy toàn thân, đầu cần sấy kỹ, đuôi phải chổng lên vì bộ phận này chứa nhiều chất béo, nhiệt độ cao có thể làm chảy chất béo.Vào mùa thu và đông, mỗi ngày sấy Cáp giới một lần.

Sau khi sấy xong cần vuốt nẹp lại ngay ngắn. Ngoài ra không được sấy dược liệu bằng Diêm sinh tránh gây biến chất, mốc ở thân và thay đổi màu sắc dược liệu.

6. Thành phần hóa học

Tắc kè chứa nhiều chất béo, khoảng 13 – 15% trọng lượng cơ thể. Ở đuôi tỷ lệ chất béo thường cao hơn, khoảng 23 – 25%.

Ngoài ra, Cáp giới cũng chứa một số Axit Amin, đa số là các loại Axit Amin không thay thể được như:

  • Acid Lutamic
  • Acid Aspatic
  • Alanin
  • Acginin
  • Lysin
  • Serin
  • Leucin
  • Phenylamin
  • Isoleucin
  • Histidin
  • Valin
  • Prolin
  • Treonin
  • Xystein

Vị thuốc Cáp giới

cáp giới
Cáp giới tính bình, vị mặn, có độc tố nhẹ

1. Tính vị

Vị mặn, tính bình, có độc tố nhẹ (theo Khai Bảo Bản Thảo).

Vị mặn, tính bình (theo Trung Dược Học).

Vị ngọt, mặn, tính ôn, tiêu độc (theo Nhật hoa tử bản thảo).

2. Quy kinh

Quy về Phế thận kinh (theo Trung dược học)

Thủ thái âm, túc thiếu âm kinh (theo Bản Thảo Kinh Sơ)

Nhập Tâm thận (theo Bản thảo Tái Tân)

Nhập thủ thái âm, quyết âm kinh (theo Bản Thảo Hội Ngôn)

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Dịch nước từ Cáp giới có thể làm tăng kích thước tinh hoàn ở chuột đực và tạo nên một số phản ứng như kích thích nội tiết tố ở chuột đực.
  • Dịch nước từ Tắc kè tan trong mỡ có thể làm tăng trọng lượng tử cung của chuột cái.
  • Có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ chuột ở môi trường thiếu oxy, quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tác dụng kháng viêm và hạ đường huyết.

Theo y học cổ truyền:

  • Bổ phế khí
  • Chỉ khái, điều trị hen suyễn, lao khái
  • Bình suyễn
  • Ích tinh huyết
  • Bổ thận dương, điều trị suy nhược cơ thể, liệt dương, bất lực

Chủ trị:

  • Ho lâu ngày không khỏi
  • Ho ra máu
  • Kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh
  • Liệt dương, bất lực

4. Cách dùng – Liều lượng

Cáp giới có thể dùng dưới dạng viên hoàn, tán bột mịn, ngâm rượu, thuốc sắc hoặc nấu thành cháo đều được.

Liều lượng khuyến cáo: Mỗi ngày dùng 3 – 6 g. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào bài thuốc và chỉ định của thầy thuốc.

Bài thuốc sử dụng Cáp giới

cáp giới nhân sâm tửu
Dược liệu Cáp giới có tác dụng bổ thận dương, điều trị suy nhược cơ thể, liệt dương

1. Điều trị phế hư gây ho lâu ngày không khỏi, phế tích tụ hư nhiệt gây ho có máu mủ

Sử dụng Cáp giới, Lộc giác giao, A giao, Tê giác (sống), Linh dương giác, mỗi vị phân lượng bằng nhau, đều 2 chỉ rưỡi, sắc cùng 3 thánh nước để khi còn một nửa thì dùng uống mỗi ngày một lần.

2. Điều trị ho gây phù mặt, phù tứ chi

Sử dụng Cáp giới một con đực, một con cái có đầy đủ đầu đuôi, hoa mật tẩm sao đến chín. Sau đó dùng nửa lượng Nhân sâm thượng hạng tán thành bột, Sáp ong nóng chảy 4 lượng. Trộn các vị thuốc trên làm thành 6 cái bánh. Mỗi lần dùng lấy nếp nấu thành cháo, dùng ăn một chén cháo trộn với bánh trên.

3. Cải thiện tình trạng chán ăn, suy dinh dưỡng, người gầy còm, tinh thần mệt mỏi, trẻ em kém phát triển

Sử dụng Tắc kè 1 – 2 con còn đuôi, chặt bỏ 4 bàn chân và phần đầu từ u mắt trở lên, lột da, mổ bụng, bỏ sạch ruột. Sau đó cắt thành nhiều miếng nhỏ, thêm Gừng, nấu chín, dùng ăn.

4. Bình suyễn, bổ phế, điều trị suyễn lâu năm, ho ra máu do Phế thận bất túc

Sử dụng Cáp giới tán thành bột, mỗi lần dùng uống 5 phần. Ngày uống 2 – 3 lần với nước cơm khuấy với đường cát trắng.

5. Điều trị ho lâu ngày không khỏi do Phế thận đều hư

Sử dụng Cáp giới 1 cặp (1 đực và 1 cái), Nhân sâm 1,5 chỉ, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 5 phân, ngày uống 2 – 3 lần với nước cơm.

7. Bổ thận tráng dương, điều trị di tinh, liệt dương, bất lực, đau lưng mỏi gối

Sử dụng Cáp giới một cặp, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 1 chie với rượu ngọt, ngày uống 2 lần.

8. Điều trị tổn thương kinh phế, ho do suyễn, ho có đờm và máu

Sử dụng Cáp giới 2 chỉ, Bối mẫu, Lộc giao (chưng), Tri mẫu, Hạnh nhân, Anh bì, Tỳ bà diệp, Đảng sâm, mỗi vị đều 3 chỉ, Cam thảo 1 chỉ, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.

9. Cải thiện tình trạng cơ thể hư yếu, suyễn gấp, hơi ngắn, cổ họng có đờm, thở khò khè

Dùng Cáp giới 1 đôi, Sa uyển tử, Câu kỷ tử, Nữ trinh tử, Thỏ ty tử, Hạnh nhân, mỗi vị đều 12 g, Tiền hồ 9 g, Trầm hương 2 g, Tử uyển 9 g, tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng uống 2 – 3 lần, mỗi lần 8 g.

10. Chữa suyễn lâu ngày gây đờm đặc vàng, ho ra mủ lẫn máu, người nóng, gầy yếu, mạch phù hư

Sử dụng Cáp giới 1 đôi, Hạnh nhân 500 g, Cam thảo 500 g, Nhân sâm 200 g, Bối mẫu, Tang bì, Phục linh, Tri mẫu, mỗi vị đều 200 g, sao giòn, tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng uống 3 lần, mỗi lần 15 g với nước đun sôi để nguội.

11. Cách ngâm rượu Tắc kè bồi bổ cơ thể

Sử dụng Tắc kè 24 g, Huyết giác, Trần bì, mỗi vị 3 g, Đảng sâm 40 g, Tiểu hồi 1 g, ngâm với rượu 1000 ml và một lượng đường ừa đủ. Mỗi ngày dùng uống 1 cốc nhỏ (khoảng 30 ml) có tác dụng điều trị đau lưng, thận dương kém, mỏi gối, tiểu rắt, hen suyễn, liệt dương, bất lực.

Độc tính và kiêng kỵ khi sử dụng Cáp giới

Độc tính:

  • Mắt và bàn chân của Tắc kè có chứa độc. Do đó, cần bỏ các bộ phận này trước khi dùng.

Kiêng kỵ:

  • Người bệnh ho do ngoại hàn hoặc nhiệt tà không được dùng.
  • Không phải Thận tỳ đều hư hoặc có thực tà phong hàn thì không nên dùng.

Cáp giới là vị thuốc phổ biến thường được dùng để cải thiện tình trạng thận suy, bất lực, phong thấp nhiệt, đau nhức cơ thể. Khi dùng nên dùng một đôi (1 đực 1 cái) để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, không dùng Cáp giới mất đuôi, gãy đuôi hoặc đuôi chắp nối. Trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn nếu có câu hỏi hoặc bất cứ thắc mắc nào.

Ngày đăng 13:03 - 04/06/2023 - Cập nhật lúc: 13:03 - 05/06/2023
Chia sẻ:
con cà cuống

Cà cuống

Cà cuống là một loại côn trùng có kích thước lớn, còn có tên là đà cuống hay long sắt. Loại côn trùng này đem lại nhiều tác dụng tốt…

Mướp khía

Cây mướp khía có nhiều đặc tính dược lý nên không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn được dân gian tận dụng để trị viêm xoang,…
Cây đuôi công

Cây đuôi công

Cây đuôi công từ lâu được biết đến là loại thực vật được tận dụng để làm dược liệu giúp chữa trị một số bệnh lý như đau nhức khớp,…
Cao ban long có công dụng gì? Cách sử dụng và những lưu ý khi dùng

Cao ban long

Là một trong những dược liệu quý của Đông y, cao ban long được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc y học cổ truyền. Người dùng cần…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua