Bạch quả

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Bạch quả là dược liệu có đặc tính và thành phần hóa học đa dạng nên được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc. Có tác dụng chữa hen suyễn, bạch đới, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, mộng tinh ở nam giới, khí hư, cơ thể suy nhược ở phụ nữ…

hình ảnh cây bạch quả
Bạch quả là cây dược liệu quý với tác dụng dược lý đa dạng

  • Tên gọi khác: Ngân hạnh, Công tôn thụ, Áp cước tử.
  • Tên khoa học: Ginkgo biloba L
  • Họ: Bạch quả (Ginkgoaceae).

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Bạch quả là một dược liệu quý, dạng cây to, chiều cao có thể lên đến khoảng 20 – 30m. Thân cây phân thành nhiều cành dài, mọc vòng, trên các cành sẽ có những cành nhánh ngắn mang lá có cuống.

Lá mọc so le nhau, thường tụ lại ở một mấu. Phần phiến lá có hình quạt, gốc lá thuôn nhọn. Phía trên mép lá tròn, nhẵn và lõm ở giữa, chia phiến lá ra thành 2 thùy rộng. Gân lá tỏa ra từ gốc thành hình quạt, rất sít nhau, phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Phiến lá ngắn hơn cuống lá.

Bạch quả là loại cây đơn tính khác gốc. Có khi cây thường chỉ có toàn hoa đực hoặc toàn hoa cái. Hoa cái sẽ thụ phấn từ hóa đực để kết quả. Quả hạch có hình trứng với kích thước bằng quả mận. Thịt quả màu vàng và có mùi bơ khét rất khó chịu.

2. Bộ phận dùng

Phần hạt của quả là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc. Ngoài ra, trong một số bài thuốc thì phần lá cũng có thể được dùng.

3. Phân bố

Dược liệu có nguồn gốc ở Trung Quốc và được tìm thấy ở cả Nhật Bản hay Nam Triều Tiên. Được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Phúc Kiến, An Huy, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, Sơn Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên… thuộc Trung Quốc.

Ở nước ta, hiện nay nguồn dược liệu vẫn còn phải nhập khẩu từ Trung Quốc về để sử dụng. Cây có được thử nghiệm trồng ở SaPa nhưng sinh trưởng rất chậm.

4. Thu hái và sơ chế

Thời điểm thích hợp nhất để thu hái dược liệu là vào mùa thu. Hái quả chín về và bỏ hết phần thịt cùng vỏ ngoài. Sau đó đem rửa sạch rồi đi hấp hay luộc qua. Cuối cùng đi phơi hoặc sấy cho khô để bảo quản dùng dần.

5. Bảo quản

Dược liệu đã qua sơ chế cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Phân tích dược liệu bạch quả ghi nhận một số thành phần, bao gồm:

  • protein
  • chất béo
  • đường
  • ginkgolic axit
  • bilobol
  • ginnol
  • flavonoic
  • ginkgolite
  • biloblit
  • hydroxykinurenic
  • kinurenic
  • parahydroxybenzoic
  • vanillic
vị thuốc bạch quả
Hình ảnh cây bạch quả vào mùa quả chín

Vị thuốc bạch quả

1. Tính vị

  • Theo Trung dược đại từ điển: Dược liệu có đủ vị ngọt, đắng chát với tính bình và có độc.
  • Theo Trung dược học và Cương mục: Dược liệu có vị ngọt, chát, đắng và tính bình.
  • Theo Điền Nam bản thảo: Dược liệu có vị ngọt và tính hàn.
  • Theo Ẩm thiện chính yếu: Dược liệu có vị ngọt, đắng và không độc.

2. Quy kinh

  • Theo Trung dược học và Cương mục: Quy vào kinh Phế.
  • Theo Trung dược đại từ điển: Quy vào 2 kinh Thận và Phế.
  • Theo Bản thảo tái tân: Quy vào 3 kinh Phế, Thận và Tâm.
  • Theo Bản thảo hối ngôn: Quy vào 2 kinh Thái dương và Thủ thái âm.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: ích khí, ích phổi, tiêu đờm, sát trùng, giải rượu, cầm tiểu tiện…
  • Chủ trị: Hen suyễn, khí hư bạch đới ở phụ nữ, viêm đường tiết niệu, xuất tinh sớm, di tinh ở nam giới, cơ thể suy nhược…

Theo y học hiện đại:

Tác dụng dược lý của dược liệu là nhờ vào 2 hoạt chất sesquiterpene bilobalide và ginkgolide B từ chiết xuất ginkgo biloba mang lại. Với các tác dụng bảo gồm:

  • Tăng tuần hoàn máu não.
  • Chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do.
  • Ổn định màng cũng như ngăn cản các yếu tố kích hoạt tiểu cầu.
  • Dùng chữa chứng trí nhớ kém, thường xuyên ngủ gà ngủ gật, cáu gắt ở người già do tác dụng của vi tuần hoàn.

4. Cách dùng – liều lượng

Đối với phần nhân bạch quả cần bóc bỏ vỏ và dùng dưới dạng thuốc sắc, tán bột hay nước chín đều được. Liều lượng được khuyến cáo là khoảng 10 – 20g/ngày.

Phần thịt quả có chứa độc tố nên không thể ăn được. Muốn sử dụng phải ép để lại bỏ dầu và để lâu trên 1 năm. Lúc này có thể dùng riêng hay kết hợp với các vị thuốc khác với liều 3 – 4 quả/ngày.

15 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu bạch quả

Bạch quả là vị thuốc thường được dùng phổ biến trong những bài thuốc dưới đây:

1. Bài thuốc chữa triệu chứng hen suyễn

  • Chuẩn bị: 16g bạch quả (đập vỡ), 12g khoản đông hoa, 12g bán hạ chế, 8g hoàng cầm, 8g ma hoàng, 12g vỏ rễ dâu, 12g tô tử, 8g cam thảo sống, 12g hạnh nhân.
  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ với 1 thăng nước. Thu lấy nửa thăng dùng uống trong ngày khi còn nóng với liều 1 thang thuốc/ngày.

2. Bài thuốc chữa bạch đới lâu ngày không hết, di tinh do khí hư

  • Chuẩn bị: 12g bạch quả, 63g đậu ván trắng, 16g lõi thân và cành hướng dương.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước. Cho thêm 1 ít đường đỏ vào và uống khi còn ấm. Có thể chia làm nhiều lần uống với liều lượng 1 thang/ngày.

3. Món ăn bài thuốc chữa bệnh bạch đới

  • Chuẩn bị: 1 quả bạch quả cùng với 1 quả trứng gà.
  • Thực hiện: Bạch quả đem nghiền vụn, trứng gà dùi một lỗ nhỏ rồi nhét vị thuốc vào. Đem đi hấp trong cơm cho chín rồi ăn mỗi ngày 1 lần duy nhất.

4. Bài thuốc chữa chứng mộng tinh

  • Chuẩn bị: 3 hạt bạch quả.
  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi đồ chín bằng hơi rượu rồi ăn trực tiếp. Mỗi ngày ăn 1 lần duy nhất và duy trì đều đặn từ 4 – 7 ngày.

5. Bài thuốc chữa bệnh lao phổi

  • Chuẩn bị: Bạch quả với lượng tùy ý (nên chọn dược liệu được thu hái vào mùa thu).
  • Thực hiện: Cho vị thuộc trên vào bình có nắp đậy ngâm trong dầu thảo mộc khoảng 100 ngày. Mỗi lần dùng lấy ra ăn 1 quả, tần suất 3 lần/ngày. Một liệu tình điều trị kéo dài liên tục từ 1 – 3 tháng.

6. Bài thuốc dùng cho phụ nữ bị sa tử cung, khí hư bạch đới

  • Chuẩn bị: 6g bạch quả, 1 con gà giò (làm sạch bỏ ruột), 15g liên nhục, 50g gạo tẻ.
  • Thực hiện: Bạch quả và liên nhục đem tán thành bột rồi nhồi vào bụng gà và khâu lại. Đặt vào nồi rồi cho gạo và nước vào hầm trên lửa nhỏ đến khi chín nhừ. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi chia làm nhiều lần ăn trong ngày khi còn nóng. Dùng với tần suất 1 – 2 lần/tuần.
công dụng của bạch quả
Hạt bạch quả là vị thuốc quen thuộc được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

7. Bài thuốc dùng cho phụ nữ cơ thể suy nhược, khí hư bạch đới

  • Chuẩn bị: 10g bạch quả nhân, 10g hạt sen, 100g thịt gà cùng với 30ml rượu trắng.
  • Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào nồi thêm nước rồi hầm trên lửa nhỏ tới chín. Nêm nếm gia vị vừa ăn, chia thành 2 – 3 lần ăn/ngày khi còn nóng.

8. Bài thuốc chữa viêm đường tiết niệu cấp kèm tiểu rắt, nước tiểu đục, sốt

  • Chuẩn bị: 6g bạch quả, 30g ý dĩ nhân cùng với 15g đường phèn.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào nồi nấu nhừ rồi thêm đường phèn vào khuấy cho tan. Chia đều thành 2 lần ăn trong ngày khi còn nóng với liều 1 thang/ngày.

9. Bài thuốc chữa viêm họng hạt, viêm mũi dị ứng hay ung thư vùng mũi họng

  • Chuẩn bị: 15g bạch quả (bỏ mầm hạt đi), 15g ngọc trúc, 15g bắc sa sâm, 15g hạnh nhân, 9g mạch môn đông, 60g thịt lợn nạc.
  • Thực hiện:  Sa sâm, mạch môn cùng ngọc trúc đem sắc lấy nước, bỏ bã. Sau đó cho bạch quả, hạnh nhân và thịt lợn vào hầm chín rồi nêm gia vị vừa ăn. Dùng với tần suất 2 – 3 lần/tuần.

10. Bài thuốc chữa hen phế quản, lao phổi kèm triệu chứng ho suyễn

  • Chuẩn bị: 10 hạt bạch quả, 1 muỗng mật ong.
  • Thực hiện: Đem bóc bỏ phẩn vỏ cứng bên ngoài rồi cho vào nồi thêm nước nấu chín. Sau đó cho mật ong vào khuấy đều. Mỗi ngày ăn 1 lần vào buổi tối.

11. Bài thuốc ngăn ngừa bạc tóc

  • Chuẩn bị: 30 hạt bạch quả, 150g hà thủ ô, 100g vừng đen, 250g đậu đen.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho lên chảo nóng sao chín rồi tán thành bột mịn. Bảo quản trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày dùng 30g, hòa với nước sôi nóng để ăn.

12. Bài thuốc chữa tiểu đường

  • Chuẩn bị: 15g bạch quả, 15g lá ổi non cùng với 30g râu ngô.
  • Thực hiện: Cho toàn bộ vị thuốc trên vào ấm sắc với 2 lít nước trong 15 phút. Dùng uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày. Tuyệt đối không áp dụng khi đang mắc chứng táo bón.

13. Bài thuốc chữa chứng xuất tinh sớm

  • Chuẩn bị: 12g bạch quả (bóc bỏ vỏ) cùng với 45 – 80g tàu hũ ky và 1 nắm gạo tẻ.
  • Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào nồi rồi thêm lượng nước vừa đủ hầm nhừ trên lửa nhỏ. Mỗi ngày ăn 1 lần thay thế cho bữa sáng.

14. Bài thuốc bát tiên hợp tam tử

  • Chuẩn bị: 15g bạch quả, 15g bạch giới tử, 15g bách hợp, 30g thục địa, 30g bạch linh, 30g sơn thù, 20g hoài sơn, 20g đan bì, 15g mạch môn, 10g trạch tả, 10g ngũ vị, 15g xuyên bối mẫu, 15g tử uyển, 15g tô tử.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm đổ vào 3 bát nước rồi sắc trên lửa nhỏ. Thu lấy 1 bát lắng trong rồi uống khi còn ấm. Dùng đúng 1 thang thuốc/ngày.

15. Bài thuốc giúp tăng kích thước vòng một

  • Chuẩn bị: 60g bạch quả, 30g đậu hũ ky, 30g khiếm thực, 25g hoàng kỳ cùng 1 cái bao tử heo.
  • Thực hiện: Bao tử heo dùng muối rửa sạch rồi trụng sơ nước sôi. Tiếp tục rửa sạch với nước lạnh để loại bỏ lớp trắng bên ngoài. Đem thái nhỏ rồi cho vào nồi đất cùng với các vị thuốc, thêm nước, gừng, hành và 1 ít muối hầm trong 1 giờ. Thêm đậu hũ ky vào nấu thêm 30 phút nữa rồi nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Có thể chia làm nhiều lần ăn trong ngày, nên hâm nóng lại mỗi lần ăn.

Lưu ý khi sử dụng bạch quả để chữa bệnh

Bạch quả mặc dù có nhiều công dụng trong điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể nhưng có thể phát sinh rủi ro nếu dùng không đúng cách. Bạn cần chú ý đến một số khuyến nghị sau:

  • Tuyệt đối không dùng cho những người có thực tà.
  • Không nên dùng nhiều bạch quả mỗi lần, nhất là ở trẻ nhỏ.
  • Ăn chung dược liệu với cá chình có thể gây chứng nhuyễn phong.
  • Ăn nhiều dễ phát sinh hiện tượng chướng bụng.

Dưới đây là một số triệu chứng ngộ độc bạch quả thường gặp:

  • Nhức đầu
  • Co rút gân
  • Phát sốt
  • Bứt rứt khó chịu
  • Khó thở
  • Nôn mửa

Lúc này, cần lấy ngay 63g vỏ quả bạch quả hoặc 125g cam thảo sắc lấy nước uống để giải độc. Trường hợp triệu chứng ngộ độc không được đáp ứng cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức.

Những thông tin về dược liệu bạch quả mà bài viết thu thập được chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi dùng dược liệu này có bất cứ mục đích nào, chữa bệnh hay bồi bổ cơ thể đều cần trao đổi với bác sĩ để tránh gặp vấn đề rủi ro.

Ngày đăng 00:00 - 14/01/2023 - Cập nhật lúc: 10:43 - 09/02/2023
Chia sẻ:
Lạc tiên

Lạc tiên

Lạc tiên là một loại dược liệu thiên nhiên thường được sử dụng trong các bài thuốc hỗ trợ cải thiện chứng mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thanh nhiệt…

Hoa hòe

Hoa hòe có vị đắng, tính bình, mát, không độc. Thảo dược này là có mặt trong hầu hết các bài thuốc chữa bệnh trĩ, đại tiện ra máu, cao…

Kim thất tai

Theo Y học cổ truyền, kim thất tai có tính bình có tác dụng ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường, đau nhức lưng,... và một số…

Cây Sa sâm

Cây Sa sâm là thảo dược quý, được sử dụng để chữa trị nhiều vấn đề sức khỏe. Dược liệu này có vị đắng, ngọt, tính mát, tác dụng thanh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ phụ trách chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua