Đau bụng là gì? Các vị trí đau bụng giúp đoán bệnh [có hình ảnh]

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Đau bụng là một triệu chứng thường gặp có thể đi kèm với các dấu hiệu khác hoặc xuất hiện đơn lẻ. Là cảm giác mà ai cũng phải trải qua, thế nhưng không phải ai cũng biết từng vị trí đau bụng cảnh báo vấn đề gì trong cơ thể.

Đau bụng là vấn đề mà bất cứ ai cũng gặp phải
Đau bụng là vấn đề mà bất cứ ai cũng gặp phải

Tổng quan về đau bụng

Đau bụng là từ dùng chung cho các triệu chứng đau ở vùng bụng, tùy vào vị trí, tình trạng bệnh mà tính chất cơn đau không giống nhau. Sau đây là một số thông tin cơ bản về hiện tượng này.

Đau bụng là gì?

Là cảm giác khó chịu, đau ở ổ bụng, vùng từ mũi ức xuống đáy chậu. Được xem là dấu hiệu cơ năng thường gặp, đặc trưng cho các bệnh về tiêu hóa và tạng trong ổ bụng. Trong ổ bụng gồm có các tạng cơ bản như gan, dạ dày – tá tràng, lá lách, tụy tạng, hệ thống mật, ruột (ruột non, ruột già, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, bàng quang, niệu quản). Ở phụ nữ còn có vòi trứng, buồng trứng, tử cung, âm đạo. 

Đau bụng thường được chia thành 3 loại:

  • Đau bụng có tính chất cấp cứu ngoại khoa: Bệnh tiến triển nhanh, có nguy cơ tử vong cao nếu không được kịp thời điều trị. Có thể kể đến như: túi mật căng to dọa vỡ, viêm ruột thừa, tắc ruột, thủng dạ dày…
  • Đau bụng cấp cứu nội khoa: Đau dữ dội, đau đột ngột vùng bụng và kéo dài cần được xử lý kịp thời. Có thể kể đến như giun chui vào ống mật, loét dạ dày – tá tràng…
  • Đau bụng mãn tính: Đau kéo dài vài tuần, vài tháng thậm chí cả năm đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài.

Cơ chế gây đau bụng

Đau bụng không hẳn là do bệnh lý mà có thể xuất phát từ việc ăn quá no hoặc quá nhiều thực phẩm khó tiêu, giàu chất béo, dễ sinh hơi… Trường hợp này thường khỏi sau vài giờ hoặc vài ngoài, không quá nguy hiểm. Có thể thay đổi bằng thói quen và chế độ ăn uống.

Cơ chế bệnh sinh cụ thể là:

  • Tạng rỗng trong ổ bụng đột ngột bị căng giãn thường là ruột, dạ dày…
  • Nhu động ruột co bóp quá mức khiến ruột và các cơ quan khác bị áp lực dẫn đến đau, khó chịu, thường là tắc ruột, hẹp môn vị, sỏi mật…
  • Màng bụng bị đụng chạm, kích thích, tăng kích thước như thủng dạ dày tá tràng, viêm tụy, áp-xe gan…

Các vị trí đau bụng nói lên điều gì?

Có thể dựa vào vị trí đau bụng đoán bệnh sẽ giúp việc thăm khám, điều trị được thuận lợi hơn, đồng thời cũng giúp người bệnh có biện pháp xử lý phù hợp. Cụ thể:

Đau bụng trên bên phải

Bụng trên bên phải là vị trí của gan và mật
Bụng trên bên phải là vị trí của gan và mật

Đây là khu vực chủ yếu chứa túi mật và gan. Do đó, nếu thường xuyên xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng trên bên phải thì khả năng mắc các bệnh về gan mật là rất cao. Có thể kể đến như viêm túi mật cấp và mạn tính, sỏi mật, giun chui vào ống mật, viêm gan, áp-xe gan, ung thư gan… 

Triệu chứng thường gặp:

  • Bụng khó chịu, đau dữ dội, đau lan ra vai phải, đau nhiều sau các bữa ăn giàu chất béo là dấu hiệu của bệnh sỏi mật.
  • Đau nhói từng cơn hoặc âm ỉ vùng bụng lan đến vai hoặc lưng phải, cơn đau kéo dài vài giờ là dấu hiệu của bệnh viêm túi mật.
  • Đau âm ỉ, đau nhói, chóng đến chóng đi kèm theo chứng chán ăn, đầy bụng, khó tiêu là dấu hiệu của bệnh viêm gan, xơ gan. Cơn đau của các bệnh này thường có cường độ tăng dần, kéo dài từ 15 phút đến vài tiếng.
  • Thường kèm theo ngứa, vàng da, chướng bụng, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn và nôn là biểu hiện của bệnh ung thư gan. 

Đau bụng trên ở giữa

Vùng bụng trên còn được gọi là thượng vị
Vùng bụng trên còn được gọi là thượng vị

Khu vực này chủ yếu gồm có phần đầu tiên ruột non, một phần của tuyến tụy và tá tràng. 

Các bệnh và biểu hiện thường gặp:

  • Viêm tụy: Thường xuyên bị đau bụng lan ra sau lưng, đau nghiêm trọng hơn khi ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo.
  • Chứng khó tiêu: Nóng rát vùng ngực kèm theo các triệu chứng như ho, đau họng, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn, có vị acid dạ dày trong miệng.
  • Vấn đề về thượng vị: Đau bụng dữ dội, đau kèm theo nôn, buồn nôn, tiêu chảy và sưng bụng. 
  • Viêm loét tá tràng: Đau xuất hiện giữa đêm hoặc giữa các bữa ăn.

Đau bụng trên bên trái

Bụng trên bên trái chủ yếu là khu vực của dạ dày. Do đó, nếu có cảm giác đau bất thường, đau thường xuyên ở khu vực này thì rất có thể bạn đã mắc các bệnh về dạ dày. Thường là viêm loét dạ dày, đau dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư dạ dày…

Các bệnh và biểu hiện thường gặp:

  • Viêm hoặc đau dạ dày: Thường xuyên đau xót, nóng rát bụng như bị chà ớt, đốt lửa trong bụng. Đau có thể xuất hiện cả khi no lẫn đói, có cảm giác bụng phình to, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn. Đau tăng lên khi sử dụng rượu bia, chất kích thích, caffeine. 
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Bụng khó chịu kèm theo ợ hơi, ợ chua, ợ nóng. Mỗi hơi từ dạ dày thoát lên miệng thường kèm theo 1 ít axit dạ dày, có cảm giác chua ở cuống họng. Đau tức ngực, buồn nôn, nôn nhiều, nhất là khi quá đói hoặc quá no. 
  • Loét dạ dày: Bụng đau rát dữ dội, đau tăng lên lúc đói…

Đau giữa bụng phía bên phải và bên trái

Hình ảnh vị trí đau bụng ở hai bên trái phải của phần bụng giữa
Hình ảnh vị trí đau bụng ở hai bên trái phải của phần bụng giữa

Vùng bụng giữa phía bên phải và trái là vị trí của thận, thận nằm ở mỗi bên cột sống. Ngoài ra, khu vực này cũng có thể liên quan đến ruột già. Các bệnh thường gặp như sỏi thận, viêm đại tràng, đại tràng kích thích, ung thư đại tràng…

Các bệnh lý liên quan và biểu hiện thường gặp:

  • Nhiễm trùng thận: Đau bụng lan ra sau lưng kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, sốt, ớn lạnh.
  • Sỏi thận: Đau dữ dội vùng bụng, cơn đau xuất hiện từng đợt, bắt đầu từ vùng thắt lưng rồi lan sang bụng, nách, cơ quan sinh dụng. Thường kèm theo các triệu chứng mạch nhanh, toát mồ hôi, buồn nôn, nôn, buồn tiểu nhưng không dễ chịu sau khi tiểu….
  • Táo bón: Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đi đại tiện phân cứng, và khô.

Đau vùng bụng chính giữa

Vùng bụng chính giữa là khu vực của ruột non và ruột già. Đây là một trong những vị trí đau bụng mang tính nguy cấp cần được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể do bụng nhiễm ký sinh trùng, đau bụng do giun sán.

Các bệnh lý liên quan và biểu hiện thường gặp:

  • Viêm ruột: Đau bụng, chuột rút, người mệt mỏi, sụt cân, tiêu chảy nghiêm trọng, có dấu hiệu mất nước, thường khát nước kèm theo sốt.
  • Tắc nghẽn ruột non: Nôn mửa, không thể trung tiện hoặc táo bón, khó xì hơi hoặc đi đại tiện, chướng bụng, chán ăn, nôn có tính chất giống như phân.
  • Thoát vị rốn: Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện bụng khó chịu, đau bụng kèm theo sưng phình vùng gần rốn. 

Đau bụng ở giữa bên trái

Vị trí bụng giữa bên trái
Vị trí bụng giữa bên trái

Ngoài thận trái, đây là khu vực chứa đại tràng. Các bệnh thường gặp là lồng ruột, túi thừa đại tràng, hội chứng ruột kích thích, ung thư đại tràng, viêm đại tràng. Các biểu hiện thường gặp có thể kể đến như sốt, buồn nôn, nôn… Hay xuất hiện do nhiễm trùng hoặc chế độ và thói quen ăn uống không lành mạnh.

Đau bụng dưới ở giữa 

Bụng dưới ở giữa là khu vực của bàng quang, cơ quan sinh sản. Các bệnh thường gặp có thể kể đến như nhiễm trùng bàng quang, bệnh phụ khoa ở nữ, viêm đường tiết niệu, mang thai ngoài tử cung…

Các bệnh lý và biểu hiện thường gặp:

  • Nhiễm trùng bàng quang, viêm đường tiết niệu: Đau quặn bụng, nước tiểu đổi màu, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Các bệnh phụ khoa ở nữ như: Viêm buồng trứng, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, u nang buồng trứng xoắn, viêm phần phụ… Các dấu hiệu nhận biết gồm đau đột ngột, đau dữ dội vùng chậu, có thể kéo dài nhiều tháng. Kèm theo nhiều thay đổi về huyết trắng sinh lý. 

Đau bụng dưới bên phải

Vị trí đau ruột thừa
Vị trí đau ruột thừa

Vùng bụng dưới rốn bên phải bao gồm ruột thừa, cơ quan lưu trữ vi khuẩn có ích, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hỗ trợ miễn dịch. Đa phần nguyên nhân gây khó chịu ở khu vực này là do viêm ruột thừa. 

Biểu hiện thường gặp: 

  • Đau âm ỉ vùng hố chậu phải kèm theo buồn nôn, nôn, bí đại trung tiện, đi ngoài phân lỏng.
  • Dùng tay ấn vào vùng bụng phải thấy đau nhói, người sốt nhẹ, chán ăn.

Đau bụng dưới bên trái

Bụng dưới bên trái có một phần của ruột già hay đại tràng. Nếu đại tràng gặp vấn đề thì đa số người bệnh thường bị đau ở vùng bụng này. Có các biểu hiện thường gặp như chuột rút, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn trung tiện. Trong đó, hội chứng ruột kích thích là bệnh lý về đại tràng hay gặp nhất do chế độ và thói quen ăn uống không tốt.

Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Có rất nhiều nguyên nhân đau bụng như thường xuyên căng thẳng mệt mỏi, không dung nạp thực phẩm, chế độ ăn và thói quen ăn uống không tốt. Ngoài ra, tình trạng này cũng thường là biểu hiện đặc trưng về bệnh lý của các cơ quan trong ổ bụng.

Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng mà có các triệu chứng khác nhau. Nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì nên nhanh chóng thăm khám để được điều trị:

  • Sốt, có dấu hiệu mất nước
  • Không đi tiêu 2 ngày hoặc không thể đi tiêu kèm theo nôn
  • Tiểu tiện thường xuyên đau rát, thậm chí nước tiểu lẫn máu
  • Bụng nhạy cảm, sờ vào thấy đau, đau kéo dài hơn vài giờ
  • Đau do chấn thương.

Ngoài ra, nên nhanh chóng đi cấp cứu ngay nếu có các biểu hiện:

  • Nôn ra máu
  • Đi ngoài phân đen, hoặc ra máu
  • Khó thở
  • Đau bụng trong thai kỳ 

Phương pháp chẩn đoán 

Chẩn đoán nguyên nhâ đau bụng không chỉ dựa vào vị trí, biểu hiện mà còn phải dựa vào nhiều phương pháp khác
Chẩn đoán nguyên nhâ đau bụng không chỉ dựa vào vị trí, biểu hiện mà còn phải dựa vào nhiều phương pháp khác

Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, khi thăm khám, ngoài chẩn đoán bằng những thông tin người bệnh cung cấp về vị trí, triệu chứng, mức độ đau, các bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân như: 

  • Siêu âm: Có tác dụng tốt trong việc chẩn đoán sỏi mật, nang buồng trứng vỡ, viêm ruột thừa.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng: Rất hữu ích trong việc chẩn đoán ung thư tụy, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm tụy, áp-xe bụng, các tắc nghẽn dòng máu tới các cơ quan trong ổ bụng. 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thường được áp dụng khi nghi ngờ mắc các bệnh tương tự phương pháp chụp CT.

Cách điều trị đau bụng

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng, do đó, tùy thuộc vào từng nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp. Có thể dùng thuốc điều trị viêm, thuốc kháng sinh cho các nhiễm trùng. Nếu cần thiết phải tiến hành phẫu thuật khi bị viêm ruột thừa, thoát vị. 

Đối với trường hợp nhẹ, có thể áp dụng các biện pháp cải thiện triệu chứng như:

Thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống

 Đa phần tình trạng đau bụng thường xuất phát từ vấn đề dạ dày, đại tràng, tá tràng. Do đó, thay đổi chế độ và thói quen ăn uống cũng là cách giúp giảm và ngăn ngừa mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể:

  • Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm dễ tiêu, giàu chất xơ cho bữa ăn hàng ngày.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, uống nhiều nước và nước ép để tăng cường đào thải các chất, nâng cao sức đề kháng (ít nhất mỗi ngày uống từ 1,5 – 2 lít nước).
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều gia vị.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, nước ngọt có gas và các thức ăn dễ sinh hơi, đầy bụng. 
  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói, vừa ăn vừa làm việc hoặc ăn xong nằm ngay.

Áp dụng phương pháp dân gian

Có thể dùng trà hoa cúc để cải thiện chứng co thắt bụng
Có thể dùng trà hoa cúc để cải thiện chứng co thắt bụng

Có thể cải thiện, giảm đau tức thời bằng cách:

  • Chườm nóng

 Dùng một túi chườm chuyên dụng hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm hoặc khăn sạch thấm nước ấm chườm lên vùng bụng. Phương pháp này hỗ trợ tốt cho chứng co thắt bụng nhờ tăng tuần hoàn máu và kích thích hoạt động của nhu động ruột. Không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.

  • Massage bụng

 Dùng tay xoa đều bụng theo chiều kim đồng hồ hoặc áp dụng xoa bóp tam tiêu để cải thiện tình trạng đau tức, khó chịu ở vùng bụng. 

  • Uống trà gừng

 Gừng có tác dụng giãn mạch, diệt khuẩn, kích thích tiêu hóa, chống co thắt cơ trơn ruột. Được dùng nhiều để chữa các chứng đau co thắt ruột, bụng đau quặn khó chịu, khó tiêu. Lấy vài lát gừng tươi, hãm với 100ml nước sôi trong 5 phút, thấy ấm vừa uống thì nhấp từ từ từng ngụm.

  • Uống trà hoa cúc

 Trà hoa cúc tốt cho người mắc hội chứng ruột kích thích. Có thể dùng gói trà hoặc lấy một muỗng cà phê hoa cúc hãm trong nước sôi 15 phút. Uống 3 tách/ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể triệu chứng chứng.

  • Uống mật ong

 Mật ong có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị các chứng đau bụng. Lấy 1 – 2 thìa mật ong pha với nước ấm để uống có thể giúp giảm đau tức thời. 

Biện pháp phòng ngừa

Khi bị gặp phải tình trạng này, tùy theo triệu chứng, mức độ bệnh mà áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi để tránh các vấn đề về đường ruột.
  • Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
  • Luyện tập thể dục thể thao, nhất là các bài tập cơ bụng nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện bệnh. 
  • Không tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp dân gian không rõ tác dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế thức khuya, luôn giữ cho tâm trạng thoải mái.

Tóm lại, hoàn toàn có thể dựa vào những vị trí đau bụng để phán đoán các bệnh lý liên quan nhằm có biện pháp xử lý phù hợp. Mặc dù đây là hiện tượng thường gặp, tuy nhiên người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần thường xuyên theo dõi và nhanh chóng thăm khám nếu có thêm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc khi tình trạng này kéo dài không rõ nguyên nhân.

Có thể bạn quan tâm

 

THÔNG TIN HỮU ÍCH

Ngày đăng 09:11 - 02/07/2023 - Cập nhật lúc: 12:15 - 03/07/2023
Chia sẻ:
Trĩ nội nằm ở trên đường lược, trĩ ngoại thì nằm ở dưới Có nên cắt trĩ không, độ mấy cần cắt & có ảnh hưởng gì không?

Có nên cắt trĩ không? Đây là câu hỏi chung của nhiều người khi mắc bệnh trĩ. Việc cắt trĩ…

Kỹ thuật sinh thiết đại tràng bằng thòng lọng Sinh Thiết Đại Tràng Là Gì, Khi Nào Cần Xét Nghiệm Sinh Thiết?

Sinh thiết là kỹ thuật xét nghiệm y khoa có độ chính xác cao nhất hiện nay. Nó có thể…

UỐNG Sơ can Bình vị tán KHỎI viêm đau dạ dày 60% ngay SAU 1 THÁNG UỐNG Sơ can Bình vị tán KHỎI viêm đau dạ dày 60% ngay SAU 1 THÁNG

Công việc bộn bề, áp dụng cộng thêm chế độ sinh hoạt và ăn uống không điều độ là nguyên…

Dấu hiệu Trẻ Sơ Sinh bị Tiêu Chảy & Cách Trị An toàn, Hiệu quả

Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở những trẻ ăn ngoài sữa mẹ, gặp một số bệnh…

Phong Liễu Tràng Vị Khang có khả năng điều trị bệnh viêm đại tràng, viêm dạ dày,... Phong Liễu Tràng Vị Khang: Công dụng, cách dùng & giá bán

Phong Liễu Tràng Vị Khang là thuốc điều trị một số chứng bệnh ở đường tiêu hóa như: viêm dạ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua