Bệnh Buồng Trứng Đa Nang

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Buồng trứng đa nang là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đặc trưng bởi tình trạng rối loạn hormone nội tiết. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn, do bệnh diễn tiến âm thầm, các triệu chứng không đặc hiệu khó phát hiện nếu không thăm khám chuyên khoa. 

Tổng quan

Buồng trứng đa nang (tên tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Là tình trạng có nhiều nang trứng ở cả 2 bên buồng trứng của nữ giới. Hiện tượng này đặc trưng bởi sự tăng sinh quá mức cần thiết về lượng hormone nam (androgen), nhưng lại thiếu hụt hormone nữ.

Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là tình trạng 2 bên buồng trứng chứa nhiều nang trứng quá mức

Bệnh có mối liên hệ mật thiết với tình trạng mất cân bằng hormone và kháng insulin. Gây tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, đặc biệt là khả năng sinh sản. Do hormone không ổn định, khiến trứng rụng ít hoặc không rụng, biểu hiện thông qua kinh nguyệt không đều. Bệnh thường đi kèm với các bệnh lý mạn tính khác như:

  • Tim mạch
  • Tiểu đường
  • Ung thư nội mạc tử cung
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Rối loạn tâm lý
  • ...

Theo thống kê, hội chứng đa nang buồng trứng ảnh hưởng lên khoảng 2.2 - 2.67% phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản (từ 15 - 44 tuổi). Căn bệnh này rất khó nhận biết trong giai đoạn đầu, chỉ phát hiện khi có triệu chứng nặng. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là vô sinh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây buồng trứng đa nang vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra do các nguyên nhân cơ bản sau:

Buồng trứng đa nang
Mất cân bằng nội tiết gây dư thừa hormone Androgen là nguyên nhân gây đa nang buồng trứng

  • Dư thừa insulin: Insulin là hormone do tuyến tụy sản xuất ra nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng insulin dư thừa quá mức nhằm mục đích chuyển hóa cho các tế bào vô tình thúc đẩy sản sinh nhiều hormone androgen không cần thiết. Và chính các Androgen gây ức chế sự phát triển nang trứng và khả năng rụng trứng.
  • Ảnh hưởng từ các rối loạn chuyển hóa khác: Ngoài tiểu đường do tăng insulin trong máu, một số rối loạn chuyển hóa khác đi kèm với kháng insulin như tăng huyết áp, rối loạn chỉ số lipid máu, tăng triglycerid... và gây bệnh buồng trứng đa nang.

Yếu tố nguy cơ 

  • Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình;
  • Yếu tố môi trường;
  • Thói quen ù lì, lười vận động;
  • Chế độ ăn uống kém khoa học, nhất là khi ăn nhiều tinh bột;
  • Người thừa cân, béo phì, nhất là béo vùng bụng;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh buồng trứng đa nang đặc trưng bởi các triệu chứng lâm sàng như:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, không có kinh hoặc vài tháng, vài năm mới có một lần;
  • Phì đại âm vật;
  • Hiện tượng rậm lông ở các vùng như lưng, mặt, ngực, bụng, mọc râu...;
  • Da đổ dầu, nhờn rít và xuất hiện mụn trứng cá;
  • Sạm nám da;
  • Thừa cân béo phì;
  • Đau đầu;
  • Đau vùng chậu;
  • Tâm trạng, cảm xúc thay đổi thất thường;

Buồng trứng đa nang
Chẩn đoán buồng trứng đa nang thông qua các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng đặc hiệu

Chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang khi có ít nhất 2/3 các tiêu chuẩn sau thông qua triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh > 35 ngày, lúc thưa lúc dày hoặc có thời điểm bị vô kinh (> 6 tháng);
  • Các triệu chứng do cường Androgen (hormone nam giới) như nổi nhiều mụn trứng cá, rậm lông...;
  • Kết quả siêu âm buồng trứng cho thấy hình ảnh buồng trứng có ít nhất 12 nang trở lên, mỗi nang có kích thước từ 2 - 9mm, đo thể tích buồng trứng > 10cm3/ bên;

Ngoài ra, một số kỹ thuật chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang khác được chỉ định áp dụng khi cần thiết như:

  • Xét nghiệm máu giúp đo và phân tích chỉ số hormone nội tiết trong cơ thể;
  • Đo lượng cholesterol, triglyceride lúc đói, khả năng dung nạp glucose...;
  • Tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Tầm soát hội chứng trầm cảm và rối loạn lo âu;

Biến chứng và tiên lượng

Phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng ở giai đoạn bùng phát có thể gây ra các bệnh lý mạn tính khác và nhiều biến chứng khó lường như:

Buồng trứng đa nang
Hội chứng đa nang buồng trứng là nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh hiếm muộn ở nữ giới

  • Bệnh huyết áp: Chỉ số huyết áp tăng cao đột ngột, khó điều chỉnh và kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực khác cho sức khỏe.
  • Bệnh tiểu đường: Thường gặp nhất là tiểu đường tuýp 2. Xảy ra do tình trạng mất cân bằng giữa hormone estrogen và nồng độ insulin trong cơ thể. Đồng thời, tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Máu nhiễm mỡ: Đặc trưng bởi lượng mỡ xấu cao (thường là LDL - Low density lipoprotein Cholesterol). Đây là một loại cholesterol xấu có hại cho cơ thể. Nếu không kiểm soát kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm khác như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, sỏi thận... và tử vong.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Rụng trứng hàng tháng là vòng lặp tự nhiên của cơ thể nữ giới nhằm cân bằng hormone, duy trì khả năng sinh sản. Tuy nhiên, khi trứng không rụng, niêm mạc tử cung không bong ra mà ngày càng tích tụ lại, dày lên theo thời gian (hiện tượng quá sản nội mạc tử cung) và gây bệnh ung thư nội mạc tử cung.
  • Vô sinh - hiếm muộn: Nang trứng không phát triển do thiếu hormone, dẫn đến không thể rụng hoặc rụng ít khiến chị em khó có thai. Tình trạng này kéo dài dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
  • Các ảnh hưởng về mặt tâm lý: Rối loạn hormone nội tiết gây ra hàng loạt những triệu chứng bất thường về tâm sinh lý và cả ngoại hình, khả năng sinh sản. Điều này khiến chị em rơi vào trạng thái cảm xúc phức tạp, lo lắng, phiền muộn, áp lực, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Có thể thấy, buồng trứng đa nang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe thể chất, tâm lý của bệnh nhân. Do đó, chị em cần chủ động thăm khám sớm để kịp thời điều trị, hạn chế biến chứng khó lường.

Điều trị

Phác đồ điều trị buồng trứng đa nang được thực hiện dựa theo đánh giá nguyên nhân, mức độ và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Có 2 phương pháp điều trị chính như sau:

1. Điều trị nội khoa

Những chị em bị đa nang buồng trứng mức độ nhẹ và trung bình thường được chỉ định điều trị bằng phương pháp nội khoa thông qua:

Giảm cân

Giảm cân ở những chị em có thể trạng béo phì nhằm mục đích giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể (tương đương 5 - 10 kg) sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt, cải thiện rõ rệt tình trạng buồng trứng đa nang.

Buồng trứng đa nang
Giảm cân lành mạnh giúp điều hòa hormone và cải thiện rõ rệt các triệu chứng buồng trứng đa nang

Đồng thời, việc giảm cân đúng cách còn giúp giảm lượng insulin, cholesterol dư thừa, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch... Do đó, hãy cân nhắc thiết lập thời gian biểu sinh hoạt và chế độ ăn uống khoa học (ít tinh bột, giàu chất xơ), tập thể dục điều độ mỗi ngày để giảm cân lành mạnh.

Dùng thuốc 

Điều trị buồng trứng đa nang bằng thuốc là phương pháp được áp dụng ưu tiên hàng đầu. Tùy theo nhu cầu mong muốn của bệnh nhân như điều trị rối loạn kinh nguyệt, ổn định hormone nội tiết hoặc điều trị để có con mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phù hợp.

  • Thuốc tránh thai: Dùng thuốc tránh thai kết hợp với estrogen - progestin giúp cân bằng chỉ số hormone trong cơ thể, cải thiện quá trình rụng trứng, phóng noãn. Nhờ đó giúp cải thiện các triệu chứng PCOS, hỗ trợ phòng ngừa bệnh ung thư nội mạc tử cung. Trường hợp dị ứng thuốc hoặc muốn hạn chế tác dụng phụ, người bệnh có thể đặt vòng âm đạo hoặc dùng miếng dán tránh thai.
  • Spironolactone: Phụ nữ bị đa nang buồng trứng chưa muốn mang thai, áp dụng liệu pháp hormone bằng thuốc Spironolactone liều khuyến cáo từ 50 - 100mg x 2 lần/ ngày. Tuy nhiên, thuốc rất dễ gây tác dụng phụ nên hãy chú ý sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
  • Thuốc hỗ trợ sinh sản:
    • Clomiphene: Có đến 80% chị em dùng thuốc Clomiphene bắt đầu có dấu hiệu rụng trứng trong vòng 3 tháng đầu kể từ khi sử dụng. Và có đến 40% chị em mang thai trong đợt dùng thuốc thứ 3.
    • Letrozole: Đây là thuốc ức chế aromatase có tác dụng kích thích quá trình rụng trứng. So với thuốc Clomiphene, Letrozole đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cải thiện chức năng sinh sản cho bệnh nhân bị đa nang buồng trứng.
    • Metformin: Đây cũng là loại thuốc hỗ trợ sinh sản hiệu quả dành cho những chị em mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Thuốc có khả năng kích thích sự rụng trứng theo chu kỳ kinh. Để đạt hiệu quả tốt hơn, Metformin thường được chỉ định dùng kết hợp với Clomiphene hoặc Letrozole.
    • Gonadotropins: Khi những loại thuốc trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ mới chỉ định sử dụng Gonadotropin. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm trực tiếp vào trong cơ thể nhằm kích thích quá trình rụng trứng, hỗ trợ trứng phát triển sau đó. Theo thống kê, có khoảng 60% phụ nữ bị buồng trứng đa nang đã mang thai khi dùng thuốc này.
    • Các loại thuốc khác: như hormone kích thích nang trứng (FSH), thuốc chủ vận hormone, thuốc điều trị mụn trứng cá (như kháng sinh dạng uống, dạng bôi, benzoyl peroxide, kem bôi tretinoin hoặc thuốc isotretinoin...).
  • Thuốc làm chậm sự phát triển của lông: Phổ biến nhất là kem Eflornithine 13.9% bôi 2 lần/ ngày, giúp ức chế sự phát triển rậm rạp quá mức của lông tóc do hội chứng buồng trứng đa nang gây ra. Tùy theo mong muốn, bệnh nhân có thể chọn các phương pháp khác như điện phân hoặc triệt lông bằng laser để loại bỏ lông tại các vùng da nhạy cảm như mặt, lưng, bụng...

Buồng trứng đa nang
Các thuốc trị buồng trứng đa nang thường dùng như thuốc tránh thai, thuốc kích thích rụng trứng hỗ trợ sinh sản...

Trường hợp phụ nữ mang thai bị đa nang buồng trứng rất dễ gây ra các biến chứng thai kỳ như tiểu đường, sinh non hoặc tiền sản giật... Các biến chứng này đặc biệt nghiêm trọng khi bệnh nhân có thể trạng béo phì. Lúc này, nghiệm pháp dung nạp glucose sẽ được chỉ định áp dụng.

Lưu ý: Dùng thuốc trị buồng trứng đa nang cần phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ, không được tự ý thay đổi loại thuốc, liều dùng và thời gian dùng để tránh gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Điều chỉnh sức khỏe thể chất, tinh thần

Để tăng hiệu quả điều trị bệnh buồng trứng đa nang, bệnh nhân cần kết hợp chăm sóc tích cực về:

  • Trạng thai tinh thần: vì nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm trong giai đoạn này là rất lớn;
  • Thừa cân béo phì: sàng lọc và đo đa ký giấc ngủ, tiến hành điều trị triệu chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ;
  • Tim mạch: sàng lọc và đánh giá thông qua tiền sử gia đình, bệnh lý mạn tính, xác định chỉ số khối cơ thể (BMI);
  • ...

2. Phẫu thuật nội soi 

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho những trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả nhằm cải thiện khả năng sinh sản. Phương pháp nội soi ổ bụng được tiến hành bằng 2 hình thức như sau:

  • Cắt góc và mở rộng bề mặt buồng trứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rụng trứng;
  • Tạo các lỗ nhỏ trên bề mặt buồng trứng thông qua phẫu thuật đốt điểm, ức chế sản sinh hormone nam giới, kích thích trứng trụng, tăng khả năng sinh sản;

Phẫu thuật cải thiện sinh sản đối với bệnh nhân đa nang buồng trứng chỉ có tác dụng tạm thời, duy trì trong vòng 1 năm kể từ thời điểm thực hiện.

Ngoài ra, một số phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Phương pháp này sử dụng trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài để thành phôi thai, sau đó đưa vào trong tử cung để thai phát triển bình thường. Phương pháp này có hiệu quả cao nhưng lại rất tốn kém.

Phòng ngừa

Buồng trứng đa nang thường tiến triển âm thầm nên rất khó phát hiện. Nhưng chị em vẫn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.

Buồng trứng đa nang
Phòng ngừa buồng trứng đa nang bằng lối sống sinh hoạt ăn uống khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ

  • Ăn uống khoa học, nên ưu tiên chế độ ăn ít carbohydrate, ít chất béo và tăng cường chất xơ.
  • Tập thể dục mỗi ngày nhằm tăng cường sức khỏe thể trạng, ngăn chặn tình trạng kháng insulin, phòng ngừa tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp hoặc giảm cân lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để tầm soát các bệnh lý bất thường ngay từ sớm để có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị buồng trứng đa nang?

2. Vì sao tôi bị buồng trứng đa nang nhưng vẫn có kinh bình thường?

3. Tiên lượng bệnh của tôi có nặng không?

4. Tôi có thể có con được không?

5. Cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán buồng trứng đa nang?

6. Phương pháp điều trị buồng trứng đa nang phù hợp nhất cho tình trạng bệnh của tôi?

7. Thuốc trị buồng trứng đa nang tốt nhất? Có tác dụng phụ không?

8. Bị buồng trứng đa nang khi nào cần mổ? Lợi ích và rủi ro?

9. Sau điều trị, buồng trứng đa nang có khỏi dứt điểm không?

10. Khám sức khỏe định kỳ có phát hiện buồng trứng đa nang không?

Buồng trứng đa nang là căn bệnh gây vô sinh hàng đầu ở chị em phụ nữ. Do đó, hãy chủ động trong việc điều trị bằng các phương pháp phù hợp để cải thiện sinh sản và có thai tự nhiên. Đồng thời, tầm soát sức khỏe phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bất thường và có hướng xử lý phù hợp, phòng ngừa các biến chứng về sau.

Ngày đăng 09:59 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Hội chứng Asherman
Hội chứng Asherman là tình trạng hiếm gặp gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Đặc trưng bởi các dấu hiệu như rối loạn…
Ốm nghén nặng
Ốm nghén nặng là một dạng ốm nghén nghiêm trọng…
Bệnh Teo Thực Quản
Teo thực quản là một trong những dị tật bẩm…
Hội Chứng HELLP
Hội chứng HELLP là biến chứng thai kỳ khá hiếm…
Viêm Màng Ối

Viêm màng ối là biến chứng sản khoa khá hiếm gặp. Nó thường là kết quả của tình trạng nhiễm…

Hội chứng Lesch-Nyhan

Hội chứng Lesch - Nyhan là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp. Xảy ra do sự thiếu hụt…

Bệnh Đa Ối

Đa ối là hiện tượng tích tụ lượng nước ối lớn khiến tử cung của thai phụ to hơn bình…

Hội chứng Kallmann

Hội chứng Kallmann là một rối loạn di truyền hiếm về thiểu năng tuyến sinh dục do thiếu sự phát…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua