Chữa viêm tuyến tiền liệt bằng đông y có hiệu quả không?

Chữa viêm tuyến tiền liệt bằng đông y được nhiều người bệnh áp dụng vì khá an toàn và ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên khi thực hiện phương pháp này, cần kết hợp giữa bài thuốc uống, xoa bóp bấm huyệt và sinh hoạt hợp lý để cải thiện các triệu chứng và mức độ tiến triển của bệnh.

Chữa viêm tuyến tiền liệt bằng đông y có thực sự hiệu quả?
Theo y học hiện đại, viêm tuyến tiền liệt là tình trạng sưng viêm và nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt. Tình trạng này có thể xảy ra ở giai đoạn cấp tính hoặc mãn tính với nhiều nguyên nhân khác nhau (nhiễm vi khuẩn, cơ thể cảm lạnh, quan hệ tình dục quá độ, chấn thương vùng hội âm, lạm dụng rượu bia,…).
Trong khi đó, Đông y cho rằng viêm tuyến tiền liệt cấp tính phát sinh do thấp nhiệt hạ chú và cảm nhiễm độc tà khiến khí huyết ứ trệ, kinh lạc bế tắc, dẫn đến rối loạn khí hóa tại bàng quang.

Còn với trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính, căn nguyên thường xuất phát do thói quen tình dục quá độ khiến cho thận khí suy yếu, tinh khí bị tổn thương và tạo điều kiện cho nhiệt tà/ thấp nhiệt xâm nhập. Hoặc bệnh cũng có thể phát sinh do lạm dụng rượu bia khiến Tỳ Vị hư hại, dẫn đến thấp nhiệt nội sinh bên trong, dồn xuống tuyến tiền liệt gây ra tình trạng ứ trệ khí huyết và bế tắc kinh lạc mà thành.
Đông y chia viêm tuyến tiền liệt thành từng thể bệnh cụ thể và áp dụng các biện pháp điều trị tương ứng. Do đó các bài thuốc từ Đông y có thể tác động trực tiếp đến căn nguyên và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh bài thuốc uống, Đông y còn kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để cải thiện lưu thông khí huyết, tránh tình trạng ứ trệ và thúc đẩy tiểu tiện ở nam giới bị viêm tuyến tiền liệt. Tuy nhiên các cách chữa từ Đông y thường không có tính đặc hiệu cao nên khi áp dụng cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để đạt được hiệu quả.
Các bài thuốc chữa viêm tuyến tiền liệt từ Đông y
1. Bài thuốc theo thể thấp nhiệt hạ chú
Thể bệnh này hình thành do thấp nhiệt ứ trệ ở bàng quang, sau đó lan xuống tuyến tiền liệt và gây viêm ở cơ quan này.
Triệu chứng đặc trưng của thể bệnh: Tiểu gấp, có cảm giác bỏng rát khi tiểu, tiểu nhiều lần, đau vùng hội âm, nước tiểu có màu vàng đục, lưỡi màu đỏ, rêu vàng. Thể thấp nhiệt hạ chú thường xảy ra ở bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc mãn tính cấp diễn.
Để giải thể bệnh này, cần áp dụng bài Long đởm can thang kết hợp với Tỳ giải phân thang ẩm gia giảm nhằm giải độc, lợi thấp và thanh nhiệt.
- Chuẩn bị: Sài hồ 4 – 12g, tỳ giải 20g, mộc thông 4 – 8g, ô dược 20g, cam thảo 4 – 8g, ích trí nhân 20g, sinh địa 12 – 20g, bạch linh 20g, long đởm thảo 2 – 8g, hoàng cầm 8 – 16g, xa tiền 12 – 20g, chi tử 8 – 16g, trạch tả 8 – 16g, qui đầu 8 – 16g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, dùng đều đặn mỗi ngày 1 thang cho đến khi khỏi.
2. Bài thuốc cho thể khí huyết ứ trệ
Khí huyết ứ trệ là thể bệnh đặc trưng bởi triệu chứng đau âm ỉ vùng hội âm, sờ tuyến tiền liệt thấy nhỏ cứng, đau bụng dưới, tiểu ra máu, đau trụy tinh hoàn, lưỡi tím và nước tiểu có lẫn tinh dịch. Để cải thiện triệu chứng của thể bệnh này, cần áp dụng bài Tiền liệt tuyến viêm thang để hóa ứ, đạo trệ, lý khí và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: Bồ công anh, đan sâm, đào nhân, nhũ hương, hồng hoa, vương bất lưu hành, bạch chỉ, xuyên luyện tử, trạch tả, tiểu hồi, xích thược, mộc dược và thanh bì. Liều lượng mỗi vị cân chỉnh theo mức độ của các triệu chứng.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.
3. Bài thuốc cho thể âm hư hỏa vượng
Âm hư hỏa vượng là thể bệnh do phòng dục quá độ khiến thận tinh suy yếu, tạo điều kiện cho nhiệt tà/ thấp nhiệt xâm nhập và gây viêm tuyến tiền liệt.
Triệu chứng nhận biết: Chóng mặt, di tinh, họng khô, nhức mỏi lưng gối, hoa mắt, mất ngủ, liệt dương, miệng khô, người gầy, lưỡi đỏ và ít rêu.

Với bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt theo thể âm hư hỏa vượng cần tiến hành thanh dư nhiệt và tư dưỡng thận âm với bài thuốc Tri bá địa hoàng thang.
- Chuẩn bị: Thục địa 24g, sơn thù 12g, bạch linh 9g, hoàng bá 8g, trạch tả 9g, tri mẫu 8g, đan bì 9g và hoài sơn 12g.
- Thực hiện: Tán các vị thành bột mịn, sau đó luyện với mật làm hoàn. Ngày dùng 8 – 12g, chia thành 2 – 3 lần uống và dùng cùng với nước muối nhạt.
Hoặc có thể áp dụng bài thuốc Đại bổ âm hoàn gia giảm:
- Chuẩn bị: Thục địa tẩm rượu sao vàng 24g, quy bản tẩm giấm sao 24g, tri mẫu tẩm rượu sao 16g, hoàng bá sao vàng 16g, trạch tả 12g và xa tiền 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với 650ml nước, còn lại 300ml, chia thành 2 lần uống.
4. Bài thuốc theo thể thận dương hư
Triệu chứng nhận biết viêm tuyến tiền liệt theo thể thận dương hư: Lưng gối lạnh, tiết tinh, sắc mặt tái nhợt, tảo tinh,… Cần tiến hành ôn thận bổ dương với bài Quế phụ bát vị hoàn.
- Chuẩn bị: Bạch phục linh 120g, trạch tả 120g, hoài sơn 160g, thục địa 320g, mẫu đơn bì 120g, sơn thù 160g, nhục quế 40g và phụ tử 40g.
- Thực hiện: Dùng rượu rưới vào thục địa, sau đó đem chưng và tẩm lại khoảng 9 lần. Sau đó đem thục địa giã nát thành cao, các vị còn lại tán thành bột mịn và đem trộn đều, vo thành hoàn. Mỗi ngày dùng 8 – 12g uống cùng với nước muối nhạt. Nếu dùng mùa đông thì nên uống cùng với rượu.
Hoặc bạn có thể áp dụng bài thuốc Hữu quy hoàn gia giảm:
- Chuẩn bị: Thục địa 32g, đương quy 12g, hoài sơn sao 16g, nhục quế 2 – 4g, sơn thù 12g, phụ tử chế 2 – 4g, câu kỷ tử 16g, lộc giác giao 16g, thỏ ty tử 16g và đỗ trọng tẩm gừng sao 16g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với 750ml nước, còn lại 300ml, chia thành 2 lần uống. Nên uống thuốc trước khi ăn. Hoặc có thể dùng các vị tán thành bột, trộn đều với mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 8 – 12g, ngày dùng 2 – 3 lần uống cùng nước sôi ấm, thêm ít muối.
Xoa bóp bấm huyệt chữa viêm tuyến tiền liệt
Bên cạnh các bài thuốc uống, bạn cũng có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt để giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng do viêm tuyến tiền liệt gây ra.

Nên xoa bóp bấm huyệt vào buổi sáng khi bụng còn đói hoặc thực hiện trước khi ăn 2 – 3 giờ (cần đi tiểu trước khi thực hiện).
- Xoa bụng dưới: Dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau và xoa bụng dưới theo hình tròn để cơ quan này ấm lên. Thời gian thực hiện: Khoảng 3 phút.
- Bấm huyệt Quan nguyên: Huyệt nằm dưới rốn khoảng 3 tấc. Dùng ngón tay cái ấn huyệt vị này trong khoảng 2 phút, nên ấn – nhả liên tục để kích thích chức năng bài tiết và giảm triệu chứng rối loạn tiểu tiện do viêm tuyến tiền liệt gây ra.
- Bấm huyệt Trung cực: Dưới rốn đo xuống khoảng 4 tấc. Thực hiện thao tác tương tự như huyệt Quan nguyên.
- Bấm huyệt Thận du: Nằm bên dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ 2, đo ngang khoảng 1.5 tấc. Vòng tay ra phía sau lưng và tác động vào huyệt vị này khoảng 50 lần.
- Bấm huyệt Dương lăng tuyền: Khi xác định huyệt, cần gập đầu gối, huyệt nằm ở vị trí lõm phía trước đầu xương mác. Dùng ngón tay cái ấn – nhả huyệt này trong khoảng 50 lần.
- Bấm huyệt Tam âm giao: Huyệt nằm ở bờ sau xương chày, từ mắt cá đo thẳng lên khoảng 3 tấc. Sử dụng ngón tay cái ấn huyệt vị này trong khoảng 50 lần.
Khi bấm huyệt, nên sử dụng ngón tay có lực mạnh nhất và ấn vuông góc vào huyệt vị. Thực hiện đều đặn mỗi ngày và kết hợp với bài thuốc uống để gia tăng tác dụng điều trị.
Bên cạnh đó khi chữa viêm tuyến tiền liệt bằng Đông y, bạn cần tăng cường vận động để thúc đẩy máu lưu thông đến thận, bàng quang và tuyến tiền liệt. Tập trung bổ sung các thực phẩm chứa nhiều kẽm, magie, kali,… đồng thời hạn chế thực phẩm cay nóng, dầu mỡ,…
Ngoài ra khi điều trị viêm tuyến tiền liệt, bạn cần thăm khám định kỳ để phát hiện các biến chứng của bệnh và tiến hành khắc phục kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm tuyến tiền liệt ở nam giới và những hệ lụy khôn lường
- Phương pháp chữa viêm tuyến tiền liệt mãn tính năm 2023
- Tự chữa viêm tuyến tiền liệt tại nhà bằng mẹo đơn giản
Bình luận (3)

E muốn được tư vấn viêm tiền liệt tuyến
Chào bạn, Trung tâm đã nhận được thông tin của bạn và sẽ liên hệ tư vấn cụ thể về tình trạng của bạn nhé!.
Thông tin đến bạn!
Tôi cần tư vấn chữa viêm tuyến tiền liệt. Cám ơn !