Bệnh chốc lở là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Chốc lở là căn bệnh ngoài da phổ biến, thưởng ảnh hưởng đến trẻ em ở trẻ em. Bệnh có thể khiến da bị nổi bọng nước, hình thành các vết trợt đau đớn. Bệnh lý này cần điều trị sớm và đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh chốc lở là gì? 

Chốc lở là một dạng nhiễm trùng nông ngoài da gây ra bởi vi khuẩn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo chiếm tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn cả.

Bệnh xuất hiện gây ra những bọng nước hoặc vết trợt loét trên da. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ngứa ngáy, đau nhức, thậm chí để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.

Chốc lở là bệnh gì
Chốc lở là một trong những căn bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây bệnh chốc lở 

Nguyên nhân gây bệnh chốc được xác định là một trong hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes gây ra. Bình thường, các loại vi khuẩn này tồn tại trên cơ thể mà không gây hại. Tuy nhiên đôi khi vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng và hình thành bệnh chốc theo nhiều cách thức khác nhau.

Vi khuẩn gây chốc thường xâm nhập vào các vết thương hoặc vết trầy xước trên da. Ngoài ra, bệnh chốc cũng phát triển thứ phát sau khi mắc các căn bệnh như viêm da, bệnh chàm, ghẻ ngứa… do ràng rào bảo vệ da bị tổn thương.

Đối với trẻ em, bệnh chốc xảy ra do vi khuẩn tấn công vào vết cắt hoặc vết đốt côn trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng xảy ra mà không tìm thấy bất cứ tổn thương nào rõ ràng trên da.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hệ miễn dịch suy giảm: Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân được hóa trị ung thư… dễ bị vi khuẩn tấn công do sức đề kháng yếu.
  • Tuổi tác: Trẻ em, đặc biệt là các bé từ 2 – 5 tuổi chiếm tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất.
  • Môi trường sống và làm việc: Bệnh có khả năng lây lan nhanh ở những nơi tập trung đông người, chẳng hạn như trường học, các cơ quan, xí nghiệp…
  • Thời tiết: Khí hậu ấm áp và ẩm ướt chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh. Chính vì điều này mà nhiều người thường bị chốc lở vào mùa hè.
  • Da bị nứt nẻ: Các vết nứt trên da chính là con đường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Tham gia các môn thể thao da kề da: Những người chơi bóng đá hoặc đấu vật thường phải tiếp xúc da kề da trong khi thi đấu. Nếu tiếp xúc với khu vực tổn thương của người bệnh thì người còn lại cũng có nguy cơ bị chốc lở cao.

Tham khảo: Hình ảnh bệnh chốc lở ở trẻ em và người lớn giúp nhận biết sớm

Dấu hiệu bệnh chốc lở

Dấu hiệu chung:

Dấu hiệu bệnh chốc lở thường xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Mụn nước nhỏ, mọc thành đám, có thể có đường kính từ 2 – 5mm.
  • Mụn nước nhanh chóng vỡ ra, để lại vết trợt nông, có màu đỏ hoặc hồng.
  • Vết trợt khô lại và đóng vảy màu mật ong.
  • Vùng da xung quanh vết trợt có thể bị sưng đỏ và ngứa.

Bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở mặt, cổ, cánh tay và chân.

Dấu hiệu của bệnh chốc lở
Da nổi nhiều mụn nước trên nền đỏ là một trong các triệu chứng của bệnh chốc lở

Biểu hiện nhận biết theo dạng chốc lở:

Bệnh chốc lở được chia thành nhiều dạng khác nhau. Với mỗi dạng bệnh thì sẽ có dấu hiệu nhận biết riêng như:

  • Bệnh chốc lở truyền nhiễm:

Hầu hết mọi người đều mắc dạng chốc lở này. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực gần mũi miệng với tổn thương ban đầu là những vết trợt đỏ. Khi vỡ ra, những vết trợt này tiết dịch, mủ rồi đóng vảy màu vàng nâu. Tổn thương thường không gây đau nhưng có thể ngứa. Ngoài ra, bệnh có thể khiến các hạch bạch huyết gần đó bị sưng. 

Chốc lở truyền nhiễm có thể dễ dàng lây lan sang các khu vực khác của da. Khi được điều trị khỏi, nó để lại một vết màu hồng trên da nhưng không gây sẹo.

  • Chốc lở bọng nước:

Dạng bệnh này thường được tìm thấy ở trẻ nhỏ trên 2 tuổi, ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực cánh tay, hai chân hoặc lưng. Tổn thương là những bọng nước chứa đầy dịch, có ranh giới đỏ, có thể khiến trẻ bị đau, ngứa nhiều nhưng không có vết trợt. 

Các bọng nước có kích thước to nhỏ khác nhau. Khi vỡ ra bề mặt mụn nước sẽ khô lại và đóng vảy tiết màu vàng.

  • Chốc loét (ecthyma):

Đây là dạng chốc lở nghiêm trọng nhất. Bệnh không gây bọng nước nhưng lại hình thành lên nhiều vết trợt loét ở khu vực tổn thương dẫn đến đau, tiết nhiều dịch và mủ. Tổn thương ăn sâu vào tận lớp hạ bì da và tạo thành một ổ loét sâu, rộng. Khi vỡ, vết loét đóng vảy màu xám vàng. Tình trạng này có thể gây sưng hạch bạch huyết và để lại sẹo nếu không được điều trị tốt.

Tham khảo: Chốc lở thể mủ là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Bệnh chốc lở có lây không?

Chốc lở là căn bệnh có thể lây lan. Mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi khi để vết thương hở trên da tiếp xúc với vết loét hoặc chạm vào đồ dùng cá nhân có chứa dịch tiết của người bị bệnh, ví dụ như ga giường, quần áo, khăn tắm hay thậm chí cả đồ chơi của người bệnh.

Các dấu hiệu của bệnh thường chỉ biểu hiện ra bên ngoài sau 4 – 10 ngày kể từ khi bị nhiễm khuẩn. Trong khoảng thời gian đó, do các dấu hiệu bệnh chữa rõ ràng, do đó một cá nhân có thể lây bệnh cho người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ, vết loét ở vùng da bị ảnh hưởng vẫn có thể lây lan bệnh cho đến khi nó ngừng tiết dịch và khô lại.

Đối với các trường hợp dùng thuốc kháng sinh theo đường uống, nhiễm trùng thường không có khả năng lây lan sau khoảng 24 – 48 giờ kể từ khi dùng thuốc.

Bệnh chốc lở có nguy hiểm không?

Chốc lở là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ từ vết thương hoặc qua tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Thông thường, tình trạng này không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được điều trị bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Biến chứng của bệnh chốc lở
Nhiễm trùng máu là biến chứng nguy hiểm của bệnh chốc lở

Các biến chứng của bệnh chốc lở bao gồm:

  • Chàm hóa da: Khi chốc lở tái đi tái lại nhiều lần, bề mặt da phát triển thêm nhiều mụn nước mới gây chàm hóa.
  • Viêm mô tế bào : Nếu vi khuẩn S. Aureus nhân lên và lan vào các lớp da sâu hơn, chúng có thể gây viêm mô tế bào. Lúc này da thường có biểu hiện đỏ, viêm, đau nhức và có thể bị sốt.
  • Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong máu gây nhiễm trùng huyết. Bạn cần đề phòng với biến chứng này khi gặp các dấu hiệu như sốt, thở gấp, nôn ói, lú lẫn, chóng mặt. Trường hợp này cần nhập viện ngay lập tức để được xử lý cấp cứu kịp thời, tránh chần chừ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
  • Sốt phát ban: Bạn có thể bị sốt phát ban nếu bị chốc lở do nhiễm Streptococcus pyogenes. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng sốt kéo dài, da nổi mẩn đỏ khắp cơ thể. Một số trường hợp có cảm giác buồn nôn, ói mửa, đau nhức mình mẩy.
  • Bệnh vẩy nến thể giọt: Còn được gọi là bệnh vẩy nến Guttate. Biến chứng này phổ biến hơn cả ở trẻ em và thanh thiếu niên sau đợt nhiễm trùng cổ họng. Bệnh gây phát triển các mảng da đỏ hình tròn hoặc hình bầu dục trên bề mặt da ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Ngoài ra, da còn có thể xuất hiện các bóng nước chứa mủ bên trong.
  • Viêm cầu thận sau liên cầu khuẩn: Là tình trạng xảy ra do vi khuẩn, vi trùng tấn công vào các mạch máu nhỏ ở thận khiến nước tiểu trở nên sẫm màu, tăng huyết áp. Mặc dù biến chứng này rất hiếm gặp nhưng nó có thể gây tử vong cho người lớn. Người bệnh cần tiến hành nhập viện ngay và theo dõi huyết áp thường xuyên.

Phương pháp điều trị bệnh chốc lở

Để chữa chốc lở, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh theo đường uống hoặc thuốc bôi ngoài da. Ngoài ra, có thể kết hợp với các biện pháp tự nhiên để đẩy nhanh tốc độ chữa lành da.

1. Dùng thuốc chữa bệnh chốc lở

Để điều trị bệnh chốc lở bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh. Thuốc có thể được sử dụng ở dạng bôi trực tiếp hoặc dùng thông qua đường uống.

Thuốc kháng sinh đường bôi:

Kháng sinh đường bôi được sử dụng để điều trị các triệu chứng chốc lở nhẹ. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Mupirocin
  • Retapamulin
  • Ozenoxacin
Thuốc chữa bệnh chốc lở
Để điều trị bệnh chốc lở, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh bôi ngoài da

Thuốc kháng sinh đường uống:

Thuốc kháng sinh đường uống được chỉ định để điều trị các trường hợp chốc lở nặng hoặc chốc lở lan rộng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Amoxicillin và clavulanic acid
  • Cephalosporin
  • Penicillin

Liều lượng và cách sử dụng thuốc kháng sinh được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Đôi khi thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ chẳng hạn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phát ban. Thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy các tác dụng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh chốc lở dùng thuốc gì nhanh khỏi? (Thuốc Bôi & Uống)

2. Khắc phục bệnh chốc lở bằng mẹo tự nhiên

Bên cạnh thuốc kháng sinh, một số biện pháp chữa bệnh chốc lở tại nhà có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và đẩy nhanh hiệu quả điều trị của thuốc:

  • Nha đam:

Chiết xuất nha đam có thể chống lại vi khuẩn Staphylococcus aureus – nguyên nhân gây bệnh chốc lở. Ngoài ra, nha đam còn giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da do căn bệnh này gây ra.

Người bệnh có thể lấy gel lô hội thoa trực tiếp lên khu vực da cần điều trị hoặc sử dụng các sản phẩm kem bôi chứa chiết xuất lô hội.

  • Hoa cúc:

Chiết xuất hoa cúc có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng da do Staphylococcus. Người bệnh có thể sử dụng trà hoa cúc để rửa vết loét giúp giảm viêm, làm mát da.

  • Tỏi: 

Tỏi đã được biết đến với tác dụng chống vi khuẩn, vi rút và nấm nhờ chứa nhiều hoạt chất kháng sinh allicin. Đối với người bị chốc lở, nó có thể giúp ức chế cả hai chủng vi khuẩn gây bệnh.

Người bệnh có thể cắt tỏi thành những lát mỏng đắp trực tiếp lên vết loét chốc nở hoặc ép nước cốt tỏi thoa vào tổn thương. Tránh sử dụng tỏi cho trẻ nhỏ, vì nó có thể gây kích ứng da.

Cách điều trị bệnh chốc lở bằng tỏi
Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, thường được sử dụng để điều trị chốc lở
  • Mật ong:

Mật ong hoạt động như một chất kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có cả chốc lở. Người bệnh có thể lấy mật ong nguyên chất bôi lên chỗ da bị bệnh. Để yên trong 20 phút rồi rửa sạch da bằng nước ấm.

Lưu ý khi điều trị chốc lở bằng phương pháp dân gian:

  • Có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà trên để giảm triệu chứng. Tuy nhiên chúng chỉ nên được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho kháng sinh và các thuốc điều trị khác.
  • Trước khi thực hiện, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tham vấn xem liệu chúng có thích hợp với tình trạng bệnh của mình hay không. Điều này cũng đặc biệt cần thiết khi áp dụng điều trị chốc lở cho trẻ em và trẻ sơ sinh.
  • Trong quá trình chữa trị tại nhà, nếu nhận thấy các triệu chứng chốc lở vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.

Tìm hiểu thêm: Các bài thuốc dân gian chữa chốc lở hiệu quả dễ kiếm

3. Điều trị hỗ trợ 

Ngoài việc sử dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị chốc lở sau:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
  • Giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo.
  • Bôi kem kháng khuẩn lên vết thương.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Tránh gãi vết thương.

Cách phòng ngừa chốc lở

Để phòng ngừa chốc lở, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, khi tiếp xúc với người bị chốc lở.
  • Tránh tiếp xúc với người bị chốc lở. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy đeo găng tay và rửa tay sau khi tiếp xúc.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị chốc lở, bao gồm quần áo, khăn tắm, khăn mặt, đồ chơi.
  • Giữ da khỏe mạnh bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ cho da mềm mại và khỏe mạnh.
  • Che chắn vết thương trên da hoặc vết côn trùng cắn để bảo vệ khu vực này khỏi vi khuẩn gây chốc lở.
  • Giữ móng tay sạch sẽ và cắt ngắn để tránh làm trầy xước da và hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
  • Không chạm hoặc gãi vết loét hở, điều này có thể làm cho vết thương nặng hơn và lây lan vi khuẩn.
  • Giặt tất cả những thứ tiếp xúc với vết chốc lở trong nước nóng và thuốc tẩy quần áo để tiêu diệt vi khuẩn.

Chốc lở là bệnh da liễu phổ biến, có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như mụn nước nhỏ, mọc thành đám, có thể vỡ ra và để lại vết trợt nông. Trong hầu hết các trường hợp, chốc lở đáp ứng tốt điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.

Tham khảo thêm: 

Ngày đăng 08:08 - 30/10/2023 - Cập nhật lúc: 11:23 - 30/10/2023
Chia sẻ:
Bệnh chốc lở dùng thuốc gì nhanh khỏi? (Thuốc Bôi & Uống)
Thuốc trị chốc lở được chỉ định để tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn gây bệnh, từ đó kiểm soát các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục…
Bệnh chốc mép là gì? Cách chữa trị tại nhà + thuốc

Bệnh chốc mép là bệnh nhiễm trùng da phổ biến và rất dễ lây lan. Bệnh chủ yếu xuất hiện…

bệnh chốc ở trẻ em Bệnh chốc ở trẻ em: Cách nhận biết và điều trị tận gốc

Bệnh chốc ở trẻ em gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng…

Chốc lở thể mủ là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Chốc lở thể mủ là một dạng của bệnh chốc lở, được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các…

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi?

Bệnh chốc lở bao lâu thì khỏi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ…

Hình ảnh bệnh chốc lở ở trẻ em và người lớn giúp nhận biết sớm

Dựa vào hình ảnh bệnh chốc lở sẽ giúp người bệnh sớm nhận biết bệnh và có hướng điều trị…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua