6 Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà phục hồi nhanh

Chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ tại nhà đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể người bệnh. Bệnh nhân đột quỵ cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt, tại một môi trường chuyên biệt, trong đó nhà sẽ là nơi hồi phục tốt nhất có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hồi phục của bệnh nhân. Sau đây là một số cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà giúp bệnh nhân nhanh phục hồi, có thể sớm thực hiện các hoạt động sống cơ bản và sớm tái hòa nhập cộng đồng. 

Các biến chứng thường xảy ra với người đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong cao, nếu có thể sống sót sau cơn đột quỵ thì di chứng mà căn bệnh này để lại cũng vô cùng nghiêm trọng. Nếu người bệnh được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, được sớm đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời thì mức độ nghiêm trọng của biến chứng cũng sẽ giảm đi đáng kể. Trong đột quỵ, vai trò của người chăm sóc hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình hồi phục chức năng của bệnh nhân.

Bệnh nhân đột quỵ cần được chăm sóc đúng cách để hồi phục tốt nhất
Bệnh nhân đột quỵ cần được chăm sóc đúng cách để hồi phục tốt nhất

Sau khi cơn đột quỵ qua đi, người bệnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề về sức khỏe. Nhiều người bệnh còn mất đi khả năng thực hiện các hoạt động cơ bản. Những vấn đề có thể xảy ra sau cơn đột quỵ thường gặp là:

  • Suy giảm chức năng cơ thể: Sau cơn đột quỵ, chức năng cơ thể của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể, nhẹ thì người mệt mỏi, uể oải, giảm vận động, cơ yếu đi gặp trở ngại trong việc giữ thăng bằng, nặng thì có thể bị liệt nửa người, chỉ có thể nằm bất động một chỗ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề như tầm nhìn thay đổi, hay bị đau đầu, hoa mắt, giảm hoặc mất thị lực ở 1 hoặc 2 mắt. Các chi bị co cứng không thể vận động, mất khối cơ hoặc co cứng cơ, khó khăn trong việc kiểm soát ruột, bàng quang dẫn đến tiểu tiện không tự chủ. 
  • Rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giao tiếp: Bệnh nhân thường bị chứng mất ngôn ngữ, có thể hiểu lời nói nhưng lại không thể diễn đạt thành lời, gặp khó khăn trong việc nói, viết, đọc. Đặc biệt, còn có nhiều trường hợp thậm chí không thể hiểu được những gì người khác nói trong giao tiếp thường ngày. 
  • Thay đổi hành vi: Do tổn thương não nghiêm trọng nên nhiều người bệnh thường trở nên vô cùng chậm chạp, quá cẩn thận đề phòng hoặc hành động vô tổ chức. Nếu bệnh nhân bị tổn thương não trái thì thường trở nên lo lắng, do dự, không kiên quyết khác hoàn toàn với các ứng xử trước đây. Nếu tổn thương não phải thì sẽ khiến họ trở nên bốc đồng, nóng vội hơn. 
  • Suy giảm trí nhớ và tư duy: Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ là một trong những vấn đề thường xảy ra ở người đột quỵ. Đặc biệt, nếu đột quỵ làm ảnh hưởng đến vùng não phải, bệnh nhân dễ gặp các rối loạn về không gian –  nhận thức, không nhận biết được phía bên trong – bên ngoài, mặt trái – mặt phải, không thể viết các chữ cái và con số, thậm chí còn không thể xác định được mình đang đứng hay đang ngồi. 
  • Thay đổi cảm xúc: Theo thống kê, có khoảng 30% người sau đột quỵ bị trầm cảm, bệnh không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm suy kiệt tinh thần của người bệnh. Sau cơn đột quỵ, người bệnh thường trở nên cáu kỉnh, khó kiềm chế cảm xúc, dễ bị lo âu, mệt mỏi. Có những trường hợp có thể cười và khóc đột ngột, hay xảy ra về đêm, cũng có nhiều người bệnh trở nên uể oải, thiếu kiên nhẫn khi nghĩ mình trở thành gánh nặng, không thể suy nghĩ lạc quan. 

Những vấn đề cần quan tâm khi chăm sóc người đột quỵ

Trước khi đi vào tìm hiểu cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà, trước hết chúng ta cần nắm được các vấn đề quan trọng, không thể bỏ qua khi chăm sóc người bệnh. Các vấn đề bạn cần biết bao gồm:

  • Cần nắm được các thông tin về tình trạng bệnh và thuốc men: Người chăm sóc cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để tìm hiểu tình trạng sức khỏe của người bệnh, những vấn đề có thể xảy ra sau cơn đột quỵ. Đồng thời cũng nắm được toa thuốc, cách sử dụng, tác động của từng loại thuốc, trao đổi ngay với bác sĩ nếu có xảy ra các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc để được điều chỉnh toa thuốc sao cho phù hợp.
  • Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến quá trình phục hồi sau đột quỵ: Các yếu tố này gồm mức độ tổn thương, vị trí đột quỵ, tình trạng sức khỏe, những vấn đề cần chú ý trong từng giai đoạn phục hồi của bệnh nhân, khả năng di chuyển của người bệnh nhằm giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất.
  • Nắm được cách giảm nguy cơ đột quỵ tái phát: Người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao. Do đó, người thân cần nắm được cách chăm sóc phù hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cho người bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Tìm hiểu về cách cải thiện vận động: Bệnh nhân đột quỵ cần được vận động sớm và thường xuyên, đặc biệt là trong 3 – 6 tháng đầu tiên. Trong giai đoạn này, người chăm sóc sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Sau khi được hướng dẫn của bác sĩ, chuyên viên trị liệu, người chăm sóc sẽ là người trực tiếp đồng hành cùng người bệnh trong quá trình hồi phục. Mỗi giai đoạn sẽ có những phương pháp hỗ trợ vận động khác nhau, do đó chúng ta nên thường xuyên trao đổi, tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chi tiết nhất. 
  • Phát hiện trầm cảm kịp thời: Trầm cảm, rối loạn lo âu rất hay xảy ra ở bệnh nhân đột quỵ trong quá trình hồi phục. Do đó, người chăm sóc nên sớm phát hiện để kịp thời điều trị và có hướng chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân, nhất là khi người bệnh trở nên uể oải, chán nản, rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú, cảm thấy tuyệt vọng vào cuộc sống… 

6 Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà hồi phục nhanh

Để giúp bệnh nhân có thể hồi phục nhanh và tốt nhất sau cơn đột quỵ, chúng ta cần chú ý hơn trong việc chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng. Điều này sẽ giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động đơn giản, đồng thời bảo vệ họ trước những vấn đề y tế mới như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, tổn thương phổi, chấn thương do ngã, loét tì đè do nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài…

Có nhiều vấn đề cần lưu ý trong cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Có nhiều vấn đề cần lưu ý trong cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

Nhằm giúp người bệnh có thể phục hồi tốt nhất, sau đây là một số cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà hiệu quả, hồi phục nhanh mà bạn có thể tham khảo:

1. Chăm sóc phòng ngừa biến chứng hô hấp 

Người bị đột quỵ hay bị tê cứng lưỡi, bị méo miệng làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai. Điều này gây ra một số vấn đề như sặc, tắc thức ăn, khó khăn trong việc nhai nuốt, nếu không được chăm sóc đúng cách có thể khiến vật lạ dễ đi xuống phổi, làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Các biến chứng về hô hấp hay gặp ở bệnh nhân sau đột quỵ thường là:

  • Viêm phổi (chiếm 5 – 22%): thường là do tuổi tác, bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, suy tim, suy thận, rối loạn vận động ngôn ngữ, tàn phế suy giảm nhận thức sau đột quỵ, liệt mặt, rối loạn phản xạ nuốt, rối loạn phản xạ nắp thanh môn, suy giảm chức năng dạ dày, thực quản, thở máy hỗ trợ kéo dài. Được biết, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong vì biến chứng hô hấp liên quan đến viêm phổi sau đột quỵ.
  • Phổi tắc nghẽn mạn tính: Khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường nằm bất đột trên giường, phải thở máy, đờm rãi ứ trệ… dẫn đến gia tắc nguy cơ bị tắc nghẽn phổi mạn tính, suy hô hấp khiến bệnh trở nặng. Các biến chứng thường gặp là tràn khí màng phổi, bội nhiễm phổi phế quản, suy hô hấp… 
  • Các biến chứng về hô hấp khác: Các biến chứng khác cần phòng ngừa, chú ý là rối loạn kiểu thở và hội chứng ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân đột quỵ… Người chăm sóc cần chú ý hơn các vấn đề này để làm giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Để phòng ngừa biến chứng hô hấp và chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, trước tiên người chăm sóc nên nắm được các biến chứng này để có cách xử lý, phòng ngừa phù hợp. Đồng thời, cần chú ý hơn trong việc chăm sóc, tốt nhất nên:

  • Loại bỏ các vật thể lạ, đờm dãi trong miệng của bệnh nhân đột quỵ để tránh họ nuốt phải và đảm bảo đường thờ luôn được thông khí, không bị tắc nghẽn
  • Thường xuyên thay đổi tư thế, giúp bệnh nhân lăn, trở người khoảng 1.5 – 2 tiếng/lần đối với trường hợp người bệnh nằm liệt giường
  • Người bị đột quỵ không nên cho nằm ngửa người hoàn toàn, tư thế này khiến quá trình lưu thông không khí bị ảnh hưởng và cũng tác động không tốt đến hoạt động nhai nuốt thức ăn của bệnh nhân. Nên cho người bệnh nằm nghiêng 1 bệnh, nếu nằm ngửa thì chỉ nằm trong thời gian ngắn, đầu cần được kê cao
  • Tập vận động thụ động cho bệnh nhân nếu bệnh nhân không thể tự vận động, hướng dẫn người bệnh thường xuyên thực hiện các bài tập thở… 

2. Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà hồi phục vận động

Theo các bác sĩ chuyên khoa, vận động sớm là cách thúc đẩy quá trình hồi phục tốt nhất cho bệnh nhân. Tùy vào tình trạng sức khỏe, dạng đột quỵ, mức độ tổn thương não mà thời gian bắt đầu vận động sau đột quỵ sẽ khác nhau, có thể ngay sau khi nhập viện 24 giờ hoặc muộn nhất là sau 3 – 5 ngày. Vận động được chứng minh là mang đến hiệu quả tốt trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi của người bệnh. Người bị đột quỵ cần được vận động thường xuyên, đều độ trong 3 – 6 tháng đầu tiên là tốt nhất.

Vận động sớm rất cần thiết trong quá trình hồi phục của người sau đột quỵ
Vận động sớm rất cần thiết trong quá trình hồi phục của người sau đột quỵ

Để giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động, người thân có thể áp dụng cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà về vận động như sau:

  • Khi bệnh nhân được đưa về nhà tiếp tục chăm sóc, người bệnh vẫn cần tiếp tục được luyện tập vận động và phải vận động càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, người chăm sóc cần nắm được thời điểm nên bắt đầu và thời điểm ngừng phù hợp. Nếu bệnh nhân có tình trạng đánh trống ngực, hụt hơi thì cần ngừng vận động, bắt đầu lại khi bệnh nhân đã ổn định, không nên khiến người bệnh vận động quá sức. 
  • Ở giai đoạn bệnh nhân còn nằm trên giường, nên bắt đầu các bài tập thay đổi tư thế nằm như tư thế nằm cao đầu, tư thế nằm ngửa kê gối cao, nằm nghiêng sang bên lành, nằm nghiêng sang bên liệt. Sau đó tập lăn về bên lành, lăn về bệnh liệt, tập giơ tay, hạ tay
  • Sau khi tập lăn trở thì tiến hành tập chuyển từ thế từ nằm sang ngồi, bắt đầu từ tư thế ngồi thẳng lưng có hỗ trợ, tập thăng bằng ngồi với bóng, tập dồn trọng lượng với người trợ giúp, tập dồn trọng lượng độc lập, tập thăng bằng độc lập. Tập làm mạnh cơ bằng cách gập duỗi, nghiêng phải nghiêng trái, xoay người, tăng áp lực lên bàn chân liệt… 
  • Sau đó sẽ lần lượt chuyển sang các bài tập chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, tập di chuyển, tập lên xuống cầu thang. Việc luyện tập vận động của người bệnh sau đột quỵ cần được tiến hành và tăng dần mức độ một cách từ từ, vừa sức. Có thể cho người bệnh luyện tập với tạ hoặc tập đạp xe tại chỗ theo mức độ từ nhẹ nhàng đến nặng để nhằm tăng sức mạnh của cơ, hỗ trợ hồi phục chức năng vận động. 

Vận động sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục chức năng của người bị đột quỵ. Vận động càng muộn thì mức độ hồi phục càng kém, do đó, người chăm sóc cần tìm hiểu thật cẩn thận cách hồi phục khả năng vận động phù hợp, tốt nhất cho từng giai đoạn sau đột quỵ. 

3. Cách chăm sóc vệ sinh cá nhân cho người bệnh 

Việc vệ sinh cá nhân cũng chiếm một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe người bị đột quỵ, nhất là đối với những trường hợp bị liệt, co cứng cơ, mất khả năng vận động, phải nằm ngồi yên một chỗ. Trong quá trình chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người bị đột quỵ, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Người chăm sóc nên giúp bệnh nhân đánh răng đánh răng đều đặn, thường xuyên ít nhất 2 lần/ngày để làm sạch răng miệng, bảo vệ sức khỏe răng miệng. Có thể dùng nước muối pha loãng cho người bệnh súc miệng hoặc chọn các loại nước súc miệng không chứa cồn để làm sạch miệng sau khi ăn. 
  • Đối với những người chỉ có thể ngồi, nằm một chỗ, cần được thường xuyên lăn trở, lau người, thay đổi tư thế nằm để tránh nguy cơ loét tì đè, viêm loét da hay viêm đường tiết niệu… 
  • Khi tắm rửa cho bệnh nhân đột quỵ, cần lưu ý phải tắm nước ấm, nhiệt độ thích hợp là từ 37 – 45 độ C, phòng tắm cần kín gió, sàn tắm sạch sẽ, nên được lát gạch chống trơn và không nên tắm quá 7 phút nhất là không tắm vào buổi tối. 
  • Để thuận tiện hơn trong việc chăm sóc người đột quỵ, nên hướng dẫn người bệnh một số khẩu lệnh cần thiết, nhất là khi người bệnh có nhu cầu đi vệ sinh để được hỗ trợ kịp thời. 

4. Cách chăm sóc tâm lý cho người bị đột quỵ

Theo thống kê, có khoảng 30 – 50% trường hợp người bệnh rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm trong những năm bị đột quỵ đầu tiên. Trầm cảm làm hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến quá trình hồi phục chức năng và làm tăng nguy cơ tử vong sau đột quỵ lên đến 10 lần. Các vấn đề về tâm lý thường gặp ở người đột quỵ thường là:

  • Rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng loạn, hay xuất hiện ở 25% người bệnh đột quỵ
  • Rối loạn cảm xúc giả hành hay xuất hiện ở những người bị đột quỵ tái phát nhiều lần, đặc trưng bởi sự thể hiện cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh
  • Một số thay đổi cảm xúc khác: Thường người bệnh đột quỵ có thể trở nên sống nội tâm, dễ thay đổi tính tính, dễ bực bội, tự ti mặc cảm lo sợ phải dựa dẫm người khác suốt đời, thiếu kiên nhẫn khi thực hiện mọi việc… 

Các vấn đề về tâm lý, cảm xúc của người bệnh cần được quan tâm và chú trọng hơn. Không nên xem họ như một đứa trẻ, càng không nên khiến họ có cảm giác mình trở thành gánh nặng, tốt nhất phải tạo được tâm lý thoải mái, lạc quan để người bệnh có thể phục hồi tốt nhất vài tái hòa nhập xã hội. Nên thường xuyên động viên, lắng nghe, khích lệ người bệnh, chú ý chăm sóc đến đời sống tinh thần để người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn, có thể khuyến khích họ tham gia các hoạt động như tạo nhạc, tô tranh, chơi ô chữ… 

5. Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà về dinh dưỡng 

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi, cải thiện sức khỏe của người bị đột quỵ. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, các dưỡng chất cần thiết, tốt cho sự hồi phục sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, nâng cao đề kháng đáng kể, từ đó chống chọi tốt hơn với bệnh tật.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hồi phục của người đột quỵ
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hồi phục của người đột quỵ

Thông thường, nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ như sau: 

  • Nhu cầu năng lượng: Bệnh nhân cần được cung cấp 25 – 30 kcal/kg cân nặng/kg, như vậy với người có cân nặng trung bình là 50 – 55kg thì cần khoảng 1200 – 1500 kcal. Khi bổ sung năng lượng cho cơ thể, đối với người bị đột quỵ, tốt nhất nên giảm năng lượng từ nhóm tinh bột và chất béo.
  • Nhu cầu chất đạm: Đối với người bị đột quỵ, chất đạm cần cung cấp là 1g/kg theo cân nặng/ngày, với người cân nặng trung bình từ 50 – 55kg thì cần khoảng 50 – 60g/ngày. Trường hợp người bệnh gặp các vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, suy thận, suy gan.. cần điều chỉnh lượng đạm phù hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 
  • Nhu cầu vitamin và khoáng chất: Tuyệt đối không nên bỏ qua vitamin và khoáng chất khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị đột quỵ. Vitamin và khoáng chất đặc biệt là vitamin E, C giúp chống oxy hóa, selen giúp chống oxy hóa, ngừa phóng xạ, sắt và acid folic cần thiết để tạo máu… Tất cả các vitamin, khoáng chất đều cần thiết với cơ thể, do đó, cần đa dạng chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung chất xơ, nên bổ sung ít nhất 5 loại rau củ vào khẩu phần ăn hàng ngày. 

Ngoài ra, khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Nếu người bệnh còn ăn được nhưng bị rối loạn nuốt thì cần chọn thức ăn ấm, dễ nuốt, nên ăn và nuốt chậm, từ từ từng chút một. Thức ăn nên ở dạng dịch đặc sẽ giúp dễ nuốt hơn, nếu ăn thịt thì cần hầm thật nhừ hoặc chế biến thành các món ăn có nước sốt.
  • Đối với bệnh nhân được nuôi ăn qua ống thông dạ dày, khi bệnh nhân được xuất viện nhưng vẫn phải ăn qua ống thông thì gia đình cần được hướng dẫn chi tiết cách chế biến, cách xử trí các vấn đề thường gặp. Nên dùng các sản phẩm chế biến công nghiệp như sữa, bột dinh dưỡng có độ dinh dưỡng cao, lượng thức ăn nên từ 250 – 300ml ở mỗi cữ, bắt đầu từ lượng ít và tăng dần lên, đảm bảo liều lượng mỗi ngày là 1200 – 1500 kcal/ngày. 
  • Tùy vào khả năng tiêu hóa của người bệnh mà chúng ta có cách chế biến phù hợp, nên tham khảo ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ trước khi cho bệnh nhân ăn/uống. 

6. Sử dụng thuốc và tái khám 

Bên cạnh các cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà đã đề cập, một vấn đề không thể bỏ qua mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đó là việc sử dụng thuốc và tái khám cho bệnh nhân. Thuốc điều trị sau đột quỵ cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, trường hợp trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường, nghi ngờ liên quan đến tác dụng phụ của thuốc thì cần thông báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh loại thuốc điều trị phù hợp. 

Cần cho người bệnh dùng thuốc theo toa của bác sĩ với thời gian và liều lượng phù hợp. Ngoài ra, cũng cần đưa người bệnh tái khám định kỳ theo lịch hẹn để kiểm tra sức khỏe, mức độ hồi phục. Việc uống thuốc theo đơn, tái khám khi hết thuốc hoặc khi có các dấu hiệu bất thường rất cần thiết, không chỉ giúp bệnh nhân có thể hồi phục tốt hơn mà còn giúp phòng ngừa đáng kể nguy cơ bệnh tái phát. 

Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ 

Chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, nhất là những bệnh nhân gặp phải các di chứng nghiêm trọng tương đối vất vả. Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tử vong cao nếu không được chăm sóc đúng cách. Do đó, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi chăm sóc, cần đảm bảo bệnh nhân tuân thủ đúng chương trình điều trị và dùng thuốc đúng thời gian, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân ngưng thuốc, không thay đổi liều lượng của thuốc, thông báo ngay khi bệnh nhân có triệu chứng bất thường. 
  • Bên cạnh việc khuyến khích bệnh nhân vận động, nên thường xuyên giúp họ xoa bóp chân tay để tăng cường lưu thông khí huyết, giảm nguy cơ thiếu máu cho các chi và nguy cơ viêm da, lở loét khi phải nằm quá lâu
  • Người bị đột quỵ rất nhạy cảm, khó kiểm soát cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng về tinh thần. Do đó, cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi về tâm lý, hành vi, thái độ của người bệnh. Nếu có vấn đề bất thường, hãy thông báo ngay cho bác sĩ và lên kế hoạch để can thiệp kịp thời. 
  • Nên chọn giường nằm thích hợp cho người bị đột quỵ, với người bị liệt chi nên chọn giường và đệm bằng phẳng, cần thiết kế thêm thanh chắn để ngừa bệnh nhân té ngã. 
  • Nơi ở của bệnh nhân nên được dọn dẹp sạch sẽ, loại bỏ các vật dụng không cần thiết, không gian thư giãn, thoải mái, thoáng đãng để tạo điều kiện tốt nhất về tinh thần và thúc đẩy hồi phục sức khỏe cho người bệnh. 
  • Lưu ý về cách xử các vấn đề xảy ra trong quá trình chăm sóc người bệnh như xử lý biến chứng liệt nửa người giai đoạn đầu, xử lý phòng ngừa các biến chứng hay xảy ra khi đột quỵ… 

Nhìn chung, có thể thấy, có nhiều cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà và nhiều vấn đề mà chúng ta cần lưu ý. Người chăm sóc đóng vai trò hết sức quan trọng, hỗ trợ rất nhiều trong quá trình hồi phục của người bị đột quỵ. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn nắm được cách chăm sóc phù hợp, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn. 

Có thể bạn quan tâm:

Ngày đăng 13:24 - 10/12/2022 - Cập nhật lúc: 17:13 - 03/01/2023
Chia sẻ:
Viên uống hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ của Đức GinkGo & Mehr Top 5 Viên Uống Chống Đột Quỵ Của Đức Có Hiệu Quả Tốt

Viên uống chống đột quỵ của Đức là một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến…

Viên uống hỗ trợ chống đột quỵ Hàn Quốc Samsung Geum Jee Hwan  5 Loại Thuốc Chống Đột Quỵ Hàn Quốc Có Review Tốt Nhất

Đột quỵ là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, nằm trong top những căn bệnh gây nguy cơ tử vong…

Kapilar có thể tăng cường sự dẻo dai của thành mạch, tăng hàm lượng cholesterol HDL trong cơ thể Viên Uống Chống Đột Quỵ Của Nga Được Tin Dùng Nhất

Sử dụng viên uống chống đột quỵ có thể cải thiện tuần hoàn não, ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện…

Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm, ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi Đột quỵ ở người trẻ là do đâu? Dấu hiệu và Cách ngăn chặn

Đột quỵ là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, từ độ tuổi 55 trở lên. Tuy nhiên, tình…

Sau đột quỵ nên ăn gì kiêng gì tốt cho sức khỏe là thắc mắc chung của nhiều người Đột Quỵ Nên Ăn Gì? 12+ Loại Thực Phẩm Tốt Cần Bổ Sung

Một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể hỗ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua