Hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh buồng trứng đa nang. Tuy nhiên bạn có thể cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của bệnh và tăng tỷ lệ mang thai bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc và phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng.

Buồng trứng đa nang có chữa được không?
Buồng trứng đa nang (hội chứng đa nang buồng trứng) là bệnh lý phụ khoa xảy ra do rối loạn nội tiết tố. Hội chứng này có mối liên hệ với nồng độ hormone androgen tăng cao, từ đó khiến nang trứng phát triển nhiều hơn bình thường nhưng khó phóng noãn (rụng trứng).
Vì vậy nữ giới bị đa nang buồng trứng thường gặp các vấn đề về kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, mất kinh nguyệt, đau bụng kinh, rong kinh,… Ngoài ra sự mất cân bằng hormone cũng có thể làm phát sinh một số triệu chứng khác như tăng cân mất kiểm soát, nổi mụn nhiều ở ngực, lưng, mặt, rậm lông, hói đầu, rụng tóc, khó ngủ và mất ngủ.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới. Ngoài ra nếu không kiểm soát tiến triển của bệnh, nữ giới có thể gặp vấn đề về ngoại hình, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Về vấn đề “Buồng trứng đa nang có chữa được không?” Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng khoa Sản phụ khoa tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thuốc dân tộc có giải đáp như sau:
“Buồng trứng đa nang là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Do không xác định được nguyên nhân và cơ chế gây bệnh nên hiện nay bệnh lý này vẫn chưa thể điều trị dứt điểm.
Tuy nhiên đa nang buồng trứng thường có tiến triển chậm và hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Vì vậy nếu can thiệp điều trị, bệnh nhân có thể cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ thụ thai. Trên thực tế, có hơn 80% nữ giới mắc hội chứng đa nang buồng trứng vẫn có khả năng mang thai và duy trì cuộc sống như bình thường.
Ngược lại các trường hợp chậm trễ trong quá trình chẩn đoán và điều trị có thể đối mặt với một số biến chứng như hói đầu, tiểu đường type II, tăng men gan, béo phì, di truyền cho thế hệ sau, vô sinh, hiếm muộn, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư nội mạc tử cung,…”
Các biện pháp điều trị đa nang buồng trứng
Mặc dù đa nang buồng trứng không thể điều trị hoàn toàn, tuy nhiên bạn vẫn có khả năng kiểm soát triệu chứng và tăng khả năng mang thai với những phương pháp sau:
1. Xây dựng lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh là yếu tố tác động trực tiếp đến tình trạng sức khỏe và tiến triển của hội chứng buồng trứng đa nang. Các chuyên gia cho biết, nữ giới có chế độ sống lành mạnh và khoa học có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và kiểm soát tốt các triệu chứng do hội chứng này gây ra.

Cách xây dựng lối sống lành mạnh cho bệnh nhân đa nang buồng trứng:
- Thường xuyên luyện tập thể dục, cần dành ít nhất 15 – 20 phút/ 3 lần/ tuần để thực hiện các bộ môn thể thao như cầu lông, đi bộ, chạy bộ, bơi lội và yoga nhằm kiểm soát cân nặng, điều hòa đường huyết, huyết áp và cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học bởi buồng trứng đa nang có thể làm tăng huyết áp, đường huyết và chất béo tích trữ bên trong gan. Vì vậy bạn nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, đạm, chất béo, gia vị và chất bảo quản.
- Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và một số đồ uống chứa cồn khác.
- Bổ sung đủ 2 – 3 lít nước/ ngày, thường xuyên ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc và các thực phẩm lành mạnh như sữa hạt, nấm, cá, trứng, sữa, thịt gà,…
- Không nên thức khuya, làm việc quá sức hoặc lo lắng, trầm cảm. Nên dành 7 – 8 giờ để ngủ và dành ít nhất 1 giờ để nghỉ ngơi hoặc thực hiện các hoạt động giúp giải phóng căng thăng như đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện cùng người thân,…
Với những trường hợp bị tăng cân đột ngột hoặc có chỉ số đường huyết/ huyết áp/ men gan thay đổi bất thường, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống thích hợp.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng trong điều trị buồng trứng đa nang phụ thuộc vào nhu cầu và triệu chứng của bệnh nhân. Một số loại thuốc có thể được chỉ định, bao gồm:

- Thuốc tránh thai: Nếu không có nhu cầu mang thai, bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai hoặc thực hiện một số biện pháp ngừa thai khác như vòng tránh thai, miếng dán ngừa thai,… nhằm ngăn chặn quá trình rụng trứng và cải thiện một số triệu chứng như mụn trứng cá, rậm lông,…
- Melformin: Thuốc được chỉ định với trường hợp đa nang buồng trứng do nồng độ insulin cao. Melformin có tác dụng giảm insulin, kiểm soát cân nặng, phòng ngừa bệnh tiểu đường và tăng khả năng mang thai.
- Clomiphene: Clomiphene ức chế hormone estrogen, kích thích quá trình rụng trứng nhằm điều hòa kinh nguyệt và tăng tỷ lệ thụ thai.
- Spironolactone: Loại thuốc này có tác dụng làm giảm nồng độ hormone androgen, từ đó làm giảm tình trạng rậm lông và cải thiện các triệu chứng khác của đa nang buồng trứng. Tuy nhiên khi sử dụng Spironolactone, bạn cần tránh mang thai vì thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc cải thiện triệu chứng như thuốc bôi trị mụn, thuốc chống rụng tóc,…
3. Phẫu thuật đốt điểm buồng trứng
Nếu triệu chứng không có cải thiện khi áp dụng các biện pháp trên, bác sĩ sẽ đề nghị đốt điểm buồng trứng. Phương pháp này được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi nhằm tạo ra các lỗ nhỏ trên nang trứng. Các lỗ nhỏ này giúp làm giảm mô đệm, ức chế hormone androgen và kích thích quá trình “rụng trứng”.

Phương pháp này có tác dụng từ 6 – 12 tháng tùy trường hợp. Tuy nhiên thực hiện đốt điểm buồng trứng thường xuyên có thể gây quá kích buồng trứng, mang đa thai và suy buồng trứng. Vì vậy bạn chỉ nên thực hiện phương pháp này trong trường hợp thực sự cần thiết.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bệnh buồng trứng đa nang có chữa được không” và đề cập đến một số biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng, ức chế tiến triển, ngăn ngừa biến chứng và tăng khả năng thụ thai cho bệnh nhân đa nang buồng trứng. Ngoài ra để được tư vấn rõ hơn về phương pháp điều trị, bạn nên chủ động thăm khám và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.
NHIỀU NGƯỜI CÙNG QUAN TÂM ĐẾN
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!