Các biến chứng của bệnh viêm amidan như áp xe amidan, viêm tai giữa, viêm xoang,… chỉ xuất hiện ở những trường hợp chậm trễ trong việc điều trị hoặc tự ý áp dụng các phương pháp khắc phục không phù hợp.

Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm amidan
Viêm amidan là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới độ tuổi dậy thì. Bệnh hình thành do vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập vào hạch lympho ở cổ họng, gây ra tình trạng viêm và nhiễm trùng.
Viêm amidan ban đầu khởi phát ở giai đoạn cấp tính. Việc điều trị trong giai đoạn này khá đơn giản, chủ yếu là sử dụng thuốc và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên tình trạng chủ quan và không tiến hành điều trị khiến bệnh diễn tiến kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
So với giai đoạn đầu, mãn tính là giai đoạn dai dẳng và khó điều trị hơn trước. Nếu không kiểm soát kịp thời, tác nhân gây nhiễm trùng amidan có thể lây lan sang các cơ quan khác và gây ra các ảnh hưởng nặng nề.
Dưới đây là một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu không điều trị viêm amidan kịp thời:
1. Áp – xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan là tình trạng sưng tấy và tụ mủ ở quanh amidan và thành bên họng. Đây là biến chứng thường gặp nhất của viêm amidan – đặc biệt viêm amidan hốc mủ.

Khi amidan bị áp xe, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng cấp tính có mức độ nghiêm trọng như sốt cao, nước tiểu ít, họng đau và rát dữ dội, đau nhói tai khi nuốt, hơi thở hôi,… Khối áp xe ở amidan có nguy cơ lây lan sang các cơ quan trong vòm miệng nếu không được khắc phục kịp thời.
2. Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản là bệnh nhiễm trùng cấp tính. Virus gây bệnh viêm amidan (virus cúm, adenovirus,…) có thể di chuyển, lây lan sang dây thanh và gây ra biến chứng này.
Viêm thanh khí phế quản đặc trưng bởi triệu chứng đau họng, khàn tiếng, khó thở, thở khò khè và không đều. Biến chứng này thường không nguy hiểm và có thể điều trị trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên nếu chủ quan và lơ là, bệnh có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng khác, bao gồm viêm phổi và viêm tai.
3. Viêm tai giữa
Tương tự như viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa cũng là một trong những biến chứng thường gặp của viêm amidan.
Tai mũi họng là các cơ quan có mối liên hệ mật thiết. Tình trạng nhiễm trùng ở amidan kéo dài có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào ống tai giữa và gây nhiễm trùng.

Nếu viêm tai giữa do virus, bệnh sẽ nhanh chóng khỏi trong 7 – 10 ngày. Tuy nhiên nếu nguyên nhân do vi khuẩn, bạn cần sử dụng kháng sinh và thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp không điều trị, viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển sang giai đoạn vỡ mủ và gây thủng màng nhĩ.
4. Viêm xoang
Tác nhân gây nhiễm trùng ở amidan có thể xâm nhập vào các xoang và gây ra tình trạng phù nề. Triệu chứng nhận biết biến chứng này là tình trạng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, nhức đầu, giảm khứu giác,…
Tuy nhiên bệnh lý thường không nghiêm trọng và đều có cải thiện tốt sau khi được điều trị.
5. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Khi tình trạng viêm sưng ở amidan trở nên nghiêm trọng, biến chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra – đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Trong trường hợp xảy ra biến chứng này, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt amidan để dự phòng các biến chứng nguy hiểm khác.
6. Khó khăn khi giao tiếp và ăn uống
Mức độ phù nề của amidan có thể trở nên nghiêm trọng nếu không điều trị đúng lúc. Lúc này amidan sẽ chặn ở cổ họng khiến bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp và ăn uống.
Biến chứng này xảy ra ở trẻ nhỏ còn làm gián đoạn quá trình phát triển ngôn ngữ và khả năng học tập của trẻ.
7. Các biến chứng khác
Ngoài các biến chứng nói trên, viêm amidan có thể gây ra các biến chứng xa như viêm tim, viêm thận, nhiễm khuẩn huyết và viêm khớp.
So với các biến chứng ở tai mũi họng, biến chứng xa ở tim, máu và khớp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc thậm chí gây tử vong.
Phòng ngừa các biến chứng của bệnh viêm amidan
Viêm amidan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu nghiêm túc trong quá trình điều trị, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn những biến chứng này.

Một số biện pháp phòng ngừa biến chứng do viêm amidan gây ra:
- Tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi các dấu hiệu của bệnh mới khởi phát.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không ngưng thuốc sớm hơn thời gian được yêu cầu.
- Kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm hỗ trợ quá trình chữa trị.
- Nếu bị viêm amidan quá phát hoặc mãn tính, bạn nên cân nhắc về việc phẫu thuật cắt bỏ amidan.
- Khi xuất hiện các biến chứng, cần chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn các phương pháp xử lý. Tuyệt đối không để tình trạng kéo dài và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Hầu hết các biến chứng của viêm amidan chỉ phát sinh ở những trường hợp không tiến hành điều trị. Với bệnh nhân thăm khám và khắc phục sớm, bệnh thường có chuyển biến tốt và dứt điểm trong khoảng 10 ngày.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!