Sốt phát ban là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Vậy bị sốt phát ban có nguy hiểm không? Bệnh lý này lây qua đường nào? là các vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Việc xác định mức độ nghiêm trọng và đường lây của bệnh sẽ giúp phụ huynh chủ động hơn trong việc điều trị – phòng ngừa cho con trẻ.

Bị sốt phát ban có nguy hiểm không ?
Sốt phát ban (Roseola) là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng sốt cao đi kèm với triệu chứng phát ban da.
Phần lớn trẻ bị sốt phát ban đều do nhiễm virus, bao gồm virus gây bệnh rubella, virus sởi, adenovirus,… Trong đó, phổ biến nhất là virus sởi (ban đỏ) và virus rubella (ban đào).
Sau khi tiếp xúc với virus, trẻ sẽ ủ bệnh trong khoảng 7 – 10 ngày và bùng phát các triệu chứng cấp tính như sốt cao (39 – 40 độ C), xuất hiện phát ban, sưng hạch, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, lười ăn, quấy khóc,…

Phần lớn trẻ bị sốt phát ban đều có đáp ứng tốt và thuyên giảm sau khi được điều trị đúng cách. Tuy nhiên ở một số trường hợp sốt phát ban do virus sởi, trẻ có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm não và viêm phổi.
Như vậy có thể thấy, bệnh sốt phát ban không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh chỉ phát sinh ở những trường hợp không tiến hành điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Ngăn ngừa biến chứng của sốt phát ban
Như đã đề cập, sốt phát ban thường không gây nguy hiểm và hầu hết đều có đáp ứng tốt nếu chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì vậy ngay khi vừa bùng phát các triệu chứng của bệnh, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại chưa có loại thuốc đối kháng với virus gây sốt phát ban. Tuy nhiên hệ miễn dịch có thể tự tạo ra kháng thể để tiêu diệt virus gây bệnh. Vì vậy trong thời gian này, bạn nên bổ sung các thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ.

Biện pháp chăm sóc và điều trị cho trẻ bị sốt phát ban:
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) để hạ thân nhiệt và làm giảm các triệu chứng do virus gây ra.
- Hoặc có thể dùng thuốc chống viêm không steroid trong trường hợp không có đáp ứng với Paracetamol. Tuy nhiên cần tránh sử dụng Aspirin cho trẻ vì có thể gây ra hội chứng hiếm gặp Reye.
- Chưng tắc với đường phèn hoặc pha trà gừng với mật ong cho trẻ uống để làm giảm tình trạng đau họng và ho.
- Vệ sinh mũi bằng dung dịch natri clorid 0.9% nhằm hạn chế nghẹt mũi và cảm giác khó chịu ở trẻ nhỏ.
- Chế biến món ăn mềm, lỏng để giảm cảm giác đau họng khi ăn. Bên cạnh đó bạn nên bổ sung cho trẻ vitamin và khoáng chất để cân bằng điện giải và nâng cao sức đề kháng.
- Cho trẻ uống nhiều nước, sữa và nước ép nhằm bù lại lượng nước thất thoát do nhiễm trùng.
- Virus sởi có thể gây hại đến thị lực của trẻ, vì vậy bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và A như cà rốt, khoai tây, cam, quýt,…
- Vệ sinh cơ thể cho trẻ mỗi ngày, hướng dẫn trẻ vệ sinh tay trước và sau khi ăn.
- Trong trường hợp trẻ sốt cao, hôn mê, co giật, khó thở,… bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị nội trú.
Sốt phát ban có lây không? Làm sao để phòng tránh?
Nguyên nhân gây ra sốt phát ban là do virus nên bệnh lý này rất dễ lây lan. Virus có thể lây nhiễm thông qua đường hô hấp hoặc lây nhiễm gián tiếp qua các vật dụng sinh hoạt (ly, chén, quần áo, mền, gối,…). Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm sốt phát ban phải được áp dụng cho từng đối tượng cụ thể.

Đối với trẻ mắc bệnh sốt phát ban:
- Khi trẻ bị sốt phát ban, bạn nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.
- Bên cạnh đó, cần sử dụng vật dụng cá nhân riêng cho trẻ và vệ sinh hằng ngày để tránh tình trạng virus lây cho các thành viên khác trong gia đình.
- Người trưởng thành khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh thường không phát sinh triệu chứng. Tuy nhiên khi tiếp xúc với trẻ nhỏ khỏe mạnh, bạn có thể vô tình lây nhiễm virus sang cho trẻ và làm phát sinh triệu chứng của sốt phát ban. Do đó khi chăm sóc cho trẻ bị bệnh, bạn cũng cần hạn chế giao tiếp và sử dụng vật dụng chung với những trẻ khỏe mạnh.
Đối với trẻ chưa từng nhiễm virus gây bệnh:
Hầu hết trẻ bị sốt phát ban đều có khả năng đối kháng với virus gây nhiễm trùng và thường không phát bệnh trở lại. Tuy nhiên với những trẻ chưa từng mắc bệnh, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Tiêm ngừa virus sởi, rubella và các virus thường gặp.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Tránh đưa trẻ đến những nơi công cộng (bệnh viện, siêu thị, bến xe,…) khi dịch bệnh đang bùng phát.
Sốt phát ban là bệnh lý thường gặp ở trẻ và hầu hết đều không để lại di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên trong trường hợp không chăm sóc đúng cách, virus có thể xâm nhập vào não, phổi và gây nhiễm trùng ở những cơ quan này.
Hy vọng qua giải đáp “Bị sốt phát ban có nguy hiểm không?”, phụ huynh đã có hình dung cụ thể về bệnh lý này. Từ đó có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh cho con trẻ.
Tham khảo thêm: Dị ứng là gì? Thông tin các loại bệnh dị ứng thường gặp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!