Bệnh Viêm Ruột Thừa

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Viêm ruột thừa là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Đặc trưng với các triệu chứng như đau bụng, sốt, táo bón, tiêu chảy, nôn ói... với mức độ nghiêm trọng và dữ dội trong đợt bùng phát cấp. Đa phần trường hợp viêm ruột thừa cấp cần được cấp cứu xử lý kịp thời để hạn chế nguy cơ tử vong. 

Tổng quan

Ruột thừa hay còn được gọi là ruột tịt, là một đoạn ruột nhỏ nằm ở đoạn cuối manh tràng, thuộc vùng bụng dưới bên phải, là điểm chuyển giao giữa ruột non và ruột già. Đoạn ruột này có chiều dài trung bình khoảng 8 - 10cm, cấu trúc hình chóp lộn ngược, có nhiệm vụ dự trữ lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa và bù đắp số lượng cần thiết nhằm chống lại sự phát triển của các hại khuẩn.

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa tuy phổ biến nhưng khá nguy hiểm

Viêm ruột thừa (Appendicitis) là tình trạng ruột thừa bị sưng viêm, mưng mủ. Hầu hết những trường hợp bệnh đều ở dạng cấp tính, gây đau bụng dữ dội phải nhập viện điều trị ngoại khoa, can thiệp khẩn cấp bằng phương pháp phẫu thuật. Nếu không được xử lý kịp thời, ruột thừa có thể bị hoại tử, bị vỡ, áp xe ruột thừa, gây nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc và nghiêm trọng nhất tử vong.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm ruột thừa cấp luôn ở mức cao báo động. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là ở người trưởng thành, trong độ tuổi từ 20 - 40 tuổi (chiếm 70% trên tổng các ca bệnh). Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị viêm ruột thừa và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phân loại

Dựa vào tính chất, thời gian phát bệnh và đặc điểm, bệnh viêm ruột thừa được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Viêm ruột thừa cấp: Là tình trạng bùng phát đột ngột các triệu chứng đau bụng dữ dội, táo bón, tiêu chảy, sốt cao, buồn nôn..., kéo dài từ 1 - 12 tiếng. Đây là tai biến y khoa nghiêm trọng, bệnh nhân cần được đưa vào bệnh viện ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng vỡ ruột thừa, bảo toàn tính mạng.
  • Viêm ruột thừa mạn tính: Thực chất viêm ruột thừa mạn tính chính là tên gọi khác của áp xe ruột thừa. Đây là một biến chứng của viêm ruột thừa cấp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chính gây viêm ruột thừa là do tình trạng tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột già và ruột thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm. Cộng với tình trạng tắc nghẽn mạch máu ruột thừa càng đẩy nhanh quá trình viêm cấp tính.

Viêm ruột thừa xảy ra do tắc nghẽn bên trong lòng ruột dẫn đến nhiễm trùng

Các loại vi khuẩn được phát hiện khi sinh thiết mẫu niêm mạc ruột thừa bị viêm như: E. Coli, Bacteroides Fragilis, Salmonella, Shigella...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm ruột thừa như:

  • Tích tụ muối canxi, phân, sỏi hoặc khối u gây tắc nghẽn ruột thừa;
  • Hiện tượng tăng sản mô lympho gây viêm nhiễm do liên quan đến các bệnh lý như viêm ruột, sởi, bệnh Crohn, nhiễm amip, viêm đường hô hấp, bệnh bạch cầu đơn nhân, phì đại mô bạch huyết...;
  • Chấn thương vùng bụng;
  • Thức ăn, hạt trái cây hoặc các vật sắc nhọn như mảnh sạn vô tình lọt vào ruột thừa;
  • Giun đũa, giun kim di chuyển vào ruột thừa gây tắc ruột;
  • Nam giới từ 10 - 19 tuổi;
  • Các yếu tố về môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước hoặc chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ cũng vô tình làm tăng nguy cơ bị viêm ruột thừa;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa bao gồm:

Viêm ruột thừa gây đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội tại vùng bụng hoặc xung quanh rốn

  • Đau ruột thừa: 100% trường hợp viêm ruột thừa dù cấp hay mạn tính đều gây ra đau bụng. Cơn đau thường có những tính chất sau:
    • Đau bắt đầu từ vụng bụng trên rốn, quanh rốn, lệch về phía bên phải là cơn đau thương vị;
    • Sau đó lan xuống vùng hố chậu phải và nhiều vị trí xung quanh;
    • Ban đầu chỉ đau âm ỉ nhưng sau đó tăng dần mức độ, gây đau dữ dội, đến mức không thể đứng thẳng lưng lên được hoặc khiến một người đang ngủ say phải tỉnh giấc;
    • Kéo dài trong vòng 6 - 24 tiếng và tăng nặng hơn mỗi khi người bệnh cử động, ho hoặc hắt hơi;
  • Sốt: Đây là dấu hiệu đặc trưng khi bị nhiễm trùng, sốt cao từ 29 - 40 độ C. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng viêm phúc mạc.
  • Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: Bị viêm ruột thừa còn kèm theo các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, chướng bụng, chán ăn...
  • Tiểu rát, tiểu khó: Xảy ra ở một số ít trường hợp do viêm nhiễm lây lan sang hệ tiết niệu.

Đây là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm ruột thừa. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng triệu chứng thì chúng không đặc hiệu nên rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, dẫn đến sai lệch trong chẩn đoán và điều trị.

Đặc biệt, đối với một số đối tượng như trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai, chị em đang trong chu kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng này thường xảy ra tương đối kín đáo. Ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, trì hoãn điều trị và tăng nguy cơ biến chứng vỡ ruột thừa cực kỳ nguy hiểm.

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm ruột thừa được thực hiện dựa trên đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những tiêu chí này sẽ rất dễ đưa ra kết luận nhầm lẫn, vì cơn đau bụng dưới bên phải, kèm theo sốt và rối loạn tiêu hóa cũng có thể xảy ra tương tự ở những bệnh lý khác như viêm túi thừa đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Siêu âm ổ bụng giúp phát hiện tổn thương và chẩn đoán mức độ viêm ruột thừa

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường này, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm tìm kiếm và phát hiện các vi sinh vật có hại gây ra nhiễm trùng, đo chỉ số bạch cầu và CRP;
  • Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu được phân tích nhằm loại trừ các nguyên nhân gây các triệu chứng trên như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu...;
  • Siêu âm: Một số trường hợp phụ nữ mang thai ngoài tử cung cũng gây ra đau bụng dưới dữ dội. Sau khi thu thập các dữ liệu về sức khỏe, nếu nghi ngờ là dấu hiệu của mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm qua ngả âm đạo.
  • Khám phụ khoa: Bao gồm các bước kiểm tra tại âm đạo, âm hộ, tử cung, cổ tử cung, buồng trứng... nhằm kiểm tra xác định tình trạng viêm nhiễm, loại trừ các bệnh phụ khoa, viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng;
  • Chẩn đoán hình ảnh: Thông qua các kỹ thuật như CT scan, chụp MRI vùng bụng, siêu âm bụng tổng quát... nhằm phát hiện các tổn thương hoặc bất thường tại khu vực này. Từ đó chẩn đoán viêm ruột thừa hoặc do các bệnh lý tiêu hóa khác.

Biến chứng và tiên lượng

Cơn viêm ruột thừa cấp thường có tiến triển xấu đi rất nhanh chóng. Nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

Viêm ruột thừa gây biến chứng vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc hoặc hình thành áp xe và có nguy cơ tử vong cao

  • Viêm phúc mạc: Xảy ra do đoạn ruột thừa bị viêm bị vỡ ra gây nhiễm trùng, giải phóng toàn bộ chất độc vào trong cơ thể. Đặc trưng với các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh, rét run, tụt huyết áp, mạch đập nhanh, chướng bụng, khó đại tiện do liệt ruột, chạm vào vị trí nào cũng bị đau... Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm ruột thừa, có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Đám quánh ruột thừa: Trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng tốt, quai ruột và mạc treo có sự kết dính có thể hình thành đám quánh ruột thừa. Tình trạng này hình thành khối cứng chắc, ấn ít đau và không di động ở khu vực hố chậu phải, giảm triệu chứng sốt và đau. Tùy theo mức độ tiến triển mà các đám quánh này có thể tự tan dần hoặc hình phát triển thành áp xe ruột thừa.
  • Áp xe ổ bụng: Ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng ổ bụng thông qua các mạc nối và quai ruột bao xung quanh, hình thành các khối áp xe nhiễm trùng, mưng mủ. Chỉ số xét nghiệm cho kết quả chỉ số bạch cầu tăng cao, kèm theo sốt cao và đau vùng hố chậu phải. Nếu khối áp xe vỡ ra ngoài thường ít nguy hiểm, nhưng nếu vỡ vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc

Hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa cấp được cấp cứu y tế kịp thời đều có tiên lượng tốt, phục hồi sức khỏe nhanh chóng và không để lại bất kỳ biến chứng gì. Thời gian phục hồi còn phụ thuộc nhiều yếu tố cụ thể như cơ địa, tuổi tác hoặc cấp độ biến chứng. Trung bình kéo dài khoảng 10 - 28 ngày.

Điều trị

1. Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Theo thống kê, có đến 80% trường hợp viêm ruột thừa được phát hiện ở mức độ nhẹ và không nhất thiết phải phẫu thuật (trừ khi có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm khác). Ở giai đoạn này, việc điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh dạng uống hoặc tiêm đường tĩnh mạch.

Trường hợp viêm ruột thừa mức độ nhẹ thường đáp ứng với phác đồ kháng sinh

Dùng kháng sinh đem lại hiệu quả khá tốt và tương đối an toàn. Tuy nhiên, cách này không thể chữa khỏi dứt điểm viêm ruột thừa, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát cao (nguy cơ tái phát > 30% sau 1 năm).

2. Dẫn lưu áp xe

Thủ thuật này được chỉ định thực hiện trước khi phẫu thuật cắt ruột thừa khoảng vài tuần đến vài tháng. Kết hợp dùng kháng sinh nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Ống dẫn lưu được đặt thông qua thành bụng, tiếp cận ổ áp xe, sau đó tiến hành chích rạch để dẫn mủ ra ngoài.

3. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là thủ thuật ngoại khoa quen thuộc và được áp dụng trong những trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng nhiễm trùng, hoại tử, áp xe hoặc vỡ ra, đe dọa tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, nếu đã điều trị bằng thuốc trong thời gian dài nhưng không có kết quả cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được áp dụng cho hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa

Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được áp dụng phổ biến nhất là:

  • Mổ hở truyền thống: Được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng 1 đoạn từ 5 - 10cm để tiến hành loại bỏ đoạn ruột thừa bị viêm. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này ít được áp dụng do rủi ro cao, vết mổ lớn gây đau, chảy máu nhiều, lâu lành, dễ bị nhiễm trùng và để lại sẹo xấu. Riêng những trường hợp biến chứng vỡ ruột thừa gây áp xe, nhiễm trùng ổ bụng hoặc toàn thân bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật này để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
  • Mổ nội soi: Được áp dụng phổ biến hơn nhờ ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Vết rạch da nhỏ, cắt bỏ ruột thừa được thực hiện bằng thiết bị, máy móc tân tiến có độ chính xác cao. Vết mổ nhỏ nhanh lành, ít chảy máu, ít đau đớn, bệnh nhân hồi phục tốt hơn, nguy cơ biến chứng thấp. Tuy nhiên, chi phí mổ nội soi lại khá cao.

Bệnh nhân thường được yêu cầu nhịn ăn uống hoàn toàn trước cuộc phẫu thuật. Đồng thời, tiến hành truyền dịch tĩnh mạch để bù dịch, bù nước và điều chỉnh rối loạn, cân bằng điện giải (nếu cần thiết).

Ngoài ra, phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng vết mổ, áp xe ổ bụng, tụ máu đông, gây tổn thương mạch máu, tim mạch ở những người có bệnh lý nền như phổi, thận, tim, tiểu đường... Do đó, cần hết sức thận trọng trước khi quyết định áp dụng. Đồng thời, kết hợp chăm sóc tích cực giai đoạn hậu phẫu để sớm phục hồi sức khỏe:

Chăm sóc kỹ lưỡng vết mổ, ăn uống đủ chất và vận động nhẹ nhàng trong tuần đầu phẫu thuật

  • Người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi tại giường và đi lại nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật;
  • Tuyệt đối không được khuân vác, bưng bê đồ vật nặng;
  • Vệ sinh vết mổ sạch sẽ, nhẹ nhàng, tránh để vết mổ tiếp xúc với nước, giữ khô thoáng để nhanh lành hơn;
  • Chọn mặc quần áo thoải mái, tránh bó sát vào vết mổ dễ gây kích ứng, đau và lâu lành;
  • Hạn chế cười to, nằm sấp hoặc ôm gối trước bụng mỗi khi ho, hắt hơi;
  • Ăn uống đủ chất, thanh đạm, chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày, tránh dầu mỡ, thức ăn cay nóng, các chất kích thích... khiến vết mổ lâu lành;
  • 2 tuần sau mổ có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường nếu không có biến chứng gì;
  • Vết sẹo mổ sẽ dần liền lại trong vòng 4 - 6 tuần và mờ đi trong nhiều năm sau đó;
  • Tái khám sau 1 tháng hoặc ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau bụng...;

Phòng ngừa

Trên thực tế, không có biện pháp nào để phòng ngừa viêm ruột thừa. Chúng ta chỉ có thể duy trì lối sống sinh hoạt khoa học hàng ngày để hạn chế nguy cơ bùng phát và các biến chứng khó lường của bệnh.

Ăn uống khoa học và duy trì lối sống lành mạnh là giải pháp phòng ngừa viêm ruột thừa tốt nhất

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin khoáng chất cần thiết, hỗ trợ nhuận tràng và hạn chế nguy cơ viêm ruột thừa. Bao gồm:
    • Các loại rau có lá màu xanh thẫm, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, củ cải...;
    • Thực phẩm giàu tinh bột như các loại ngũ cốc, khoai lang, khoai mì...;
    • Trái cây như việt quất, chuối, mâm xôi, lê, táo...;
    • Ăn nhiều sữa chua tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột;
    • Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, chất kích thích... giúp giảm nguy cơ phát sinh viêm ruột thừa.
  • Ăn uống chậm rãi, từ tốn, nhai kỹ, hạn chế ăn khuya và ăn chín uống sôi.
  • Thực phẩm tươi hoặc món ăn đã chế biến sẵn cần được bảo quản ở nơi có nhiệt độ phù hợp, tránh sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, mốc mèo, đổi mùi...
  • Tập thể dục điều độ mỗi ngày, nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh thức khuya, không làm việc quá sức, ăn uống đúng giờ giấc để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan giúp tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước và sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn.
  • Chú ý thận trọng khi sử dụng các loại thuốc như giảm đau Aspirin, thuốc chống viêm NSAIDs, thuốc Corticoid... để hạn chế tác dụng phụ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Viêm ruột thừa là bệnh gì? Các triệu chứng đặc trưng của bệnh là gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm ruột thừa?

3. Bệnh viêm ruột thừa có chữa khỏi dứt điểm được không? Các biến chứng thường gặp?

4. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm ruột thừa?

5. Bị viêm ruột thừa có thể điều trị bằng thuốc không? Tác dụng phụ của thuốc ra sao?

6. Quy trình cấp cứu xử lý viêm ruột thừa và các biến chứng liên quan một cách an toàn?

7. Thực hiện phẫu thuật ruột thừa khi nào cần thiết?

8. Tôi nên làm gì và tránh làm gì để chẩn đoán viêm ruột thừa?

9. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm ruột thừa?

10. Quá trình điều trị viêm ruột thừa mất bao lâu? Chi phí có tốn kém không?

Viêm ruột thừa có bản chất là viêm nhiễm, gây nhiều triệu chứng khó chịu và có biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, mỗi người đều cần phải tự ý thức trong việc nâng cao thói quen chăm sóc sức khỏe bằng các biện pháp tích cực hàng ngày. Chủ động thăm khám ngay khi xuất hiện các bất thường về sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Ngày đăng 01:30 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:07 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Viêm Hậu Môn
Viêm hậu môn là bệnh lý thường gặp ở mọi độ tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý hậu…
Bệnh Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến…
Xuất huyết dạ dày Bệnh Xuất Huyết Dạ Dày
Xuất huyết dạ dày là một dạng rối loạn tiêu…
Lao Màng Bụng
Lao màng bụng là thể lao ngoài phổi hiếm gặp…
Hội chứng Turcot

Hội chứng Turcot là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và…

Bệnh Viêm hạch mạc treo

Viêm hạch mạc treo là một trong những bệnh lý hiếm gặp về các bất thường của hệ thống hạch…

Bệnh Viêm Tuỵ Cấp

Viêm tụy cấp là một dạng rối loạn nghiêm trọng cần cấp cứu nội khoa. Chủ yếu do rượu bia,…

Bệnh Ung Thư Thực Quản

Ung thư thực quản nằm trong top 10 loại ung thư phổ biến toàn cầu, trong đó có Việt Nam.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua