Bệnh Suy Tim

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Những biến chứng của suy tim xảy ra ở mọi cơ quan trong cơ thể. Tuy không có biện pháp đặc trị, nhưng tùy theo nguyên nhân sẽ được chỉ định áp dụng biện pháp xử lý triệu chứng kịp thời, bảo tồn quả tim và duy trì sự sống cho bệnh nhân. 

Tổng quan

Suy tim (Heart Failure) còn được gọi là suy tim sung huyết (CHF) là hội chứng lâm sàng khá phức tạp, đặc trưng với các tổn thương thực thể dẫn đến rối loạn chức năng của quả tim, khiến chức năng tiếp nhận máu của tâm thất (suy tim tâm trương) và khả năng tống máu (suy tim tâm thu) bị suy giảm. Hậu quả khiến tim không bơm đủ máu để mang oxy và dưỡng chất đi nuôi cơ thể.

Suy tim là tình trạng tim tổn thương, suy yếu không thể bơm đủ máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể

Nhiều người nhầm lẫn suy tim là tình trạng tim đã ngừng đập. Tuy nhiên, thực tế thì suy tim là hậu quả của một quá trình tổn thương tim kéo dài, các triệu chứng thường không bộc lộ ngay trong giai đoạn đầu, chỉ đến khi suy tim nặng mới phát bệnh gây khó khăn cho việc điều trị.

Bệnh suy tim xảy ra phổ biến ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho đến người lớn. Nhưng thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi > 65 tuổi, do có liên quan đến yếu tố lão hóa. Theo khuyến cáo của chuyên gia, chúng ta có thể phòng ngừa suy tim bằng một lối sống sinh hoạt khoa học và kiểm soát các bệnh lý mạn tính.

Phân loại

# Dựa vào tính chất và nguyên nhân gây suy tim, bệnh được phân làm 2 loại gồm:

  • Suy tim cấp tính: Các triệu chứng suy tim khởi phát đột ngột, đặc trưng bởi tình trạng giảm lượng máu bơm đến các cơ quan trong cơ thể. Trường hợp suy tim cấp kèm theo phù phổi cấp và biến chứng sốc tim có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Suy tim mạn tính: Sự suy yếu của tim diễn ra trong thời gian dài được xác định là suy tim mạn tính. Thường là do bị ảnh hưởng từ các bệnh lý như viêm cơ tim, bệnh tim mạch vành, rối loạn nhịp tim...

Tại Việt Nam, có khoảng 80% trường hợp bệnh nhân bị suy tim là thể mạn tính. Bệnh nhân suy tim cấp rất ít được phát hiện do các triệu chứng khởi phát thường không đặc hiệu như thiếu máu, nhiễm trùng, tăng huyết áp, suy thận...

Suy tim được phân chia làm nhiều loại dựa theo triệu chứng, nguyên nhân và tiến triển bệnh

# Dựa vào các tài liệu của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA), bệnh suy tim được phân làm 4 cấp độ gồm:

  • Suy tim độ 1: Đây là cấp độ suy tim nhẹ nhất, vừa khởi phát và không có biến chứng. Người bệnh chỉ gặp các triệu chứng đơn giản như hồi hộp, mệt mỏi, khó thở... Tuy nhiên vẫn có thể hoạt động thể chất bình thường.
  • Suy tim độ 2: Bệnh nhân suy tim ở giai đoạn này thường bị hạn chế một vài hoạt động thể chất. Các triệu chứng xuất hiện ở mức độ nhẹ và tự thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Suy tim độ 3: Đây là giai đoạn suy tim tương đối nặng với các triệu chứng được thể hiện rõ rệt và thường xuyên hơn, dù chỉ hoạt động nhẹ. Người bệnh phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục sức khỏe lại được. Bệnh nhân giai đoạn này cần phải thăm khám và nhập viện điều trị để ngăn ngừa biến chứng.
  • Suy tim độ 4: Đây là giai đoạn cuối của suy tim, triệu chứng bệnh xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng, khởi phát ngay cả khi người bệnh không hoạt động. Đây cũng là giai đoạn biến chứng nặng, đe dọa mạng sống, cần điều trị tích cực bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa hoặc thay tim nếu có điều kiện.

# Dựa vào triệu chứng và mức độ phân suất tống máu của thất trái (LVEF), suy tim được phân làm 3 dạng nhỏ gồm:

  • HFrEF: Suy tim xảy ra do sự suy giảm chức năng thất trái làm giảm khả năng tống máu < 40%;
  • HErEF: Khả năng tống máu của thất trái thường được bảo tồn, hiểu đơn giản hơn là dạng suy tim với EF > 50%;
  • HFmrEF: Khả năng tống máu của thất trái ở mức trung bình, nhưng có sự phối hợp của tình trạng suy tim tâm thu và tâm trương (rối loạn chức năng thất trái hỗn hợp). Đây là dạng suy tim với EF khoảng 40 - 50%;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Suy tim thường khởi phát sau cùng đối với hầu hết tất cả các bệnh lý tim mạch. Suy tim có thể phát triển ở bên trái, bên phải hoặc ở cả 2 bên tim, nhưng phổ biến nhất là tâm thất trái. Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, điển hình như:

Suy tim thường xuất phát từ các tổn thương thực thể và rối loạn chức năng tim do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, van tim, rối loạn nhịp tim...

  • Bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim khiến tim có cấu trúc bất thường dẫn đến suy tim;
  • Tổn thương cơ tim do nhiễm trùng (thường là virus), ngộ độc rượu, tác dụng phụ của thuốc...;
  • Tăng huyết áp khiến cơ tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu ngày dẫn đến suy tim;
  • Suy tim bẩm sinh ở những người có khuyết tật tim bẩm sinh, chẳng hạn như ở van tim hoặc buồng tim có thể dẫn đến suy tim;
  • Rối loạn nhịp tim bất thường khởi phát các cơn đau tim, tình trạng này xảy ra thường xuyên khiến tim dần suy yếu và gây suy tim;
  • Một số bệnh lý mạn tính khác có khả năng gây suy tim như đái tháo đường, HIV/AIDS, bệnh suy giáp, cường giáp, lupus ban đỏ hệ thống, thiếu máu nặng, hội chứng Hemochromatosis, khí phế thũng, chứng Amyloidosis (tình trạng tích tụ protein trong cơ), chứng ngưng thở khi ngủ... cũng là nguyên nhân dẫn đến suy tim;

Trong đó, suy tim cấp thường là do sự tấn công của virus đến cơ tim, phát sinh các phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng, tích tụ và hình thành các cục máu đông ở trong phổi... Ngoài ra, các bệnh lý nặng hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể khởi phát các triệu chứng suy tim cấp.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng suy tim ở mỗi người được biểu hiện khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh. Đặc trưng với các triệu chứng sau:

Bệnh nhân suy tim có các biểu hiện đặc trưng như đau tức ngực trái, khó thở, mệt mỏi, sưng chân...

  • Khó thở: Hầu hết bệnh nhân suy tim đều bị khó thở từ nhẹ đến nặng, khi đang hoạt động hoặc cả khi nghỉ ngơi, kèm theo ho khan;
  • Mệt mỏiBệnh nhân dễ bị hụt hơi, yếu cơ và mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức vào cuối ngày;
  • Đau thắt ngựcXuất hiện cơn đau tức vùng ngực trái và nặng dần về phía bên hạ sườn phải;
  • Sưng phù chân: Xảy ra do sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể, kéo theo tăng tần suất tiểu tiện và tăng cân đột ngột;
  • Một số triệu chứng không điển hình khác:
    • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu;
    • Đánh trống ngực, tim đập dồn dập;
    • Hồi hộp, lo lắng bất an không rõ nguyên nhân;
    • Chán ăn, đầy hơi, chướng bụng;
    • Mất ngủ;

Chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim là quá trình tương đối phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau gồm:

Xét nghiệm máu đo nồng độ BNP để kiểm tra áp lực tim chẩn đoán suy tim

  • Khám lâm sàng: Đây là bước khám cơ bản đầu tiên, bệnh nhân sẽ trình bày chi tiết và đầy đủ các triệu chứng bản thân gặp phải. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi, khai thác tiền sử bệnh lý, chỉ định thực hiện các kiểm tra thể chất. Sau đó, khám bằng ống nghe để kiểm tra âm thanh phổi, tim, kết hợp với kiểm tra tĩnh mạch ở cổ và có tích tụ dịch trong ổ bụng không.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích công thức và sinh hóa máu giúp kiểm tra, đánh giá chức năng thận, tuyến giáp và nhiều thông số khác có liên quan đến tim. Trong đó, đặc biệt có chỉ số natriuretic peptid não (BNP) nhằm kiểm tra áp lực tim, chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh suy tim.
  • Thử nghiệm gắng sức: Bệnh nhân sẽ hoạt động trên máy chạy bộ hoặc máy đạp xe có gắn thiết bị điện tâm đồ. Thử nghiệm này giúp kiểm tra tim và hệ thống mạch máu của bệnh nhân có hoạt động bình thường không, chẩn đoán có xuất hiện của bệnh mạch vành.
  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • Chụp X quang: Hình ảnh X quang tim, phổi ở bệnh nhân suy tim sẽ có những biểu hiện đặc trưng gồm: kích thước tim to, nhìn thấy phổi ứ dịch và nhiều triệu chứng khác;
    • Siêu âm tim: Kỹ thuật này sử dụng sóng âm tạo ra hình ảnh trực quan về tim, bác sĩ sẽ quat sát và đưa ra đánh giá về mức độ bơm máu ra khỏi tâm thất trái với mỗi lần tim đập. Đây được gọi là quá trình phân số tống máu, nếu chỉ số này < 55% được nhận định là suy tim;
    • Chụp CT scan hoặc MRI: Đây cũng là những kỹ thuật cần thiết giúp hỗ trợ chẩn đoán suy tim chính xác. Hình ảnh CT hoặc MRI tim, ngực được thể hiện rõ ràng bằng ống X quang hoặc thiết bị tạo từ trường;
    • Chụp động mạch vành: Kỹ thuật này giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý động mạch vành - cơ sở dữ liệu quan trọng giúp chẩn đoán suy tim. Được thực hiện bằng cách chèn ống thông vào trong cơ thể thông qua các mạch máu ở háng hoặc cánh tay để đến động mạch vành.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng 

Suy tim khiến quá trình bơm máu đi nuôi dưỡng cơ thể suy giảm. Do đó, bệnh nhân suy tim thường gặp phải rất nhiều biến chứng từ các cơ quan trong cơ thể và nhiều hệ lụy khác. Chẳng hạn như:

Suy tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

  • Biến chứng tại các cơ quan:
    • Rối loạn tiêu hóa: Hệ thống đường ruột thiếu máu nuôi dưỡng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tiêu hóa, nhất là khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng, các hoạt chất thuốc trị bệnh. Đặc trưng với các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa...;
    • Suy hô hấp: Máu ứ trệ, tích tụ trong phổi và xâm nhập vào các phế nang gây cản trở trao đổi khí, tuần hoàn hô hấp. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như tức ngực, khó thở, ho, ho có bọt hồng, theo thời gian tiến triển thành phù phổi cấp...;
    • Suy thận: Suy tim khiến thận không đủ máu để hoạt động lọc thải độc tố, muối nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời sẽ gây ra suy tim;
    • Suy gan: Tâm thất co bóp yếu gây ứ trệ máu ở tĩnh mạch, làm tăng áp lực tại tĩnh mạch chủ dưới và các tĩnh mạch ở gan, xoang gan, khiến gan to ra và biến chứng suy gan.
  • Rối loạn nhịp tim: Bệnh nhân suy tim thường rất hay bị rung nhĩ, rung thất nghiêm trọng. Tình trạng này khiến tim đập nhanh hoặc chậm bất thường, góp phần khiến tiến triển suy tim ngày càng nặng và gây đột tử nếu không có biện pháp điều trị phòng ngừa trước.
  • Đột quỵ: Suy tim cấp dẫn đến cơn đau tim và gây đột quỵ. Đây là tình trạng các động mạch vành không có đủ máu đến nuôi dưỡng cơ tim do bị tắc nghẽn bởi các khối xơ vữa, cục máu đông gây hoại tử cơ tim.

Tiên lượng 

Mọi bệnh lý tim mạch ở giai đoạn nặng đều dẫn đến con đường suy tim. Do đó, suy tim gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn và dễ phát sinh những tổn thương, biến chứng vĩnh viễn không thể phục hồi, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tiên lượng đối với bệnh nhân suy tim được phát hiện trong giai đoạn sớm tương đối tốt nếu áp dụng đúng phương pháp và điều chỉnh lối sống khoa học, nhằm bảo tồn chức năng quả tim và duy trì sự sống, đảm bảo chất lượng cuộc sống ổn định.

Điều trị

1. Điều trị cấp cứu 

Bệnh nhân suy tim có dấu hiệu suy hô hấp và sốc tim cần phải được điều trị cấp cứu và hồi sức tích cực kịp thời càng sớm càng tốt. Đây là bước quan trọng cần thực hiện trước khi điều trị chuyên sâu.

Bệnh nhân lên cơn đột quỵ do suy tim cần được cấp cứu kịp thời để giảm nguy cơ tử vong

Cấp cứu phù phổi cấp:

Thường áp dụng các biện pháp điều trị sau:

  • Thở oxy khí dung bằng mặt nạ hoặc ống đặt mũi, đặt nội khí quản;
  • Truyền tĩnh mạch thuốc vận mạch, thuốc lợi tiểu;
  • Lọc máu;
  • Hỗ trợ tuần hoàn;

Sau khi triệu chứng phù phổi cấp qua đi, tiến hành chẩn đoán nguyên nhân và hội chẩn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cấp cứu sốc tim:

Tình trạng sốc tim thường xảy ra ở các bộ phận như cơ tim, van tim, buồng tim,... do biến chứng rối loạn nhịp tim của bệnh suy tim. Một số ít trường hợp còn lại xuất phát từ các tổn thương cơ học như hở 2 lá cấp, thủng vách liên thất hoặc dị tật bẩm sinh.

Các bước chẩn đoán và điều trị gồm:

  • Thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng;
  • Cho bệnh nhân thở oxy;
  • Thủ thuật đặt bóng đối quang động mạch chủ;
  • Truyền tĩnh mạch thuốc vận mạch;
  • Phẫu thuật tái thông mạch vành;
  • Hỗ trợ tuần hoàn bằng các biện pháp cơ học như dụng cụ hỗ trợ thất hoặc hệ thống màng trao đổi oxy...

2. Điều trị chuyên sâu

Khi bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn biến chứng nguy hiểm, giữ được mạng sống, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện và thực hiện các chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và phòng ngừa các biến chứng suy tim khác.

# Dùng thuốc

Điều trị suy tim bằng thuốc nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển phát sinh biến chứng và bảo tồn chức năng tim. Một số thuốc thường dùng như:

Điều trị bằng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng suy tim và làm chậm tiến triển bệnh, duy trì sự sống

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Đây là nhóm thuốc làm giãn mạch máu, kiểm soát huyết áp, giảm áp lực cho tim cải thiện tuần hoàn máu, giúp bệnh nhân suy tim kéo dài sự sống. Điển hình như Lisinopril (Prinivil, Zestril), Enalapril (Vasotec), Capxopril (Capoten)...;
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB): Tác dụng tương tự như nhóm thuốc ACE, được chỉ định trong trường hợp không thể sử dụng ACE để trị suy tim. Các loại thường dùng là Valsartan (Diovan) hoăc Losartan (COZAAR)...;
  • Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng tăng tần suất tiểu tiện, đào thải lượng nước và dịch ứ đọng trong cơ thể, cải thiện chức năng phổi và các triệu chứng liên quan. Điều trị suy tim bằng thuốc lợi tiểu bằng các loại phổ biến như Furosemide (Lasix) hoặc Bumetanid (Bumex)... Tuy nhiên, cần lưu ý bổ sung các khoáng chất như kali, magie vì thuốc lợi tiểu có thể làm mất đi các chất này;
  • Thuốc chẹn beta (beta blockers): Có tác dụng kiểm soát làm giảm huyết áp và điều hòa ổn định nhịp tim, cải thiện triệu chứng suy tim, bảo tồn chức năng tim. Các loại điển hình như Metoprolol (Lopressor), Carvedilol (Coreg), Bisoprolol (Zebeta)...;
  • Thuốc kháng Aldosterone: Đây cũng là một loại thuốc lợi tiểu nhưng có tác dụng giữ kali và hỗ trợ cải thiện chức năng tim, làm chậm tiến triển suy tim và giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Các loại thường dùng như Spironolactone (Aldactone) hoặc Eplerenone (Inspra)...;
  • Các loại thuốc tim mạch khác:
    • Thuốc nitrat giảm triệu chứng đau tức ngực;
    • Thuốc Statin giúp giảm nồng độ cholesterol;
    • Thuốc làm loãng máu loại bỏ cục máu đông gây suy tim;
    • Thuốc Digoxin (Lanoxin) giúp làm giảm nhịp tim;

Ngoài ra, kết hợp điều trị nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây suy tim như:

  • Dùng thuốc trị đái tháo đường như:
    • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri - Glucose 2 (SGLT2i) như Empagliflozin, Dapagliflozin...;
    • Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 hỗ trợ bảo vệ tim mạch;
    • Thuốc Metformin;
  • Bệnh nhân bị cường giáp có thể điều trị bằng phác đồ kháng giáp tổng hợp hoặc liệu pháp phóng xạ;
  • Bổ sung lượng máu - sắt thiếu hụt tùy theo nguyên nhân và định lượng ferratin;
  • Chỉ định dùng vitamin B1 liều cao;

# Can thiệp ngoại khoa

Để xử lý các nguyên nhân gây suy tim, can thiệp ngoại khoa là phương pháp hiệu quả và cần thiết, được thực hiện bằng nhiều biện pháp như:

Phẫu thuật giúp xử lý và điều trị các vấn đề cơ bản dẫn đến suy tim như tổn thương mạch vành, van tim...

  • Phẫu thuật mạch vành: Được thực hiện bằng cách dùng các đoạn động mạch ở tay, chân, ngực...để thay vào vị trí động mạch bị tắc nghẽn ở cơ tim, nhằm giải phóng tắc nghẽn và cho phép máu chảy qua tự do.
  • Phẫu thuật van tim: Tùy từng trường hợp để thực hiện phẫu thuật sửa chữa van ban đầu (valvuloplasty) hoặc thay thế van tim mới (amnnuloplasty) nhằm loại bỏ dòng máu chảy ngược dẫn đến suy tim.
  • Cấy máy khử rung tim dưới da (ICD): Đây là thiết bị giúp theo dõi nhịp tim và tự sốc điện khi phát hiện nhịp tim đập bất thường hoặc ngừng tim. Thiết bị này được cấy dưới da thông qua các tĩnh mạch ngực.
  • Cấy máy tạo nhịp tim (CRT): Để cải thiện tình trạng rối loạn hệ thống điện tim gây suy tim sẽ được cấy máy tạo nhịp tim ở 2 buồng thất. Thiết bị sẽ phát đi nguồn xung điện cần thiết vào đúng thời điểm nhịp đập tim nguy hiểm để điều chỉnh về nhịp bình thường.
  • Cấy máy hỗ trợ bơm tim: Thiết bị này được cấy vào ngực hoặc bụng, được gắn dính với quả tim bị suy giảm chức năng nhằm hỗ trợ hoạt động bơm máu. Kỹ thuật này thường được áp dụng cho những bệnh nhân đang chờ ghép tim.
  • Ghép tim: Suy tim mức độ nặng và hoàn toàn mất đi khả năng phục hồi chỉ còn phương án cuối cùng là ghép tim. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện được vì rất khó tìm được tim hiến tặng phù hợp.

4. Biện pháp điều trị chung 

Đối với bệnh nhân suy tim cần có chế độ chăm sóc tích cực nhằm giảm thiểu áp lực lên tim và xử lý các nguyên nhân cụ thể gây suy tim:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng, tránh nằm lâu một chỗ gây yếu cơ, yếu chi;
  • Giảm lượng muối hoặc ăn nhạt hoàn toàn tùy mức độ suy tim;
  • Chỉ nên bổ sung khoảng 500 - 1000ml nước/ ngày tùy theo mức độ suy tim;
  • Thở oxy nhằm giảm sự khó thở cho bệnh nhân;
  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, cà phê, tránh các xúc động mạnh, căng thẳng hoặc hưng phấn, giảm cân, không dùng thuốc tùy tiện...

Phòng ngừa

Để có 1 quả tim khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh lý suy tim nguy hiểm, mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe tích cực để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý dẫn đến suy tim, chủ yếu là bệnh xơ vữa động mạch.

Một lối sống khoa học và lành mạnh là chìa khóa vàng giúp phòng ngừa suy tim

Để phòng ngừa bệnh, hãy tập trung thực hiện các biện pháp tích cực sau:

  • Nói không với tất cả các chất kích thích có hại cho sức khỏe tim mạch như thuốc lá, thuốc lào, rượu bia, cà phê...
  • Điều chỉnh thực đơn ăn uống hàng ngày, tăng cường rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, giảm chất béo, muối, đường...
  • Tập thể dục, rèn luyện thể chất mỗi ngày tăng cường sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật, đặc biệt giúp tuần hoàn máu lưu thông trơn tru.
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì quá mức.
  • Thường xuyên tự đo các chỉ số huyết áp, đường huyết tại nhà, kết hợp thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát sức khỏe tim mạch để sớm phát hiện các bát thường và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị bệnh mạch vành có phải nguyên nhân gây suy tim không?

2. Bệnh suy tim có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến mạng sống không?

3. Tiên lượng về tình trạng suy tim của tôi tốt hay xấu?

4. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân và mức độ suy tim?

5. Các triệu chứng và biểu hiện suy tim tôi cần theo dõi thêm tại nhà?

6. Bệnh suy tim giai đoạn nặng có chữa khỏi dứt điểm được không?

7. Phương pháp điều trị bệnh suy tim hiệu quả nhất dành cho tôi?

8. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến các chỉ định điều trị suy tim?

9. Điều trị suy tim có tốn kém không? BHYT có chi trả không?

10. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ điều trị suy tim?

Suy tim là con đường chung của rất nhiều bệnh lý tim mạch và là nỗi lo lắng của người bệnh khi nó là mối đe dọa đến mạng sống. Tuy suy tim không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, có thể làm chậm tiến triển suy tim và giảm thiểu nguy cơ biến chứng, sống thọ hơn. Khuyến cáo bệnh nhân nên thay đổi tích cực về lối sống và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.

Ngày đăng 14:20 - 06/03/2023 - Cập nhật lúc: 14:21 - 06/03/2023
Chia sẻ:
Bệnh Phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ là bệnh mạch máu phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng phình sưng thành động mạch chủ. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất…
Bệnh Viêm động mạch Takayasu
Viêm động mạch Takayasu là một bệnh tự miễn dịch…
Viêm Cơ Tim
Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ…
Bệnh Tim Bẩm Sinh
Tim bẩm sinh là một trong những dị tật phổ…
Khủng hoảng tăng huyết áp

Khủng hoảng tăng huyết áp là tình trạng chỉ số huyết áp tăng cao quá mức, vượt ngưỡng cho phép…

Bệnh Rối Loạn Lipid Máu

Rối loạn lipid máu có tỷ lệ mắc ngày càng cao và dần trở thành vấn đề sức khỏe đáng…

Hẹp Van Hai Lá

Hẹp van hai lá là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể xảy ra ở cả…

Bệnh Viêm Màng Ngoài Tim Co Thắt

Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng viêm nhiễm gây kích thích màng tim dẫn đến các cơn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua