Bệnh sốt xuất huyết: Triệu chứng, điều trị & thông tin cần biết

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi lây truyền chủ yếu phát triển ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng và tử vong.

bệnh sốt xuất huyết có chết không
Sốt xuất huyết là bệnh lý phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết (tên khoa học là Dengue Fever) là bệnh nhiễm virus do muỗi truyền. Virus gây ra bệnh sốt xuất huyết được gọi là Dengue virus (DENV). Loại virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau bao gồm DENV 1, DENV 2, DENV 3 và DENV 4. Điều này giải thích vì sao nhiều người sống ở vùng dịch có xu hướng mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Một số thông tin cơ bản về bệnh sốt xuất huyết do Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) tổng hợp bao gồm:

  • Sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus lây truyền. Các loài muỗi này được tìm thấy trên khắp thế giới.
  • Có khoảng 2,5 tỷ người (tương đương 40% dân số thế giới) sống ở những khu vực cơ nguy cơ sốt xuất huyết cao.
  • Sốt xuất huyết có nguy cơ cao ở ít nhất 100 quốc gia ở Châu Á, Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi và Caribê.
  • Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo ước tính có khoảng 390 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
  • Không có biện pháp đặc hiệu điều trị sốt xuất huyết. Các biện pháp điều trị chủ yếu là cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh phát triển nghiêm trọng. Điều trị tốt có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

Sốt xuất huyết được truyền qua vết cắn của muỗi chứa virus sốt xuất huyết. Virus sốt xuất huyết không truyền từ người sang người. Hiện tại các nhà khoa học đang nghiên cứu các loại vắc – xin sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cách tốt nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết là ngăn ngừa muỗi ở khu vực sinh sống và bảo vệ cơ thể khỏi muỗi.

1. Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm sốt xuất huyết

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường bắt đầu từ 4 – 7 ngày sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sốt xuất huyết nhẹ:

  • Đau khớp và cơ
  • Phát ban cơ thể có thể biến mất và sau đó xuất hiện trở lại
  • Sốt cao 40 độ C
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau bên trong mắt
  • Nôn và cảm thấy buồn nôn

Các triệu chứng thường biến mất sau một tuần. Sốt xuất huyết nhẹ hiếm khi liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc gây tử vong.

sốt xuất huyết dengue
Sốt hơn 40 độ C là dấu hiệu phổ biến của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết nặng:

Lúc đầu các triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhẹ nhưng sẽ dần dần trở nên xấu đi trong vài ngày. Một số người bệnh có thể bị xuất huyết bên trong. Giai đoạn nắng thường xuất hiện sau 3 – 7 ngày kể từ lúc phát bệnh. Lúc này có thời điểm người bệnh sẽ hạ sốt xuống dưới 38 độ C.

Các triệu chứng đi kèm thường bao gồm:

  • Đau bụng nghiêm trọng
  • Nôn mửa kéo dài
  • Hơi thở gấp
  • Chảy máu ở nướu răng
  • Mệt mỏi
  • Buồn chôn
  • Nôn ra máu
  • Xuất huyết đường tiêu hóa gây phân đen
  • Xuất hiện các đốm nhỏ dưới da tương tự như mề đay
  • Mạch đập yếu

Sốt xuất huyết nặng có thể gây rò rỉ huyết tương, chảy máu nghiêm trọng, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp hoặc suy yếu nội tạng và cuối cùng là dẫn đến tử vong. Do đó bệnh nhân có các biểu hiện như trên cần được theo dõi chặt chẽ trong 24 – 48 giờ tiếp theo để có biện pháp chăm sóc y tế đúng cách và ngăn ngừa các biến chứng.

hình ảnh bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Chảy máu nướu răng là dấu hiệu sốt xuất huyết nặng

Hội chứng sốc sốt xuất huyết:

Sốc sốt xuất huyết là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh các triệu chứng sốt xuất huyết thông thường, người bệnh có thể gặp tình trạng:

  • Đau dạ dày 
  • Mất phương hướng
  • Hạ huyết áp đột ngột hoặc giảm huyết áp nhanh
  • Chảy máu nặng
  • Nôn thường xuyên
  • Da lạnh

2. Nguyên nhân và cách lây truyền sốt xuất huyết

Có bốn loại virus sốt xuất huyết (DENV) gây sốt xuất huyết. Các loại virus này đều được lây lan bởi một loài muỗi có tên là Aedes Aegypti hoặc muỗi Aedes Albopictus (hiếm khi).

Các loại virus này lây truyền từ khỉ sang người khoảng 100 đến 800 năm trước. Tuy nhiên đến giữa thế kỷ XX, sốt xuất huyết vẫn là một vấn đề nhỏ. Aedes Aegypti có nguồn gốc từ Châu Phi. Tuy nhiên ngày nay loài muỗi này được tìm thấy ở các khu vực nhiệt đới, đặc biệt là khu vực xung quanh khu dân cư.

bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus do muỗi lây truyền

Một số phương thức lây truyền virus sốt xuất huyết phổ biến bao gồm:

  • Muỗi truyền sang người: Virus sốt xuất huyết được truyền sang người thông qua vết đốt của muỗi cái nhiễm bệnh.
  • Lây truyền từ người sang muỗi: Muỗi có thể bị nhiễm bệnh từ những người bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Điều này có nghĩa là một con muỗi lây nhiễm từ người bệnh sốt xuất huyết và có thể tiếp tục đi lây nhiễm cho một người khỏe mạnh khác thông qua một vết đốt.

Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy virus sốt xuất huyết có thể lây truyền từ mẹ sang con. Mặc dù tốc độ lây truyền tương đối thấp nhưng người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết có thể dễ sinh non, trẻ nhẹ cân và suy thai.

3. Khu vực có nguy cơ sốt xuất huyết cao

Sốt xuất huyết phổ biến nhất ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết thường xuất hiện ở các khu vực bao gồm:

  • Trung – Nam Mỹ
  • Một phần châu Phi
  • Một phần châu Á nhiệt đới bao gồm Bangladesh, Indonesia, Thái Lan và một phần của Trung Quốc
  • Thái Bình Dương
  • Caribê
  • Bắc Australia 

Sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu năm 2011 thì bệnh thường phổ biến ở khu vực nông thôn.

4. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Nếu được điều trị kịp lúc và đúng phương pháp, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết có thể giảm xuống dưới 1%. Tuy nhiên, nếu bệnh trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương phổi, gan hoặc tim.

Ngoài ra, giảm huyết áp nhanh xuống mức nguy hiểm có thể gây sốc. Trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Biện pháp chẩn đoán sốt xuất huyết

Chẩn đoán sốt xuất huyết tương đối khó khăn bởi vì các dấu hiệu thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn. Tùy thuộc vào thời gian ủ bệnh, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau. Các biện pháp chẩn đoán phổ biến thường bao gồm:

Phương pháp virus học:

Virus có thể được phân lập từ máu trong vài ngày đầu tiên sau khi nhiễm virus. Có sẵn nhiều phương pháp phản ứng chuỗi sao chép ngược Polymerase và nhận thấy sự hiện diện của virus. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản.

Virus cũng có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra protein do virus tạo ra, được gọi là NS1. Các xét nghiệm này thường mất khoảng 20 – 30 phút để xác định kết quả và không yêu cầu thiết bị hoặc phòng thí nghiệm chuyên dụng.

cách điều trị bệnh sốt xuất huyết
Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết tương đối khó khăn do các triệu chứng thường tương tự một số bệnh lý khác

Phương pháp huyết thanh học:

Các phương pháp huyết thanh học, như xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên quan đến Enzyme có thể xác nhận sự hiện diện của virus thông qua việc phát hiện các kháng thể chống sốt xuất huyết IgM và IgG.

Các kháng thể này thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm bệnh và cao nhất trong khoảng 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể phát hiện kháng thể chống sốt xuất huyết trong khoảng 3 tháng.

Ngoài ra, để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ có thể kiểm tra lịch sử y tế và lịch sử du lịch của người bệnh. Do đó, hãy đảm bảo về các khai báo di chuyển cũng như các chuyến đi quốc tế.

Biện pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Các biện pháp điều trị nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Nếu được chẩn đoán sốt xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể tham khảo một số cách điều trị như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Tylenol hoặc Paracetamol để hạ sốt, điều trị tình trạng đau khớp và đau đầu. Ngoài ra, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin và Ibuprofen có thể gây xuất huyết nghiêm trọng, do đó không dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
  • Ngăn ngừa mất nước bằng cách uống nhiều nước sạch và bổ sung muối bù nước Oresol để hạn chế tình trạng mất nước. Ngoài ra, nước chanh, nước dừa, nước cháo loãng hoặc nước cháo có pha muối,… cũng mang lại hiệu quả cao trong việc chống mất nước.
  • Nếu sốt cao hơn 38.5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo, lau người bằng nước ấm.
bệnh sốt xuất huyết là gì
Sốt xuất huyết thường gây mất nước, do đó người bệnh cần bổ sung dịch để tránh mất nước

Các dạng sốt xuất huyết nặng hơn có thể được điều trị bằng cách:

  • Bổ sung chất lỏng qua đường tiêm tĩnh mạch, truyền dạng nhỏ giọt cho các bệnh nhân không thể uống nước.
  • Truyền máu cho các bệnh nhân mất nước nặng.

Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bác sĩ cần thực hiện kiểm tra y tế thường xuyên. Nếu sau 24 giờ các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, cần thông bao ngay cho bác sĩ điều trị để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Tháng 12 năm 2015, vắc – xin sốt xuất huyết đầu tiên được phát triển bởi Sanofi Pasteur với tên gọi là Dengvaxia® (CYD-TDV). Loại vắc – xin này được chấp nhận ở hơn 20 quốc gia và được sử dụng cho người trong độ tuổi từ 9 – 45 tuổi. Vắc – xin được tiêm ba liều trong suốt 12 tháng và có thể ngăn ngừa virus trong một thời gian.

Bên cạnh đó, vắc – xin không được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 9 tuổi. Bởi vì vắc – xin dường như làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vắc – xin không phải là một công cụ hiệu quả để giảm sốt xuất huyết ở những khu vực phổ biến. Kiểm soát muỗi và tránh bị muỗi đốt vẫn là điều quan trọng nhất trong các nỗ lực phòng ngừa.

Bệnh sốt xuất huyết
Hạn chế môi trường sống của muỗi và phòng chống muỗi đốt là cách tốt nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết

Theo WHO các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết bùng phát thường bao gồm:

Phòng chống muỗi sinh sản bên trong và ở xung quanh nhà, nơi làm việc, trường học hoặc cơ sở y tế:

  • Xử lý các chất thải đúng đắn và loại bỏ các ao tù nước động. Điều này có thể thu hẹp môi trường sống nhân tạo và đẻ trứng của muỗi.
  • Đậy nắp, đổ và làm sạch các thùng chứa nước sinh hoạt hàng tuần.
  • Sử dụng thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng phù hợp cho môi trường sống.

Bảo vệ cá nhân khỏi muỗi đốt:

  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ hộ gia đình cá nhân như màn cửa sổ, thuốc chống côn trùng, vật liệu được xử lý chống muỗi, bình xịt muỗi bên trong và ngoài nhà.
  • Mặc quần áo dài để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với muỗi.
  • Mặc quần áo bảo hộ khi làm vườn hoặc làm việc bên ngoài môi trường.
  • Người sống ở khu vực có nguy cơ phát dịch cao nên ngủ màn hoặc lưới.
  • Tránh sử dụng các loại xà phòng, nước hoa hoặc mùi hương có thể thu hút muỗi.
  • Cố gắng tránh ra ngoài trời vào lúc bình minh, hoàng hôn và đầu buổi tối.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus truyền qua muỗi đã lây lan nhanh chóng ở tất cả các khu vực trong những năm gần đây. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nếu có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức để được hướng dẫn và điều trị phù hợp.

Ngày đăng 16:44 - 13/01/2023 - Cập nhật lúc: 11:42 - 06/02/2023
Chia sẻ:
Bệnh sốt xuất huyết: Triệu chứng, điều trị & thông tin cần biết

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi lây truyền chủ yếu phát triển ở vùng nhiệt đới…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua