Viêm Não Nhật Bản

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm do lây nhiễm virus JEV. Bệnh gây ra các tổn thương thần kinh nghiêm trọng, để lại những di chứng vĩnh viễn, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ dưới 15 tuổi, thường là từ 2 - 6 tuổi. Điều trị bệnh chủ yếu cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Bệnh có thể dự phòng được bằng vắc xin. 

Tổng quan

Viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis - JE) là bệnh nhiễm trùng thần kinh nghiêm trọng do nhiễm virus JEV thông qua vết đốt của muỗi Culex bị nhiễm bệnh. Đây là loại virus được phát hiện ở cả người, động vật và muỗi. Tuy nhiên, động vật nhiễm bệnh chỉ lây nhiễm cho muỗi và con người nhiễm virus do bị muỗi đốt.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở người do virus JEV gây ra

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng cao điểm là mùa hè và mùa thu, từ tháng 6 - tháng 9 với rất nhiều ổ dịch bùng phát đột ngột. Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm khoảng 5.4/100.000 trẻ em từ 0 - 14 tuổi và 0.6/100.000 người trên 15 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện ở khắp cả nước và chiếm khoảng 15% tổng số các ca viêm não.

Đây là một trong những bệnh lý nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn. Viêm não Nhật Bản không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa bệnh bằng vắc xin.

Phân loại

Bệnh viêm não Nhật Bản được chia làm 4 loại cơ bản dựa vào mức độ tiến triển và dấu hiệu bệnh, bao gồm:

  • Thể tối cấp: Đây là thể bệnh phổ biến, bệnh tiến triển nhanh chóng, ồ ạt nhưng cũng nhanh khỏi, chỉ sốt 1 - 2 ngày.
  • Thể cấp tính: Hay còn được gọi là thể viêm não Nhật Bản hành tủy - tủy sống. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như khàn tiếng, khó phát âm, khó nuốt, khó thở, liệt màn hầu và nặng nhất là liệt chi.
  • Thể thô sơ: Thể viêm não Nhật Bản này thường gây sốt cao, đau đầu, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy và cứng gáy. Các di chứng bệnh thường xuất hiện muộn.
  • Thể viêm màng não đơn thuần: Đặc trưng với các biểu hiện tổn thương màng não như cứng cổ, rối loạn nhận thức và kết quả xét nghiệm cho thấy thay đổi dịch não tủy.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Virus JEV là tác nhân chính gây bệnh viêm não Nhật Bản ở người. Loại virus này thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae và giống Flavivirus. Cụ thể, khi bị muỗi đốt, virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào máu, trú ngụ và phát triển thành bệnh.

Virus viêm não Nhật Bản lây nhiễm sang người thông qua vết muỗi đốt

Loài muỗi nhiễm virus JEV thường là muỗi Culex tritaeniorhynchus, chúng hút máu và nhiễm virus từ các loài động vật như lợn, trâu, bò và các loài chim lội nước. Virus JEV không có khả năng lây truyền từ người sang người.

Muỗi Culex thường sinh sôi và phát triển ở những đầm lầy, ruộng lúa, ao nước trũng... ở nông thôn. Nên tỷ lệ dân số ở nông thôn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các khu vực ở thành thị.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản rất đa dạng, biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ chỉ gây viêm màng não vô khuẩn, gây sốt và đau đầu nhiều. Riêng trường hợp nặng có thể gây viêm não cấp tính rất nguy hiểm và cần can thiệp điều trị kịp thời.

Bệnh nhân viêm não Nhật Bản thường bị sốt cao, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy trong giai đoạn khởi phát

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus viêm não Nhật Bản ủ khoảng 5 - 15 ngày và bắt đầu phát sinh các triệu chứng nhiễm trùng không đặc hiệu, bao gồm:

  • Sốt cao > 39 - 40 độ;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Chóng mặt;
  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;

Sau giai đoạn khởi phát, thường từ ngày thứ 8 trở đi, nếu bệnh không tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ dần hết sốt và không còn dấu hiệu bội nhiễm. Các triệu chứng rối loạn thần kinh nhẹ cũng dần thuyên giảm nếu được điều trị đúng phương pháp.

Riêng những trường hợp tiến triển bệnh nặng, sẽ phát triển kèm theo các biểu hiện thần kinh nghiêm trọng như:

  • Tăng trương lực cơ gây co quắp người, rung giật các chi, cơ mặt;
  • Rối loạn vận động nhãn cầu;
  • Cứng cổ, lú lẫn;
  • Mất ý thức;
  • Tăng phản xạ gân xương;
  • Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như tăng huyết áp, mạch nhanh, da đỏ tái, vã mồ hôi, khó thở...;
  • Dần rơi vào hôn mê sâu;
  • Động kinh;

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm não Nhật Bản được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh, điều tra dịch tễ tại nơi đang sinh sống.

Xét nghiệm máu là một trong những kỹ thuật chẩn đoán viêm não Nhật Bản chính xác

Nếu nghi ngờ viêm não Nhật Bản, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng nhằm phát hiện virus và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh như:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra công thức máu và đánh giá chức năng gan, thận. Đối với bệnh nhân viêm não Nhật Bản, kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu máu nhẹ, giảm tiểu cầu, tăng men gan và bạch cầu;
  • Xét nghiệm dịch não tủy: Trường hợp có các biểu hiện rối loạn tri giác, cần tiến hành chọc dò thắt lưng để lấy mẫu dịch não tủy để làm xét nghiệm. Bệnh nhân viêm não Nhật Bản thường có dấu hiệu tăng protein và tế bào trong dịch não tủy, thay đổi nồng độ glucose trong não tủy, giai đoạn đầu nhiều bạch cầu đa nhân nhưng ở giai đoạn sau tế bào lympho lại chiếm đa số.
  • Xét nghiệm huyết thanh học: Nhằm đo lường nồng độ kháng thể IgM đặc hiệu của virus JEV, từ đó giúp chẩn đoán xác định nhiễm trùng thần kinh. Xét nghiệm huyết thanh có thể được thực hiện nhiều lần nếu nghi ngờ viêm não Nhật Bản nhưng kết quả âm tính.
  • Kiểm tra hình ảnh: Một số kỹ thuật hình ảnh như chụp vi tính cắt lớp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI cũng có thể giúp chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Hình ảnh não được thể hiện rõ nét, giúp bác sĩ đánh giá các thay đổi ở hạch nền, đồi thị, cầu não, trung não và tủy. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể thực hiện đo điện não đồ nhằm đánh giá mức độ hoạt động của não.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm. Không chỉ vì những tác động tiêu cực, làm tổn thương hệ thần kinh mà còn là do hiện nay bệnh vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu.

Viêm não Nhật Bản gây ra những tổn thương thần kinh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời

Đối với những trường hợp nặng, gây tổn thương thần kinh cho nhiễm trùng nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong (tỷ lệ 25 - 35%). Nếu bệnh nhân vượt qua được cơn nguy kịch, cũng sẽ để lại rất nhiều di chứng vĩnh viễn như:

  • Biến chứng sức khỏe thể chất: viêm phổi, suy hô hấp, loét, nhiễm trùng đường tiết niệu...;
  • Biến chứng thần kinh:
    • Liệt chi;
    • Động kinh, co giật;
    • Chậm phát triển trí tuệ;
    • Rối loạn ngôn ngữ;
    • Sa sút trí tuệ sau nhiều năm (điển hình là bệnh Parkinson, Alzheimer);
    • Sống đời thực vật;

Tóm lại, tiên lượng bệnh viêm não Nhật Bản khá xấu, nhất là đối với những trường hợp phát hiện bệnh muộn và điều trị chậm trễ. Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân sống cả đời với các di chứng tàn tật về rối loạn vận động, co giật hoặc khả năng ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức.

Còn lại 50% trường hợp sẽ không có hoặc có ít các dấu hiệu dị tật nhẹ về thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng học tập và làm việc, ứng xử, giao tiếp...

Điều trị

Viêm não Nhật Bản không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc điều trị triệu chứng cũng đem lại hiệu quả tích cực giúp bệnh nhanh khỏi, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và các di chứng về sau.

Điều trị y tế tích cực cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhằm cải thiện triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng

Nguyên tắc điều trị viêm não Nhật Bản là chống suy hô hấp và phù não (nếu có), điều trị triệu chứng, hồi sức hô hấp, tim mạch, kiểm soát biến chứng, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Chống phù não: Tùy vào mức độ phù não nặng hay nhẹ để áp dụng biện pháp chống phù não phù hợp. Trường hợp nhẹ có thể truyền các dịch ưu trương nhằm tăng áp lực thẩm thấu nước vào lòng mạch. Trường hợp nặng, có dấu hiệu co giật chỉ định dùng thuốc chống viêm Corticoid nhằm kiểm soát quá trình thẩm thấu mạch máu, cân bằng lượng muối và nước, duy trì hoạt động não.
  • Kiểm soát cơn co giật: Bệnh nhân viêm não Nhật Bản bị co giật, động kinh sẽ được đặt sonde hoặc truyền dưới dạng tiêm tĩnh mạch bằng thuốc Seduxen. Kết hợp sử dụng dung dịch kết hợp giữa Aminazin, Spartein và Thiantan dưới dạng truyền tĩnh mạch nhỏ giọt để cắt nhanh cơn co giật. Trường hợp bệnh nhân co giật nhiều và kéo dài thường sử dụng Gardenal để đạt hiệu quả tốt hơn.
  • Hạ sốt: Bệnh nhân viêm não Nhật Bản thường sốt rất cao > 39 - 40 độ C, do đó cần ưu tiên hạ sốt cho bệnh nhân để giảm nguy cơ biến chứng. Có nhiều phương pháp hạ sốt như dùng thuốc hạ sốt (dạng viên uống, đặt sonde, thuốc viên đạn nhét trực trạng hoặc truyền tĩnh mạch. Kết hợp cởi bỏ bớt quần áo, chườm lạnh và tạo không gian thoáng mát.
  • Hồi sức cấp cứu: Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp và suy tuần hoàn do viêm não Nhật Bản, cần tiến hành hồi sức cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhân sẽ được thở oxy hỗ trợ nếu thở yếu, khó khăn hoặc hồi sức hô hấp nếu khó thở nặng, ngưng thở. Đồng thời, truyền dung dịch hematocrit nhằm cân bằng các chất điện giải. Chỉ định dùng thuốc vận mạch hoặc thuốc trợ tim (nếu cần).
  • Chăm sóc tích cực: Đây là bước cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể trạng tốt, rút ngắn thời gian điều trị. Bao gồm các bước sau:
    • Dùng kháng sinh: Nhằm mục đích ngăn ngừa bội nhiễm, chống viêm loét. Có 2 nhóm thuốc thường dùng nhất là Ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ 3.
    • Dinh dưỡng: Bệnh nhân viêm não Nhật Bản cần có chế độ ăn uống phù hợp nhằm cải thiện triệu chứng tiêu hóa và nâng cao thể trạng. Chẳng hạn như:
      • Ưu tiên các loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, canh hầm xương, cháo...;
      • Tăng cường các loại thực phẩm giàu muối khoáng như sữa, trứng, rau, củ quả tươi. Vì muối khoáng là thành phần quan trọng giúp tăng sinh enzyme duy trì năng lượng, đảm bảo quá trình trao đổi chất;
      • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi... tăng cường đề kháng và chống nhiễm trùng;
      • Tăng cường bổ sung vitamin B thông qua các loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại hạt, rau xanh, trứng, thịt gà... giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và duy trì năng lượng, cải thiện thể trạng và tinh thần cho bệnh nhân;
    • Nghỉ ngơi & Vệ sinh:
      • Chú ý vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên;
      • Cho bệnh nhân nằm ở tư thể thoải mái;
      • Chèn nệm cao su vào các vị trí dễ bị tỳ đè trên cơ thể giúp giảm nguy cơ viêm loét da;

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa viêm não Nhật Bản là các tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, tránh các biến chứng, dị tật vĩnh viễn ngoài ý muốn. Đặc biệt, đối với một quốc gia có khí hậu nhiệt đới ẩm như Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh luôn ở mức cao ở cả trẻ em lẫn người lớn.

Có 2 cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là:

Tiêm phòng vắc xin

Viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa được nhờ vắc xin. Loại vắc xin này có khả năng tạo ra các kháng thể đặc hiệu cho cơ thể nhằm tiêu diệt virus JEV ngay khi phát hiện. Trên toàn thế giới có 4 nhóm vắc xin ngừa bệnh viêm não Nhật Bản là:

  • Vắc xin có nguồn gốc từ não chuột;
  • Vắc xin Vero Cell (loại vắc xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero);
  • Vắc xin sống giảm độc lực;
  • Vắc xin có nguồn gốc từ chủng virus sốt vàng;

Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản được sử dụng hiệu quả là Imojev (Pháp) và Jevax (Việt Nam). Cả 2 loại vắc xin này đều dùng được cho cả trẻ em và người lớn. Trong đó, vắc xin Imojev chỉ định tiêm cho trẻ > 9 tháng tuổi, vắc xin Jevax tiêm cho trẻ > 12 tháng tuổi.

Bất kỳ đối tượng nào cũng nên tiêm phòng vắc xin này, không phân biệt tuổi tác. Trong đó, trẻ em < 15 tuổi, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ là trẻ em từ 2 - 6 tuổi cần tuân thủ lịch tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Lịch

Lịch tiêm vắc xin tổng cộng 3 liều, gồm:

Đối với trẻ em

  • Mũi đầu tiên khi trẻ 1 tuổi;
  • Mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên 1 - 2 tuần;
  • Mũi thứ 3 tiêm nhắc lại sau 1 năm kể từ mũi thứ 2;

Khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ tiêm nhắc lại 1 mũi sau 3 - 4 năm, duy trì cho đến khi trẻ 15 tuổi thì ngưng.

Đối với người lớn

Những người chưa từng tiêm vắc xin trước đây sẽ tiêm tổng cộng 3 mũi cơ bản tượng tự như trẻ em. Trường hợp đã từng tiêm trước đây cần phải tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao.

Đảm bảo môi trường sống vệ sinh

Bên cạnh tiêm vắc xin, chúng ta cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ tác nhân lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản bằng các cách đơn giản sau:

Xịt thuốc chống muỗi cho trẻ nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản

  • Loại bỏ tất cả những điều kiện sinh sản của và phát triển của muỗi như ao, hồ, chum, vại chứa nước, phát quang cây cối mọc rậm, phun thuốc diệt côn trùng thường xuyên.
  • Nếu hộ gia đình chăn nuôi hoặc trồng trọt, cần đặt trang trại xa nơi ở và tuân thủ các biện pháp vệ sinh để ngăn muỗi phát triển.
  • Ngủ mắc màn, mặc quần áo dài tay, bôi kem chống muỗi...
  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi/ con tôi mắc bệnh viêm não Nhật Bản?

2. Những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm não Nhật Bản?

3. Cần làm những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản?

4. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng của bệnh trong trường hợp của tôi?

5. Bệnh viêm não Nhật Bản có chữa khỏi được không?

6. Điều trị viêm não Nhật Bản bằng phươn pháp nào tốt nhất?

7. Tôi cần chăm sóc sức khỏe bản thân/ con tôi như thế nào?

8. Điều trị viêm não Nhật Bản nội trú hay ngoại trú?

9. Quá trình điều trị viêm não Nhật Bản mất bao lâu thì khỏi hẳn?

10. Có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản không? Lịch tiêm và chi phí như thế nào?

Viêm não Nhật Bản gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất, tâm lý và cả khả năng vận động của bệnh nhân. Trong trường hợp nặng, bệnh để lại những di chứng tàn tật vĩnh viễn không thể phục hồi gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần được điều trị tích cực trong giai đoạn đầu và tiêm vắc xin phòng ngừa sớm để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.

Ngày đăng 14:12 - 01/05/2023 - Cập nhật lúc: 14:13 - 01/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Phù Não
Phù não là một trong những tai biến thường gặp của các chấn thương, nhiễm trùng, u não hoặc đột quỵ. Phù não có thể khu trú hoặc toàn bộ…
Áp Xe Não Do Amip
Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký…
Bệnh U nang màng nhện
U nang màng nhện là một trong những dạng u…
Bệnh Thoát Vị Não
Thoát vị não là một trong những vấn đề sức…
Chấn Thương Sọ Não

Chấn thương sọ não là tình trạng sức khỏe nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đe…

Bệnh U Màng Não

U màng não là khối u nội sọ có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng xuất hiện ở nhiều…

Hội chứng PANDAS

Hội chứng PANDAS là từ viết tắt của Chứng rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em…

Bệnh Parkinson

Parkinson là một rối loạn thần kinh tiến triển gây ảnh hưởng đến chuyển động, khả năng giữ thăng bằng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua