Bệnh Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Nhuần – Khoa Nội tiếtPhó Giám đốc Chuyên môn – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh về đường tiêu hóa, bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải. Tiến triển bệnh khá nhanh, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra hàng loạt các biến chứng, hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cần có phác đồ phù hợp, do đó bệnh nhân nên thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. 

Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh đường tiêu hóa phổ biến

Tổng quan

Dạ dày là cơ quan chính của hệ tiêu hóa, được phủ một lớp dịch nhầy để tránh tiếp xúc với axit dạ dày có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi không đủ dịch nhầy, axit lại tiết ra nhiều sẽ khiến niêm mạc dạ dày tiếp xúc với axit và gây ra các vết loét.

Viêm loét dạ dày tá tràng (tên khoa học là Peptic ulcer) là tình trạng niêm mạc dạ dày - tá tràng (là bộ phận tiếp nối giữa dạ dày với phần đầu của ruột non) bị tổn thương.

Phân loại

Viêm loét dạ dày tá tràng được chia làm 2 dạng gồm:

  • Thể cấp tính: Các triệu chứng khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh chóng, ồ ạt nhưng cũng nhanh biến mất, ít khi để lại di chứng.
  • Thể mãn tính: Có tính chất dai dẳng, kéo dài và tiến triển chậm qua nhiều tháng, nhiều năm. Ban đầu, tổn thương chỉ khu trú tại chỗ hoặc lan tỏa, theo thời gian gây ra viêm teo niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp như:

Viêm loét dạ dày tá tràng
Nhiễm vi khuẩn H.pylori là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm loét dạ dày tá tràng

  • Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori): Là vi khuẩn sống trong đường ruột, chúng bùng phát số lượng khi gặp điều kiện thuận lợi. Nhiễm Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh viêm dạ dày cấp hoặc mãn tính, nặng hơn là ung thư dạ dày.
  • Lạm dụng thuốc Tây: Sau nguyên nhân nhiễm vi khuẩn Hp, lạm dụng thuốc Tây là nguyên nhân hàng đầu gây ra loét dạ dày tá tràng. Trong các loại thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh... có chứa các chất khi vào cơ thể, gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Hậu quả làm giảm lượng chất dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và dễ bị viêm loét.
  • Hội chứng Zollinger - Ellison: Người mắc hội chứng này làm tăng lượng axit dạ dày đột biến, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm, ít hơn 1% trên tổng số các ca bệnh.

Yếu tố nguy cơ

  • Thói quen nghiện rượu bia, thuốc lá;
  • Thường xuyên ăn những món chua, cay, quá nóng hoặc quá lạnh, khó tiêu;
  • Ăn uống lúc no, lúc đói, ăn không đúng bữa, bỏ bữa sáng, ăn khuya, ăn vội, không nhai kỹ, lười vận động, thức khuya...;
  • Tâm lý căng thẳng;
  • Yếu tố di truyền;

Triệu chứng và chẩn đoán

Ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng xuất hiện các triệu chứng đặc trưng gồm:

Viêm loét dạ dày tá tràng
Đau âm ỉ và nóng rát thượng vị là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh

  • Gây đau nhức âm ỉ vùng bụng trên rốn;
  • Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn ói;
  • Nhanh có cảm giác no dù ăn rất ít;
  • Tiêu chảy, đi ngoài phân đen, có lẫn máu;
  • Nước tiểu nhiều bọt;
  • Ợ nóng, ợ chua, trào ngược axit dạ dày và nóng rát vùng thượng vị;
  • Lưỡi trắng, hôi miệng, đắng miệng, chảy máu nướu răng;
  • Chán ăn, mất khẩu vị và sụt cân đột ngột;
  • Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt;
  • Sốt cao 39 - 40 độ C trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính;
  • Mất ngủ, suy nhược cơ thể;

Đây là những triệu chứng cơ bản, không phải tất cả mọi trường hợp đều có đầy đủ dấu hiệu. Hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay dù chỉ xuất hiện 1 vài triệu chứng để phát hiện và điều trị sớm.

Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể đánh giá tổng quan về tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Để chắc chắn hơn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:

Viêm loét dạ dày tá tràng
Xét nghiệm máu giúp phát hiện vi khuẩn Hp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

  • Xét nghiệm máu: Nhằm tìm kiếm vi khuẩn Hp trong máu.
  • Test hơi thở C13: Đây cũng là phương pháp giúp phát hiện vi khuẩn Hp khá chính xác thông qua hơi thở.
  • Nội soi dạ dày (EGD): Giúp quan sát hình ảnh trực quan bên trong dạ dày, phát hiện vết loét, có chảy máu hay bất thường nào liên quan không.
  • Sinh thiết nội soi: Trong quá trình nội soi, kết hợp lấy mẫu mô tế bào mang đi sinh thiết và phân tích. Kỹ thuật này thường được áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh tiêu hóa có tiên lượng cao nếu phát hiện và điều trị sớm trong giai đoạn đầu. Nhưng nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm:

Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng không điều trị, tiến triển kéo dài phát sinh các tế bào ung thư

  • Hẹp môn vị: Ổ viêm loét hành tá tràng gây chít hẹp môn vị (đường đi của thức ăn xuống dạ dày). Đặc trưng với các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và nôn ói.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Ổ loét dạ dày tá tràng rỉ máu liên tục. Tình trạng này kéo dài gây ra thiếu máu, mất máu. Biến chứng này biểu hiện thông qua việc nôn ra máu, đại tiện ra phân lẫn máu hoặc phân đen.
  • Loét thủng dạ dày: Ổ loét dạ dày tiến triển lâu ngày ăn mòn thành mạch máu và hình thành lổ thủng xuyên qua lớp niêm mạc dạ dày - tá tràng. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc nghiêm trọng. Đặc trưng triệu chứng là gây nhức dữ dội, đột ngột vùng trên rốn, toàn bộ vùng bụng, bụng co cứng, ấn mạnh gây đau.
  • Ung thư dạ dày: Biến chứng ung thư do viêm loét dạ dày tá tràng là nguy hiểm nhất. Nếu phát hiện trễ, không đáp ứng điều trị có thể gây tử vong. Theo khảo sát, những người nhiễm vi khuẩn Hp thường có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn các đối tượng khác.

Điều trị

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Có 2 phương pháp chính là nội khoa và ngoại khoa.

1. Điều trị bằng thuốc

Hầu hết các trường hợp bệnh đều đáp ứng với phác đồ dùng thuốc. Các thuốc thường dùng để điều trị là:

Viêm loét dạ dày tá tràng
Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng nhằm giảm tiết axit và tiêu diệt vi khuẩn H.pylori

  • Thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazol, esomeprazol, omeprazol, pantoprazol) hoặc thuốc chẹn thụ thể H2 (như famotidin, cimetidin, nizatidin) nhằm ức chế quá trình sản sinh acid dạ dày.
  • Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn Hp. Điển hình như Tinidazol, Metronidazol, Clarithromycin hoặc Amoxicilline. Phần lớn các trường hợp đều được chỉ định dùng kết hợp từ 2 loại thuốc trở lên mới có hiệu quả.
  • Một số thuốc khác như thuốc kháng acid (antacid) giúp trung hòa acid dạ dày hoặc thuốc Bismuth giúp tiêu diệt vi khuẩn H.pylori.

Chú ý tác dụng phụ của thuốc trong quá trình sử dụng, như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng... Theo dõi kỹ và thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc khác.

2. Phẫu thuật

Trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng có biến chứng xuất huyết, thủng dạ dày, vết loét tái đi tái lại nhiều lần hoặc hẹp môn vị... cần phải phẫu thuật để xử lý.

Các phẫu thuật phổ biến gồm:

  • Cắt bỏ môn vị bị hẹp và 1 phần dạ dày bị loét;
  • Cắt bỏ vùng dạ dày có vết loét, khâu nối liền với vị tràng;
  • Thủ thuật thắt động mạch chảy máu tại vị trí niêm mạc bị thủng;
  • Khâu lỗ thủng dạ dày kết hợp làm sạch khoang bụng;
  • Cắt dây thần kinh số 10 ức chế tiết nhiều axit dạ dày;

3. Kết hợp chăm sóc tại nhà

Theo khuyến cáo, người bị viêm loét dạ dày tá tràng cần có chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt khoa học. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị và ngăn tiến triển nghiêm trọng của bệnh.

Viêm loét dạ dày tá tràng
Chế độ ăn uống khoa học không thể trị khỏi viêm loét dạ dày tá tràng nhưng sẽ giúp phòng ngừa bệnh tái phát

Về ăn uống

  • Tăng cường các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, giàu chất xơ, kẽm, vitamin C, kẽm, probiotics như: thịt cá nạc, sữa, trứng, các loại rau lá xanh, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, củ cải, bắp cải, các loại chứa tinh bột dễ tiêu như cơm, cháo, bánh mì, khoai, dầu ô liu, cam, dưa hấu, dâu tây, việt quất, quả mâm xôi...
  • Để tránh làm tăng axit dạ dày, tránh ăn những món quá chua, cay, nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa, nói không với chất kích thích.
  • Ăn chậm nhai kỹ, ăn đủ bữa, đúng giờ, hạn chế ăn khuya.
  • Uống đủ nước.

Về sinh hoạt

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Tập thể dục, vận động rèn luyện thể chất, nâng cao sức đề kháng.
  • Ngủ đủ giấc, cân bằng hợp lý giờ làm việc và nghỉ ngơi.
  • Kiểm soát căng thẳng, duy trì trạng thái vui vẻ, thoải mái.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng, hãy ghi nhớ các nguyên tắc sau:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để tránh bị nhiễm trùng.
  • Rửa thực phẩm kỹ lưỡng hoặc nấu chín kỹ đảm bảo không còn vi khuẩn để hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.pylori.
  • Không nên sử dụng chung các vật dụng cá nhân hoặc tiếp xúc gần như hôn môi, dùng chung chén đũa, ly tách... vì vi khuẩn H.pylori có thể lây lan qua đường miệng - miệng, phân - miệng hoặc dạ dày - miệng.
  • Ngưng sử dụng hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ khi dùng các loại thuốc thuộc nhóm NSAIDs để dùng an toàn, không gây viêm loét dạ dày.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

Khi khám bệnh, hãy chủ động đặt những câu hỏi dưới đây nếu bạn chưa nắm rõ về tình trạng bệnh.

1. Hỏi kỹ về nguyên nhân khiến tôi bị viêm loét dạ dày tá tràng là gì để chủ động phòng ngừa về sau?

2. Kể chi tiết với bác sĩ về triệu chứng của bản thân và hỏi về mức độ nguy hiểm của từng triệu chứng?

3. Nếu bệnh nhẹ có nhất thiết phải điều trị hay không? Nếu không điều trị bệnh có tự khỏi không?

4. Nhờ bác sĩ tư vấn hiệu quả của phương pháp điều trị

5. Bị viêm loét dạ dày tá tràng nên uống thuốc gì? Tác dụng của từng loại?

6. Cách dùng thuốc như thế nào để tránh tác dụng phụ?

7. Bị viêm loét dạ dày tá tràng có phải nội soi không?

8. Hỏi kỹ về cách chăm sóc, sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

Viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh đường tiêu hóa đáng lo ngại, dễ phát sinh biến chứng nếu không điều trị. Do đó, nếu nghi ngờ có các dấu hiệu bệnh, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.