Bệnh Viêm Gan Tự Miễn

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Viêm gan tự miễn là một trong những bệnh lý tự miễn có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Đây là dạng viêm gan mạn tính, đăc đặc trưng với các tổn thương viêm nhiễm, sưng phù do rối loạn hệ miễn dịch. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan và nhiều hệ lụy nguy hiểm khác cho sức khỏe. Điều trị viêm gan tự miễn chủ yếu bằng phác đồ Corticosteroid. 

Tổng quan

Viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis - AIH) là bệnh gan mãn tính được khởi phát từ những rối loạn bất thường của hệ thống miễn dịch. Gan là cơ quan chính thực hiện chức năng tiêu hóa thức ăn và lọc thải độc tố. Khi có vấn đề, hệ thống miễn dịch tấn công đến các tế bào gan, gây tổn thương sưng viêm.

Viêm gan tự miễn là bệnh viêm gan mạn tính do chính hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào gan

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm gan tự miễn vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết ghi nhận có sự bất thường về HLA - hệ thống kháng nguyên bạch cầu ở người thuộc sự quản lý của hệ miễn dịch và được kiểm soát bởi các gen của NST số 6.

Độ tuổi khởi phát viêm gan tự miễn thường là trong giai đoạn sớm 4 - 14 tuổi hoặc 15 - 40 tuổi tùy theo loại bệnh. Điều trị viêm gan tự miễn càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao, phương pháp chính thường dùng là liều cao Corticosteroid. Ngược lại, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm bệnh có thể tái phát trở lại và gây biến chứng xơ gan nguy hiểm cho sức khỏe.

Phân loại

Bệnh viêm gan tự miễn được chia làm 2 loại dựa theo sự khác biệt về kết quả xét nghiệm kháng thể. Tùy theo từng loại kháng thể miễn dịch tấn công tế bào gan sẽ gây ra từng dạng bệnh khác nhau.

Viêm gan tự miễn được chia làm 2 dạng khác nhau về loại kháng thể chống các tế bào gan

Loại 1

Loại viêm gan tự miễn này chiếm khoảng 80% trên tổng số các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải, trong đó phổ biến nhất là phụ nữ trẻ tuổi hoặc những người có tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn khác như viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, chứng xơ cứng bì...

Thể bệnh này được nghiên cứu và phát hiện có liên quan đến các kháng thể chống cơ trơn (ASMA), chúng tấn công đến các tế bào cơ trơn trong gan. Viêm gan tự miễn loại 1 còn được gọi là bệnh viêm gan lupoid vì các triệu chứng lâm sàng khá giống với bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Để chẩn đoán phân biệt 2 bệnh lý này thường dùng xét nghiệm máu ASMA.

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán viêm gan tự miễn đều đã ở thể mạn tính với các triệu chứng nghiêm trọng. Bệnh không có khả năng lây nhiễm, có thể điều trị hiệu quả với thuốc Corticosteroid. Bệnh chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi hoặc những người có tiền sử mắc các bệnh lý tự miễn khác.

Loại 2

Viêm gan tự miễn loại 2 là thể bệnh khá hiếm gặp nhưng mức độ bệnh lại nghiêm trọng hơn. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ 2 - 14 tuổi, một số trường hợp có thể xảy ra ở người lớn.

Những người mắc bệnh viêm gan tự miễn thể này thường phát hiện kháng thể microsome kháng gan thận loại 1 (chống LKM-1) hoặc kháng thể kháng tế bào gan loại 1 (chống LC1). Trong đó:

  • Kháng thể chống LKM-1 thường nhắm đến protein cytochrom P450-2D6 (CYP2D6) trong gan;
  • Kháng thể chống LC1 là loại kháng thể đặc hiệu của gan đối với bệnh viêm gan tự miễn loại 2;

Ngoài ra, viêm gan tự miễn còn một dạng hiếm gặp hơn đó là kháng thể chống lại các kháng nguyên hòa tan SLA. Tỷ lệ mắc thể này khá hiếm và hầu như không được xếp vào phân loại.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bất thường về hệ thống miễn dịch của cơ thể là nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan tự miễn. Tuy nhiên, cơ chế khởi phát vẫn chưa được các nhà khoa học xác định rõ ràng. Có thể do các tế bào miễn dịch bị rối loạn, hoạt động bất thường và không phân biệt được các tế bào khỏe mạnh với tác nhân gây hại.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh viêm gan tự miễn với sự xuất hiện bất thường của kháng nguyên bạch cầu HLA trong các màng tế bào gan. Chính những tế bào này khiến cho những tế bào gan khỏe mạnh tự biến đổi với cơ chế tự kháng nguyên và bị tổn thương.

Rối loạn hệ thống miễn dịch do đột biến gen, nhiễm virus, hóa chất, căng thẳng thần kinh... có thể khởi phát viêm gan tự miễn

Một số tác nhân chính gây ra tình trạng này như:

  • VirusSự xâm nhập và tấn công của một số loại virus như virus viêm gan siêu vi A, B, C, D, E, Epstein - Barr (gây bệnh bạch cầu đơn nhân), mụn rộp, sởi... là một trong những yếu tố hàng đầu kích thích sự phát triển cơ chế tụ miễn và gây ra tổn thương gan.
  • Đột biến gen: Gen đột biến có thể do di truyền hoặc được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường. Theo thống kê, có khoảng 70% trường hợp được chẩn đoán viêm gan tự miễn là phụ nữ từ 15 - 40 tuổi và có mang gen HLA DRB1 03 hoặc HLA DRB1 04...
  • Hóa chất: Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ khởi phát viêm gan tự miễn. Chẳng hạn như melatonin, alpha methyldopa, Interferon, nitrofurantoin...
  • Căng thẳng thần kinh: Tiếp nhận đột ngột các sự kiện gây căng thẳng thần kinh cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức và kích hoạt viêm gan tự miễn.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố rủi ro sau đây cũng có thể gây ra viêm gan tự miễn:

Những người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn khác như tiểu đường, viêm tuyến giáp, bạch biến... có nguy cơ cao bị viêm gan tự miễn

  • Phụ nữ trẻ tuổi từ 15 - 40 hoặc trẻ em từ 4 - 14 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan tự miễn;
  • Ảnh hưởng các bệnh tự miễn gây tổn thương ống dẫn mật như viêm đường mật nguyên phát và viêm đường mật xơ cứng nguyên phát;
  • Những người mắc các bệnh lý tự miễn khác như:
    • Tiểu đường type 1;
    • Viêm tuyến giáp;
    • Viêm ruột kết (viêm loét đại tràng);
    • Hội chứng Sjogren (chứng khô mắt, khô miệng);
    • Bệnh bạch biến (mất sắc tố da);
    • Bệnh Celiac;
    • Bệnh Graves;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây rối loạn miễn dịch khởi phát viêm gan tự miễn như Atorvastatin, minocycline, nitrofurantoin, halothane, diclofenac, isoniazid, infliximab, propylthiouracil...;
  • Tiền sử gia đình có người đã từng hoặc đang mắc bệnh viêm gan tự miễn, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc cao;
  • Tiền sử nhiễm trùng trước đây nhưng chưa điều trị dứt điểm cộng với suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại phát triển;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Viêm gan tự miễn là bệnh mạn tính nhưng lại ít có các triệu chứng đặc hiệu. Dựa vào tiến triển bệnh, các triệu chứng mới bắt đầu biểu hiện rõ hơn. Có 2 giai đoạn khởi phát viêm gan tự miễn chính gồm:

Triệu chứng điển hình của viêm gan tự miễn như đau bụng, sưng bụng, phát ban da, vàng da, buồn nôn, chán ăn...

Triệu chứng viêm gan tự miễn giai đoạn khởi phát

Thường ít dấu hiệu, mờ nhạt và không điển hình, bao gồm:

  • Ăn uống kém
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Sưng bụng kèm theo gan to
  • Đau bụng hoặc đau tức vùng mạn sườn phải
  • Đau khớp
  • Phát ban da
  • Nổi mụn trứng cá

Triệu chứng viêm gan tự miễn giai đoạn muộn

Sau một thời gian tiến triển, chức năng gan dần suy giảm, trong máu tích tụ lượng mật lớn gây ra các dấu hiệu sau:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân nhạt màu
  • Ngứa ngáy da
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn ói

Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, viêm gan tự miễn còn có một số triệu chứng phụ xuất hiện trong giai đoạn muộn, nhưng không phải ai cũng gặp phải. Có thể kể đến như:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản;
  • Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh;
  • Chứng u mạch nhện với sự xuất hiện của các đám mạch mạch dưới bề mặt da, có màu đỏ tím;
  • Da dễ bầm tím, chảy máu;
  • Phù nề tay chân hoặc cổ trướng do tích tụ lượng chất lỏng lớn trong bụng;
  • Chứng não gan gây lú lẫn, dễ mất phương hướng;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm gan tự miễn cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể một số kỹ thuật chẩn đoán viêm gan tự miễn như:

Xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng gan và chẩn đoán viêm gan tự miễn thông qua các chỉ số có giá trị cao như men gan, bilirubin...

  • Khám lâm sàng: Gồm 2 bước là thăm hỏi tình trạng sức khỏe, thu thập triệu chứng do bệnh nhân cung cấp và khai thác tiền sử bệnh lý. Đồng thời, kiểm tra triệu chứng trên lâm sàng sẽ thấy gan to, thùy trái phát triển lớn hơn bình thường, lạch to, hạch to, cổ trướng và teo gan. Ngoài da thấy nổi hồng ban, nhiều mụn trứng cá, viêm mao mạch dị ứng...
  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu cho thấy các bằng chứng rõ ràng về bệnh viêm gan tự miễn, bao gồm chỉ số men gan, đánh giá chức năng gan thông qua chỉ số cholinesterase, bilirubin, tiểu cầu, mức độ nhiễm trùng, tìm kiếm các kháng thể tự miễn dịch như anti-LKM1 hoặc SMA,... Cụ thể tăng nồng độ gammaglobuline, tăng bilirubin > 3mg/dL, AST > 1000U/L, phosphatase kiềm > 2 lần...
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số trường hợp viêm gan tự miễn cũng được chỉ định thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI...

Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán với một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như:

  • Xơ đường mật tiên phát;
  • Xơ đường mật trong bệnh gan tiên phát;
  • Viêm đường mật tự miễn;
  • Viêm gan virus;
  • Viêm gan mạn vô căn;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm gan tự miễn giai đoạn mạn tính do tiến triển bệnh nhanh chóng, hoại tử các tế bào gan, thùy gan... Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan tự miễn sẽ là nguyên nhân gây là hàng loạt các biến chứng khó lường cho sức khỏe như:

Bệnh nhân viêm gan tự miễn nặng có thể tiến triển thành biến chứng xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan

  • Xơ gan: Các tế bào gan bị tấn công bởi hệ miễn dịch gây sưng phù và nhiễm trùng nặng. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài có thể gây biến chứng xơ gan không phục hồi và tiến triển đến suy gan, ung thư gan đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản: Tổn thương gan kéo theo sự hạn chế lưu thông các tĩnh mạch cửa, khiến máu có xu hướng đổ ngược về các tĩnh mạch lân cận, làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch. Hậu quả là gây vỡ và xuất huyết vào thực quản hoặc các cơ quan khác như ruột non, dạ dày... Đây là tai biến nguy hiểm cần được cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
  • Các biến chứng khác:
    • Thiếu máu ác tính: Bệnh nhân viêm gan tự miễn có liên quan đến các rối loạn tự miễn, làm tăng nguy cơ gây thiếu hụt vitamin B12, ảnh hưởng quá trình tạo máu cho cơ thể.
    • Thiếu máu tan huyết: Hệ miễn dịch tấn công các tế bào gan vô tình gây phá vỡ các tế bào máu;
    • Giảm tiểu cầu phát ban xuất huyết: Thiếu hụt tiểu cầu xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công phá hủy các tế bào này, ảnh hưởng quá trình đông máu, khiến bệnh nhân phát ban dưới da do xuất huyết, da dễ bầm tím;
    • Viêm loét đại tràng: Là bệnh lý đường ruột gây ra những biểu hiện nghiêm trọng như đau bụng, tiêu chảy lẫn máu;
    • Viêm khớp dạng thấp: Sự tấn công của hệ miễn dịch đến hệ thống xương khớp khiến bệnh nhân thường xuyên bị tê cứng, sưng đau khớp ngón tay, ngón chân, thậm chí gây biến dạng và tàn tật vĩnh viễn;
    • Bệnh tuyến giáp: Tình trạng tự miễn dịch tuyến giáp cũng là một trong những biến chứng của viêm gan tự miễn do rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch;

Các chuyên gia cho biết viêm gan tự miễn là bệnh gan mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và loại bỏ viêm nhiễm trong thời gian dài, ít nhất 6 tháng cho đến vài năm. Bệnh có tỷ lệ tái phát cao khi ngưng dùng thuốc (tỷ lệ khoảng 80%).

Tuy nhiên, nếu đáp ứng tốt phác đồ điều trị, tiên lượng bệnh thường tốt, phục hồi chức năng gan và có thể ngưng sử dụng thuốc trong tương lai. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân viêm gan tự miễn khi không điều trị là 50% sau 5 năm, nếu được điều trị tích cực tỷ lệ này dao động trong khoảng 70 - 90% sau 20 năm.

Điều trị

Mục tiêu điều trị viêm gan tự miễn là làm chậm hoặc ức chế quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, giảm thiểu tổn thương gan và ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị bằng thuốc

Hiện nay, phương pháp tiêu chuẩn điều trị viêm gan tự miễn là dùng Corticosteroid liều cao. Thuốc có tác dụng cải thiện đáng kể tình trạng viêm và ức chế phản ứng tự miễn dịch. Qua đó, bệnh dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng việc dùng thuốc sẽ phải duy trì trong nhiều năm để đạt hiệu quả cao, giảm nguy cơ tái phát.

Thuốc Corticosteroid là phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh viêm gan tự miễn

  • Loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến nhất là Prednisone hoặc thay thế bằng Budesonide. Đây là loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất trong phác đồ điều trị viêm gan tự miễn.
  • Ngoài nhóm thuốc chính là Corticosteroid, bệnh nhân viêm gan tự miễn cũng có thể được chỉ định điều trị phối hợp hoặc thay thế bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch như Azathioprine (Imuran hoặc Azasan), 6-mercaptopurine.

Các nhóm thuốc này tuy mạnh, đem lại hiệu quả điều trị cao nhưng cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định sử dụng thuốc sao cho an toàn.

  • Tác dụng phụ của thuốc corticosteroid:
    • Thèm ăn, tăng cân;
    • Tiểu đường;
    • Huyết áp
    • Loãng xương;
    • Suy giảm thị lực;
    • Rối loạn tâm trạng;
  • Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch:
    • Dễ nhiễm trùng;
    • Viêm da;
    • Buồn nôn, nôn mửa;
    • Dễ xuất huyết, bầm tím da;
    • Suy giảm chức năng thận;
    • Viêm tụy;

Các chuyên gia khuyến cáo, dùng thuốc Corticosteroid điều trị viêm gan tự miễn cần duy trì ít nhất 3 năm trước khi ngưng sử dụng hoặc ít nhất 2 năm đối với thuốc ức chế miễn dịch.

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bệnh có tái phát hay không, tần suất tái phát nhiều hay ít... Tốt nhất bệnh nhân nên theo dõi sức khỏe sau điều trị và thông báo cho bác sĩ để được chỉ định tái điều trị bằng phác đồ hiệu quả hơn.

Chăm sóc phục hồi chức năng gan

Bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc chuyên biệt và phù hợp với tình trạng sức khỏe nhằm hỗ trợ làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh, cải thiện hệ miễn dịch và sớm phục hồi chức năng gan.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ cải thiện viêm gan tự miễn

Chế độ ăn uống

Bệnh nhân viêm gan tự miễn cần có chế độ ăn uống khoa học, nhất là những người có dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc xơ gan mất bù. Một số nguyên tắc ăn uống và bổ sung thực phẩm bạn cần lưu ý như sau:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ quả, trái cây, hạt, ngũ cốc, thức ăn giàu đạm, cà phê (giúp giảm sẹo xơ gan)...
  • Hạn chế hoặc tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, thừa đường, muối, sắt, rượu bia...
  • Uống nhiều nước để làm loãng độc tố và hỗ trợ gan thải độc hiệu quả hơn.
  • Tăng cường uống các loại nước ép trái cây, rau củ quả tươi giúp cung cấp năng lượng và bổ sung vitamin, khoáng chất tốt cho bệnh nhân viêm gan nói chung.

Chế độ sinh hoạt

  • Tập thể dục đều độ hàng ngày, duy trì cân nặng đem lại nhiều lợi ích tích cực trong việc cải thiện triệu chứng viêm gan tự miễn.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng giúp tăng cường miễn dịch.
  • Tuyệt đối không uống rượu bia để tránh làm suy giảm miễn dịch và tổn thương gan nặng hơn.
  • Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân vi sinh vật gây hại đến hệ miễn dịch.
  • Tái khám định kỳ nhằm theo dõi tiến triển bệnh, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng.

Phòng ngừa

Cơ chế và nguyên nhân gây viêm gan tự miễn chưa được xác định rõ nên vẫn chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu đối với bệnh lý này. Nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa được các yếu tố nguy cơ gây bệnh bằng các biện pháp tích cực sau:

  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc hoặc mặc đồ bảo hộ trước khi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.
  • Chọn nguồn thực phẩm organic nguyên chất để tránh nạp vào cơ thể các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến gan.
  • Cai thuốc lá hoặc tránh những nơi có nhiều khói thuốc lá.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát nguy cơ mắc bệnh đối với những đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị viêm gan tự miễn?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm gan tự miễn?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định viêm gan tự miễn?

4. Tôi mắc thể bệnh viêm gan tự miễn nào? Tiên lượng mức độ có nghiêm trọng không?

5. Bệnh viêm gan tự miễn có chữa khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị viêm gan tự miễn nào tốt nhất?

7. Dùng thuốc trị viêm gan tự miễn có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý?

8. Ngưng thuốc có gây tái phát viêm gan tự miễn không?

9. Tôi nên thực hiện chế độ chăm sóc và ăn uống như thế nào khi đang điều trị viêm gan tự miễn?

10. Thời gian điều trị viêm gan tự miễn mất bao lâu thì khỏi?

Viêm gan tự miễn xảy ra phổ biến ở nữ giới do rối loạn hệ thống miễn dịch. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do đó, khuyến khích bệnh nhân khi phát hiện triệu chứng bất thường hãy đến bệnh viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và tư vấn điều trị, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy gan, ung thư gan.

Ngày đăng 10:41 - 13/04/2023 - Cập nhật lúc: 10:42 - 13/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Liệt Ruột
Liệt ruột là phản ứng tạm thời sau phẫu thuật vùng bụng hoặc viêm nhiễm cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đặc trưng với các triệu chứng tiêu hóa…
Bệnh Thoát Vị Đùi
Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị…
Bệnh Viêm Gan C
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus HCV…
Polyp Ống Tiêu Hóa
Polyp ống tiêu hóa thường xuất hiện ở đại tràng,…
Bệnh Viêm hạch mạc treo

Viêm hạch mạc treo là một trong những bệnh lý hiếm gặp về các bất thường của hệ thống hạch…

Bệnh Sán Lá Gan

Sán lá gan là bệnh lý phổ biến thuộc nhóm nhiễm ký sinh trùng qua đường tiêu hóa. Bệnh được…

Bệnh Thoát Vị Khe Hoành

Thoát vị khe hoành là một dạng thoát vị phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.…

Bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày là vấn đề tiêu hóa nhiều người gặp phải. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua