Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Viêm đường hô hấp dưới là nhóm các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, lao phổi... Bệnh dễ xảy ra ở những đối tượng có sức đề kháng yếu kém và tiếp xúc với các tác nhân virus, vi khuẩn. Tùy theo từng dạng bệnh và mức độ tiến triển ở từng trường hợp mà áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. 

Tổng quan

Đường hô hấp dưới được tính từ thanh quản trở xuống, bao gồm phế quản, khí quản, các tiểu phế nang và phế nang. Tình trạng nhiễm trùng tại đây được gọi là viêm đường hô hấp dưới.

Viêm đường hô hấp dưới
Viêm đường hô hấp dưới là tình trạng nhiễm trùng tại phế quản hoặc phổi

Viêm đường hô hấp dưới (Lower respiratory tract infections - LRTI) là thuật ngữ chung dùng để chỉ các bệnh như viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm tiểu phế quản, viêm phế quản mạn tính (AECB), lao phổi,...

Đây là các bệnh có khả năng lây truyền thông qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc với các tác nhân có chứa virus, vi khuẩn hoặc nấm, ký sinh trùng. Các bệnh viêm đường hô hấp dưới có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn khi gặp điều kiện thuận lợi.

So với viêm đường hô hấp trên, các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường đáng lo ngại hơn do có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư. Sự nguy hiểm của các bệnh viêm đường hô hấp dưới được chuyên gia cảnh báo trong thập kỷ trở lại đây, nhất là tại các nước phát triển.

Phân loại

Dựa vào vị trí viêm nhiễm trên đường hô hấp dưới, bệnh lý này được phân chia làm nhiều loại, mỗi loại có những đặc điểm, triệu chứng khác nhau. Tại Việt Nam, có 4 bệnh viêm đường hô hấp dưới phổ biến nhất là:

Viêm đường hô hấp dưới
Viêm phổi là một trong những bệnh nhiễm trùng thuộc đường hô hấp dưới có tỷ lệ mắc cao

  • Viêm phế quản cấp (Acute Bronchitis - AB): là tình trạng phế quản bị viêm nhiễm. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, đau cơ,... kèm theo ho ngày càng nặng, ho có đờm và tức ngực, khó thở. Bệnh xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân như virus, vi khuẩn từ môi trường. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính.
  • Viêm phổi (Pneumonia): Là một trong những bệnh viêm đường hô hấp dưới phổ biến và tương đối nguy hiểm. Đây là tình trạng các phế nang trong phổi bị tổn thương, gây cản trở lưu thông không khí, dễ bị suy hô hấp và đe dọa tính mạng.
  • Viêm tiểu phế quản (Bronchiolitis): Đây là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp dưới phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 12 tuổi. Tình trạng viêm nhiễm này được gây ra bởi các loại siêu vi, làm tích tụ chất dịch nhầy trong đường hô hấp gây tắc nghẽn và khó thở.
  • Lao phổi (Pulmonary Tuberculosis): Hay còn được gọi là ho lao, là căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao trong cộng đồng thông qua các hình thức như ho, hắt hơi hoặc khạc đờm. Vi khuẩn lao khi xâm nhập vào cơ thể, tồn tại ở phổi và di chuyển vào máu, các cơ quan lân cận gây nhiễm trùng lao toàn thân rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Ngoài 4 bệnh lý trên, viêm đường hô hấp dưới còn có nhiều dạng bệnh khác nhưng ít phổ biến hơn như:

  • Giãn phế quản (Bronchiectasis);
  • Viêm phổi thùy (Lobar pneumonia);
  • Xẹp phổi (Atelectasis);
  • Bệnh phổi kẽ (Diffuse Interstitial diseases);
  • Bệnh bụi phổi (Pneumoconioses);
  • Bệnh viêm mô phổi quá mẫn (Hypersensitivity pneumonitis);
  • Xơ phổi vô căn (Chronic Obstructive pulmonary disease);
  • Viêm phế quản mãn tính (Chronic bronchitis);
  • Hen phế quản (Bronchial asthma);
  • Khí phế thũng;
  • U phổi nguyên phát;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp dưới, nhưng nguyên nhân chiếm phần đông trên tổng các trường hợp bệnh là do vi khuẩn. Bình thường, vi khuẩn và virus tồn tại hòa bình xung quanh chúng ta, tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, thời điểm giao mùa hoặc nhiệt độ xuống thấp khiến chúng sinh sôi phát triển nhiều hơn. Cộng với sự thay đổi thích nghi của cơ thể dẫn đến suy giảm miễn dịch gây ra bệnh.

Viêm đường hô hấp dưới
Vi khuẩn và virus là 2 tác nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Có rất nhiều loại vi khuẩn và virus có khả năng gây viêm đường hô hấp dưới như:

  • Vi khuẩn
    • Nhóm các vi khuẩn điển hình như: phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenza, Moraxella catarrhalis...;
    • Nhóm các vi khuẩn không điển hình như: Chalmydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Legionella pneumophial;
  • Virus: Parainfluenza virus (virus á cúm), virus cúm A và B, Rhinovirus, Adenovirus, các loại virus hợp bào (respiratory syncytial virus)...

Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp dưới như:

  • Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp, áp suất không khí giảm tạo điều kiện cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh;
  • Tiếp xúc với các tác nhân dạng khí như bụi mịn, khói thuốc lá, hóa chất, khói công nghiệp, khói xe cộ...;
  • Trong đó khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm phổi;
  • Môi trường ô nhiễm, chứa nhiều các chất dị ứng;
  • Phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu kém;
  • Người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường, suy giảm chức năng gan, thận, phổi tắc nghẽn mãn tính, mới bị Covid-19, nhiễm HIV/AIDS, vừa trải qua phẫu thuật, người nghiện rượu bia, dinh dưỡng kém... là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao;

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy vào vị trí và mức độ nhiễm trùng tại đường hô hấp dưới mà các triệu chứng bệnh được biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có những dấu hiệu cơ bản biểu hiện của viêm nhiễm như:

Viêm đường hô hấp dưới
Đau họng, ho, sốt, nghẹt mũi là những triệu chứng đặc trưng ở các bệnh viêm đường hô hấp dưới

  • Sốt nhẹ hoặc cao;
  • Tắc nghẽn gây nghẹt mũi, chảy dịch mũi;
  • Đau họng;
  • Ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu;
  • Đau đầu;
  • Đau nhức toàn thân, mệt mỏi;
  • Khó thở, thở rít, khò khè...

Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ của triệu chứng mà bác sĩ có thể đánh giá được mức độ viêm cấp tính hoặc mãn tính. Đồng thời, để chẩn đoán chính xác loại bệnh và tìm ra nguyên nhân, người bệnh cần thực hiện kết hợp với các chẩn đoán khác như:

  • Chụp X quang;
  • Xét nghiệm máu;
  • Nuôi cấy & phân tích dịch tiết;
  • Đo chức năng phổi;
  • Test virus cúm hoặc SARS-CoV-2 (nếu cần thiết);

Biến chứng và tiên lượng

Các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường nguy hiểm hơn các bệnh viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu chỉ phát bệnh mức độ nhẹ, triệu chứng có thể tự thuyên giảm và khỏi hẳn trong vòng 7 - 10 ngày, không gây biến chứng. Tuy nhiên, ngược lại nếu không điều trị sớm, các biến chứng do nhiễm trùng sẽ rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Do đó, khuyến cáo nên thăm khám sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe, bảo tồn chức năng đường hô hấp dưới và ngăn ngừa các rủi ro khó lường.

Điều trị

Tùy theo từng loại và mức độ tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Viêm đường hô hấp dưới
Phác đồ điều trị viêm đường hô hấp dưới khác nhau tùy theo loại bệnh và mức độ triệu chứng

1. Viêm phế quản cấp 

Hầu hết những trường hợp phát hiện viêm phế quản cấp đều ở mức độ nhẹ, triệu chứng khởi phát tuy rầm rộ nhưng lại ít nguy hiểm. Do đặc trưng của bệnh là do virus gây ra nên không thể sử dụng kháng sinh. Thay vào đó, hướng điều trị cơ bản là chăm sóc tích cực tại nhà.

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn;
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm ho với liều khuyến cáo;
  • Ăn món dễ tiêu và uống nhiều nước;
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm;

Sau vài ngày triệu chứng sẽ tự thuyên giảm, tuy nhiên nếu ngược lại bệnh ngày càng có xu hướng tăng nặng hãy đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được thăm khám.

2. Viêm phế quản mãn tính 

Bệnh nhân viêm phế quản mãn tính gây tắc nghẽn đường thở gây cản trở quá trình lưu thông oxy. Trong đợt bùng phát, người bệnh có thể bị suy hô hấp nặng và cần được cấp cứu cho thở oxy. Hoặc nếu nhẹ hơn có thể dùng thuốc chống co thắt làm giãn phế quản như: Salbutamol hoặc Theostart... giúp hỗ trợ làm thông thoáng đường thở.

3. Viêm phổi

Viêm phổi xảy ra là do nhiễm vi khuẩn. Do đó, điều trị bằng kháng sinh đồ là phù hợp nhất. Tùy theo loại vi khuẩn và mức độ viêm nặng hay nhẹ mà dùng loại kháng sinh phù hợp, dạng uống hoặc dạng tiêm, dùng đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều loại. Thời gian điều trị bằng kháng sinh thường giới hạn trong một khoảng nhất định từ 7 - 10 ngày.

Trường hợp bệnh nhân viêm phổi kèm theo các biểu hiện của suy hô hấp cần phải được nhập viện càng sớm càng tốt để thở oxy và dùng thêm các loại thuốc phù hợp để kiểm soát triệu chứng.

4. Viêm tiểu phế quản 

Thường xảy ra ở trẻ nhỏ và không quá nguy hiểm, bố mẹ chỉ cần chú ý chăm sóc trẻ kỹ lưỡng, dùng nước muối sinh lý hoặc máy thở dạng khí dung nhằm cải thiện khả năng hô hấp cho con. Kết hợp dùng thuốc hạ sốt, giảm đau (nếu cần thiết) với liều khuyến cáo.

Trường hợp bệnh ngày càng tiến triển nặng, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

5. Lao phổi 

Lao phổi không thể tự khỏi nếu không điều trị. Tùy theo mức độ nhiễm lao phổi nhẹ hay nặng mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ dùng thuốc phù hợp. Chỉ cần dùng thuốc đúng cách, đủ thời gian và kiên trì, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt và loại bỏ hoàn toàn.

Phác đồ thuốc kháng lao bao gồm các loại thuốc phổ biến như: pyrazinamid, isoniazid, ethambutol, rifampicin...

Phòng ngừa

Chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe tích cực và bảo vệ mũi họng là cách tốt nhất giúp phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cả trên lẫn dưới.

Viêm đường hô hấp dưới
Duy trì lối sống lành mạnh nâng cao miễn dịch phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng hô hấp

  • Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, hắt hơi hoặc ho phải che miệng lại.
  • Rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi sinh vật gây bệnh và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Giữ vệ sinh thân thể, súc họng, đánh răng kỹ lưỡng mỗi ngày;
  • Tránh tiếp xúc lâu trong môi trường chứa nhiều dị nguyên gây viêm nhiễm như hóa chất, bụi bặm, phấn hoa, lông chó mèo.
  • Cai thuốc lá và tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
  • Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, giặt giũ chăn nệm gối, quần áo, hút bụi, lau dọn thường xuyên nhằm loại bỏ nguy cơ mắc bệnh.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là ở vị trí mũi họng, cổ ngực.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đủ chất, tích cực vận động rèn luyện sức khỏe thể chất và nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn để nâng cao miễn dịch.
  • Tiêm phòng vắc xin ngừa virus, phế cầu khuẩn định kỳ và tiêm phòng cúm mỗi năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Viêm đường hô hấp dưới bao gồm những bệnh gì?

2. Lý do tại sao tôi bị viêm đường hô hấp dưới?

3. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm đường hô hấp dưới?

4. Tiên lượng điều trị viêm đường hô hấp dưới đối với tình trạng của tôi?

5. Hướng điều trị phù hợp nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Những loại thuốc trị viêm đường hô hấp dưới tốt nhất tôi có thể dùng?

7. Nếu dùng thuốc gây tác dụng phụ tôi cần làm gì để xử lý?

8. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không tiếp nhận điều trị?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị viêm đường hô hấp dưới?

10. Bị viêm đường hô hấp dưới nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?

Bản chất các bệnh viêm đường hô hấp dưới không quá nguy hiểm, nhưng chính sự lơ là chủ quan không điều trị mới dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, bản thân mỗi người cần tự nâng cao ý thức chăm sóc cơ thể toàn diện để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh và dự phòng tái phát, duy trì sức khỏe ổn định.

Ngày đăng 12:02 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Bệnh Lao Thanh Quản
Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát thường xảy ra sau khi điều trị lao phổi hoặc lao hạch bạch huyết. Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là…
Bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất kỳ…
Polyp mũi Bệnh Polyp Mũi
Polyp mũi là một dạng u lành tính khá phổ…
Bệnh viêm họng mãn tính
Bệnh viêm họng mãn tính xảy ra khi nhiễm trùng…
Lệch vách ngăn mũi Bệnh Lệch Vách Ngăn Mũi

Lệch vách ngăn mũi là một dạng tổn thương cấu trúc mũi phổ biến. Có thể xảy ra ở mọi…

Sốt Siêu Vi

Sốt siêu vi xảy ra khi cơ thể nhiễm virus, thường là vào mùa hè. Cơn sốt virus tương đối…

Bệnh ho Bệnh Ho

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng ho quá nhiều có thể là dấu hiệu của cảm…

Mất Thính Lực (điếc tai)

Mất thính lực hay điếc tai có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua