Bệnh Viêm Da Dầu
Viêm da dầu là một trong những dạng viêm da phổ biến, thường gặp vào mùa đông. Bệnh xảy ra do tuyến bã nhờn trên da hoạt động quá mức phát sinh viêm nhiễm, gây các triệu chứng khó chịu về da và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bệnh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm.
Tổng quan
Viêm da dầu hay viêm da tiết bã (tên tiếng Anh là Seborrheic Dermatitis - SD) là một trong những dạng bệnh chàm da phổ biến. Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với vảy nến hoặc viêm da dị ứng do tương đồng về triệu chứng. Các tổn thương cơ bản của viêm da dầu là bong da từng mảng, da khô, đỏ rải rác, có vảy tiết vàng, khu trú tại các vùng da tập trung nhiều tuyến bã nhờn như da mặt, da đầu, vùng bẹn, giữa ngực... kèm theo ngứa rát.
Theo thống kê, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới, trong độ tuổi từ 18- 40. Riêng ở trẻ sơ sinh, viêm da dầu thường xuất hiện ở da đầu (dân gian gọi là "cứt trâu") hoặc vùng mũi, tai, mí mắt. Bệnh thường không nghiêm trọng và tự khỏi khi trẻ lớn lên, thường là đến giai đoạn 3 tuổi sẽ không bị nữa.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân gây viêm da dầu vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện chính sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm tại các tuyến bã nhờn có liên quan mật thiết đến cơ chế gây bệnh. Chẳng hạn như vi khuẩn P.acne, nấm Malassezia ovale (Malassezia furfur) và một số loại vi khuẩn khác.
Dưới sự phát triển của vi khuẩn, gây cản trở quá trình tái tạo các tế bào da mới, tăng tiêu hủy da thông qua triệu chứng bong tróc các lớp tế bào sừng. Chúng tập trung và kết dính với nhau thành các mảng vảy da lớn nhỏ, rải rác có thể quan sát bằng mắt thường.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các yếu tố nguy cơ sau cũng góp phần làm thúc đẩy cơ chế phát bệnh:
- Thời tiết lạnh: Vào mùa đông, thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến da mất nước, trở nên khô ráp và suy giảm chức năng của lớp màng hydrolipid bảo vệ da. Tình trạng này kéo dài vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm, vi khuẩn và hình thành viêm da tiết bã.
- Người có nền da dầu bẩm sinh: Những người có cơ địa da dầu bẩm sinh khiến làn da luôn trong tình trạng nhờn rít. Nguyên nhân là do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, nếu không giữ vệ sinh kỹ lưỡng, đây sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển gây viêm da dầu.
- Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch suy yếu thường bị ảnh hưởng từ các bệnh lý mãn tính về suy giảm chức năng nội tạng, ung thư, HIV, các bệnh thần kinh như Parkinson, đột quỵ... Đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm, trong đó có bệnh viêm da dầu tiết bã.
- Di truyền: Tương tự như nhiều bệnh lý da liễu khác, viêm da dầu có thể xảy ra do di truyền gen bệnh từ những người có cùng huyết thống ở thế hệ trước như bố mẹ, ông bà... Đến khi trưởng thành, dưới sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, kích thích sự phát triển của nấm men gây ra bệnh.
- Các yếu tố nguy cơ khác:
- Không vệ sinh làn da sạch sẽ;
- Lạm dụng thuốc Tây, nhất là các loại thuốc chứa hoạt chất gây kích ứng;
- Thể chất kém;
- Tâm lý căng thẳng;
- Rối loạn nội tiết;
- Chế độ dinh dưỡng kém khoa học, nghiện rượu bia...;
- Thói quen gội đầu hàng ngày;
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm da dầu ở từng đối tượng được nhận biết để phục vụ công tác chẩn đoán thông qua các biểu hiện sau:
Đối với người lớn
Là các tổn thương lâm sàng có thể quan sát bằng mắt thường, xuất hiện ở các vùng da có nhiều tuyến bã nhờn như da đầu, da ngực, da mặt, cổ, cánh mũi, sau tai, nếp gấp vùng dưới nách, dưới vú, hậu môn, sinh dục, bẹn...
- Da ửng đỏ từng mảng, có vảy khô trắng hoặc vàng, có vảy mỡ;
- Bề mặt da không có ranh giới;
- Da khô, bong tróc, có cảm giác nhờn bóng da do tiết nhiều bã nhờn;
- Đầu bong tróc vảy nhiều được gọi là gàu;
- Trong trường hợp mắc bệnh thể nặng, còn kèm theo các sẩn vảy đỏ vàng dọc theo các nếp gấp mũi, đường chân tóc, trên lông mày, trên xương ức, sau tai...;
- Tóc bết dính, gây ngứa ngáy nhẹ, nóng rát và rụng tóc;
Đối với trẻ em
Bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc trưng với các tổn thương trên da đầu:
- Da dày sừng, đóng vảy màu nâu, vàng;
- Phát ban ở vùng sinh dục do mặc tã lót;
- Khô da, nứt nẻ, tiết dịch vàng ở vùng da phía sau tai;
- Những trẻ lớn hơn xuất hiện nhiều mảng da đóng vảy dày trên da đầu từ 1 - 2cm;
Chẩn đoán viêm da dầu chủ yếu thông qua các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên. Kết hợp điều tra tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình. Đồng thời, kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán phân biệt viêm da dầu với các bệnh da liễu khác như bệnh vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm, lupus ban đỏ nấm Candida kẽ, nấm nông da, trứng cá đỏ...
- Xét nghiệm mô bệnh học;
- Xét nghiệm HIV với các trường hợp bị nấm da đầu;
- Soi nấm trực tiếp giúp phát hiện M. furfur hoặc loại trừ Dermatophyte;
Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh và đánh giá mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm da dầu là bệnh da liễu rất dễ mắc phải ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh không có khả năng lây nhiễm và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, do tính chất dai dẳng, dễ tái phát nên rất khó để điều trị dứt điểm hoàn toàn. Đặc biệt, vì thuộc nhóm bệnh tự miễn nên cũng chưa có thuốc đặc trị.
Do đó, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp. Việc can thiệp điều trị phù hợp sẽ giúp ức chế sự phát triển của bệnh, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng về bội nhiễm hoặc ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Điều trị
Cách điều trị viêm da dầu tốt nhất là kiểm soát làm giảm thấp nhất tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Kết hợp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bằng cách dùng thuốc, chăm sóc da kỹ lưỡng.
1. Điều trị viêm da dầu ở da đầu
Áp dụng chung cho người lớn và trẻ lớn, thông qua các cách sau:
Dùng dầu gội đầu
Khuyến cáo bệnh nhân viêm da dầu nên gội đầu 2 lần/ tuần để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Malassezia.
- Dầu gội chống nấm: như Ketoconazole 1% hoặc 2% giúp cải thiện lượng gàu đáng kể trên da đầu.
- Dầu gội tiêu sừng: thường là các loại dầu gội chứa:
- Selen sulfide, pyrithione, acid salicylic hoặc lưu huỳnh nồng độ 0.5 - 2%;
- Olamin 0.75 - 1%;
Corticosteroid tại chỗ
Trường hợp triệu chứng viêm da dầu ở đầu không thuyên giảm sau khi dùng dầu gội chống nấm, tiêu sừng, có thể kết hợp sử dung dịch corticosteroid tại chỗ để hỗ trợ điều trị. Loại thường dùng là dung dịch Fluocinolone acetonide 0.01%. Lưu ý về liều dùng để tránh gây tác dụng phụ.
Ngoài da đầu, trường hợp viêm da dầu tại vùng lông mày hoặc râu cũng được chỉ định điều trị bằng Corticosteroid. Tuy nhiên, loại dung dịch được chỉ định dùng thường có nồng độ thấp hơn để hạn chế tác dụng phụ. Điển hình là Triamcinolone 0.025%.
2. Đối với viêm da dầu ở những vùng không có lông
Trường hợp viêm da dầu ở những vùng da không có lông như mặt, ngực, lưng, xương ức, nếp gấp mũi, vùng sau tai, da bẹn, cơ quan sinh dục... thường ưu tiên điều trị bằng các loại kem bôi tại chỗ.
- Trường hợp nhẹ:
- Ưu tiên dùng kem Ketoconazole 2% hoặc Imidazol. Liều khuyến cáo bôi 2 lần/ ngày, liên tục trong 2 - 4 tuần;
- Vệ sinh bằng dung dịch rửa chứa xà phòng ZnP 2% hoặc không chứa xà phòng giúp kiểm soát hoạt động tăng tiết bã nhờn;
- Trường hợp nặng:
- Kem bôi Corticosteroid tại chỗ: như Hydrocortisone 1 - 2.5% hoặc Hydrocortisone valerate 0.2%. Bôi tối đa 2 lần/ ngày;
- Thuốc ức chế miễn dịch Calcineurine: như Tacrolimus hoặc Pimecrolimus được chỉ định dùng khi dùng thuốc chống nấm không hiệu quả;
3. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm da dầu
Điều trị viêm da dầu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần hết sức thận trọng để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bố mẹ tham khảo áp dụng các cách sau:
- Dùng dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hàng ngày;
- Bôi thuốc Fluocinolone 0.01% hoặc Hydrocortisone 1 - 2 lần/ ngày để giảm vảy da đầu, cải thiện triệu chứng đỏ da mặt;
- Dùng thuốc chống nấm dạng kem bôi tại chỗ trong trường hợp trẻ bị viêm da dầu do nhiễm nấm như kem Econazole 1% hoặc Ketoconazole 2%;
- Kết hợp bôi dầu khoáng hoặc dầu oliu lên da đầu của trẻ trước khi đi ngủ mỗi ngày;
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm da dầu thể đỏ da toàn thân (Leiner - Moussous) có thể tự biến mất khi trẻ lên 3 - 4 tuổi. Do đó, cần chú ý điều trị dự phòng bội nhiễm trong quá trình phát bệnh theo chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
- Dùng xà phòng chống nấm như Trichorcarbanid hoặc Chlorhexidin;
- Kết hợp dùng các dẫn xuất của hoạt chất Imidazol;
- Dùng thuốc mỡ kháng sinh hoặc mỡ Salicylic 5%;
- Trường hợp tổn thương da do nhiễm khuẩn, nấm lan tỏa có thể cân nhắc sử dụng Ketonazol dạng uống;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm da dầu, bạn cần tuân thủ thực hiện chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là làn da kỹ lưỡng.
- Giữ vệ sinh toàn thân, tắm rửa hàng ngày, tắm bằng nước ấm và không chà xát quá mạnh để tránh gây trầy xước da.
- Gội đầu 2 ngày/ lần, gội nhẹ nhàng, không cào gãi mạnh, sử dụng dầu gội đầu lành tính, ít chất tẩy rửa.
- Chăm sóc da hàng ngày bằng các loại mỹ phẩm chiết xuất thiên nhiên lành tính, dành riêng cho da nhạy cảm hoặc da dầu.
- Không nặn mụn trên da mặt để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, hình thành sẹo, thâm.
- Ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước.
- Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường, muối, chất bảo quản, nói không với các chất kích thích.
- Tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thể chất tăng cường miễn dịch, điều hòa nội tiết, góp phần ổn định hoạt động tuyến bã nhờn, phòng ngừa viêm da dầu.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân bệnh viêm da dầu của tôi là gì?
2. Bệnh viêm da dầu có nghiêm trọng không? Ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và cuộc sống của tôi?
3. Các xét nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh viêm da dầu?
4. Điều trị viêm da dầu bằng phương pháp nào tốt nhất?
5. Quá trình điều trị có thể gây ra những rủi ro gì?
6. Bệnh viêm da dầu có lây nhiễm cho người khác không?
7. Việc điều trị viêm da dầu kéo dài bao lâu thì khỏi hẳn?
8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị viêm da dầu?
9. Cách chăm sóc làn da bị viêm da dầu an toàn?
10. Viêm da dầu mức độ nhẹ không điều trị có tự khỏi không?
Viêm da dầu thực chất không nguy hiểm và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh nếu được điều trị đúng cách. Do đó, dù là bệnh mãn tính và dễ tái phát nhưng hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng một lối sống sinh hoạt khoa học và chăm sóc da kỹ lưỡng hàng ngày.