Bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một trong những vấn đề về da liễu có tính chất mãn tính. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào từ trẻ em cho đến người trưởng thành. Viêm da cơ địa khởi phát triệu chứng từ rất sớm, mọi vùng da trên cơ thể đều có khả năng bị viêm nhiễm. Trường hợp viêm nhiễm nặng có thể gây ra các biến chứng không mong muốn.
Tổng quan
Viêm da cơ địa hay còn được gọi là Eczema, sẩn ngứa Besnier, chàm thể trạng, Liken mãn tính đơn dạng. Đây là một trong những bệnh lý da liễu tái phát thường xuyên, kéo dài mãn tính. Bệnh thường xuất phát từ sớm ở trẻ em, sau đó tiến triển dần đến giai đoạn trưởng thành nếu người bệnh không có cách kiểm soát phù hợp.
Bệnh viêm da cơ địa có thể khởi phát dễ dàng khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết thất thường, khí hậu ẩm thấp, nóng nực,... Ngoài biểu hiện bất thường ngoài da, viêm da cơ địa có khi còn đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác chẳng hạn viêm mũi xoang, hen suyễn.
Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có khả năng bị viêm da nếu tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Giai đoạn khởi phát triệu chứng đến nhanh chóng, dồn dập, sau đó thuyên giảm. Nếu không chữa trị, khoảng cách giữa các đợt bùng phát sẽ ngắn dần và bệnh có chiều hướng nặng nề hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm da cơ địa xảy ra liên quan đến nhiều yếu tố trong và ngoài cơ thể. Cụ thể như:
- Yếu tố tuổi tác: Trẻ em có khả năng bị viêm da cơ địa từ sớm, so với người trưởng thành tỷ lệ bệnh xuất hiện ở trẻ khá cao.
- Do di truyền: Bệnh có liên quan đến yếu tô di truyền. Trường hợp bố hoặc mẹ hoặc cả hai cùng mắc bệnh, sinh con ra có tỷ lệ mang gen bệnh cao.
- Sức khỏe và đề kháng kém: Cơ thể yếu, sức đề kháng kém là yếu tố gây bệnh hàng đầu. Tác nhân gây hại tấn công, cơ thể không đủ điều kiện phòng vệ, dẫn đến viêm da.
- Yếu tố dị ứng: Hiện tượng xuất hiện bất thường trên da có liên quan đến hiện tượng dị ứng. Dị ứng khi ăn phải đồ ăn không phù hợp, dị ứng với yếu tố môi trường như nước, không khí, nhiệt độ ngoài trời, phấn hoa, lông thú cưng,...
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Bệnh viêm da cơ địa có thể bùng phát do ảnh hưởng từ bệnh hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng, viêm gan,....
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm da cơ địa bùng phát triệu chứng nhanh chóng, dồn dập. Sau vài ngày những biểu hiện bất thường bắt đầu thuyên giảm. Bệnh xuất hiện từng đợt, nếu không kiểm soát tốt các triệu chứng có chiều hướng ngày càng nặng nề.
Triệu chứng
Nhận biết bệnh qua những biểu hiện bất thường tương ứng với từng cấp độ và đối tượng bệnh nhân:
Viêm da cơ địa cấp tính:
- Xuất hiện đám sẩn đỏ trên da, so với những vùng da khác thường không có ranh giới rõ ràng.
- Mụn nước nhỏ li ti hình thành, rỉ dịch, đóng vảy tiết.
- Da hơi phù nề, có thể bị loét nếu viêm nhiễm nghiêm trọng, vết thường hở do cào gãi.
- Trường hợp bội nhiễm gây ra biểu hiện nặng nề, lan rộng tổn thương ra nhiều vùng da khác.
- Khu vực tổn thương ở giai đoạn cấp tính tập trung tại vùng da cằm, má và da trán.
Viêm da cơ địa mãn tính:
- Vùng da bị tổn thương dày lên, thâm nhiễm, có thể phân biệt rõ với những vùng da lân cận.
- Tại các vùng ban dát sẩn xuất hiện các vết nứt do da khô. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau rát, chảy máu, Liken hóa.
- Viêm da cơ địa mãn tính xuất hiện ở nhiều vùng da, chủ yếu là các vùng có nếp gấp như ngón chân, ngón tay, gáy,...
Viêm da cơ địa ở trẻ em:
- Trẻ bị viêm da cơ địa thường ở độ tuổi từ 2 tuổi trở lên.
- Viêm nhiễm kèm theo hiện tượng viêm kết mạc dị ứng, đục thủy tinh thể.
- Các dấu hiệu ngoài da gồm dày sừng, thâm nhiễm và có nhiều vết nứt trên da.
- Vùng da bị tổn thương chủ yếu tại vị trí có nếp gấp, vết tỳ.
Viêm da cơ địa ở người lớn:
- Viêm da cơ địa kéo dài đến giai đoạn trưởng thành dai dẳng, mãn tính và thường tái đi tái lại theo chu kỳ nhất định.
- Tương tự, người bệnh sẽ thấy trên da xuất hiện các mảng sẩn đỏ, Liken hóa.
- Người bệnh ngoài phát hiện các triệu chứng ngoài da còn thường kèm theo hen suyễn, sốt cổ khô.
- Các vùng da thường bị tổn thương là da tay, chân và những khu vực nếp gấp lớn.
- Phụ nữ bị viêm da cơ địa có thể gặp cả trên môi, núm vú.
Chẩn đoán
Thăm khám lâm sàng các biểu hiện bên ngoài, triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải. Đồng thời, bác sĩ tiếp tục khai thác các thông tin liên quan như tiền sử bệnh da liễu, các trường hợp có hoặc không có người thân bị bệnh da liễu tương đương.
Kết hợp các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu giúp phân biệt viêm da cơ địa và các dạng viêm da khác. Cụ thể:
- Xét nghiệm bạch cầu ái toan
- Xét nghiệm định lương IgE toàn phần
- Các bài test áp da
- Xét nghiệm Radioallergosorbent
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm da cơ địa không quá nguy hiểm, có thể điều trị kiểm soát. Tuy nhiên trường hợp chủ quan, bệnh kéo dài có thể gây nhiều biến chứng:
- Viêm nhiễm mãn tính: Viêm da cơ địa cấp tính tái đi tái lại dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mãn tính. Nguy cơ tổn thương da trở nên nghiêm trọng, nặng nề, vùng da xấu xí kém thẩm mỹ.
- Rủi ro bội nhiễm, nhiễm trùng da: Vết thương cào gãi dẫn đến bội nhiễm, tăng nguy cơ viêm loét khiến da nhiễm trùng ngày càng nặng nề.
- Ảnh hưởng đời sống: Viêm da cơ địa kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp.
- Tác động đến tâm sinh lý: Vùng da bị tổn thương ngày càng dày lên khiến da kém thẩm mỹ làm người bệnh lo lắng, tự ti.
- Các biến chứng khác: Viêm da cơ địa có khả năng ảnh hưởng làm phát sinh thêm các bệnh lý khác.
Nhằm tránh gặp phải các biến chứng không mong muốn, người bệnh được khuyến khích đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám sớm. Nhất là khi nhận thấy các mẩn đỏ, bất thường trên da tái đi tái lại không thuyên giảm.
Điều trị
Bác sĩ chỉ định điều trị viêm da cơ địa theo từng đối tượng, mức độ viêm nhiễm bệnh nhân đang gặp phải.
Điều trị bằng thuốc
- Kem chống ngứa: Tác dụng giảm triệu chứng ngứa ngáy giúp bệnh nhân thoải mái, hạn chế cào gãi khiến da ngày càng tổn thương.
- Kem dưỡng ẩm: Dùng cho tình trạng viêm da cơ địa do da khô. Kem giúp cấp ẩm, làm mềm da, giảm tình trạng nứt da khiến vi khuẩn có điều kiện tấn công.
- Kem kháng viêm: Tác dụng tại chỗ, giảm triệu chứng ngoài da.
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong thời gian ngắn, chỉ định cho trường hợp xảy ra nhiễm trùng da.
- Thuốc kháng histamin đường uống: Sử dụng cho trường hợp viêm nhiễm liên quan đến dị ứng.
Trường hợp bệnh nhân có vết thương hở trên da cần đắp gạc và thường xuyên vệ sinh để tránh rủi ro bội nhiễm. Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc, tránh lạm dụng để ngăn nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ảnh hưởng hiệu quả điều trị.
Băng thuốc
Điều trị trường hợp bệnh viêm da cơ địa chuyển biến nặng. Băng thuốc là giải pháp can thiệp chuyên sâu, mang lại hiệu quả tốt. Thực hiện băng thuốc tại bệnh viện uy tín, bác sĩ điều trị và theo dõi tiến triển phục hồi xuyên suốt cho người bệnh.
Hiện nay có hai loại băng thuốc thường dùng là dạng bôi và băng ướt. Bằng vùng bị viêm chứa corticoisteroid.
Liệu pháp ánh sáng
Áp dụng liệu pháp ánh sáng đối với trường hợp viêm da không đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc bệnh nhân bị tái phát thường xuyên. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn phơi da dưới ánh sáng tự nhiên nhằm kiểm soát triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, bác sĩ cũng có thể dùng các ánh sáng nhân tạo như tia UVA, UVB, kết hợp dùng thuốc để tăng cường hiệu quả chữa viêm da cơ địa.
Tuy nhiên thông thường liệu pháp ánh sáng chỉ dùng trong thời gian ngắn, không dùng kéo dài để tránh làm da bị lão hóa sớm. Không áp dụng liệu pháp này đối với làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Phòng ngừa
Phòng ngừa viêm da cơ địa, ngăn chặn rủi ro tổn thương da, viêm nhiễm khiến da kém thẩm mỹ và làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Một số lưu ý như sau:
- Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày, loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn trên da tránh tác nhân gây hại lưu trú làm da tổn thương.
- Chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp, không dùng những loại có chứa thành phần hóa học, tẩy rửa mạnh. Tốt nhất bạn nên ưu tiên dùng sản phẩm có chiết xuất tự nhiên, lành tính nhẹ dịu cho làn da.
- Hạn chế tắm nước quá nóng, quá lạnh, nhất là khi da đang có biểu hiện dị ứng, viêm nhiễm.
- Đối với người có làn da quá khô khi thời tiết chuyển mùa nên sử dụng kèm kem dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng da khô, nứt nẻ.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm lành mạnh, hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt, quá béo. Đối với người có tiền sử ị ứng không nên ăn hải sản, không hút thuốc lá và hạn chế uống bia rượu.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Vết mẩn đỏ trên da do viêm da cơ địa bao lâu thì lặn?
2. Viêm da cơ địa có gây sẹo trên da hay không?
3. Bôi thuốc bao lâu thì các mảng đỏ, nốt sần do viêm da cơ địa cải thiện?
4. Có cần dùng thêm thuốc uống chữa viêm da cơ địa không?
5. Nếu không điều trị viêm da cơ địa có tự khỏi không?
6. Lỡ cào gãi chảy máu vùng da tổn thương phải làm sao?
7. Viêm da cơ địa có lây cho người khác không?
8. Trong thời gian chữa viêm da cơ địa có được tắm không? Có đi ra gió được không?
Bệnh viêm da cơ địa có thể tái đi tái lại khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt đời sống, công việc. Mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên các tổn thương da cần được kiểm soát, ngăn chặn rủi ro. Nếu phát hiện da có biểu hiện bất thường, bạn đọc nên chủ động thăm khám sớm.