Bệnh Tổ Đỉa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thu Hiền – Khoa Thần kinhBác sĩ điều trị – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh tổ đỉa là căn bệnh da liễu phổ biến. Bệnh gây nổi mụn nước ngứa ngáy ở kẽ và lòng bàn tay, bàn chân. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tổ đỉa thường có liên quan đến các rối loạn về da hoặc yếu tố cơ địa dị ứng. Bệnh tương đối lành tính, có thể biến mất sau khoảng 2 - 4 tuần. 

Bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa là một dạng viêm ngoài da mãn tính phổ biến do nấm gây ra

Tổng quan

Bệnh tổ đỉa (tên khoa học Dyshidrosis), còn được gọi là chàm tổ đỉa hoặc chàm Eczema. Thuật ngữ này được nhắc đến đầu tiên vào năm 1873 bởi Tylbury Fox. Đây là bệnh viêm ngoài da mãn tính, đặc trưng bởi các nốt mụn nước lớn nhỏ, kích thước từ 1-2mm, xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mọc sâu khảm dưới da, rải rác hoặc tụ thành từng cụm lớn.

Đây là một trong những dạng viêm da cơ địa thường gặp, do nấm gây ra. Bệnh có xu hướng tự khỏi sau 3 tuần, nhưng dễ tái phát, lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tính thẩm mỹ của bệnh nhân.

Phân loại

Dựa theo lâm sàng, tổ đỉa được chia làm 4 thể chính gồm:

  • Tổ đỉa thể giản đơn
  • Tổ đỉa nhiễm khuẩn
  • Tổ đỉa thể bọng nước
  • Tổ đỉa thể khô

Mỗi thể bệnh có các triệu chứng nhận biết khác nhau, bác sĩ thường dựa vào đây để chẩn đoán chính xác thể bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa vẫn chưa được làm rõ. Nhiều tài liệu cho rằng bệnh có liên quan mật thiết đến cơ địa, nên xem tổ đỉa như một dạng viêm da cơ địa.

Bệnh tổ đỉa
Tổ đỉa là bệnh da liễu có liên quan đến yếu tố cơ địa dị ứng bẩm sinh

  • Cơ địa dị ứng: Xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng bẩm sinh ngay từ khi chào đời.
  • Di truyền: Di truyền gen về dị ứng từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng là nguyên nhân khởi phát bệnh tổ đỉa khi gặp điều kiện thuận lợi.
  • Tiếp xúc với dị nguyên: Các dị nguyên từ môi trường bên ngoài như thời tiết, hóa chất độc hại, thực phẩm, lông thú cưng... cũng là những yếu tố nguy cơ kích phát bệnh.
  • Yếu tố nguy cơ khác: Những người hay đổ mồ hôi tay, chân do rối loạn thần kinh giao cảm hoặc bị rối loạn chức năng liên cầu, Proteus, tác dụng phụ của thuốc... cũng dễ mắc bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán 

Các triệu chứng điển hình của bệnh tổ đỉa như:

Bệnh tổ đỉa
Tổ đỉa đặc trưng với các mụn nước li ti, cứng chắc và mọc thành từng đám

  • Xuất hiện mụn nước li ti, màu trắng trong, đường kính 1-2mm, khảm sâu dưới da, sờ vào cứng.
  • Thường mọc ở lòng bàn tay, bàn chân, kẽ bàn tay, bàn chân, nhưng không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.
  • Sưng đỏ, chuyển sang màu đục kèm theo sưng hạch bạch huyết, sốt cao là những dấu hiệu của hiện tượng nhiễm khuẩn mụn nước.
  • Gây ngứa ngáy, nóng rát dữ dội, khiến người bệnh có xu hướng gãi mạnh.
  • Khi mụn nước xẹp xuống, đóng vảy khô, bong ra và để lại điểm dày sừng màu vàng, nếu gỡ ra sẽ thấy lớp nền da màu hồng, bóng, có viền vằn vèo.
  • Thay đổi hình dạng móng tay, móng chân do mụn nước nhiễm khuẩn lây lan, sưng đau nhức và biến dạng.

Dựa vào các yếu tố lâm sàng về vị trí và tổn thương cơ bản trên, bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt tổ đỉa với các bệnh lý khác như Eczema tại các vị trí khác, có nhiễm cộm, liken hóa hoặc nấm da do nhiễm Trychophyton rubrum.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp bị tổ đỉa đều biến mất hoàn toàn sau vài tuần và không gây ra quá nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, bệnh có thể khỏi mà không để lại bất kỳ dấu vết gì nếu bệnh nhân không cào gãi, chà xát mạnh hay làm trầy xước vùng da bị tổ đĩa.

Tổ đỉa là bệnh không có khả năng truyền nhiễm và lây lan thông qua việc tiếp xúc thông thường, kể cả khi mụn nước vỡ ra và người đối diện có tiếp xúc với dịch. Đây là suy nghĩ chưa đúng về bệnh, nên việc e ngại tiếp xúc với người bệnh tổ đỉa là không cần thiết.

Điều trị

Bản chất của tổ đỉa là do cơ địa dị ứng, nên việc điều trị khỏi dứt điểm tận gốc là gần như không thể. Mục tiêu điều trị chính là phối hợp giữa dùng thuốc và chăm sóc da đúng cách.

1. Điều trị tại chỗ 

Mục tiêu kiểm soát tiến triển của bệnh, ngăn không để mọc thêm mụn nước và chống bội nhiễm. Chỉ định của bác sĩ như sau:

Bệnh tổ đỉa
Dùng kem bôi, thuốc mỡ theo chỉ định để kiểm soát tại chỗ các triệu chứng tổ đỉa

  • Bôi đắp gạc bằng dung dịch sát khuẩn bằng bạc bitrat 0.5%.
  • Trường hợp đã có dấu hiệu bội nhiễm, mụn mủ sưng viêm dùng thay thế bằng dung dịch tím methyl 1% milian...
  • Dùng kem bôi, thuốc mỡ tại chỗ chứa thành phần kháng viêm, chống khuẩn như Corticoid kháng sinh (Prednisone), Flucinar, Dermovate, Tempovate...
  • Trường hợp tổ đỉa do nhiễm nấm dùng phác đồ thuốc uống + thuốc bôi chống nấm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kết hợp bôi dầu khoáng, vaseline, kem dưỡng ẩm da như Lubriderm, Eucerine...

2. Điều trị toàn thân

Áp dụng cho các trường hợp tổ đỉa nghiêm trọng.

  • Dùng thuốc chống dị ứng gốc Cetirizine hoặc thuốc kháng histamine (như Zyzocette).
  • Dùng kháng sinh Corticoid liên tục trong 5  - 10 ngày.
  • Trường hợp tổ đỉa do nấm chỉ định dùng Griseofulvin, liều khuyến cáo 0.25mg, tương đương 4 viên/ ngày, liên tục trong vòng 30 ngày.
  • Thuốc bôi ức chế miễn dịch như Pimecrolimus hoặc Tacrolimus.
  • Kết hợp liệu pháp ánh sáng (dùng tia cực tím) và thuốc.
  • Tiêm botulinum toxin dành cho những trường hợp tổ đỉa cực kỳ nghiêm trọng.

3. Kết hợp chăm sóc tại nhà

Bệnh nhân tổ đỉa cần chăm sóc sức khỏe tích cực và điều chỉnh lối sống để góp phần cải thiện triệu chứng, ngăn viêm nhiễm.

Bệnh tổ đỉa
Bôi kem dưỡng ẩm da nhất là vào mùa đông giúp phòng ngừa tái phát bệnh tổ đỉa

  • Tuyệt đối không cào gãi, chà xát mạnh lên mụn nước để tránh làm cho các tổn thương ngày càng nặng hơn.
  • Thay đổi các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày bằng các loại lành tính hoặc ngưng sử dụng hoàn toàn trong thời gian điều trị bệnh.
  • Dùng thuốc đúng liều, đúng giờ theo chỉ định. Nếu sau khi bôi thuốc có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, hãy dùng bông gạc để giảm cảm giác khó chịu.
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên vùng da tổ đỉa để giảm ngứa, sưng đau.
  • Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để cung cấp độ ẩm cho da, làm mềm và xoa dịu kích ứng trên da.
  • Tăng cường bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết vào thực đơn ăn uống hàng ngày giúp tăng cường miễn dịch, đẩy lùi bệnh nhanh hơn.

Phòng ngừa

Tổ đỉa rất dễ tái phát, do đó hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp ngay từ sớm.

  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
  • Không nên dùng các sản phẩm chứa chất tẩy rửa quá mạnh. Thay vào đó nên ưu tiên những loại có chiết xuất từ thiên nhiên lành tính.
  • Bảo vệ hoặc tránh xa khỏi các yếu tố dị nguyên trong môi trường bên ngoài, nhất là thời tiết, bụi bặm, phấn hoa, lông động vật...
  • Che chắn cẩn thận khi làm việc trong môi trường chứa hóa chất độc hại.
  • Ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, vận động thể chất tăng cường miễn dịch tự nhiên.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

Một số câu hỏi gợi ý dưới đây giúp bạn chủ động nắm bắt bệnh trong quá trình thăm khám:

1. Hỏi cặn kẽ về nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa để chủ động phòng tránh khi đã khỏi?

2. Với tình trạng bệnh hiện tại, tôi nên điều trị bằng phương pháp nào phù hợp nhất?

3. Tôi nên dùng thuốc bôi hay thuốc uống?

4. Bị tổ đỉa có nên dùng kháng sinh hay không?

5. Nếu không điều trị hay không có bất kỳ can thiệp nào thì bệnh có tự khỏi không?

6. Cách chăm sóc da và ăn uống sinh hoạt hàng ngày ra sao?

Chàm tổ đỉa là bệnh ngoài da không quá nguy hiểm. Chỉ cần phát hiện sớm các triệu chứng từ đầu và điều trị sớm, bệnh sẽ nhanh chóng biến mất mà không để lại hệ quả gì. Tốt nhất hãy thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa, kết hợp chăm sóc sức khỏe tích cực hàng ngày để đẩy lùi bệnh, ngăn ngừa bệnh tái phát dài lâu.