Bệnh Quai Bị

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan qua đường hô hấp. Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh quai bị cao nhất, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn cũng có không ít và gây biến chứng vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Điều trị quai bị chủ yếu được thực hiện bằng cách điều trị triệu chứng, khỏi bệnh càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng. 

Tổng quan

Quai bị (Mumps) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân chính là virus Paramyxo, chủ yếu lây qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn, chất dịch tiết ở mũi họng. Bệnh đặc trưng với tình trạng sưng 1 hoặc cả 2 bên tuyến mang tai hoặc tuyến nước bọt.

Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm lây lan thông qua đường hô hấp và có khả năng bùng phát thành dịch nếu không kiểm soát nguồn lây kịp thời

Bệnh lý này xảy ra phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường là độ tuổi từ 6 - 10 tuổi. Trẻ trong độ tuổi này chưa dậy thì nếu mắc bệnh quai bị có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn do biến chứng viêm tinh hoàn. Ngoài ra, còn có nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, bệnh quai bị rất phổ biến do nước ta có kiểu thời tiết đặc trưng là nóng ẩm, nhất là thời điểm giao mùa đông xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... phát triển, gây bệnh, thậm chí tạo thành dịch trong cộng đồng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Virus Paramyxo là tác nhân chính gây bệnh quai bị. Loại virus này có khả năng tồn tại và phát triển mạnh mẽ ở cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Trong vòng 30 - 60 ngày với nhiệt độ từ 15 - 20 độ C hoặc 1 - 2 năm với nhiệt độ - 25 đến - 70 độ C. Nhưng dưới ánh nắng mặt trời > 560 độ C hoặc tiếp xúc các dung dịch hóa chất khử khuẩn mạnh chứa Clo, virus quai sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng.

Virus Paramyxo là tác nhân chính gây ra bệnh quai bị

Theo các chuyên gia, nguồn lây virus quai bị duy nhất được xác định là con người. Virus lây truyền qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết hoặc giọt bắn nước bọt khi tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải không khí chứa virus do người bệnh phát tán ra. Virus khi đã xâm nhập vào trong cơ thể sẽ trú ngụ trong các lớp niêm mạc mũi, miệng, sau đó phát triển mạnh và di chuyển vào máu, khởi phát thành bệnh.

Thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 2 - 3 tuần, thời gian trung bình khoảng 18 ngày. Giai đoạn lây truyền bệnh trước khi khởi phát từ 3 - 5 ngày và sau khởi phát là khoảng 7 - 10 ngày. Theo đó, thời điểm gần 1 tuần ở giai đoạn khởi phát chính là lúc virus có khả năng lây truyền mạnh nhất. Theo các nghiên cứu và xét nghiệm lâm sàng, ngoài nước bọt, virus quai bị còn xuất hiện trong nước tiểu khoảng 2 tuần.

Yếu tố nguy cơ 

Bệnh quai bị có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng, độ tuổi và giới tính nào với điều kiện cơ thể chưa có miễn dịch với virus Paramyxo.

Trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 12 tuổi chưa miễn dịch với virus Paraxomy là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh quai bị

Cụ thể một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị như:

  • Trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 12 và chưa tiêm vắc xin phòng virus quai bị;
  • Trẻ em ở tuổi đi bắt đầu đi học, ở trong môi trường sinh hoạt tập thể như mẫu giáo, nhà trẻ, khối tiểu học hoặc ký túc xá... rất dễ mắc bệnh;
  • Người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu kém;
  • Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và xuân;
  • Người đã từng tiếp xúc trực tiếp (ôm, hôn, nói chuyện, hắt hơi, ho, chia sẻ thức ăn, đồ uống) hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân của người bệnh quai bị;
  • Chạm vào những về mặt đồ dùng mà người bệnh quai bị đã chạm qua cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng quai bị thường khởi phát trong vòng 2 - 3 tuần tính từ thời điểm nhiễm virus. Mức độ của triệu chứng thường giảm dần trong tiến triển bệnh. Đặc trưng với các triệu chứng sau:

Đau 1 hoặc 2 bên mặt, sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, đau tinh hoàn... là những triệu chứng đặc trưng ở bệnh nhân quai bị

  • Đau nhức 1 hoặc cả 2 bên mặt do sưng tuyến nước bọt/ tuyến mang tai, khiến khuôn mặt biến dạng;
  • Sốt cao;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Đau cơ, nhức mỏi toàn thân;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Ăn kém;
  • Đau nhức tinh hoàn và sưng bìu;

Ngoài ra, theo các số liệu thống kê cho thấy có khoảng 1/3 bệnh nhân mắc quai bị nhưng không có triệu chứng. Trường hợp này còn được gọi là quai bị thể ẩn, rất khó phát hiện sớm và gây khó khăn cho việc điều trị.

Chẩn đoán 

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh quai bị thường đặc hiệu, nhất là với triệu chứng đau 2 bên mặt và sưng biến dạng. Cộng với những thông tin về triệu chứng, thời gian phát bệnh, độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh mà người bệnh cung cấp, bác sĩ sẽ đưa ra phán đoán sơ bộ về tỷ lệ mắc bệnh quai bị.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh quai bị thông qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt

Đồng thời, kết hợp một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt nhằm đảm bảo đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

  • Xét nghiệm máu:
    • Xét nghiệm công thức máu, phát hiện nồng độ lympho tăng và chỉ số bạch cầu giảm nhẹ hoặc giữ nguyên;
    • Đo tốc độ lắng máu vẫn ở mức bình thường hoặc tăng tốc độ lắng máu nếu có biến chứng tổn thương tinh hoàn, tụy tạng do quai bị;
    • Đo chỉ số amylase máu tăng trong 2 - 3 tuần đầu và Lipase máu tăng khi có biến chứng viêm tụy;
  • Xét nghiệm ELISA là một dạng xét nghiệm miễn dịch gắn men giúp phát hiện các kháng thể quai bị tồn tại trong máu hoặc dịch não tủy;
  • Xét nghiệm dịch não tủy đối với những trường hợp nghi ngờ quai bị gây biến chứng viêm màng não siêu vi;
  • Xét nghiệm IFA là liệu pháp xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp giúp phát hiện các kháng thể và kháng nguyên đặc hiệu gây quai bị;
  • Kết hợp chẩn đoán phân biệt quai bị với các bệnh lý gây viêm tuyến nước bọt khác như:
    • Viêm do virus Influenza, Parainfluenza...;
    • Viêm do nhiễm vi khuẩn gây tụ mủ, sưng đau nóng đỏ mang tai, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính khi xét nghiệm máu...;
    • Chụp hình cản quang ống Stenon phát hiện tắc ống dẫn tuyến sỏi;
    • Bệnh viêm hạch góc hàm dưới với các triệu chứng viêm rõ rệt nhưng có lượng bạch cầu tăng cao;
    • Trường hợp biến chứng viêm tinh hoàn quai bị sẽ được chẩn đoán phân biệt với bệnh mào tinh hoàn, lao tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn do lậu... thông qua siêu âm tinh hoàn, chụp X quang phổi...;
    • Trường hợp biến chứng viêm màng não và màng não do virus quai bị cần chẩn đoán phân biệt với lao và các loại vi khuẩn khác thông qua X quang phổi, dịch não tủy, BK đờm...;

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh quai bị nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường.

Viêm, teo tinh hoàn gây vô sinh là biến chứng nghiêm trọng đối với bệnh nhân quai bị không điều trị sớm

Trong đó, biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn. Chức năng tinh hoàn bị suy giảm dưới sự tác động tiêu cực của virus, nếu cả 2 bên tinh hoàn đều bị teo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tình dục và khả năng sinh sản (biến chứng vô sinh). Đối với nữ giới mắc bệnh quai bị, có thể dẫn đến biến chứng viêm buồng trứng nếu không điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng này khá thấp.

Một số biến chứng nguy hiểm khác của bệnh quai bị như:

  • Viêm màng não;
  • Viêm tụy cấp tính;
  • Viêm não;
  • Viêm cơ tim;
  • Giảm bạch cầu;
  • Điếc vĩnh viễn;
  • Nhồi máu phổi;
  • ...

Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong tuần thứ 12 - 16 của thai kỳ nếu bị quai bị sẽ có nguy cơ cao bị sảy thai hoặc dị tật thai nhi. Tỷ lệ quai bị ở người lớn khá ít, nhưng so với trẻ em, đối tượng này mắc bệnh thường nguy hiểm hơn do tiến triển nặng và phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Điều trị

Cho đến nay, bệnh quai bị vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu chỉ nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Điều trị quai bị chủ yếu kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn nguy cơ phát sinh biến chứng phức tạp

Bệnh nhân mắc bệnh quai bị cần có chế độ chăm sóc tích cực tại nhà nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng và đẩy lùi bệnh nhanh chóng hơn.

  • Nghỉ ngơi tại giường nhiều hơn và tránh thực hiện các hoạt động đòi hỏi thể lực lớn;
  • Chườm lạnh và chườm ấm giúp giảm bớt sự khó chịu, đau nhức 2 bên mặt;
  • Giữ vệ sinh tai mũi họng, đặc biệt súc họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để giảm viêm;
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh tắm nước lạnh hoặc tiếp xúc với gió trời để tránh khiến bệnh tiến triển nặng hơn;
  • Uống nhiều nước, ưu tiên uống nước lọc, sữa hoặc các loại nước thảo mộc giúp tăng cường sức đề kháng, tránh uống nước ép trái cây có vị chua vì sẽ càng làm kích thích tuyến nước bọt khiến cơn đau càng nặng hơn;
  • Ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng, ưu tiên ăn những món mềm, lỏng, ít nhai, dễ tiêu hóa. Tăng cường bổ sung rau xanh, củ quả, trái cây tươi, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều axit nitric, thịt gà, gạo nếp, món ăn dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn...;
  • Nam giới bị quai bị nên mặc quần lót với thiết kế nâng tinh hoàn để giảm lực ma sát, giúp giảm đau;
  • Dùng thuốc giảm đau Corticoid trong khoảng vài ngày đầu kể từ thời điểm phát bệnh, sau đó giảm dần liều và chỉ dùng tối đa trong 7 - 10 ngày. Lưu ý chỉ được dùng thuốc sau thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa

Quai bị là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, hãy chủ động phòng ngừa bệnh lý này bằng các biện pháp tích cực sau:

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp phòng ngừa bệnh quai bị hiệu quả nhất

  • Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và tiêm nhắc lại khi trẻ 4 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai nên hoàn tất lịch tiêm phòng quai bị trước ít nhất 3 tháng. Nếu đã lỡ tiêm vắc xin mới phát hiện có thai, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra, theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn.
  • Những người chưa có vắc xin miễn dịch với virus quai bị nhưng đã tiếp xúc với người bệnh cần tiêm vắc xin ngay để tránh nguy cơ lây nhiễm. Việc tiêm phòng vắc xin cần được thực hiện càng sớm càng tốt, không quá 72 giờ sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Cải thiện chế độ dinh dưỡng, lối sống sinh hoạt khoa học và vận động tích cực nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh tật.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu kém để theo dõi và sớm phát hiện các bất thường, điều trị loại bỏ virus trước khi chúng phát thành bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến con tôi bị quai bị?

2. Tiên lượng mức độ quai bị của con tôi có nặng hay không?

3. Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

4. Trẻ bị quai bị có bị vô sinh không?

5. Cần làn những xét nghiệm gì để chẩn đoán quai bị?

6. Phương pháp điều trị bệnh quai bị tốt nhất cho trường hợp bệnh của con tôi?

7. Có thuốc đặc trị quai bị không?

8. Quá trình điều trị bệnh quai bị mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Phụ huynh cần làm gì để chăm sóc trẻ tại nhà hỗ trợ điều trị quai bị?

10. Sau điều trị, bệnh quai bị có tái phát không?

Quai bị gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất của trẻ và khả năng sinh sản của nam giới khi trưởng thành. Do đó, cần sớm phát hiện các triệu chứng bất thường của bệnh, nhất là các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con trẻ để kịp thời điều trị, ngăn chặn các biến chứng khó lường về khả năng sinh sản cũng như sức khỏe toàn diện của con.

Ngày đăng 13:44 - 14/03/2023 - Cập nhật lúc: 13:44 - 14/03/2023
Chia sẻ:
Viêm amidan Bệnh Viêm Amidan
Viêm amidan là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, nhất là ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu kém. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng viêm nhiễm…
Lệch vách ngăn mũi Bệnh Lệch Vách Ngăn Mũi
Lệch vách ngăn mũi là một dạng tổn thương cấu…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước
Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng…
Polyp dây thanh quản Bệnh Polyp Dây Thanh Quản
Polyp dây thanh quản là bệnh lý tai mũi họng…
Bệnh Liệt Cơ Mở Thanh Quản

Liệt cơ mở thanh quản là tình trạng suy giảm chức năng dây thanh quản, ảnh hưởng đến khả năng…

Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi

Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến. Các triệu chứng bệnh trong…

Bệnh viêm họng mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính xảy ra khi nhiễm trùng họng cấp không được điều trị. Tình trạng này khiến…

Bệnh viêm VA

Viêm VA là bệnh lý xuất hiện phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây là một trong số các vấn đề…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua