Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến. Các triệu chứng bệnh trong giai đoạn bùng phát rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm xoang, viêm mũi dị ứng... Bệnh khá lành tính và có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Điều trị phì đại cuốn mũi bằng thuốc kiểm soát triệu chứng hoặc can thiệp phẫu thuật xử lý tổn thương cuốn mũi. 

Tổng quan

Cuốn mũi nằm ở trên cùng của mũi, được cấu tạo từ xương xoăn mũi và phủ bên trên là lớp niêm mạc mỏng. Chức năng của cuốn mũi là phối hợp với hệ thống mạch máu giúp làm ấm không khí, lọc bỏ bụi bẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thu và trao đổi khí thuận lợi ở phổi.

Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi bị viêm nhiễm và sưng to bất thường gây cản trở đường hô hấp

Phì đại cuốn mũi (Nasal Turbinate Hypertrophy) là tình trạng các mô ở thành ngoài mũi phát triển quá mức và gây tắc nghẽn mũi. Vị trí chủ yếu là mô cuốn dưới, nơi đây tập trung vô số các nhóm mạch máu, dễ bị kích thích và sưng lên do các tác nhân như dị ứng, viêm nhiễm, cảm lạnh, các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên, tác dụng phụ của thuốc...

Ngoài ra, cuốn mũi còn có cuốn mũi trên và cuốn mũi giữa, nhưng ít bị tổn thương phì đại hơn cuốn mũi dưới. Bệnh nhân bị phì đại cuốn mũi thường xuyên có cảm giác khó chịu vùng mũi, nhất là khi nằm xuống hoặc cúi thấp người gây khó thở. Khuyến cáo điều trị phì đại cuốn mũi càng sớm càng tốt để tránh làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý về mũi khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cuốn mũi là bộ phận phải thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên từ môi trường bên ngoài nên rất dễ bị kích ứng, tổn thương. Bản chất của phì đại cuốn mũi là phản ứng viêm của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân này.

Lạm dụng thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cuốn mũi bị phì đại

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây phì đại cuốn mũi như:

  • VIêm mũi dị ứng & viêm mũi vận mạch: Phì đại cuốn mũi là một trong những hậu quả do bệnh nhân viêm mũi dị ứng và viêm mũi vận mạch dai dẳng gây ra.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp: Điều trị không triệt để hoặc không điều trị các bệnh như viêm xoang, viêm VA, viêm mũi, viêm amidan... khiến cuốn mũi dễ bị kích ứng, tổn thương, sưng phù to do nhiễm trùng.
  • Lệch vách ngăn mũi: Vách ngăn mũi bị lệch có thể do chấn thương, va chạm mạnh hoặc lệch vách ngăn mũi bẩm sinh. Dựa vào cơ chế tự chữa lành của cơ thể, cuốn mũi sẽ tự phì đại lên để bù đắp vào vị trí khuyết trống. Hầu hết các trường hợp này đều chỉ xảy ra ở 1 trong 2 bên mũi.
  • Lạm dụng thuốc xịt mũi: Đã có rất nhiều khuyến cáo y khoa về việc lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa hoạt chất imidazole làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng tổn thương khoang mũi, điển hình gây phì đại cuốn mũi.
  • Sử dụng chất kích thích: Tỷ lệ phì đại cuốn mũi ở những người nghiện hút thuốc lá cao gấp 2 - 3 lần so với người không sử dụng thuốc lá.
  • Các tác nhân khác: Các chất kích ứng tồn tại trong môi trường như không khí ô nhiễm, bụi mịn, khói thuốc lá, mạt gỗ, hóa chất, phấn hoa, lông động vật... cũng làm tăng nguy cơ khởi phát phì đại cuốn mũi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân phì đại cuốn mũi thường có các triệu chứng điển hình sau:

Nghẹt mũi, khó thở, chảy máu mũi... là những dấu hiệu đặc trưng ở những người có cuốn mũi phì đại

  • Nghẹt mũi, sổ mũi;
  • Khó thở, thở khò khè, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi;
  • Chảy máu cam do hỗn loạn luồng không khí đi vào mũi;
  • Ngủ ngáy, khó ngủ, mất ngủ;

Chẩn đoán 

Vì các triệu chứng phì đại cuốn mũi tương tự với nhiều bệnh lý đường hô hấp khác nên nếu chỉ đánh giá bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng vẫn chưa đủ để đưa ra kết quả chẩn đoán.

Nội soi mũi là kỹ thuật y tế đem lại kết quả chẩn đoán phì đại cuốn mũi chính xác

Sau khi thăm khám và khai thác tiền sử bệnh cá nhân, thói quen sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng sau:

  • Nội soi khoang mũi, thăm dò và phát hiện tổn thương cuốn mũi;
  • Nếu nghi ngờ viêm xoang cấp hoặc chẩn đoán phân biệt phì đại cuốn mũi với các bệnh lý đường hô hấp khác có thể tiến hành chụp CT Scan;

Biến chứng và tiên lượng

Phì đại cuốn mũi nghiêm trọng vừa gây tổn thương cấu trúc và cản trở chức năng hô hấp. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, khó thở liên tục làm giảm hiệu suất công việc, học tập.

Phì đại cuốn mũi không điều trị đúng cách gây ra nhiều hệ lụy khó lường như giảm khứu giác, thính giác

Không những vậy, phì đại cuốn mũi còn có nhiều biến chứng tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như:

  • Suy giảm khứu giác;
  • Suy giảm thính lực;
  • Khởi phát viêm xoang cấp - mạn tính;
  • Ngưng thở đột ngột, dẫn đến tử vong;
  • Thiếu oxy làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, khí phế thủng và nhiều vấn đề bất thường về hệ hô hấp;
  • Tai biến tổn thương hệ thần kinh do não bộ thiếu oxy gây hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn đột ngột, suy giảm trí nhớ...;

Điều trị

Điều trị phì đại cuốn mũi cần được thực hiện sớm nhằm mục đích giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Có nhiều cách điều trị phì đại cuốn mũi như:

Dùng thuốc 

Đây là phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi hiệu quả và đơn giản nhất. Phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh do tác nhân dị ứng. Thuốc phát huy tác dụng nhanh chóng giúp cải thiện các triệu chứng liên quan, giúp người bệnh thoải mái và rút ngắn thời gian điều trị.

Các loại thuốc trị phì đại cuốn mũi thường dùng như:

Phác đồ thuốc trị phì đại cuốn mũi gồm các loại như kháng histamin, co mạch, thuốc xịt steroid... giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh

  • Thuốc co mạch: Có tác dụng cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, khó thở do cuốn mũi phì đại gây tắc nghẽn đường thở. Đồng thời, hỗ trợ làm giảm các hiện tượng sưng phù, xung huyết, xuất huyết niêm mạc mũi... Liều dùng khuyến cáo đối với nhóm thuốc này tối đa 7 ngày. Người bệnh tuyệt đối không được sử dụng lâu hơn thời gian này để tránh gây nhờn thuốc.
  • Thuốc xịt steroid: Đây là dạng thuốc xịt mũi chứa hoạt chất steroid giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm nhiễm cuốn mũi.
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc có tác dụng ngăn không cho cơ thể sản sinh histamin - tác nhân chính gây dị ứng ở mũi, phát huy tốt khả năng kiểm soát các phản ứng dị ứng cấp tính. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng, không thể điều trị dứt điểm tận gốc nguyên nhân dị ứng gây phì đại cuốn mũi.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc trị phì đại cuốn mũi nói riêng và các bệnh tai mũi họng nói chung cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc hoặc lạm dụng quá liều cho phép để tránh các rủi ro tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Can thiệp ngoại khoa 

Những trường hợp bị phì đại cuốn mũi do dị tật bẩm sinh, chấn thương nặng hoặc có biến chứng không còn đáp ứng với điều trị nội khoa sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa sớm.

Phẫu thuật giúp xử lý tổn thương gây phì đại cuốn mũi, điều chỉnh vách ngăn mũi, giảm kích thước cuốn mũi, khai thông đường thở... Một số trường hợp thực hiện đồng thời phẫu thuật phì đại cuốn mũi với phẫu thuật xoang hoặc phổi (do bác sĩ chỉ định dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh).

Phẫu thuật phì đại cuốn mũi nhằm giảm kích thước hoặc loại bỏ khối phì đại xử bệnh triệt để

Hiện nay, sự phát triển của y học hiện đại đã nghiên cứu và phát minh nhiều phương pháp thực hiện tốt các mục tiêu điều trị phì đại cuốn mũi này như:

  • Nội soi đốt thu nhỏ cuốn mũi kết hợp dao cắt Coblator II;
  • Phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở loại bỏ một phần cuốn mũi bị phì đại;
  • Sóng năng lượng tần số radio;
  • Phương pháp Plasma xâm lấn tối thiểu sử dụng nguồn nhiệt thấp loại bỏ viêm nhiễm, hỗ trợ loại bỏ tổn thương và tái cấu trúc xoang mũi;

Sau điều trị phẫu thuật phì đại cuốn mũi, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh trong thời gian ngắn để giảm nguy cơ nhiễm trùng và thuốc giảm đau giảm bớt sự khó chịu. Tuy phẫu thuật đem lại hiệu quả cao, nhưng những rủi ro của phương pháp này vẫn cần được chú ý theo dõi để xử lý kịp thời.

Phòng ngừa

Dựa vào nguyên nhân gây phì đại cuốn mũi, mỗi người đều có thể tự lên kế hoạch cho việc phòng ngừa bệnh hiệu quả. Chẳng hạn như:

 

  • Bảo vệ đường hô hấp khỏi các tác nhân gây dị ứng bằng cách che chắn, đeo khẩu trang cẩn thận khi ra ngoài và giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, đặc biệt sử dụng thuốc nhỏ mũi vệ sinh chuyên dụng (khuyến cáo dùng nước muối sinh lý).
  • Không nên tắm nước lạnh trễ sau 9h tối giảm nguy cơ nhiễm lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh viêm xoang mũi hoặc các bệnh lý đường hô hấp khác.
  • Không chọc ngoáy mũi bằng tay hoặc các vật nhọn để giảm nguy cơ tổn thương cấu trúc mũi.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ về tai mũi họng nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ hoặc khám tổng quát toàn diện để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị nghẹt mũi, khó thở, chảy máu mũi, đau đầu...?

2. Tại sao tôi bị phì đại cuốn mũi?

3. Bệnh phì đại cuốn mũi có nguy hiểm đến tính mạng không?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán phì đại cuốn mũi?

6. Tôi bị phì đại cuốn mũi có nên phẫu thuật không? Khi nào?

7. Nếu chỉ dùng thuốc có làm giảm kích thước khối phì đại cuốn mũi không?

8. Quá trình điều trị phì đại cuốn mũi mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Chi phí điều trị phì đại cuốn mũi có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?

10. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị phì đại cuốn mũi?

Tình trạng cuốn mũi phì đại hoàn toàn không phải bệnh lý tai mũi họng quá nguy hiểm và có tiên lượng tốt nếu điều trị đúng cách, kịp thời. Khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám sớm ngay phát hiện các dấu hiệu bất thường, trước khi có biến chứng để đạt hiệu quả cao trong điều trị, giảm thiểu thấp nhất những ảnh hưởng đến đường hô hấp.

Ngày đăng 16:34 - 06/04/2023 - Cập nhật lúc: 16:35 - 06/04/2023
Chia sẻ:
Viêm đường hô hấp trên Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Trên
Viêm đường hô hấp trên là tập hợp các bệnh tại đường hô hấp phía trên như hầu, mũi, thanh quản và xoang. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ…
Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những bệnh lý đường…
Lệch vách ngăn mũi Bệnh Lệch Vách Ngăn Mũi
Lệch vách ngăn mũi là một dạng tổn thương cấu…
Sốt Siêu Vi
Sốt siêu vi xảy ra khi cơ thể nhiễm virus,…
Bệnh Lao Thanh Quản

Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát thường xảy ra sau khi điều trị lao phổi hoặc…

Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn

Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp, chủ yếu là ở phổi. Bệnh xảy ra phổ biến…

Viêm tai giữa Bệnh Viêm Tai Giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý tai mũi họng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng…

Bệnh Viêm Màng Nhĩ

Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em do cấu trúc ống tai…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua