Bệnh nổi mề đay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Bác sĩ Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan – Khoa Da liễuGiám đốc Chuyên môn – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh nổi mề đay hay còn gọi là mày đay mẩn ngứa. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Nguyên nhân gây mề đay liên quan đến nhiều yếu tố trong và ngoài cơ thể. Nhận biết triệu chứng, tìm hiểu nguyên nhân để có cách kiểm soát, khắc phục phù hợp.

Tổng quan

Bệnh mề đay hay còn gọi là mày đay, đây là dạng bệnh da liễu nhiều người gặp phải. Biểu hiện trên da nhiều nốt đỏ, mảng đỏ với kích thước và hình dạng khác nhau. Bệnh mề đay gây ngứa ngáy khó chịu, có khả năng tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nổi mề đay
Trên da xuất hiện những mảng đỏ ngứa ngáy do mề đay

Mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh nhân không nên chủ quan. Một vài trường hợp mề đay chuyển biến nặng, kéo dài gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của bệnh nhân. Do đó, tốt hơn hết khi nhận thấy triệu chứng bệnh kéo dài không thuyên giảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

Phân loại

Mề đay được phân thành 2 dạng bệnh chính là cấp và mãn tính. Cụ thể:

Mề đay cấp tính

Bệnh mề đay cấp xảy ra và thuyên giảm trong khoảng 6 tuần. Các triệu chứng mề đay cấp diễn biến đột ngột, xuất hiện nốt mẩn ngứa tại nhiều vùng da trên cơ thể, đôi khi lan rộng toàn thân. Theo thống kê, có khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân mắc mề đay cấp kèm theo tình trạng phù mạch.

Đây là hiện tượng sưng sâu bên trong da khiến da đỏ, căng phồng kèm theo ngứa ngáy, đau rát khi chạm vào. Tuy nhiên bệnh nhân không cần quá lo lắng, bởi sau một thời gian ngắn kiểm soát đúng cách hiện tượng này sẽ chấm dứt hoàn toàn.

Mặc dù vậy, thực tế có rất nhiều người chủ quan trước mề đay cấp tính. Trường hợp da không được chăm sóc và kiểm soát đúng cách có thể dẫn đến tình trạng mề đay mãn tính, tái đi tái lại thường xuyên.

Mề đay mãn tính

So với mề đay cấp tính, bệnh nhân bị mề đay mãn tính có thời gian bùng phát triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần. Các tổn thương trên da hình thành diễn biến lâu ngày khiến bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt đời sống. Đặc trưng dễ nhận biết thông qua các nốt ban đỏ, ngứa ngáy xảy ra ở nhiều vùng da cơ thể.

Cơn ngứa ngáy có thể xuất hiện vào ban đêm làm người bệnh khó chịu, bứt rứt không ngủ được. Lâu dần, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng khác nếu mề đay mãn tính kéo dài không có biện pháp kiểm soát điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh mề đay xảy ra có liên quan đến hoạt động của hệ thống tự miễn. Khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, cơ thể giải phóng histamine và các chất trung gian chống lại tác nhân gây hại. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng phình giãn mạch máu nhỏ, tích tụ dịch gây phù mạch.

Nguyên nhân
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh mề đay

Bệnh nhân có thể quan sát biểu hiện bất thường trên da kèm theo cảm giác ngứa ngáy, đau xót từ âm ỉ đến nặng nề. Các nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến các yếu tố như sau:

  • Tác dụng phụ của thuốc, nhất là người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, giảm đau. Cơ thể phát sinh các phản ứng dị ứng gây mề đay, mẩn ngứa ngoài da trong thời gian dùng thuốc.
  • Do ăn phải thực phẩm không phù hợp, thức ăn gây dị ứng, chứa chất phụ gia, chất bảo quản.
  • Dị ứng khi tiếp xúc với lông thú nuôi, phấn hoa, bụi bẩn trong không gian sống, các yếu tố từ môi trường xung quanh.
  • Thời tiết thay đổi, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh khiến cơ thể bị kích ứng hình thành các nốt mẩn ngứa, mề đay.
  • Dị ứng các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp không phù hợp.
  • Do nhiễm virus, ảnh hưởng các bệnh đường tiết niệu, bệnh xương khớp, lupus ban đỏ,... và nhiều bệnh lý liên quan khác.
  • Do áp lực, do stress lâu ngày dẫn đến rối loạn nội tiết, suy giảm hệ miễn dịch trong cơ thể.

Ngoài ra còn nhiều tác nhân bên ngoài khác có liên quan đến tình trạng nổi mề đay. Chẳng hạn bệnh nhân mặc quần áo bó sát, quá chật trong thời gian dài, do ngồi nằm quá lâu, do côn trùng cắn, dị ứng mủ cao su và nhiều yếu tố khác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh nổi mề đay xuất hiện ở mỗi người sẽ không hoàn toàn giống nhau. Tùy vào mức độ viêm nhiễm, mỗi giai đoạn bệnh và cơ địa của người bệnh mà biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Nhận biết thông qua một số triệu chứng điển hình như sau:

  • Bệnh mề đau mẩn ngứa làm da xuất hiện nhiều nốt sần đỏ, hồng, phát ban trên nhiều vùng da cơ thể. Kích thước nốt mẩn đỏ, mảng đỏ khác nhau.
  • Cơn ngứa ngáy xuất hiện, đặc biệt nặng hơn nếu cơ thể bị đổ nhiều mồ hôi, da không được vệ sinh sạch sẽ. Ngứa ngáy xuất hiện thường vào ban đêm và chiều tối. Nếu vô tình cào gãi tạo vết thương hở trên da sẽ gây sẹo và tăng rủi ro bội nhiễm da.
  • Trường hợp mề đay nặng nề hơn, bệnh nhân còn nhận thấy các biểu hiện bất thường khác kèm theo. Chẳng hạn như hiện tượng khó thở, nhiễm trùng da, mụn nước nổi trên da.

Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán từ những triêu chứng thông thường, kết hợp các xét nghiệm phân biệt bệnh và kiểm tra chuyên sâu để tìm hướng khắc phục phù hợp. Đa số các trường hợp bệnh nhân không cần điều trị, sau một thời gian mề đay sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên đối tượng mề đay nặng, kéo dài phải khám chữa y tế phòng tránh rủi ro. Sau khi kiểm tra các tổn thương trên da, xác định vị trí mề đay, hiện tượng kèm theo nếu có, bác sĩ chỉ định xét nghiệm cần thiết khác như xét nghiệm công thức máu.

Xét nghiệm máu xác định nguyên nhân gây bệnh, phân biệt viêm nhiễm và tình trạng dị ứng. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị mề đay phù hợp, đảm bảo an toàn và tính hiệu quả cho bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Mề đay sau một thời gian xuất hiện sẽ thuyên giảm không cần điều trị, các nốt mẩn đỏ biến mất không để lại sẹo. Tuy nhiên trường hợp không chăm sóc da tốt, mề đay khởi phát do bệnh lý, mề đay mãn tính không điều trị đúng cách có khả năng tái đi tái lại và gây ra nhiều biến chứng.

Biến chứng
Trường hợp mề đay nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe bệnh nhân

Cơn ngứa ngáy xuất hiện thường xuyên, nhất là vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Ngoài ra, nếu vô tình cào gãi gây tổn thương da có nguy cơ khiến da viêm nhiễm nặng nề hơn, tăng rủi ro bội nhiễm không có lợi cho sức khỏe.

Trường hợp da tổn thương còn để lại thâm sẹo kém thẩm mỹ làm bệnh nhân tự ti khi giao tiếp. Nếu bệnh lý biến chứng càng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến sưng khí quản, sưng họng gây khó thở, nghẹt thở.

Một số trường hợp khác, mề đay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lúc này, bệnh nhân sẽ kèm theo các triệu chứng nặng như đau quặn bụng, ói mửa, tiêu chảy. Mề đay nghiêm trọng còn ảnh hưởng thần kinh, gây phù nề não bộ, giãn mạch nhanh, gây tụt huyết áp, sốc phản vệ,..

Điều trị

Xác định nguyên nhân gây mề đay để có điều chỉnh khắc phục phù hợp. Trường hợp nổi mề đay do tác dụng phụ của thuốc, dị ứng thực phẩm có thể phải tạm ngưng theo chỉ định để ngăn mề đay nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần áp dụng điều trị các triệu chứng không đặc hiệu bằng cách tắm mát, không cào gãi, lựa chọn quần áo thoải mái để da dần hồi phục.

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng mề đay sử dụng thuốc kháng histamin. Bên cạnh đó, tùy mỗi tình trạng mề đay của bệnh nhân các dạng thuốc khác sẽ được kết hợp để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Cụ thể:

  • Thuốc kháng steroid: Dùng đường uống hoặc dạng tiêm. Sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị với thuốc kháng histamin, tình trạng ngứa ngáy không thuyên giảm. Thuốc steroid được kê kết hợp thuốc kháng histamin.
  • Thuốc sinh học: Thuốc được chỉ định điều trị trường hợp các loại thuốc khác không có tác dụng như mong đợi. Thuốc sinh học omalizumab giúp ngăn chặn immunoglobulin. Nhờ đó các triệu chứng mề đay được kiểm soát rõ rệt.
  • Thuốc tiêm epinephrine, thuốc cortisone, thuốc miễn dịch: Dùng trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng, có khả năng sinh biến chứng.

Sử dụng thuốc điều trị mề đay theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc để ngăn chặn rủi ro gặp phải các tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe.

Điều trị
Sử dụng thuốc điều trị mề đay theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Điều trị trường hợp phù mạch

Đối tượng nổi mề đay kèm theo sưng phù mạch hầu họng hoặc gặp phải các vấn đề tại đường hô hấp được chỉ định dùng epinephrine 0,3mL, dung dịch tiêm dưới da tỷ lệ 1:1000. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi ra viện bệnh nhân tiếp tục dùng bút tự tiêm epinephrine theo hướng dẫn.

Phòng ngừa

Bệnh nổi mề đay mặc dù không nguy hiểm như nhiều chứng bệnh khác, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Khi da không được chăm sóc tốt, có vết thương hở dễ dàng làm bệnh biến chứng, viêm nhiễm nặng nề.

Chủ động chăm sóc bảo vệ làn da, phòng ngừa mề đay mẩn ngứa. Một vài lưu ý:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa mỗi ngày để hạn chế vi khuẩn, tác nhân gây hại lưu trú ảnh hưởng đến làn da.
  • Đối tượng có cơ địa dị ứng nên chủ động tránh xa những thực phẩm gây dị ứng, các tác nhân môi trường nhân lông vật nuôi, phấn hoa, nguồn nước ô nhiễm,...
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh để tránh gặp phải tác dụng phụ nổi mề đay, mẩn ngứa.
  • Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày khoa học nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch, đề kháng cho cơ thể.
  • Khi thời tiết thay đổi nên giữ ấm cho cơ thể, lựa chọn quần áo thoải mái, không nên mặc đồ quá bó sát gây tổn thương da.
  • Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường và điều trị càng sớm càng tốt.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh nổi mề đay có chữa khỏi hoàn toàn được không?

2. Có được tắm hoặc ra gió khi bị nổi mề đay không?

3. Dùng thuốc bôi trị nổi mề đay có được không?

4. Nếu không điều trị mề đay có tự khỏi không?

5. Nổi mề đay có nguy hiểm không?

6. Nổi mề đay kèm theo khó thở là bị gì? Chữa trị được không?

7. Dùng thuốc trị nổi mề đay bao lâu thì mẩn ngứa biến mất?

Bệnh nổi mề đay có thể thuyên giảm trong thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có thể kéo dài mãn tính. Chủ động điều chỉnh những thói quen không có lợi, chăm sóc tốt làn da để ngăn ngừa biến chứng. Theo dõi và đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài không thuyên giảm.